Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

“Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi.” (tuyển tập HCM)


“Gần đây những bí mật của ông Hồ Chí Minh đã bị phơi bày. Chúng tôi, hầu hết là đảng viên, vẫn thường vui vẻ đùa cợt, có những bài vè chế giễu, nhưng rất đúng về nhân vật này. Ông Hồ Chí Minh đã bị nghi ngờ là một người Trung quốc, có tên là Hồ Tập Chương, do Quốc tế cộng sản dựng lên, thay thế cho Nguyễn Ái Quốc, người đã chết năm 1932. Mọi niềm tin đã bị đánh cắp. Tôi tuyên bố ra khỏi đảng.” - Đặng Xương Hùng.

Bảo Giang - Danlambao - Lời đoạn tuyệt với Hồ Chí Minh và đảng cộng sản của Đặng Xương Hùng biểu lộ một tâm tình trong sáng về với cái thật. Cái thật mà anh đã bị đánh cắp bằng lừa dối, bằng gian trá của cộng sản. Nó hoàn toàn khác với cái toan tính, có thể vẫn là không thật của Lê Hiếu Đằng - cũng đã thoái đảng, nhưng với lý do: “Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước - đấu tranh giải phóng dân tộc - mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân...”

Khi cái thước thợ đặt lên bàn, nó chỉ có thể kẻ được những đường thẳng. Tuy thế, người ta vẫn không ngừng che giấu những sự thật, để được sống trong gian dối!

Cái chết của Nông Thị Xuân là một điển hình. Cái chết được che đậy bằng một thứ bạo quyền lực tuyệt đối. Được tính toán ngụy trang bằng một tai nạn giao thông để triệt, xóa án. Kết quả, chỉ vài chục năm sau, câu chuyện ấy hầu như không ai mà không nghe biết là: Trần Quốc Hoàn đã dùng búa đập đầu, giết cô Nông Thị Xuân theo lệnh của Hồ Chí Minh? Rồi quăng xác của cô ra ngoài đường với mưu đồ già làm tai nạn lưu thông, triệt bí mật. Tuy thế, trời bất dung gian. Đã chẳng có chiếc xe nào, kể cả các loại xe côn đồ do Hoàn chỉ huy chịu cán đè lên cái xác đã chét ấy để cho Hoàn đến lập biên bản. Thay vào đó là giấy chứng nhận, không được công bố ra ngoài, của các y sĩ pháp y tại bệnh viện. “Nạn chân chết vì bị vỡ sọ, toàn thân không có một dấu vết nào do tai nạn”! Người được đọc qua giấy chứng tử ấy là Nguyễn Thị Vàng, và một người chị em khác tên Nguyệt, nhanh chân về Bắc Giang để báo tin cho người nhà, đều không thoát khỏi cái búa diệt khẩu của Hoàn. Nhưng vụ án không kết thúc ở ba cái chết thê thảm này, nhưng là treo vào cổ những tên sát nhân.

Rồi ở miền nam, vào năm 1963 cũng có một vụ án mạng kinh thiên động địa có thể còn hơn thế. Một tốp người với danh xưng, tưởng không còn gì lững lẫy và oai vệ hơn, “Hội đồng Quân nhân Cách mạng” bao gồm những Minh, Khiêm, Đôn, Đính, Xuân, Mậu, Lắm, Nghĩa, Nhung... đã thảm sát Tổng Thống Ngô đình Diệm và bào huynh của ông là Ngô Đình Nhu trong lòng chiếc thiết vận xa một cách man rợ. Nhóm này đã đưa ra một bản tin láo khoét để lừa bịp dân chúng là hai ông đã tự vận. Kết quả, chỉ ba tháng sau thì sự việc dã phơi bày ra ánh sáng. Nhung đã đền tội trong trại Hoàng Hoa Thám. Rồi những “ông cách mạng” kia đã được trao cho cái danh hiệu để đời “những tên côn đồ ác ôn đáng nguyền rủa” (tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson)! Quả là một nghiệp chướng! Còn hơn cả nghiệp chướng là không một ai trong số ấy dám hé răng nói lại nửa lời phản bác!

Trở lại câu chuyện, ngọn đèn đặt trên giá, soi sáng cho cả nhà. Vào thời gian gần đây, nhất là sau khi cuốn “Bình Sinh Khảo” của tác giả Hồ Tuấn Hùng viết về Hồ Chí Minh, được ông Thái Văn dịch ra tiếng Việt. Bất cứ nơi đâu, ở trong nước hay hải ngoại, người ta đều thắc mắc:

- Hồ Chí Minh là ai?

- Hồ Chí minh là người Tàu hay là người Việt Nam? Y là Hồ Tập Chương hay Nguyễn Tất Thành?

Lại có nhiều người phản ứng như là đã có đầy đủ bằng chứng chắc chắn HCM là người Tàu, nên đã nói toạc ra là:

- Vì không phải là người Việt Nam nên Y mới tàn ác và đấu tố, giết dân mình theo sách của Tàu.

- Vì là người Tàu, nên vào năm 1952, lúc chưa nắm được quyền Y đã lệnh cho Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) dâng Việt Nam cho Trung cộng bằng cách, viết lời kêu gọi đồng bào bỏ chữ Quốc Ngữ học chữ Tàu và xin làm phiên thuộc cho Tàu...

- Và còn nhiều lời luận tội bắt đầu bằng câu khai mào tương tự như thế.

Tôi không biết những lời nói mà ai cũng có thể nghe thấy như thế, có phải là một kết án vội vàng hay không? Chỉ thấy phía CS hoàn toàn im lặng, không dám lên tiếng, dù chỉ nửa lời phản bác cuốn sách của Hồ Tuấn Hùng. Họ im lặng như “những kẻ côn đồ đáng nguyền rủa”! Và còn tồi tệ hơn thế, họ rất tích cực chứng minh cho những lời kết án trên là đúng khi tiếp tục, hung hãn ra tay bắt bớ và giam cầm những thanh niên yêu nước quyết chống trả cuộc đô hộ từ phương bắc. Nhưng không dám có lấy một phản ứng nào đáp trả khi ngư dân của Việt Nam ra khơi thả lưới bị Trung cộng ức chế, bắt bớ và đánh đập. Thái độ của họ xem ra là hết sức nghịch lý đối với nhiệm vụ của một tập hợp được gọi là “nhà nước”! Không biết họ là chính phủ hay là một tập thể thái thú, nô lệ?

Viết đến đây, tôi nhớ đến một câu chuyện trong cổ sử của Việt Nam. Đó là trường hợp của Cù Thị và Triệu Minh Vương. Liệu Hồ Chí Minh, có phải là một hình thức khác trong câu chuyện Cù Thị, Triệu Minh Vương trên đất Việt hôm nay không? Theo dòng sử liệu “Triệu Kiến Đức là con của Triệu Minh Vương, mẹ ông là người Việt. Vua cha không chọn ông nối nghiệp mà chọn Triệu Hưng là con của hoàng hậu người Hoa Cù thị. Cù Hậu tư thông với sứ giả nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý, muốn mang Nam Việt quy phục nhà Hán. Triệu Ai Vươngcòn trẻ, chỉ biết nghe theo lời mẹ. Kết quả là Thừa tướng Lữ Gia giết Cù hậu, Ai Vương và cả Thiếu Quý. Sau đó, đưa Kiến Đức kế vị, tức là Triệu Dương Vương. Sử ký Tư Mã Thiên chép (q. 113, t. 5b): "Lữ Gia... và các quận huyện lập con trai trưởng của Minh Vương, con người vợ Việt Nam là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua”.

Câu chuyện hôm nay tuy có khác xưa, nhưng xem ra có cùng một mục đích là HCM và tập đoàn CS muốn đưa Việt Nam vào vòng nô lệ cho Tàu. Theo đó, càng ngày người dân càng mong mỏi có một Lữ Gia đứng lên chém Cù Thị, hạ Trần Hưng, để bảo vệ giang sơn và dân tộc Việt! Nhưng lý do nào tôi cho Hồ chí Minh là một Triệu Hưng thời đại?

1. Lời tự khai của Hồ Chí Minh

Tháng giêng năm 1949, tạp chí "Sinh hoạt nội bộ" kỳ thứ 13 của Việt Nam có đăng tải một bài viết nhan đề "Đảng ta" do Hồ Chí Minh viết dưới bút danh Trần Thắng Lợi. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã đưa "Đảng ta" vào Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 547. Bài viết này đã được TG Hồ Tuấn Hùng ghi lại trong Bình Sinh Khảo, thiên II, nhan đề “Ve sầu thoát xác, thật giả kiếp người”, như sau:

“Năm 1929 (chính xác là ngày 19 tháng giêng năm 1929), trong khi đồng chí Nguyễn ái Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội khai toàn quốc Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về...

Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn ái Quốc trở lại Tàu (chính xác là ngày 20 tháng giêng năm 1930), cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.

Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám. Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.

Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một đảng. Thế là Đảng ta chân chính thành lập...” (Trần Thắng Lợi, tức Hồ chí Minh)) 

Ôi! Nó chân chính theo hệ... Tầu làm sao chứ!

Tưởng cũng cần nhắc lại là - theo tài liệu do nhà cầm quyền cộng sản công bố trong “Những tên gọi bí danh, bút danh của Hồ Chí Minh”; do NXB Chính trị Quốc Gia - Hà Nội 2001, có tất cả là 169 cái tên chính! Bút danh Trần Thắng Lợi, là một cái tên chính thức, mang số thứ tự thứ 114 trong tổng số 169 bí danh, bút hiệu, tên gọi của HCM. 

Cũng theo nhiều tài liệu của họ, bảy ủy viên đứng ra thành lập đảng CS lúc bấy giờ là: Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Trịnh Đình Cửu, Lê Tản Anh, Trần Văn Cung, Lê Hồng Sơn và Hồ Tập Chương (*) 

(*) Theo tác giả Hồ Tuấn Hùng, Hồ Tập Chương là người Tàu, là ủy viên liên lạc của CSQT trong hội nghị trù bị thành lập đảng cộng sản Đông Dương 3-2-1930. Trong nội bộ, Chương đã sử dụng cái tên Hồ Chí Minh ngay từ thời gian này. Ông Hồ Tuấn Hùng viết “Thời gian từ năm 1929 đến năm 1933, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương cùng hoạt động trên vũ đài chính trị, đặc biệt vào năm 1930 và nửa đầu năm 1931, hai người từng nhiều lần qua lại làm việc với nhau. Sở dĩ vào sau năm 1934, Quốc tế cộng sản có ý đồ lấy Hồ Tập Chương thay thế thân phận Nguyễn Ái Quốc, là bởi vì vào những năm 1929 đến năm 1933, hầu hết những hoạt động của Hồ Tập Chương đều mang tên Hồ Chí Minh. Do đó mọi việc Hồ Tập Chương làm đều được hiểu một cách sai lầm là của Nguyễn Ái Quốc.” (Hồ Tuấn Hùng - Bình Sinh khảo).

Trong đoạn văn tường thuật ngắn trên, có đến hai lần Hồ Chí Minh tự xác nhận Y và Nguyễn ái Quốc là hai người hoàn toàn khác nhau.

a. “Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi”. Đoạn này xác định rõ ràng Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh (tôi, tác giả bài viết) là hai người hoàn toàn khác nhau. Khác nhau như vợ với chồng, hai người nam, nữ khác biệt nhưng là một cặp.

b. “Sau lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất...” xác nhận công lao của Nguyễn ái Quốc, trong việc kết hợp ba nhóm lại với nhau. Và cá nhân Hồ Chí Minh chỉ là một phần trong chữ “mọi người” mà thôi.

Với sự các nhận này, Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc không phải là một người, nhưng là hai người có lý lịch riêng biệt. Xin nhớ, đây không phải là một bài báo thường. Trái lại, bài viết mang tính cách lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì, nó được chính một trong bảy ủy viên dự hội nghị còn sống, lại đang giữ vai trò lớn nhất trong đảng, viết lại sự việc thành lập đảng của mình. Một câu, một chữ trong bài viết ấy là lịch sử đảng. Theo đó, đảng Cộng sản VN, toàn là những người đến và theo sau cái sự kiện ban đầu 3-2-1930 ấy, không ai có bất cứ một tư cách nào để phủ nhận về những sự kiện lịch sử do chính người ủy viên thành lập đảng viết ra. Nghĩa là, bất cứ một thứ biện luận nào, dù cho là, vì có là sự nhầm lẫn trong in ấn, trong câu văn, để phủ nhận sự kiện “đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi” là hai người, do chính Hồ Chí Minh viết ra là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, sự phủ nhận ấy chính là sự phủ nhận về tính lịch sử và sự việc thành lập đảng cộng sản vào ngày 3-2-1930. Xin nhớ, đây là bài viết duy nhất về việc thành lập đảng CS, không có bài viết thứ hai của bất cứ một trong bảy ủy viên tham dự nào khác. Như thế, cũng không thể có sự kiện người này nhớ đúng người đi kia nhớ sai!

2. Những lời phủ nhận, ngoài bản văn, từ Hồ chí Minh

Tuy đã vào Hà nội từ 1945, nhưng xem ra, bản thân Hồ Chí Minh còn e ngại rất nhiều chuyện, nên không dám đương nhiên nhận mình là Nguyễn Ái Quốc. Việc Y không dám coi trời bằng vung, rồi tự cho mình là Nguyễn Ái Quốc ngay từ đầu không phải là không có lý do. 

Thứ nhất, vừa mới chân ướt chân ráo vào Hà Nội là lần lượt bà Nguyễn Thị Thanh, rồi ông Nguyễn Sinh Khiêm thay nhau, quần nâu áo vải từ quê nhà Nam Đàn lặn lội ra tận Hà Nội xin gặp HCM, sau khi nghe tin phong phanh HCM là Nguyễn Tất Thành. Chuyện anh em họ tìm gặp nhau là phải đạo, nhưng với Hồ Chí Minh có thể là một đại họa. Theo đó, Y không thể để họ thăm mình như anh em ruột thịt thường tình, nên được thay vào đó là vở tuồng: “bác bận việc nước, không tiếp được, bà bằng lòng vậy nhá!” để cho bà Nguyễn Thị Thanh lủi thủi ra về. Uất lên mà chết! Phần ông Nguyễn sinh Khiêm thì nghe nói, được tiếp dưới ngọn đèn mờ không nhìn rõ mặt nhau và câu chuyện cũng chẳng kéo dài quá năm phút. Tại sao phải gặp nhau trong nhà kín, dưới đèn mờ? Có phải ngoài cái hình dạng của Hồ Chí Minh có thể gây ra đại họa cho Hồ Tập Chương, còn có chuyện nhà, chuyện anh em đưa nhau đi ăn xin khi xưa cũng là cái thòng lọng để Hồ Chí Minh tự buộc vào cổ mình, nên HCM không dám gặp mặt những người này? Có thể là như thê, bởi lẽ, Y có thể học được tiếng Việt giọng Nghệ rất chỉnh, khuôn mặt, tai mắt, mũi được chỉnh hình cắt xén thật giống với Nguyễn Sinh Cung. Nhưng không thể biết được những câu chuyện mà chỉ có anh em Nguyễn Sinh Cung mới biết!

Sau cuộc tiếp ông Khiêm? Dĩ nhiên, Hồ Chí Minh tự biết, không phải chỉ có bấy nhiêu người biết rõ về Nguyễn Sinh Cung còn sống. Theo đó, nếu muốn nhận mình là Nguyễn Sinh Cung thì phải tuyệt đối im lặng và chờ đợi thời gian thuận tiện, và có thể ngụy tạo thân phận để nhờ người khác tình cờ khám phá ra hơn là tự công bố. Y tuyệt đối không dám khinh suất vì có thể bị lộ thân phận do những duyên cớ bất ngờ, không thể dự trù trước. Và đó có thể là một tính toán để chính Hồ Chí Minh đã nhiều lần công khai xác nhận Y không phải là Nguyễn Ái Quốc, như ông Hoàng Văn Chí ghi trong "Từ thực dân đến cộng sản - Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam", thì ông Hồ nhiều lần đã nói ông không phải là Nguyễn Ái Quốc! Rồi về phía người ngoại quốc cũng thế. Ngay cả khi tướng Salan, đại diện Pháp dự cuộc đàm phán năm 1946, hỏi thẳng vào mặt ông Hồ, Y vẫn một mực chối cãi. Ông không phải là Nguyễn Ái Quốc.

Việc này cũng được kể lại trong “Truyện Hồ Chí Minh” của William J. Duiker, trang 449 như sau: “Trước đây, Hồ Chí Minh chưa thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, nên vào năm 1946, khi triệu tập Hội nghị Quốc dân đại hội, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Văn Thái có đề nghị vinh danh Hồ Chí Minh là "công dân số một" của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bởi lẽ, lúc ấy thân phận Hồ Chí Minh chưa được xác nhận là Nguyễn Ái Quốc (nhiều người cho rằng). Hồ Chí Minh chính là Hoa kiều tại Việt Nam, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là phái viên "Quốc tế cộng sản" được cử đến Việt Nam với nhiệm vụ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.". (Bình Sinh Khảo) 

3. Những phủ nhận bằng hành động của Hồ chí Minh

Khi Hồ Chí Minh từ chối gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm thì rõ ràng là Y đã từ chối nhận anh em, nhận họ hàng với những người này. Bởi lẽ, như tôi viết ở trên, anh em ruột thịt xa cách nhau hằng mấy chục năm trời, thì không một người nào, không một lý do nào có thể ngăn cản họ gặp nhau và chuyện vãn hết ngày này sang ngày khác. Nhưng HCM thì khác. Y cũng là con người, không phải là khúc cây cục đá, lại không theo khuôn mẫu con người. Y chẳng một lần muốn gặp họ. Đã thế, cũng chỉ viết thư chia buồn với giòng họ Nguyễn Sinh khi Nguyễn Sinh Khiêm qua đời và ký tên là Chí Minh! Sao mà nó nhảm nhí đến như thế nhỉ? Tại sao cả hai người lại chết sớm thế? Liệu cái chết sớm của bà Thanh và ông Khiêm, cũng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai có là một bí ẩn, hoặc, có liên quan gì đến việc phải bảo toàn tông tích của HCM không bị tiết lộ hay chăng?

Nếu không, thì cũng chỉ có thể suy diễn là Y không có tình máu mủ với những người này. Vì không có tình máu mủ ruột thịt, nên Hồ phải chờ cho đến khi những người này đã chết mục mả, năm 1957, HCM mới dám lò mò về Nam Đàn, và sau đó, (1958) lần hồi cho người ta biết Y là Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, khi về Nam Đàn, HCM lại vấp phải một tai họa khác mà Y không không ngờ tới là. Y tự để cho bia miệng truyền đến đời đời, nguyễn rủa Y như một tên đại bất hiếu nếu y là Nguyễn Sinh Cung. Lý do, khán đài nơi Y đứng... ba hoa, chỉ cách mộ bà Hoàng Thị Loan có vài trăm mét, nhưng Y đã không đến thắp nhang cho bà. Như thế, bà là kẻ bạc phước hay Hồ Chí Minh là kẻ bất hiếu đây?

Chuyện HCM không thắp nhang cho bà mang ý nghĩa gì? Có phải HCM tự cho mình đã là chủ tịch nửa nước, phần bà già nhà quê nằm trong cái mộ kia không đáng để cho Y đến gọi mẹ, và nhận một nén nhang đạo hiếu của Y? Hay còn vì một lý do nào khác? Chẳng lẽ, một người rất tài gian dối, giỏi đóng kịch lại không thể đóng nốt vở tuồng đạo hiếu với ngôi mộ kia để làm tuyên truyền truyền ư? Tôi không nghĩ HCM nằm trong hai trường hợp này. Nhưng đơn giản hơn, vì một ý do khác. Người nằm dưới mộ sâu kia không phải là mẹ của Y. Nên dù rất muốn, Y cũng không thể đóng kịch được. Hơn thế, đó còn là lòng tự ái dân tộc trong lòng của Y. HCM không thể cúi đầu lạy nấm mộ như là người con, dù Y đang đóng vai là con của bà. Ngoài ra, không có một lý do nào khác để biện minh.

Đó là câu chuyện cũ về Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc. Nhưng dầu có giỏi tính toán gian trá đến đâu thì cũng sẽ bị phá vỡ. Nghĩa là, chuyện Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương chỉ còn trong sớm tối sẽ bị bóc trần. Nó sẽ bị bóc trần và khai tử bởi chính những đảng viên cộng sản. Bằng chứng là, những người đảng viên cộng sản trẻ tuổi, có tri thức, có văn hóa, có hiểu biết, điển hình như Đặng Xương Hùng, đã công khai, minh bạch về việc ra khỏi đảng CSVN bằng một lý do mà không ai ngờ tới là. Các đảng viên như Hùng đã nghi ngờ, không phải chỉ vì cái phẩm chất man rợ của đảng cộng sản và Hồ chí Minh, nhưng còn là sự kiện dối trá, Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương nữa! Anh Đặng Xương Hùng viết:

“Gần đây những bí mật của ông Hồ Chí Minh đã bị phơi bày. Chúng tôi, hầu hết là đảng viên, vẫn thường vui vẻ đùa cợt, có những bài vè chế giễu, nhưng rất đúng về nhân vật này. Ông Hồ Chí Minh đã bị nghi ngờ là một người Trung quốc, có tên là Hồ Tập Chương, do Quốc tế cộng sản dựng lên, thay thế cho Nguyễn Ái Quốc, người đã chết năm 1932. Mọi niềm tin đã bị đánh cắp. Tôi tuyên bố ra khỏi đảng. Ngày 5/12/2013 Đặng Xương Hùng.”

Tôi trân trọng lý do ra khỏi đảng của anh. Hơn thế, tôi trân trọng tinh thần nhân bản trong con người của anh. Bởi vì, lý do ấy là tình người và lý trí Việt Nam. Điều ấy cũng có nghĩa, Đặng Xương Hùng không chỉ đoạn tuyệt với cái giả dối, cái gian trá của cá nhân Hồ Tập Chương trong vai Hồ Chí Minh, nhưng còn là tập thể đảng cộng sản nữa. Anh đã nói lên một điều mà tôi cho rằng, tất cả các đoàn đảng viên đảng CSVN có học, có tri thức, có hiểu biết, phải nghĩ đến và quay về phục vụ cho quyền lợi của Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam. Họ không thể tự lừa dối mình, tiếp tục nhận giặc làm cha, thờ Hồ Tập Chương và phục vụ cho quyền lợi của CS Trung quốc để kiếm bổng lộc riêng mà quên đi Tổ Quốc và đồng bào Việt Nam của mình. Bởi vì, theo lời Đặng Xương Hùng tiết lộ, “hầu hét là đảng viên vẫn thường vui vẻ đùa cợt”. Nghĩa là họ chẳng còn tin gì HCM. Hơn thế, họ đã nghi ngờ HCM là Hồ Tập Chương, người tàu, đóng thế vai HCM để mưu đồ chiếm đoạt đất nước và chế ngự dân ta. Một khi đã biết như thế mà các đảng viên CS không có thái độ dứt khoát thì khó tránh phần nhiệm trước lịch sử, nếu như không muốn nói đó là một trọng tội với tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

Kế đến, lời đoạn tuyệt với Hồ Chí Minh và đảng cộng sản của Đặng Xương Hùng phải được coi là vì tương lai của dân tộc và của đất nước Việt Nam. Nó biểu lộ một tâm tình trong sáng về với cái thật. Cái thật mà anh đã bị đánh cắp bằng lừa dối, bằng gian trá của cộng sản. Nó hoàn toàn khác với cái toan tính, có thể vẫn là không thật của Lê Hiếu Đằng. Ông Lê Hiếu Đằng cũng đã thoái đảng, nhưng với lý do: “Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước - đấu tranh giải phóng dân tộc - mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân...”

Lê Hiếu Đằng viết thế là hoàn toàn sai trái, là gian trá, lừa mình bịp đời, là thể hiện một não trạng nô lệ cộng sản. Vì thực tế, ngay từ khi thành lập đảng cộng sản 3-2-1930, cộng sản đã là một lực cản phá hoại sự tiến bộ của đất nước. Chính đảng cộng sản bằng muôn vàn những gian trá đã đưa cả dân tộc làm nô lệ cho cộng sản. Từ đó, đọa đày, đẩy dân tộc vào con đường u tối lầm than, khốn cùng trên mọi phương diện, từ chính trị, văn hóa đến xã hội. Nó đã đưa đất nước tụt hậu, lại còn tước đoạt tất cả mọi quyền tự do căn bản của con người. Những quyền tự do mà ngay thời pháp, thời phong kiến người dân đã có. Thế đấy, đảng cộng sản xưa khá hơn nay ở cái điểm nào? Đảng cộng sản giải phóng dân tộc ở điểm nào mà Lê Hiếu Đằng ngoa ngữ tuyên truyền cho cộng sản đến khi xuôi tay?

Rõ ràng, khi cái thước đặt lên bàn, nó chỉ có thể kẻ được những đường thẳng. Nó không có khả năng quanh co. Sự thật cũng thế. Hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam, mong mỏi những đoàn đảng viên đảng CSVN nhận thức đúng đắn được sự kiện bản thân họ đã bị lừa dối, bị gạt gẫm như Đặng Xương Hùng, Để từ đó, họ quay về, thể hiện lòng yêu nước nhân bản của người Việt Nam. Cùng đứng dậy, bỏ đảng, làm những Lữ Gia của thế kỷ, để giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ của cộng sản. Và dập tan mưu đồ dâng Việt Nam cho Tàu mà Hồ Chí Minh, (Hồ Tập Chương) cũng như Đặng Xuân Khu và tập đoàn lãnh đạo CS đã ra sức thực hiện trên đất nước ta từ 3-2-1930 đến nay. Có thế, đất nước và dân tộc Việt Nam mới có ngày mai. Được như thế, chúng ta mới có cơ hội xóa sổ toàn bộ những bản văn bản bất cân xứng, thiểu năng hay những thỏa thuận ngầm giữa Việt cộng với Trung cộng. Từ đó, chúng ta mới có thể tính đến chuyện đòi lại đất, đòi lại biển về cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam.

2-2014

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam