Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tiếng đất kêu thương



Gò Cỏ May - 27/11/2013 - Thế là thời gian không còn đui mù câm điếc mãi được nữa. Đêm qua (26/11), mấy tay làm chương trình “Ký ức thời gian” ở Ban Khoa giáo của VTV cũng phải thú nhận thời kỳ Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) mỗi công (một ngày) lao động của xã viên HTX chỉ được chia từ 1 đến 3 lạng thóc. Hôm trước mình cứ lo hão mỗi công lao động được chia 4 lạng thóc ở quê mình là bèo qúa. Hóa ra vẫn tươm chán.

Những “phát minh” vĩ đại của mô hình sản xuất “tiên tiến” ở miền Bắc XHCN thời đó cũng được một nông dân trung thực ở xã Yên Nghiã – Hà Đông (mình đoán tay này chắc phải cỡ chủ nhiệm HTX) thú nhận, ngoài mỗi việc chế ra được máy tuốt lúa (đạp chân hay dùng mô tơ điện) thay dùng cối đá đập lúa. Thì chuyện cải tiến cày 2 lưỡi đã giết chết không biết bao nhiêu trâu khoẻ trâu ngoan. Việc dùng hai người kéo trục đá thay cho trâu bò bừa rơm cũng vậy. Đã làm giập nát những hạt thóc vàng chắc mẩy qúi giá. Đành phải “cải lùi”.
Nhớ ở quê mình thời đó có chú Minh Cứ nhà ở xóm Bẫm, không biết nghe cán bộ đi tập huấn về khoa học kỹ thuật ở trên về xui dại. Nói phân trâu non là còn chứa nhiều chất bổ dưỡng. Hệ tiêu hóa của trâu chưa hấp thụ hết có thể đem nấu với cám nuôi lợn rất tốt. Nói là làm, nhà chú Minh có mấy cái nồi bằng đồng và gang to (loại chuyên dùng nấu bánh vào dịp tết) đều được huy động vào cuộc thử nghiệm. Tới bữa, đàn lợn lúc đầu cũng rũi mõm tìm hít những chỗ đặc cám rít ăn. Nhưng sau đấy, dù có chết đói cũng không chịu ”sực” cái món “thức ăn tổng hợp” nặng mùi đó. Kết cục đi tong mấy cái nồi (tài sản qúi của nhà nông thời đó) nấu bánh vì khi được đun nóng, mùi phân trâu đã ngấm sâu vào bên trong thành và đáy nồi không tài nào ngâm cọ sạch được nữa…

Thời bao cấp, mỗi khi có con trâu mộng kiệt sức mà chết. Ngoài đồng thì thiếu sức kéo. Nhưng trong làng thì rậm rịch vui phải biết. Trâu ngả thịt được chia theo lao động chính. Mỗi đợt chia, ngoài vài cục xương và mấy miếng lòng sách (dạ dày) ra, mỗi xuất chỉ được khoảng 3 – 4 lạng thịt vụn là cùng. Tôi nhớ sao món thịt trâu xào rau cần tỏi dạo đó thơm ngon thế không biết. Sau này dù có được dự những mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thấy ngon hơn. Hóa ra, cái câu “Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại/ Miếng thịt bò (trâu) lại vĩ đại gấp đôi” của thi sỹ Nguyễn Chí Thiện không chỉ đúng trong nhà tù nhỏ mà còn đúng cả ở nhà tù lớn nữa!

Thiếu sức kéo, đội cày bừa máy (mỗi huyện có một đội vài ba cái) lại càng cao giá. Đám “kiêu binh” này mè nheo đủ kiểu. Luật bất thành văn, đám “trâu đỏ” (đầu máy kéo sơn màu đỏ) đi đến đâu cũng được đãi món thịt gà (món ăn thượng đẳng thời bao cấp). Nơi nào thiếu gà chúng cày bừa giả dối, thợ cấy có mà khốn khổ với đám ruộng gồ ghề lồi lõm do chúng tạo ra. Bởi vậy cái câu ca “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà” có xuất xứ như thế!

Sẽ không thật công bằng khi chỉ biết phê phán một chiều cái mô hình HTXNN quái đản ở xứ ta. Mà không thấy những cái được của nó trong việc tạo ra được những hệ thống bờ vùng bờ thửa với kênh mương tưới tiêu khá hiệu qủa một thời. Cái cảnh “tát nước chống hạn/ úng” hồi trước thập niên 1960 về cơ bản đã không còn tái diễn thời HTXNN nữa.

Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
Vẽ cả ngày mai thành bức tranh


Nhưng tiếc thay, cái bức tranh ngày mai mà anh chủ nhiệm HTXNN hay nhà thơ lớn nhưng qúa đỗi ngây thơ chót vẽ vời ra đó nó đã phá sản qúa nhanh. Nhanh chưa bằng nửa cái vỗ tay của đời người. Để những “sóng lúa” mênh mông ấy đã bị chia nhỏ cắt vụn ra thành những ô to nhỏ lớn bé manh mún (thời khoán sản). Tuy chẳng hay hớm gì. Nhưng đã cứu tế. Đã mang lại bát cơm thơm cho người nông dân sau bao ngày “không chết đói nhưng đói tới chết“.

Lại nhớ, hồi đầu xuân năm 1983, khi tới cửa sông Ninh Cơ quay cảnh lau sậy, đoàn làm phim tài liệu chúng tôi có đi qua huyện Nam Ninh. Nơi một dạo được đích danh TBT Lê Duẩn về chỉ đạo mô hình “Pháo đài huyện” với sản xuất lớn XHCN – cơ giới hóa 100% trong nông nghiệp. Thì hỡi ôi, những đàn ”trâu đỏ” hùng hổ dạo nào nay đã trở thành bãi sắt phế thải hoen gỉ vì các hộ gia đình không ai còn muốn nuôi chúng bằng gà nữa. Với lại với những vạt ruộng khoán dài như những dải phướn bé xíu trên khắp cánh đồng. Thì chả có con “trâu đỏ” nào còn quanh cho được.

Trong khi chờ trời nắng, vào ngủ nhờ ở Đội 202 của cụ Việp (năm đó cụ đã ngót 70). Thấy đám trai gái con cái cụ (mấy chục người) vẫn vác đất bằng vai, sắn kéo bằng tay để quai đê lấn biển như cha ông ta từ ngàn xưa. Không có gà đãi chúng tôi. Cụ Việp chỉ có món “đặc sản” lá sung non gói cá nhặch kho tương ăn với xôi đỗ đen được bày ra ven bờ đê ngăn biển trên những tàu lá chuối thôi. Nhưng hương vị của món ăn đồng biển ấy cứ theo tôi mãi tới tận bây giờ. Nhớ cái đêm đang hầu cụ ván cờ ở lán nứa ven đê, thấy có đám thanh niên cả nam lẫn nữ tới khoanh tay xin phép cụ được vào làng xem phim. Chả cần ý tứ (trước mặt khách) cụ vô tư dặn: Hết phim nhớ về ngay đi ngủ để mai lấy sức mà hoàn tất công việc được giao. Cụ còn dặn với theo là đừng có cấu đít nhau đấy. Đám thanh niên khúc khích cười vâng dạ rồi kéo nhau đi….

Sau tìm hiểu kỹ mới biết, nhờ hai bàn tay lao động cần cù, gia đình cụ trước 1954 cũng thuộc hàng khá giả trong vùng. Đùng cái đợt CCRĐ long trời lở đất đã giáng xuống đời cụ những đòn chí tử. Nhà ngói cây mít tự tay cụ làm ra bỗng chốc bị tịch thu. Gia sản tan nát khiến cụ phải tìm về nơi bãi bồi hoang vắng giữa hai cửa sông (sông Đáy và sông Ninh Cơ) để làm lại từ đầu. Đội thủy lợi 202 do cụ làm đội trưởng được hình thành như thế. Từ hai bàn tay trắng, đội quân chân đất của cụ đào đắp hàng tỷ khối đất. Quai đê “biến cải vũng nên đồi” được hàng ngàn Ha bãi sình lầy lau sậy thành những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” cây trái xanh tươi. Tự lo cho thân, cụ còn cưu mang biết bao cảnh đời cơ nhỡ, những lứa đôi bất hạnh lỡ làng. Ai tới cũng được cụ dung nạp, thương yêu, gọi bằng “các con” trìu mến. Cụ bày cho đám trẻ cách thức làm ăn, dạy chúng đạo lý làm người rồi dựng vợ gả chồng cho nữa. Một tay cụ lo toan cắt đặt đâu đấy. Hết lứa này tới lứa khác. Mãi tới cuối thập niên 1980 người ta “vu” cho cụ được đảng dẫn đường chỉ lối mới làm được kỳ tích lớn lao như vậy. Để vụ ”bức cung” được trôi chảy, trước khi phong danh hiệu “Anh hùng lao động” người ta đã ép cụ viết đơn xin ra nhập đảng vào năm cụ tròn 73 tuổi.

Bộ phim tài liệu nhựa 35 mm dài 30 phút về chân dung của cụ Việp có tên “Những người chân đất” đã được đạo diễn Tô Việt Hải hoàn thành để đem đi dự LHP Việt Nam lần VIII ở Đà Nẵng vào tháng 3-1988. Nhưng không được ai chú ý tới. Vì đơn giản Tô đạo diễn dù luôn tự hào đỗ bằng đỏ ở Đại học Điện ảnh Vờ-Gích (Liên Xô cũ) đã không hiểu gì về nông thôn. Không hiểu về nông dân nên không biết cách khai thác cái bi hài ẩn chứa sâu trong vóc dáng gầy khô đen đúa nơi con người cụ Việp. Bi kịch ấy cũng chính là nỗi đau chung của hàng triệu nông dân miền Bắc và cả nước thời ”tiến nhanh, tiên mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”. Nay cố nhân Tô Việt hải đã về nơi đất Phật. Chắc cụ Việp tròn trăm tuổi cũng đã an nhàn ở cõi vĩnh hằng lâu rồi. Nhưng khát vọng và nỗi đau của đất và người quê ta vẫn còn nguyên đó!

Không biết đến bao giờ tiếng đất kêu thương mới thấu tới trời?


http://gocomay.wordpress.com/2013/11/27/808-tieng-dat-keu-thuong/

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam