Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Thơ gởi anh Đằng

Nguyễn Ngọc Già - Danlambao - Tôi có chút đắn đo khi đặt tựa bài viết. Ban đầu tôi định lấy tựa đề “Tôi ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng”, nhưng vì muốn chuyển tải bài viết đến nhiều độc giả, nên cuối cùng tôi đã đặt tựa như hiện hữu. Đó cũng là lý do, tôi cần viết theo văn phong “thơ từ” của dân miền Nam, mong anh thông cảm.

Sài Gòn, ngày 5 tháng 12 năm 2013

Anh Đằng!

Tui không khách sáo để thêm vào những chữ “kính”, “mến”, “thân” v.v... nên anh cho phép tui được xưng hô như vậy nha anh Đằng. 

Một điều chắc chắn, anh không thể nào nhớ tui, nhưng tui thì biết anh. Tui biết chủ yếu vài lần anh có đến thăm gia đình tui và cùng sinh hoạt chi bộ với ba tui sau 1975. Ba tui mất nhiều năm rồi. 

Ba tui là “Việt cộng nằm vùng”, thuộc biệt động thành Sài Gòn - Gia Định trước 1975, đã từng đi tù dưới chế độ VNCH, án 3 năm. Ông già tui hoạt động dưới vỏ bọc nhà sản xuất lớn lúc bấy giờ. Gia đình tui giàu có từ việc sản xuất này và nhờ nó mới dư tiền nuôi bọn “ăn cháo đá bát” mà ông (và tất nhiên cả anh, trước ngày 4/12/2013) gọi là “đồng chí” (!). Tui thì chưa bao giờ bước chân vào cái “đảng quỷ ma” đó. Gia đình tui may mắn hơn gia đình bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) hồi xưa, nghĩa là chỉ... bị quýnh tư sản thôi. Tụi nó không lấy hết, nên còn lại căn nhà lầu 3 từng mặt tiền để ở, và sau này cho mướn, để ba má tui có thêm tiền chợ, chứ lương hưu thì thấm vào đâu. Đương nhiên, anh cũng biết, sau bảy lăm, gia đình tui cũng như các doanh gia khác, “dẹp tiệm” luôn(!).

Nói thiệt, tui thấy chế độ VNCH nhân hậu và tuân thủ pháp luật. Án ba tui nhẹ, vì ổng làm “kinh tài” và móc nối cho “cán bộ” trong “khu” về thành chứa chấp, nuôi giấu trong nhà và đưa đi theo “đường dây” định sẵn của “tổ chức” (vì là dân Sài Gòn nên rành rẽ đường sá và địa điểm), chứ không tham gia trực tiếp khủng bố, ám sát. Nói cho ngay, những người làm “kinh tài”, theo tui, tội cũng chẳng vừa, vì không có họ, cộng sản Việt Nam làm sao mà tồn tại, “ăn dầm nằm giề” ngay trong lòng “địch”, phải không anh. Tất nhiên, với tư cách là con, tui cũng chẳng mong ba tui bị tù nặng. Đó là sau này nhìn lại, chứ hồi đó, còn trẻ quá, tui chẳng hiểu gì cho lắm hai chữ “cộng sản Việt Nam”, ngoài những gì tuyên truyền trên tivi hồi xưa. 

Dân mình (thường dân) thời đó ở Sài Gòn cũng hững hờ lắm, tới lúc những chương trình thuộc (tên gì tui không nhớ nổi) “chiến tranh tâm lý” là hay dẹp qua một bên, chỉ chú ý chương trình văn nghệ là chánh. Tui nghĩ VNCH thua trận, ngoài các yếu tố chánh như sau này nhiều người phân tách, thì việc tuyên truyền hồi đó yếu quá cũng góp phần thua không nhỏ đâu. Sau này ngó lại, đồng bào ngoài Bắc, phải nói cộng sản Việt Nam nó “nhồi sọ” ghê gớm. Bằng chứng thì khỏi trình ra, phải không anh Đằng. Vả lại, sau 1975, dân miền Bắc vào Sài Gòn định cư, tôi quen cũng nhiều, nên thấy rõ sự nguy hiểm và tác hại rất lớn của “chiến tranh nhồi sọ”. 

Cộng sản Việt Nam nó thắng, cũng một phần do nhồi sọ tốt. Tui thấy tụi nó gieo lòng căm thù, đố kỵ, khích bác, chia rẽ... rất giỏi. Cũng chẳng có gì lạ với Lê Duẩn, anh em Lê Đức Thọ - Mai Chí Thọ, Đỗ Mười v.v... Ý tôi là sau 1975, chứ không bàn về miền Bắc trước đó, vì tui sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên đâu có rành. 

Tui nhớ, đâu khoảng từ 1985 trở về trước, miền Nam đâu có băng hoại dữ vậy, dù thời đó còn nghèo đói thấy mồ tổ, nhưng hàng xóm láng giềng, bạn bè, bà con v.v... đối xử với nhau có đâu mà tệ dữ! Sau này, ngày càng đổ đốn. Tôi cho đó là nhiễm độc và lậm sâu theo từng năm tháng dần trôi... “êm ả” trong cái nghèo, cái đói, cái đìu hiu và cái... mất dạy của cộng sản Việt Nam gây ra..

Tui nghĩ, sau 1975, anh lao vào công việc, nên không chú ý giáo dục nặng tính nhồi sọ và nói láo quá, riết quen, nên không cần mất nhiều thời gian, chỉ qua 10 năm là... đủ (!). Từ đó nó truyền nhiễm và lây lan rất lẹ như virus, mới đẻ ra biết bao nhiêu là “quái nhân” sau này. Nói vậy là mấy tay cộng sản Việt Nam bây giờ nhảy dựng cho mà coi, vì tụi nó cứ nói cái gì xấu là “đổ thừa” cho tụi nó. Kiểu này, cãi miết tới sáng, thôi bỏ qua.

Chắc anh không quên khái niệm “cách mạng ba mươi tháng tư” phải không anh? Sẵn đây, chia sẻ thêm cho các bạn trẻ biết khái niệm đó nôm na là: bọn cơ hội, bợ đít, xum xoe, theo đóm ăn tàn, gió chiều nào xoay chiều đó, thượng đội hạ đạp, chẳng có lập trường, quan điểm, chẳng có cái gì cho nghiêm túc và đàng hoàng lương thiện cả. Tụi mấy thằng Tư Tài, Ba Đua, Phạm Phương Thảo v.v... cũng từ đó mà ra, chứ đâu, nói gì đến mấy thằng Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Xuân Phúc, Nguyễn Bá Thanh v.v...

Mà thôi, nhắc đến đám tụi này hay kiểu mấy thằng Ba Dũng, Tư Sang v.v... làm anh buồn thêm. Ý tôi không nói về “bệnnh công thần”, mà tôi muốn nói tụi này nó... hết thuốc chữa rồi, anh Đằng ơi! 

Tui kêu tụi cộng sản Việt Nam bằng thằng, mà không sợ độc giả coi mình là thằng đầu đường xó chợ, vì nói nào ngay, về lý tui đâu có bầu bán gì cho tụi nó bao giờ đâu, về tình thì... khỏi bàn. Anh Đằng đừng buồn tui, vì anh bây giờ không còn là Cộng sản Việt Nam nữa rồi, đâu có sao đâu. Tánh tui rạch ròi, rõ ràng, thẳng ruột ngựa, anh đừng phiền tui nghen!

Tôi nhớ hoài, thuở sanh tiền, mỗi khi nhắc về anh, ông già tui luôn đặt niềm tin vào anh và thường kết thúc sau khi nói chuyện bằng câu: “Thằng Đằng được lắm”.

Thú thật, hồi xưa tui đã chán ngấy cái “đảng này” rồi, nhất là lúc ba tui khuyên tui vô đảng. Ổng nói với tui bằng những câu quen thuộc, đại loại: “Muốn đấu tranh với những kẻ xấu trong đảng thì phải đứng vào tổ chức, tiếng nói mới có trọng lượng”. Tánh tui thấy gì không đúng thì hay “cãi” (bây giờ người ta hay dùng tranh luận, tui không thích chữ này, nhưng xài riết rồi quen). Cãi tới cùng. Khi đuối lý, ba tui hay đem anh ra nói: Mày nói vậy, chứ còn nhiều người tốt lắm, như thằng Đằng đó!”. Tui cãi tiếp: “Chỉ có mình ông Đằng. Ổng cũng có làm gì được đâu?”. 

Sau này, những năm cuối đời, mỗi chiều cuối tuần (lúc đó chưa được nghỉ làm ngày thứ bảy) tui chạy vô thăm ông già, bà già, thấy tội lắm. Tui nhớ hoài, những buổi chiều tà, nắng đã lợt dần, trời chuyển sang màu tím trầm buồn. Ba, má tui ngồi héo hắt nhìn ra cửa trông con cháu. Thê lương và ảm đạm lắm. 

Tui thấy ông già ngồi buồn quá, có lần an ủi: Thôi ba à, chuyện mấy chục năm rồi, cũng qua hết rồi, gia đình mình còn vầy là cũng đỡ hơn nhiều người lắm.

Ổng nói: Tao đâu có buồn chuyện nhà. 

Tui hỏi: Vậy ba buồn chuyện gì?

Ổng nói: Lâu quá, gần cả 5 năm rồi, tao không gặp thằng Đằng. 

Tui nói: Thôi ba ơi! Ổng giờ này làm gì, ở đâu, ba quan tâm làm gì. Cộng sản mà! Thằng nào cũng vậy thôi.

Ổng không chịu: Không, tao không tin. Bởi vì mấy chục năm rồi, nếu nó là đứa bon chen, giả nhân giả nghĩa, cơ hội thì cộng với khả năng của nó thì nó làm đến gì, chứ đâu phải dừng lại ở chỗ lèng quèn như vậy! Nó phải ở trung ương, cỡ thủ tướng chứ đâu phải thằng Sáu Khải được. Còn không, tệ gì nó cũng phải là chủ tịch thành phố hay bí thư thành ủy. Tao tin nó là người thương dân, yêu nước. Chỉ là nó sai lầm như tao thôi.

Bây giờ, khi anh rời bỏ tụi cộng sản Việt Nam, tui tin anh, anh Đằng. Dù tui không có chứng cớ, dù anh có thể không làm gì được nhiều hơn với tuổi già, sức yếu như bây giờ, nhưng tui tin anh, bởi vì:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, anh biết không?
Để gió cuốn đi.

Tui hy vọng, quyết định từ bỏ đảng của anh sẽ là cơn gió lớn để cuốn hút nhiều ngọn gió nữa cùng anh tạo ra cơn bão quét sạch những đau khổ cho dân mình. Sau cơn bão lớn, nhất định bầu trời Việt Nam chúng ta sẽ rạng ngời và toàn dân sẽ bắt tay nhau làm lại từ đầu. Một khởi đầu dù muộn nhưng vững bền cho con cháu anh, con cháu tôi và cho con cháu tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước.

Chúc anh mạnh khỏe, nghị lực và kiên trì. Gởi tặng anh bản nhạc “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn [*], nghe giải trí và tiếp thêm sức mạnh cho anh, anh Đằng nghen.

__________________________________

Chú thích:

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam