Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Khoảng trống trách nhiệm



TTXVA - October 7, 2013 - Không biết ông Philipp Roesler bên Đức khi từ chức có buồn không, chỉ biết rằng có nhiều người Việt tiếc cho ông.

Thật ra, khi bầu cử có kết quả thì việc ông từ chức là kết cục mà ai cũng đoán trước.

Roesler không từ chức mới lạ. Đấy là câu chuyện ở Đức chứ không phải Việt Nam.

Chuyện bình thường

Dù sao cũng tiếc cho tài năng và tuổi trẻ của Roesler. Phải chi ông ở Việt Nam thì đâu có kết thúc sự nghiệp chính trị sớm như vậy.

Nếu Roesler là một lãnh đạo trong đảng cầm quyền ở Việt Nam thì ông không phải bầu cử chi cả. Đảng của ông cũng sẽ không bao giờ mất quyền lực để rơi tình trạng thê thảm thế kia.

Thậm chí nếu ông có không làm tròn bổn phận thì vẫn có khả năng đảng của ông vẫn sắp xếp ông ngồi đó chứ không thể muốn từ chức là được.

Rủi cho Roesler là Đảng Tự do Dân chủ của ông không thiếu người tài để thay ông. Thế là họ phủi tay để ông đi cho xong.

Nhưng nếu đảng có nghĩ tình mà lưu dung thì ông cũng còn mặt mũi nào mà hàng ngày đối diện các đồng chí sau khi đã chịu thất bại ê chề như vậy.

Cho nên ông Roesler từ chức là điều bình thường tự nhiên ai cũng hiểu.

Chức vụ, suy cho cùng, cũng chỉ là phương tiện để thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ không xong thì giữ chức vụ để làm gì?

Có lẽ vì thế mà Roesler đã có hành động từ chức rất nhanh, rất gọn và dứt khoát.

Tuy nhiên, ‘xét một cách toàn diện’ một người như Roesler khó có cửa mà hoạt động trong nền chính trị Việt Nam hiện tại.

Ông là người có tài, nếu không đã không làm đến lãnh đạo một đảng chính trị và vào được liên minh cầm quyền trong một nền chính trị cạnh tranh khốc liệt.


Sự nghiệp chính trị của Roesler chấm dứt khi ông còn khá trẻ

Nhưng một đứa trẻ mồ côi, thân cô thế cô, không tiền không bạc, chỉ bằng khả năng bản thân thì có thể tự lực vươn lên trong hệ thống chính trị Việt Nam được sao?

Đó là chưa nói đến nếu ông Roesler không tin vào ‘đấu tranh giai cấp’, ‘bạo lực cách mạng’ hay ‘chuyên chính vô sản’ thì không cách chi ông có thể dùng tài năng của mình đóng góp cho đất nước.

Nền chính trị độc đảng, cho nên, tự thân nó đã gạt ra bên lề rất nhiều người tài giỏi và tâm huyết. Sự lãng phí đấy là không gì bằng.

Ở đây tôi muốn nhắc lại câu nói của Roesler với các sinh viên ở Hà Nội: “Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại Việt Nam mà có cơ hội vươn lên và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh thế nào”.

Tôi nghĩ thêm rằng nếu mỗi cá nhân được tự do phát huy bản thân thì không chỉ cá nhân đó vươn đến đỉnh cao mà đất nước nhờ đó cũng phát triển đến bực nào.

Trong phạm vi bài viết này tôi không đi sâu vào việc sử dụng người tài mà muốn tìm hiểu tại sao một hành động tự nhiên như của ông Roesler lại là quá xa lạ ở Việt Nam.

Không ai từ chức

Không hiếm khi chúng ta đọc trên báo chí có vị quan chức nào đó ở một quốc gia nào đấy không phải Việt Nam từ chức.

Tôi còn nhớ cách đây không lâu có tin một bộ trưởng Ai Cập từ chức ngay sau khi có một tai nạn đường sắt làm chết nhiều trẻ em.

Ở Việt Nam mà từ chức kiểu đó thì lấy đâu ra bộ trưởng từ chức cho đủ?

Vị bộ trưởng Ai Cập đấy chắc không thể hiểu được tại sao ở một đất nước mà hàng ngày đều có tin ‘vào bệnh viện là chết’ mà trước giờ chưa có bộ trưởng y tế nào phải từ chức.


Việt Nam có số người chết vì tai nạn giao thông rất cao

Nào là trẻ chết vì tiêm vaccine, nào là sản phụ tử vong, nào là mổ nhầm chỗ, nào là bệnh nhân trả về sống lại – ngay cả các bác sỹ liên quan còn không hề hấn gì nữa là bộ trưởng.

Tại sao có sự khác biệt đó? ‘Dân trí thấp’ chăng? Hay trình độ phát triển của Việt Nam chưa bằng họ?

Dù là Việt Nam hay Ai Cập nếu xét kỹ thì sẽ thấy đâu đâu cũng có sợi dây trách nhiệm ràng buộc giữa con người với nhau.

Nhà sản xuất đáp ứng khách hàng, nhà văn đáp ứng độc giả, nghệ sỹ đáp ứng khán giả, nhân viên đáp ứng ông chủ…

Nhà văn không thể viết sao tùy thích mà không cần biết người đọc có mua sách hay không. Suy cho cùng họ bị ràng buộc bởi những người trả tiền để nuôi sống họ.

Nếu vậy bác sỹ chả lẽ không cần đáp ứng bệnh nhân sao?

Nếu là bác sỹ ở bệnh viện tư thì không nói. Nhưng nếu bác sỹ là công chức nhận việc từ Nhà nước trong khi Nhà nước đó lại không có sự ràng buộc trách nhiệm với dân thì đó lại là chuyện khác.

Trường hợp của quân đội cũng vậy. Quân đội là do Đảng đứng ra lấy tiền của dân nuôi nhưng quân đội chỉ thấy Đảng là chủ. Cho nên họ mới thề trung thành với Đảng trước tiên.

Chỗ đứt đoạn

Căn bệnh quan liêu, hách dịch cũng bắt nguồn từ đây.

Cán bộ nhận quyền lực từ Đảng, chứ có phải từ dân đâu? Cho nên chả trách họ chỉ sợ Đảng chứ không biết có dân.


Đảng Cộng sản gặp nhiều vấn đề về tham nhũng và quan liêu

Với lại, quyền lực không do dân giao nên họ có thể tận hưởng quyền lực đó trước nhân dân.

Từ bác sỹ tắc trách, cán bộ quan liêu, quân đội hiểu lầm truy cho đến tận cùng thì sẽ thấy không có sợi dây ràng buộc trách nhiệm giữa chính quyền với nhân dân.

Không có liên hệ giao-nhận quyền lực thông qua bầu cử thì chính quyền không nhất thiết phải đáp ứng nhân dân với tư cách là người cho họ quyền lực họ đó và bỏ tiền ra nuôi họ.

Cho nên sự ràng buộc trách nhiệm ở Việt Nam bị đứt đoạn lớn nhất ở chỗ chính quyền và từ đó lan ra trong toàn hệ thống.

Đảng không có sự ràng buộc trách nhiệm với dân cho nên toàn bộ hệ thống công chức, cán bộ, công an, quân đội, tòa án của Đảng tạo ra đều làm việc cho Đảng mà không có sự ràng buộc trách nhiệm với dân mà đáng lý ra họ phải có.

Có thể thấy quy luật ràng buộc trách nhiệm bị chà đạp ở mối quan hệ xã hội trọng yếu nhất.

Một nhân viên không làm được việc thì người chủ có thể sa thải mà thuê nhân viên khác. Còn nếu chính quyền không làm được việc thì người dân liệu có nói rằng thôi tôi không trả tiền cho anh nữa để tôi thuê người khác được không?

Tuy nhiên chẳng phải Đảng đã từng lên tiếng nhận trách nhiệm trước dân hay sao? Vậy sao lại nói chính quyền thiếu sự ràng buộc trách nhiệm?

Phải nói là ai cũng muốn ‘nhận trách nhiệm’ như cách của Đảng. Nhưng có điều họ không làm được.

Suy cho cùng, trách nhiệm của ai đó sẽ không đầy đủ nếu không: tận lực một cách xứng đáng; giải trình nếu hậu quả xảy ra; biết tự xử lý khi làm sai và nhận chế tài trừng phạt.
\
Vụ cháy Hải Dương


Vụ cháy ở Hải Dương có phải là quá phức tạp nên không chữa được?

Vụ cháy trung tâm thương mại Hải Dương là ví dụ điển hình của cả bốn yếu tố trách nhiệm nói trên đều không có.

Chỉ trong một đêm mà trên 500 tỷ bạc ra tro bụi.

Người dân thì đứt ruột đứt gan nhìn của cải kẹt trong biển lửa còn cứu hỏa dập lửa kiểu gì mà lửa cháy cả ngày đêm, cháy đến khi không còn gì để cháy nữa thì thôi.

Tiểu thương lòng dạ như lửa đốt trong khi cứu hỏa được mô tả là lề mề, vụng về và dập lửa như gãi ngứa.

Tôi không có mặt ở hiện trường nên không hiểu thực hư thế nào, với lại cũng nên thông cảm cho tính chất nguy hiểm của công việc cứu hỏa phải đánh cược sinh mạng của mình.

Tuy nhiên, cứu hỏa ăn lương của dân chỉ để dập lửa mà dập không được lại còn để cháy sạch tài sản của dân thì đúng là họ đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.

Họ lãnh lương ngàn ngày chỉ để chữa cháy một buổi mà làm không xong thì ít nhất họ không xứng đáng với số tiền đã nhận.

Sau khi sự việc xảy ra trong lúc người dân chờ đợi giải trình nhất thì họ chưa hề lên tiếng một lời suốt từ đó đến nay.

Và do không rõ đúng sai thế nào nên họ cũng không phải xin lỗi hay từ chức chi hết.

Cuối cùng khi nhà chức trách mở cuộc điều tra về tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ thì chỉ thấy truy tố ban quản lý và bảo vệ chợ chứ không đả động gì đến cứu hỏa.

Học về trách nhiệm


Bỏ phiếu tín nhiệm là một việc hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam

Dẫu sao chính quyền Việt Nam cũng đang tập tễnh học các nước về trách nhiệm. Cho nên họ mới bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội mà nghe nói cũng sẽ làm trong Đảng.

Nhưng trước mắt dường như vẫn còn sự nể nang, xuề xòa và dĩ hòa vi quý nên chưa có tác dụng bao nhiêu.

Dù sao đây cũng là một bước tiến lớn ở một đất nước mà trước giờ chưa quen với giải trình. Bản thân Quốc hội cũng đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên trong bối cảnh mối quan hệ trách nhiệm đứt đoạn toàn diện trong hệ thống thì nỗ lực này cũng chỉ như đấm vào không khí và cũng chẳng khác gì phê và tự phê.

Mà cuộc sống không có trách nhiệm thì sẽ hỗn loạn đến đâu? Còn nếu ai cũng chu toàn chức trách thì xã hội sẽ phát triển đến mức nào?

Nhìn sang các nước phát triển phương Tây như tôi biết, khi đã đi làm và nhận đồng lương thì ai cũng phải làm việc hết khả năng để sao cho công việc hiệu quả nhất có thể.

Còn ở Việt Nam thì, như phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, nhiều công chức sáng cắp ô đi chiều cắp về.

Cho nên cũng không trách sao một bên lãnh lương mấy ngàn đô còn một bên chỉ vài trăm đô mỗi tháng.

Nếu làm việc với hiệu suất cao nhất có thể thì đương nhiên người ta có quyền hưởng mức lương xứng đáng.

Trong khi đó công chức Việt Nam đồng lương không đủ sống mà tại sao không ít người bỏ cả hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để chạy?


Đại đa số người dân Việt Nam chưa từng tham dự các cuộc ‘tiếp xúc cử tri’

Với mức lương bèo bọt như thế mà lại có những cán bộ giàu có đến giật mình. Vì sao họ giàu như thế thì chắc ai cũng hiểu.

Đất nước nghiễm nhiên trở thành kho tàng cho các cán bộ quan chức ‘rút rỉa’.

Bán và để dành

Khi Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước thì dù muốn dù không của cải tài nguyên đất nước hoàn toàn nằm trong tay Đảng. Đảng muốn sử dụng thế nào đi nữa thì có ai làm gì được Đảng?

Mà Đảng viên cũng chỉ là con người bình thường chứ không phải thánh nhân. Mấy ai cưỡng được cám dỗ?

Chẳng phải Đảng có kỷ luật của Đảng sao? Nhưng nếu số đông rút rỉa thì số còn lại có đi kỷ luật được số đông đó không?

Cho nên nếu có mua chức bán quyền thì cũng là chẳng có gì lạ. Kẻ có chức để bán thì dại gì không bán. Người bỏ nhiều tiền ra mua thì chắc chắn phải mua về thứ đáng tiền và đương nhiên họ phải tận dụng cho đáng đồng tiền bát gạo đã bỏ ra.

Kẻ bán người mua đều có lợi, chỉ đất nước là thiệt trăm bề.

Việc dân, việc nước không có người tài để làm trong khi người làm thì không những không đủ khả năng mà còn tìm mọi cách tận dụng việc công cho lợi riêng.

Mà chức quyền đâu chỉ để bán? Đó còn là của để dành của con ông cháu cha. Thực tế này còn ăn sâu bám rễ trong lòng Đảng còn hơn cả chạy chức chạy quyền.

Nói công bằng con ông cháu cha không phải không có chỗ tốt. Ít nhất họ cũng nhanh chóng thích nghi và mau quen việc.

Nhưng nếu không cạnh tranh công bằng thì không thể nào tìm được người tài cho đất nước.

‘Đạo làm quan’


Bà Clinton từng dứt khoát từ chối nhiệm kỳ hai dù bà làm ngoại trưởng rất thành công

Do đó, ‘đạo làm quan’, theo tôi nghĩ, là đem bản thân làm lợi cho đất nước chứ không phải lấy đất nước làm lợi cho bản thân.

Làm việc dân việc nước là mang trên mình trách nhiệm về an nguy và cuộc sống của bao nhiêu người.

Đó là núi gươm rừng dao chứ không phải rừng vàng biển bạc.

Nếu ai thấy mình đủ khả năng xông qua gươm dao đó thì sẽ được giao chức quyền để thực thi chức trách. Nếu chức trách không tròn thì phải trả lại chức vụ giống như ông Philipp Roeseler.

Một khi đã hết lòng vì dân vì nước thì họ cũng cần được trả công xứng đáng. Đó cũng là lẽ công bằng.

Còn trong cơ chế hiện nay, vào Đảng là để được thăng quan tiến chức thì liệu cán bộ có thấy được núi gươm rừng dao đó hay không?

Chưa kể với tư duy nhiệm kỳ, khi các quan chức biết họ không có thêm nhiệm kỳ nữa thì họ lại càng ra sức kiếm chác còn công việc làng nhàng cho xong cũng chả sao.

Ở đây tôi nhớ đến cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bà kiên quyết không làm thêm nhiệm kỳ nữa mặc dù từ tổng thống cho đến người dân đều mong bà ở lại.

Hơn ai hết, chắc hẳn bà biết công việc phục vụ đất nước gian nan và vất vả như thế nào.

Ở Việt Nam, đào đâu ra một cán bộ sợ chức quyền như thế?

Mà nếu cứ mãi rút rỉa như thế thì có lúc đất nước chỉ còn lại xác ve

THEO BBC


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam