Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Lực lượng nào khiến đảng cộng sản khiếp sợ?

Trần Ngọc Thành - Danlambao - "Cuốc Hội” của đảng cộng sản Việt Nam đã kết thúc vở diễn tốn kém hơn 40 ngày, với màn cuối thông qua Hiến pháp 486 phiểu thuận và 2 không bỏ phiếu. Các "đại biểu” do "dân cử" đã nhập vai ăn ý dưới chiếc gậy chỉ huy của bộ chính trị: Báo cáo, giải trình, chất vấn, trả lời, phỏng vấn, quay phim, truyền hình trực tiếp giống y trang Quốc Hội của các nước dân chủ Âu, Mỹ.

Màn hạ. Tổng Trọng thở phào, "thật sự vui mừng và xúc động” vì vở diễn đã thành công(!). Nợ công lên tới 95% GDP; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ 1,35 triệu tỷ đồng,… đã có 87 triệu con dân và các thế hệ con cháu gánh chịu đâu phải chuyện của đảng và Cuốc Hội. Điều 4 vẫn giữ nguyên, 87 triệu con dân, dưới con mắt đảng vẫn là 87 triệu con cừu, là thức ăn dự trữ để đảng "trường tồn”. 

Tại sao các đại biểu cuốc hội đã bình thản bấm nút dù đất nước đang lao xuống vực thẳm?

Có hai lý do: 

1. Sự tồn tại của đảng cộng sản gắn liền với quyền lực và túi tiền của họ. Trong con mắt họ, Đất Nước là bản thân họ, gia đình, con cháu họ. 

2. Lực lượng đối lập chưa làm họ bận tâm, chưa đe doạ trực tiếp đến cái ghế của họ, ít nhất họ có thể ngồi rung đùi hoặc ngủ gật vài ba khoá nữa. Khi đã hạ cảnh an toàn với của chìm của nổi kếch sù, đất nước là của Tàu hay của ai đối với họ không quan trọng. 

Đây là điều thực tế để mỗi một chúng ta, những người tranh đấu vì tương lai đất nước, sau khi chờ đợi và thất vọng vì kết quả bỏ phiếu của cái Cuốc Hội này phải bình tĩnh, suy xét và trao đổi kỹ càng để rút ngắn thời gian tranh đấu, tránh được thảm hoạ cận kề cho Dân tộc Việt Nam.

Một thực tế đã xẩy ra, gần hai năm qua nhiều hình thức tranh đấu của các bạn trẻ,của một số Trí thức đã phát triển mạnh so với nhiều năm trước: Nhóm NoU, Mạng lưới Blogger Việt Nam phản đối điều luật 258, nhóm phản đối sửa đổi Hiến pháp 72; Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục, Tuyên bố của Hội Đồng Liên Tôn, Sự lên tiếng mang tính cá nhân của một vài cán bộ đảng lão thành. Nhưng Bộ Chính Trị đảng, BCH Trung ương và Cuốc Hội vẫn kiên định và thản nhiên bấm nút cho cái Hiến pháp mà họ đẻ ra để áp đặt cho Dân Tộc Việt Nam.

Vậy, vài câu hỏi tiếp đặt ra:

Đảng Cộng sản sợ ai? Lực lượng nào lật đổ được chế độ cộng sản?

486 đại biểu bấm nút vì họ sợ mất ghế, mất quyền lợi, chứ khộng sợ những người tranh đấu.

Tại sao họ không sợ những người tranh đấu?

Vì những người tranh đấu chưa đủ mạnh để họ sợ.

Sức mạnh nào uy hiếp quyền lực của họ? Làm thế nào để tạo ra sức mạnh?

Tại Việt Nam sức mạnh đó đã có chưa?

Đây là những câu hỏi nghiêm túc để mỗi người suy nghĩ và thảo luận.

Đã có những "Sách giáo khoa” về tranh đấu bất bạo động qua những cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu, Bắc Phi, của phong trào Otpor tại Serbia, kể cả bài học cách mạng tháng 10 Nga và cách mạng tháng 8.1945.

Tôi đồng tình với bài viết của tác giả Vũ Đông Hà: "Cuộc cách mạng của Sợ Hãi”, "sức mạnh của đám đông” đã đăng trên Danlambao

Tại Việt Nam đã có sức mạnh đó

Tại Việt Nam đã có lực lượng uy hiếp quyền lực của đảng cộng sản

Nhưng, những người tranh đấu chưa vận dụng được sức mạnh đó.

Biết vận dụng nó, chúng ta có thể đánh đổ chế độ độc tài trong tương lai rất gần.

Ba nguồn sức mạnh tại Việt Nam hiện nay: Công Nhân, Dân Oan, Cộng đồng Công Giáo. 

1. Công nhân 

15 triệu công nhân Việt Nam thực tế là những con người hiền lành, họ chăm chỉ, nhẫn nại làm việc để nuôi sồng bản thân và gia đình, họ không hiểu biết đến chính trị, không quan tâm đến "chính trị”. Nhưng, khi sức lao động của họ bỏ ra bị bóc lột thái quá, bị làm nhục, bị quỵt lương, bị lừa dối, họ có thể chấp nhận một lần nhưng không thể chịu nhục nhiều lần và họ đã vùng lên chống lại giới chủ bằng những cuộc đình công. Đó là thái độ chính trị, hành động chính trị. 

Chống lại giới chủ tức là chống nhà cầm quyền trong phạm vi xí nghiệp, nhà máy. Vì giới chủ là sản phẩm của nhà cầm quyền bằng những hợp đồng béo bở với sức lao động công nhân rẻ mạt.

Cho đến nay, tại Việt Nam đã có gần 5000 cuộc đình công của công nhân. Có nhiều cuộc đình công trên 10 ngàn, 15 ngàn, 20 ngàn người tham gia. Hãy nhìn hình ảnh của những cuộc đình công với sức mạnh hào hùng, nhưng tại sao họ chỉ giới hạn trong phạm vi xí nghiệp? Tại sao họ không xuống đường sánh vai với những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng? 

Chỉ cần một, hai nhà máy với vài chục ngàn công nhân cùng xuống đường với Trí thức, với tuổi trẻ thì đảng cộng sản có huy động côn đồ từ cả nước để đối phó cũng sẽ bị vô hiệu hoá.

Cần phải thẳng thắn trao đổi rằng,phần lớn những người tranh đấu trong và ngoài nước coi thường công nhân, không chú ý đến họ,coi thường học vấn, coi thường trình độ của họ. Nhưng, thử hỏi rằng ai trong chúng ta đã tổ chức được những cuộc chống đối có 10,15,20 ngàn người tham gia.

Hàng chục năm qua họ tranh đấu rất cô đơn. Có hàng ngàn cuộc đình công thắng lợi, nhưng cũng có hàng ngàn cuộc đình công bị đàn áp, thậm chí công nhân bị thương, bị đánh chết.

Đã có hàng trăm trường hợp bị ngộ độc tập thể với hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân là công nhân. Nhưng chẳng có tổ chức hay cá nhân tranh đấu nào trong nước lên tiếng ủng hộ họ, bênh vực họ.

Cần phải đến với họ, giúp đỡ họ, vì, trước hết họ cũng là con dân Việt Nam, họ là tầng lớp đáy của xã hội, với mọi chính sách khốn nạn của chế độ độc tài (tăng giá xăng, giá điện, giá sinh hoạt,…) họ là nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhìn vào từng cá nhân đơn lẻ, họ là những con người yếu ớt, thiếu trình độ học vấn. Nhưng cả khối quần chúng ấy hợp lại, nó có sức mạnh vô biên. Khối quần chúng ấy có chung số phận, chung hoàn cảnh, chung việc làm, hàng ngày sát cánh bên nhau. Khối quần chúng ấy rất dễ tiếp cận.

Đến với họ khi họ đình công, khi họ bị ngộ độc thức ăn, khi họ bị giới chủ hành hạ, bị quỵt lương.

Đến với họ với những lời động viên và cho họ biết nguyên nhân của mọi nguyên nhân tại sao họ bị bóc lột, tại sao họ khổ. Họ hiểu, và chắc chắn họ sẽ không để cho những Trí thức yêu nước xuống đường đơn độc. Họ sẽ làm tròn trách nhiệm công dân khi Tổ Quốc lâm nguy.

Cuộc tranh đấu của giới Trí thức Ba Lan là một bài học quý giá: Năm 1968, giới Trí thức và sinh viên Balan đã tổ chức một cuộc bãi khoá toàn quốc chống chế độ cộng sản, dù có hàng chục ngàn người tham gia nhưng không được giai cấp công nhân ủng hộ, cuộc đấu tranh bị đàn áp và thất bại nặng nề. 

Từ thất bại đó, giới trí thức Balan hiểu rõ lực lượng nào, giai cấp nào sẽ đập tan chế độ cộng sản. Năm 1976, khi làn sóng đình công của công nhân nổ ra khắp cả nước, Trí thức Balan đã thành lập "Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân”. Những Trí thức hàng đầu như giáo sư Geremek, J. Koron, Mazowiecki, A. Michnik, v,v… đã quan tâm đến công nhân, đã xuống các nhà máy giúp đỡ công nhân, giúp họ thảo yêu sách tranh đấu đòi quyền lợi, giúp họ tổ chức đình công, quyên góp gây quỹ ủng hộ đình công,…

Năm 1980, "Công Đoàn Đoàn Kết” ra đời, Chủ Tịch là L. Welesa, một thợ điện, nhưng đằng sau là những Trí thức làm cố vấn. Trí thức Ba Lan không lập đảng chính trị mà tất cả các tổ chức tranh đấu từ trường Đại hoc, bệnh viện, công sở, nhà máy đều mang một tên chung là "Công Đoàn Đoàn Kết”. Khẩu hiệu bất diệt của họ có giá trị muôn đời: MUỐN TỰ DO, PHẢI ĐOÀN KẾT, và Đoàn Kết đã đập tan chế độ cộng sản tại Đông Âu và Liên xô.( Hãy xem lại: "Từ Đoàn Kết Đến Tự Do" - YouTube phần I,II,III,IV)

Công Nhân công ty Mỹ Phong đình công.

Công nhân đình công đòi tăng phụ cấp.

Gần 20 ngàn công nhân Cty Linh Trung 1 đình công.


1200 công nhân công ty Wondo Vina bị ngộ độc thức ăn.

2 - Dân Oan

Nếu không có chính sách cướp đất trắng trợn của đảng cộng sản, Việt Nam sẽ không có "Giai Cấp Dân Oan”. Dân oan đã lớn mạnh thành giai cấp. Họ cũng là những nông dân, những tiểu thương hiền lành, chất phác, cũng sợ sệt, yếu đuối. Họ bị đảng cướp đất, cướp nhà, vứt họ ra đường. Ước vọng sinh tồn đã giúp họ trở thành con người mạnh mẽ. Họ có mặt khắp nơi, trên mọi miền đất nước, nhưng thường tụ hội tại Hà Nội và Sài Gòn. Họ không còn gì để mất. Con đường sống của họ là tranh đấu.

Họ đã bày tỏ thái độ chính trị và hành động chính trị.

Chúng ta đã quan tâm đúng mức đến lực lượng này chưa? Sao chúng ta không kết nối với họ được?

Hàng ngàn dân oan Văn Giang, Hàng ngàn dân oan Dương Nội, Hàng ngàn dân oan Hà Tây sao không kết nối được với nhau, sao không phối hợp hành động, không ứng cứu nhau kịp thời khi bị đàn áp? Sao không kết nối được dân oan cả nước? Sao lại để 6 dân oan Văn Giang tranh đấu đơn độc với lũ côn đồ đội lốt công an?

Nếu coi cuộc tranh đấu vì Đất Nước là đúng đắn, không tuỳ hứng, không phải là hình thức trang trí cho lý lịch bản thân thì mỗi người cần phân tích và trả lời nghiêm túc cho những câu hỏi đó, nếu không, đừng trách những ông quan bấm nút trong hội trường Cuốc Hội.




3. Cộng Đồng Giáo Dân

Đây là cộng đồng mà tôi luôn ngưỡng mộ và hy vọng. Chính sách hận thù tôn giáo,đàn áp tôn giáo của cộng sản đã làm cho cộng đồng Công Giáo đoàn kết chặt chẽ hơn. Nhà Chung, Thái Hà, Tam Toà, Cồn Dầu, Mỹ Yên,… đã làm cho đồng bào công giáo nhìn rõ hơn mặt thật của đảng cộng sản. Tôi không phải là Giáo Dân nhưng tôi rất hãnh diện khi nhắc tên những Người như Linh Mục Ngô Quang Kiệt, Linh Mục Cao Đinh Thuyên, Linh Mục Nguyễn Thái Hơp, Bloger Nguyễn Hữu Vinh,…

Nếu đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đê nhị (John Paul II) người Balan còn sống thì cộng sản Việt Nam chắc không giám lộng hành với cộng đồng Công Giáo như hiện nay.

Câu nói của Đức Giáo Hoàng John Paul II khi về thăm Tổ Quốc đã khích lệ cộng đồng Công Giáo Balan: "Các Con đừng sợ”;

- "Hãy hiện lên linh hồn của Chúa và tái sinh Mặt Đất. Mảnh đất này.” 

Chừng nào còn chế độ cộng sản độc tài thì đức tin tôn giáo còn bị hành hạ, chắc chắn cộng đồng Công giáo sẽ đồng hành cùng Dân Tộc tranh đấu cho đức tin, cho một xã hội công bằng.




Ba lực lượng trên là những lực lượng khiến đảng cộng sản phải khiếp sợ.

Làm thế nào để phát huy được sức mạnh đó, kết nối được sức mạnh đó là câu hỏi cho những người tranh đấu nghiêm túc.

Thật ra, từ khi thấy được sức mạnh của công nhân qua những cuộc đình công từ những năm đầu của thế kỷ 21, một số anh chị em trong nước như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn Khắc Toàn, chị Trần Khải Thanh Thuỷ, anh Lê Trí Tuệ,… đã chú ý đến lực lượng này và thành lập tổ chức để giúp đỡ và bênh vực quyền lợi của công nhân. Ngày 20.10.2006, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đã ra mắt. Ngày 27.10.2006 tại sảnh đường Quốc Hội nước Cộng Hoà Ba Lan đã diễn ra cuộc Hội thảo Quốc tế về "Quyền của Người Lao Động tại Việt Nam”. Hội Nghi quy tụ gần 70 đại biểu và khách mời khắp thế giới: Mỹ, Canada, Pháp Bỉ, Hà Lan, Đức, Tiệp, Úc, và Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN được thành lập. Luật sư Lê Thị Công Nhân, khách mời của cuộc Hội thảo bị giữ tại sân bay Nội Bài và bị cấm xuất cảnh. Ngày 7.01.2007, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông do anh Đoàn Huy Chương làm chủ tịch cũng được thành lập.

Tuy nhiên, sau khi được gia nhập WTO và tổ chức hội nghị APEC tại Hà Nội, đảng cộng sản đàn áp khốc liệt những người sáng lập Nghiệp Đoàn. Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Đoàn Huy Chương lần lượt vào tù, một số người phải lánh nạn, Bạch Ngoc Dương, Trần Văn Hoà,… phải sang Mỹ tỵ nạn, Lê Trí Tuệ bị mất tích tại Căm Pu Chia, anh chị em tranh đấu cho quyền lợi của Người Lao động phải bí mật hoạt động và gây dựng phong trào. Gần 4 năm trước, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàn Quốc Hùng lại bị bắt vào tù vì giúp đỡ cho 10 ngàn công nhân nhà máy Mỹ Phong, Trà Vinh tổ chức đình công bảo vệ quyền lợi.

Nguy hiểm và khó khăn, nhưng giai cấp công nhân cần có tổ chức độc lập của mình để tranh đấu bảo vệ quyền lợi. "Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do” đã ra đời (Hợp nhất các tổ chức tranh đấu vì quyền lợi của công nhân), đã nạp đơn và đang chờ xét làm thành viên của Nghiệp Đoàn Lao Động Thế Giới (ITUC).

Dân Oan cũng cần có người đại diện của mình để kết nối, hỗ trợ và tranh đấu với nhà cầm quyền.

Thời gian qua nhiều anh chị em tranh đấu trong nước đã đến với dân oan, cuộc tranh đấu của dân oan đã được khích lệ, nhưng vì nhiều lý do, sức mạnh tranh đấu của khối này vẫn chưa được phát huy.

Nếu giai cấp công nhân và dân oan được chú ý đúng mức, nếu kết hợp được sức mạnh của ba khối Công Nhân, Dân Oan và Cộng Đồng Giáo Dân chế độ độc tài cộng sản đã tiêu tan, anh chị em Trí thức, các bạn trẻ sẽ không cô đơn khi xuống đường thể hiện trách nhiệm của mình trước Tổ Quốc, trước Dân Tộc.

4. Lực lượng tranh đấu hải ngoại:

Những năm qua, Cộng đồng Người Việt hải ngoại, các tổ chức, các đảng phái tranh đấu hải ngoại đã hỗ trợ lực lượng trong nước bằng nhiều hình thức. Hiệu quả đến mức nào tuỳ theo cách nhìn và cách đánh giá của từng người.

Theo cá nhân tôi, với tiềm năng như vậy, các Tổ chức tranh đấu hải ngoại đáng lẽ yểm trợ trong nước tốt hơn, hiệu quả hơn. Nguyên nhân? Mọi người đều biết, nhưng khó có thể khắc phục, kể cả bây giờ. Thiếu đoàn kết, đố kỵ, không thống nhất khi hành động đã làm phân tán lực lượng và giảm lòng tin đối với cộng đồng.

Các tổ chức, đảng phái đã lẫn lộn mục tiêu tranh đấu trước mắt và mục tiêu tranh đấu lâu dài. Trước mắt: Cần tập trung, đoàn kết mọi lực lượng và thống nhất hành động để đập tan chế độ độc tài. Khi chế độ độc tài không còn, lúc đó hãy cạnh tranh trong việc lãnh đạo đất nước, xây dựng xã hội dân chủ. Thế nhưng, dù chế độ cộng sản vẫn đang hiện diện, cả dân tộc đang bị kìm kẹp, các tổ chức, đảng phái đã cạnh tranh lẫn nhau, tranh dành ảnh hưởng kể cả trong và ngoài nước. An ninh cộng sản đã lợi dụng điều đó để chia rẽ, đánh phá.

Những anh chị em dấn thân trong nước chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, bị đàn áp, bị tù đày, bị cô lập, bị phong toả mọi đường làm ăn sinh sống. Gia đình và bản thân anh chị em vô cùng cực khổ. Đáng lẽ họ phải được chi viện vật chất tối thiểu để sống, và hoạt động. Nguồn chi viện đó từ hải ngoại rất hạn chế so với yêu cầu của anh chị em trong nước.

Phải chăng cộng đồng người Việt hải ngoại quá nghèo, không có khả năng? Không đúng. Vì hàng năm bình quân có trên 10 tỷ USD kiều hối gửi về nước. Những năm qua, nhiều tổ chức từ thiện, nhà chùa chỉ trong một đợt ngắn đã quyên góp được hàng chục, hàng trăm ngàn đô la. Mới đây nhất, trong một thời gian ngắn, VOICE do LS Trịnh Hội tổ chức đã quyên góp được trên 200 ngàn đô-la giúp nạn nhân bão Hải Yến tại Philipin.

Cộng đồng người Việt hải ngoại không tin các tổ chức, các đảng phải.

Đề nghị thành lập một "Quỹ yểm trợ dân chủ” độc lâp. Thành phần đứng tên và ban điều hành gồm những nhà hoạt động có uy tin trong các lĩnh vực: văn hoá, khoa học, xã hội, tôn giáo cả trong và ngoài nước. Ví dụ trong nước: Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Phan Văn Lợi, cụ Lê Quang Liêm, Luật sư Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân, Bloger Nguyễn Hữu Vinh; Ở Hải ngoại có nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, nhạc sỹ Nam Lộc, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhạc sỹ Việt Dũng, LS Trịnh Hội, nhạc sỹ Trúc Hồ, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng,... Khi những vị này đứng tên gây quỹ, người cho tiền tin tưởng đồng tiền của họ sẽ được chi đúng mục đích và không bị đảng phái, tổ chức nào lợi dụng. Mỗi khi gây quỹ, các tổ chức, đảng phái cùng vận động và hỗ trợ. Với niềm tin đồng tiền bỏ ra sẽ góp phần vào việc sớm dân chủ hoá Đất Nước, đồng bào sẽ không ngần ngại khi trút hầu bao.

5. Phối hợp hành động.

Hiện nay, một công việc mà anh chị em tranh đấu trong nước , các tổ chức đảng phái hải ngoại có thể phối hợp hành động:

Để cứu nền kinh tế "định hướng XHCN” đang sụp đổ, đảng cộng sản đang ra sức vận động để gia nhập "Hiệp Ước Thương Mãi xuyên Thái Bình Dương”( TPP).

Nếu nền kinh tế sụp đổ, đảng cộng sản sẽ chết.

Một trong những điều kiện mà các đối tác đặt ra cho Việt Nam là Việt Nam phải có công đoàn độc lập.

Nếu nhà nước cộng sản buộc phải công nhận công đoàn độc lập thì đây là một cơ hội lớn cho giai cấp công nhân Việt Nam. Thời gian rất gấp rút.

Mong các lực lượng tranh đấu trong và ngoài nước vì mục đích chung cùng phối hợp hành động.

Thưa các anh chị, các bạn trẻ,

Là người tranh đấu, là người hành động, trước hiện tình Đất Nước, sau cái "ngày tang khốc cho Dân Tộc Việt Nam” như lời của nhà văn Võ Thị Hảo, tôi nêu quan điểm của mình như một ý kiến để cùng thảo luận, cùng suy ngẫm, nhằm tìm hướng đi và hành động đúng, rút ngắn thời gian cho cuộc đấu tranh.

Warszawa, 02.12.2013. 


* Về tác giả:

Ông Trần Ngọc Thành hiện đang là Chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Người Lao Động Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thành du học Ba Lan từ năm 1967, tham gia tổng bãi khóa (đình công) của sinh viên, trí thức Ba Lan năm 1968; tốt nghiệp năm 1973.

Sau khi về nước, ông làm việc ở Tổng cục hàng hải VN, gia nhập đảng cộng sản. Trong thời gian làm việc ở VN vẫn liên hệ với các trí thức tranh đấu Ba Lan.

Năm 1988 khi Công đoàn đoàn kết sắp dành thắng lợi, theo lời mời của giáo sư cũ, ông quay lại Ba Lan làm nghiên cứu sinh. Chứng kiến các cuộc cách mạng tại các nước Đông Âu, ông viết nhiều kiến nghị đề nghị thay đổi tại VN, tuy nhiên ĐCS VN không chấp thuận và đe dọa sẽ bắt ông khi về lại VN. Sau đó ông quyết định ở lại Ba Lan, vứt thẻ đảng và tham gia tranh đấu, sau đó cùng một số bạn bè ở Ba Lan phát hành báo Đàn Chim Việt.

Tháng 10.2006 tổ chức cuộc hội nghị về quyền lao động VN tại Warszawa thủ đô nước Cộng Hòa Ba Lan, thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.

Mục đích của Ủy ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam là không ngừng phấn đấu cho mục tiêu của mình là tranh đấu vì quyền lợi của người lao động và giai cấp công nhân Việt Nam.


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam