Ngày 18/1/2014, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước về Hà Tĩnh và cắt băng khánh thành “Đền thờ cố TBT Lê Duẩn” ở Hồ Kẻ Gỗ, thuộc Tỉnh Hà Tĩnh. Nó được xây ở “Đảo cụ Duẩn”.
Đền này thờ ai?
Tờ báo Thanh niên viết: “Đền thờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là một công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa tri ân công lao to lớn của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, người lãnh đạo, người con ưu tú, kiệt xuất của quê hương miền Trung anh hùng. Đây đồng thời là nơi ghi nhớ, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và nữ liệt sĩ”. Như vậy, đến nay, thì các liệt sĩ, các bà mẹ VN anh hùng được ăn ké vào Lê Duẩn. Còn thực chất là các vị này đâu có suất ở đây? Tờ báo Hà Tĩnh cách đây gần 2 năm đã khẳng định về mục đíchcủa công trình này là: “Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vốn là người con của quê hương Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), trong thời kỳ Hà Tĩnh triển khai xây dựng công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ, với cương vị của mình đã có nhiều quyết sách giúp đỡ Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình. Biết ơn cố Tổng bí thư, nhân dân địa phương đã đặt tên cho hòn đảo giữa hồ Kẻ Gỗ là đảo Cụ Duẩn và nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, ngày 15-10-2011 vừa qua Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định phối hợp với gia quyến cố Tổng Bí thư xây dựng đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại đảo cụ Duẩn”.
Vậy là đã rõ, công trình này, nói theo cách bà Bộ Trưởng Nguyễn Kim Tiến, thì đây là “cái phong bì cảm ơn” của Hà Tĩnh đối với ông Lê Duẩn, bởi ông ấy có công với Hà Tĩnh khi xây dựng Hồ Kẻ Gỗ thời ông ấy là Tổng Bí thư đảng. Vậy thôi.
Như vậy, việc báo Thanh Niên cố tình gán ghép các liệt sĩ và bà mẹ VN anh hùng vào đây là sự khiên cưỡng. Chẳng những đã không vinh danh được các vị ấy chút nào, mà chỉ là dùng các liệt sĩ, bà mẹ VNAH nhằm che đậy bớt đi ý nghĩa trả ơn hơi sống sượng của món quà này mà thôi. Thực chất, việc lôi các anh linh của Liệt sĩ và Bà mẹ VNAH vào đây, chỉ là trò tháu cáy và chẳng tử tế gì cho lắm.
Ở công trình này, có mấy điều hài hước rất rõ ràng.
Đầu tiên, điều dễ nhận thấy là ngay giữa cái gọi là: Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, thì đây lại là một công trình tiêu biểu bằng toàn gỗ quý - điển hình cho vấn nạn phá rừng và tốn kém tiền của - hẳn nhiên là của nhân dân. Có thể nói không ngoa rằng, giờ tìm khắp cả khu vực Kẻ Gỗ, đố tìm đâu ra được những cây gỗ quý bằng những cây đã làm công trình này. Vậy, ý nghĩa của sự bảo tồn ở đây là gì?
Thứ đến, công trình tốn kém này lại dùng để thờ Lê Duẩn – cố Tổng bí Thư Đảng Cộng sản – một người cộng sản vốn phấn đấu suốt đời phủ nhận thần thánh, linh hồn, ma quỷ… Bởi cộng sản duy vật với duy tâm thì như nước với lửa. Thậm chí, công trình lại còn được gọi là “công trình văn hóa tâm linh” thì càng là sự coi thường Lê Duẩn. Nói cách khác, việc thờ người cộng sản vô thần, chẳng khác gì là sự phỉ nhổ vào chính lý tưởng của họ. Còn nói cách hình tượng, thì việc đó chẳng khác mấy với việc đưa món dựa mận lên bàn cúng nhà chùa.
Điều hài hước thứ ba, là tờ báo Hà Tĩnh viết rằng: “Biết ơn cố Tổng bí thư, nhân dân địa phương đã đặt tên cho hòn đảo giữa hồ Kẻ Gỗ là đảo Cụ Duẩn”. Tôi chưa rõ cái được gọi là “nhân dân địa phương” bao gồm những ai? Nó chỉ là cơn nổi hứng bất chợt của ông Bí Thư tỉnh Ủy, Chủ tịch Tỉnh hay một ông cha căng chú kiết nào đó “thay mặt cho nhân dân”? Còn ở Việt Nam từ xưa đến nay, ít nhất là hơn nửa thế kỷ tôi sống, cái gọi là: Ý nguyện của nhân dân, hay nhân dân quyết định… thì chắc chắn chẳng bao giờ nhân dân biết nó là cái gì. Chính vì vậy, cái gọi là “nhân dân địa phương đặt tên” thì tôi vẫn đinh ninh là chuyện bịa, chẳng có một văn bản hay quyết định nào lấy ý kiến nhân dân ngay cả việc lớn lao chứ đừng nói chuyện này. Vụ lấy ý kiến góp ý Hiến Pháp vừa qua là một điển hình đấy thôi.
Lê Duẩn của một thời
Chúng tôi lớn lên trong một thời đại mà đảng và nhà nước gọi là “Thời đại Hồ Chí Minh”, nhưng chúng tôi sống dưới thời Lê Duẩn. Những kỷ niệm thời Lê Duẩn đã hằn sâu trong ký ức lớp người chúng tôi, nhất là ký ức của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Cho đến nay, ngồi để kể lại chuyện cuộc sống người Việt dưới thời kỳ Lê Duẩn, đám hậu thế sẽ cho rằng đó là những chuyện bịa. Bởi mấy ai tin được có những thời kỳ đất nước và con người Việt Nam như thời kỳ đó.
Năm 2006, con trai Lê Duẩn là Lê Kiên Thành kết hợp với một nhà báo viết loạt bài về Lê Duẩn dịp 20 năm Lê Duẩn lìa đời. Loạt bài đó kêu gọi “Xây dựng Bảo tàng Lê Duẩn”. Trên tờ Đàn Chim Việt có bài viết: “Lê Duẩn – một nhân vật cần được đánh giá đúng” nêu khá chi tiết về thời kỳ Lê Duẩn, từ cuộc sống, tư tưởng, con người và Lê Duẩn trong lòng dân ra sao… ở đó có kể câu chuyện dân gian phổ biến Thời kỳ Lê Duẩn: “Một lần ngồi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Ba Duẩn than rằng: Anh Tô ạ, bây giờ vượt biên nhiều quá mà ta đã đóng cửa kỹ lắm rồi, nếu mở ra, chắc chỉ còn anh với tôi. Anh Tô trầm ngâm rồi đáp lại: Chắc chỉ còn anh thôi, tôi cũng phải đi. Cái thời mà nếu cột điện có chân nó cũng bỏ đi là thời Lê Duẩn”.
Và bài báo đó kết luận: “Hai mươi năm không có Lê Duẩn là hai mươi năm nhân dân được “cởi trói” đổi mới. Xin hãy để cho nỗi đau của dân tộc tôi được hàn miệng theo thời gian”.
Kẻ Gỗ và “Bè Lê Duẩn”
Một lần, gặp một đại biểu Quốc hội chuẩn bị đi họp ở Hà Nội đến chào, bố tôi nói: “Cho anh nhắn cô cái này, cô ra nói với ông Duẩn là làm cách nào thì làm, bọn tao khổ lắm, đói lắm”. Cô đại biểu quốc hội vốn là công nhân ở cơ quan bố tôi bảo: “Anh ạ, em không nói được thế đâu”. Cô này được cơ cấu mấy khóa liền làm Đại biểu Quốc hội.
Năm 1979, khi tôi tốt nghiệp cấp 3 Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, thì được tin Lê Duẩn về Hà Tĩnh. Dù ở trong một thời đại, một thể chế được định nghĩa “Cán bộ là công bộc, là đầy tớ của nhân dân’, nhưng để gặp được đầy tớ của mình, đó là một đại phúc. Do vậy, với lớp học sinh chúng tôi, tin TBT về tỉnh là chuyện thời sự. Thầy giáo dạy môn chính trị nói với chúng tôi: “Đồng chí TBT Lê Duẩn được mệnh danh là ngọn đèn 200 nến sẽ về thăm chúng ta, là một vinh dự và ánh sáng 200 nến sẽ soi cho chúng ta thoát nghèo”. Chẳng biết Lê Duẩn soi được cái gì, chỉ biết sau đó không chỉ chúng tôi mà cả nước lên cơn vật vã đói đứt hơi.
Tin TBT Lê Duẩn về thăm Hà Tĩnh được âm thầm truyền tai nhau hàng mấy tháng trước đó rất bí mật và rộng rãi. Bí mật, bởi trước đó có tin Lê Duẩn đã về đến Thanh Hóa, thì Nghệ Tĩnh xảy ra vụ sập kênh Vách Bắc ở Cống Hiệp Hòa. Nghe nói, Lê Duẩn đã về đến Thanh Hóa rồi nhưng vì vụ đó nên bỏ ra Hà Nội. Do vậy, tin càng bí mật thì lại loan truyền càng rộng rãi. Trong người dân lúc ấy, truyền tai nhau nhiều câu chuyện, thật, giả chẳng ai đi kiểm chứng được, những đồn đoán đó càng làm cho việc đón Lê Duẩn về thăm là việc hệ trọng.
Chuyện rằng để đón Lê Duẩn, một con đường từ Thị xã Hà Tĩnh lên Kẻ Gỗ khẩn cấp được thi công đón TBT lên thăm Hồ Kẻ Gỗ. Con đường đi qua một khu vực nghĩa địa, ở đó có hai ngôi mộ mới chôn của bệnh nhân bị lao. Nhà nước phải thuê với số tiền 5.000 đồng, một khoản tiền rất lớn (khoảng 130 tháng lương công nhân bậc 1 là 37 đồng) để cất bốc hai ngôi mộ đó nhằm khẩn trương làm đường cho TBT đi thăm Hồ Kẻ Gỗ.
Trước đó, Công ty Xây dựng IV Nghệ Tĩnh được giao thi công nhà nổi đón Tổng Bí thư, nhà phải xây ngay giữa hồ Kẻ Gỗ và hết sức khẩn trương. Kinh phí xây dựng không bàn đến, vấn đề là thời gian. Lúc đầu, các nhà xây dựng xứ Nghệ định huy động sà lan về Kẻ Gỗ liên kết lại để xây nhà trên đó. Nhưng lượng xà lan sẽ là rất lớn và bất tiện. Phương án cuối cùng được duyệt là chặt luồng, tre đóng thành bè và kết lại thành một bè nổi rất lớn, xây dựng nhà đón TBT ở trên đó. Công việc cứ vậy tiến hành suôn sẻ và được coi là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên số 1.
Công trình hoàn thành cũng vừa khi có tin Lê Duẩn đã về đến Hà Tĩnh, Ủy ban Tỉnh và Công an yêu cầu Công ty Xây dựng IV bàn giao nhà để tiếp quản chuẩn bị. Kinh nghiệm cho những nhà xây dựng thấy rằng với những công trình cha chung không ai chịu trách nhiệm này, thì việc gãi tiền ở các cơ quan chức năng là không dễ vì chẳng ai muốn nhận trách nhiệm. Thời đó tệ nạn phong bì “ích nước lợi nhà” chưa nhiều như sau này. Do vậy nếu không có biên bản bàn giao, thì việc lấy được tiền ngân sách sẽ là một vấn đề. Một yêu cầu đặt ra là phải có văn bản bàn giao mới giao nhà.
Thế nhưng đề nghị Tỉnh cho người lên bàn giao, Công ty xây dựng cử Trưởng Phòng Kỹ Thuật đưa người lên chờ thì Tỉnh không lên nhận bàn giao lên, mà chỉ lệnh là tình hình khẩn cấp, nhất định ép đưa chìa khóa và bàn giao sau. Bên thi công buộc phải đánh bài “cùn” rằng: “Tôi không biết, tôi được lệnh lên bàn giao xong đưa chìa khóa, ai không nhận bàn giao thì tôi cầm chìa khóa về”.
Cuối cùng, thì Tỉnh vẫn phải cho người ký nhận bàn giao để kịp nhận nhà nổi đón TBT. Dư luận còn nói rõ: Kinh phí của công trình đó nghe nói khoảng 50.000 đồng thời bấy giờ. Bằng dự toán kinh phí của Nhà thờ Lớn Tòa Giám mục Xã đoài xây dựng thời kỳ đó.
Sau khi nhận bàn giao, bộ phận tiếp quản bắt đầu dọn dẹp, phun nước hoa vào những nơi công nhân xây dựng phóng uế, làm sạch sẽ để đón Tổng Bí Thư.
Và Lê Duẩn lên Hồ Kẻ Gỗ, ngồi ở căn nhà đó một lúc rồi ra về.
Và tiền dân cứ vậy tan thành nước, công sức người lao động chỉ phục vụ mấy phút cho Lê Duẩn ngồi rồi vứt đó.
Thế rồi công trình lay lắt theo sóng nước trôi nổi bốn mùa và thi nhau xuống cấp. Người dân vẫn gọi đó là “bè Lê Duẩn”. Một thời gian sau nó được giao cho các chiến sĩ bảo vệ Kẻ Gỗ, rồi tan thành mây khói, khi đó người dân bảo nhau: “Bè Lê Duẩn đã chìm”
Rồi gần đây, bỗng nhiên nhân dân được cho rằng đã đặt tên một hòn đảo ở hồ thành “đảo cụ Duẩn”. Quả là dân ở đây to gan và dám liều. Bởi chưa chắc Lê Duẩn đã đặt chân đến hòn đảo đó giữa hồ. Và điều chắc hơn nữa, là khi Lê Duẩn đến Hồ Kẻ Gỗ, bọn nhân dân ông chủ mấy đứa dám có mặt để nhìn đầy tớ của mình?
Cũng may cho dân ở đây, nếu ngày đó đặt tên cái bè xây nhà kia là bè cụ Duẩn, thì bây giờ “bè Lê Duẩn” đã tan thành tro bụi và chìm xuống sóng nước chẳng còn tăm.
Và hôm nay, Hà Tĩnh lại xây Đền thờ Lê Duẩn để kỷ niệm, ghi ơn chuyến viếng thăm này.
Và hôm nay, các liệt sĩ, các bà mẹ VNAH có dịp ăn ké vào công trình này vốn dành riêng cho Lê Duẩn.
Hà Nội, ngày 22/1/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh