Ảnh minh họa công an Hà Nội đang dẹp đường. AFP photo
RFA: Tôi nhớ, thời bao cấp, chuyện nhận một lít dầu lửa tem phiếu cho đúng định lượng là một chuyện hết sức khó khăn. Hầu như khi nhận về 1 lít dầu, nếu người nhận đổ số dầu ấy vào chiếc can 1 lít của thời trước năm 1975 thì nó chỉ còn chừng 80% đến 85% can. Nhiều người thắc mắc, mang can chuẩn lên để so sánh thì bị bà lương thực quở mắng, nói rằng đó là can không chuẩn, can đểu, chỉ có can của hợp tác xã, can của nhà nước (XHCN) mới chuẩn. Dần dần, người ta quên dần cái chuẩn cũ, dựa theo chuẩn nhà nước. Khái niệm đo lường (quốc tế) cũng dần dà không có ý nghĩa gì… Cái đó gọi là lộng giả thành chân. Và câu chuyện của ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan, báo chí đưa tin suốt mấy ngày gần đây khiến tôi thấy lo cho ông, biết đâu, một trò lộng giả thành chân khác sẽ xuất hiện?!
Hiện tại, hầu như những điều tra viên về vụ ông Chấn, hoặc là được thông báo đã chết, hoặc là thuyên chuyển sang một địa bàn khác làm việc, và có một chi tiết đáng sợ nhất là một ông sếp ngành công an tuyên bố thẳng với báo chí (trong nước) rằng ông không bênh cho nhân viên của ông thì bênh cho ai. Điều này được nói ra khi báo chí đặt câu hỏi có liên quan đến vấn đề chậm trễ đưa tội của các nhân viên thuộc cấp ông ta trong vụ ông Chấn ra ánh sáng. Đến đây thì đã rõ!
Hơn nữa, khi mọi chi tiết được bạch hóa, trình tự điều tra vụ án ông Chấn (cũng do các báo trong nước đăng) đọc đi đọc lại nó chỉ cho thấy rằng kẻ đưa tin đã cố tình chứng minh các điều tra viên đã làm đúng thủ tục, trình tự điều tra và nếu có sai là do sơ xuất nào đó mà họ chưa tìm ra nguyên nhân. Và những chi tiết trên đó đều cho thấy rằng ông Chấn là kẻ phạm tội.
Như vậy, khi một kẻ thứ ba xuất hiện, đầu thú, nhận mọi tội lỗi về mình, đương nhiên là tòa án, viện kiểm sát bắt buộc phải trả tự do và xin lỗi, đền bù thiệt hại cho ông Chấn. Nhưng! Phải cẩn thận, đừng để sự việc rơi vào chỗ nguy hiểm. Vì sau vụ ông Chấn, hàng loạt án oan sai khác được phanh phui, vạch trần và kêu gọi trả tự do, xét xử lại cho người bị oan. Tất cả những trường hợp này đều nằm trong hiệu ứng domino của trường hợp ông Chấn.
Và điều này bất lợi cho nhà nước CSVN, vô hình trung làm họ bẽ mặt từ nhiều khía cạnh. Một mặt phơi ra cho thế giới thấy bộ mặt thật của ngành an ninh CSVN, mặt khác, nó tăng thêm nghi vấn và lời buộc tội của các nhà đấu tranh nhân quyền Việt Nam cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế. Rất có thể, vụ án oan của ông Chấn trở thành điểm khởi đầu của một cuộc đấu tranh mới ở Việt Nam và là tiêu đề nóng để các nhà bình luận quốc tế xếp Việt Nam vào tình trạng báo động đỏ về nhân quyền. Chỉ bấy nhiêu thôi, mọi tham vọng của nhà nước CS trên chính trường quốc tế có thể bị tiêu tan.
Và không chừng, sự vụ này lại đẩy nhà nước CS vào một thủ đoạn mới: Bằng mọi giá phải ghép tội ông Chấn trở lại! Điều này rất có thể xảy ra, vì ba lý do căn bản: Đe nẹt các tù nhân án oan sai đang có ý định kêu oan; Làm giảm nhiệt trong nhân dân; Củng cố chỗ đứng vốn được xây dựng trên nền tảng nói láo của nhà nước.
Cũng xin nói thêm rằng số người chết trong tay điều tra viên công an ở Việt Nam không phải là ít, tỉ lệ đánh đập, ép cung trong quá trình điều tra hoàn toàn không thấp chút nào, và những người bị chết trong tay công an, sau đó được phù phép thành những hành vi tự tử, điên loạn dẫn đến chết, coi như hết, chẳng kiện tụng gì được ai!
Bây giờ, trong tình hình mấy ngày gần đây, tiếng kêu oan dậy lên khắp nơi, ông Chấn được thả thì hàng ngàn người hy vọng mình cũng được thả. Và nếu như hàng ngàn người được thả vì oan sai, ngành điều tra công an Việt Nam chỉ còn nước trốn khỏi mặt đất. Như vậy hoàn toàn bất lợi cho nhà nước. Và một khi mọi nơi, mọi ngóc ngách đều có dân kêu oan, đó sẽ là bước tích nhiệt cực mạnh cho mọi sự bùng nổ phía sau. Rất có thể, đó cũng là nguy cơ nhà nước bị vạch trần mọi tội lỗi và thứ tội lỗi ấy được lan truyền rất nhanh trong nhân dân, mọi tuyên truyền nhà nước trước đó hoàn toàn bị sập đổ. Không có thứ nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ này.
Chính vì thế, bây giờ, trong tình hình hiện tại, sẽ có một lựa chọn ngấm ngầm trong ngành an ninh và tòa án CSVN: hoặc là chấp nhận thí ông Chấn (và thí Lý Nguyễn Chung), hoặc là đổ bể, thí hàng ngàn điều tra viên cũng như uy tín (ảo) xây dựng được mấy chục năm nay. Lựa chọn như thế nào, chắc ai cũng nhìn thấy. Nhưng hành động như thế nào thì khó mà dự đoán. Thử đặt ra vài giả định: Chứng minh qui trình điều tra là đúng, bắt ông Chấn trở lại và minh oan cho các nhân viên điều tra; Chứng minh kẻ vừa đầu thú bị bệnh tâm thần, không làm chủ được hành động.
Hai giả định này tuy hai mà một, có trình tự trước – sau hẳn hoi. Việc đầu tiên là phải hợp thức hóa hồ sơ, chứng minh quá trình điều tra là đúng và công bố nó trên phương tiện truyền thông (hình như họ đang làm như thế!), sau đó, đẩy Lý Nguyễn Chung vào bệnh viện tâm thần, cho biệt giam ở đó, và đưa ra những chứng cứ để cho thấy kẻ phạm tội hoàn toàn vắng mặt lúc xảy ra vụ án.
Chỉ cần hai thao tác này, tình thế thay đổi hoàn toàn. Đương nhiên, với lương tri con người, không ai làm thế. Nhưng với tham vọng bá quyền trên nền tảng nói láo và với một hệ thống chính trị không có lương tri, mọi chuyện đều có thể xảy ra, miễn sao có lợi cho nhà cầm quyền. Lộng giả thành chân, ông Chấn nên cẩn thận!
Đương nhiên, nói thế, vô hình trung người viết đồng lõa với cái ác, đi hù dọa một người vừa được minh oan. Nhưng không, đây là giả định mà ông Chấn cần phải nhìn thấy và bình tĩnh vượt qua mọi cạm bẫy, những người làm việc bảo vệ công lý cần phải đồng hành với ông Chấn, cũng như nhiều người oan sai khác cũng nên đề phòng! Đó là bài viết này chưa muốn đưa ra tiếp một giả định khác: Liệu Lý Nguyễn Chung – thanh niên đầu thú – có thực sự giết người hay đằng sau sự đầu thú này còn một bức màn khác?
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/blog-11122013-vtsg-11122013113812.html