Người dân trong một lần tập trung khiếu kiện về đất đai. Courtesy of huynhngocchenh
Thanh Quang, RFA - Giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, hiện chỉ còn lại khỏang 100 hộ, xem chừng như sắp sửa bị “xóa sổ” theo biên bản của một phiên họp hồi tuần rồi giữa quan chức Đà Nẵng và đại diện của dân oan Cồn Dầu.
Hôm mùng 7 tháng Ba vừa rồi, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chủ trì buổi họp bao gồm 16 quan chức hàng đầu các ban ngành địa phương và 12 đại diện cho khỏang 100 hộ giáo dân còn ở lại Giáo Xứ Cồn Dầu.
Đúc kết phiên họp, phía quan chức khẳng định, đại ý, rằng việc thu hồi đất của các hộ còn lại này để gọi là triển khai dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân được thực hiện theo “đúng quy hoạch”, “đúng quy định của pháp luật”; cho rằng yêu cầu của giáo dân được tái định cư tại nơi giải tỏa là “không có cơ sở giải quyết”; và đề nghị “các hộ phải bàn giao mặt bằng trước ngày 15 tháng Tư năm 2014” này.
Nhưng hầu như tất cả đại diện phía giáo dân vừa nói “không đồng ý với sự giải quyết”, “không đồng ý buổi họp”, hay “chưa thỏa đáng”.
Tôi bức xúc lắm. Bởi vì gia đình tôi hiện có mẹ già, 3 con thì còn quá nhỏ. Cho nên tôi không biết gia đình sẽ ở đâu! - Anh Trần Nhất Huy
Theo kế họach của giới cầm quyền thì trước mắt, họ cưỡng chế 3 gia đình vào thứ Ba ngày 11 tháng này. Gia đình giáo dân Trần Nhất Huy thuộc trong 3 hộ ấy. Anh Huy lên tiếng:
Tôi bức xúc lắm. Bởi vì gia đình tôi hiện có mẹ già, 3 con thì còn quá nhỏ. Cho nên tôi không biết gia đình sẽ ở đâu! Tôi nói thiệt chớ gia đình rất bức xúc trong tình cảnh một mẹ già và 3 đứa con thơ !
Giáo dân Ngô Thị Liên, từng là nạn nhân của hai lần bị cưỡng chế, cho biết:
Giáo dân hiện rất lo sợ. Còn khỏang 100 hộ ở lại Giáo xứ Cồn Dầu. Nhưng giờ chính quyền quyết liệt bắt đầu lại cưỡng chế, mà trước mắt là 3 gia đình, vào thứ Ba 11 tháng Ba này. Nhưng mình chẳng làm chi được. Mọi việc đều do bên chính quyền hết trơn. Giáo dân đi tới TP thì chính quyền cũng không giải quyết. Rồi bây giờ TP Đà nẵng lại ra quyết định cưỡng chế toàn bộ giáo dân vốn đang bám trụ ở Giáo xứ Cồn Dầu. Bây giờ giáo dân đang hoang mang, không biết sẽ đi đâu !
Khi đề cập tới hành động tiếp tục cưỡng chế của giới cầm quyền, một giáo dân khác lưu ý:
Giáo dân chấp nhận bị cưỡng chế chứ họ không chịu đi. Trước đây, cấp phường với quận cưỡng chế, còn bây giờ có thêm TP nhúng tay vào cuộc cưỡng chế này.
Nguyện vọng của giáo dân
Nói chung, số giáo dân hiện còn lại ở Giáo Xứ Cồn Dầu mơ ước chính quyền giải quyết cho họ được ở lại gần Nhà Thờ. Họ cho biết là “bức xúc lắm”, bởi vì nếu như đi thì giáo dân đã đi rồi. Cho đến bây giờ, giáo dân nghĩ rằng đất của tổ tiên, ông bà để lại cho họ lâu nay rồi, nên họ mong được tiếp tục ở lại trên đất của cha, ông. Nhưng nhà nước không chấp nhận và “lúc nào cũng cưỡng chế”. Giáo dân Ngô Thị Liên bày tỏ nỗi niềm này:
Nguyện vọng giáo dân chúng tôi muốn được tiếp tục ở bên cạnh Nhà Thờ, ở trên mảnh đất của mình do ông bà để lại. Đất của mình mà họ kêu bán cho người khác, để người khác được ở mà giáo dân thì không được ở. Giáo dân muốn ở lại quê hương, trên đất của mình, bên cạnh Nhà Thờ để sớm hôm đi lễ, nguyện cầu. Nguyện vọng chừng đó thôi mà cũng không được. Chính quyền đang ra sức cưỡng chế, mà trước mặt là 3 gia đình. Và trong tháng Tư này, họ nói số còn lại phải “trả mặt bằng”, phải giao mặt bằng cho họ, nếu không, họ sẽ cưỡng chế tòan bộ.
Chị Ngô Thị Liên vừa tâm sự đó có lẽ là một trong số giáo dân lâm cảnh oan khuất nhất vì gia đình chị bị cưỡng chế tới hai lần trong khi người chồng thương yêu cũng vừa qua đời. Chị Liên than rằng:
Giáo dân chấp nhận bị cưỡng chế chứ họ không chịu đi. Trước đây, cấp phường với quận cưỡng chế, còn bây giờ có thêm TP nhúng tay vào cuộc cưỡng chế này.- Một giáo dân
Chính gia đình tôi, chồng tôi vừa mới qua đời mấy ngày. Tôi rất bức xúc. Ảnh cứ lo âu là không có nhà có cửa. Rồi gia đình chúng tôi, sau khi nhà bị cưỡng chế, đang thuê được nhà trong xóm thì họ vô cưỡng chế tiếp. Mình con cái rồi không nhà không cửa. Chồng tôi lo nghĩ quá rồi bị lên máu, bị xuất huyết não. Chứ ảnh thì không có bệnh họan chi hết. Tôi rất là bức xúc, chẳng biết nói làm sao hết. Hiện mẹ con tôi đang bơ vơ đây ! Lỡ mà mai mốt họ lại cưỡng chế nữa thì tôi không còn đường nào mà chạy nữa (khóc)!
Phản ứng trước cảnh nhiễu nhương như vậy, một giáo dân Cồn Dầu không dằn được cơn tức giận:
Hành động này là quá gian ác, tàn bạo. Không phải chỉ chính quyền Đà Nẵng, mà hầu như toàn thể bộ máy chính quyền độc đảng VN quyết làm việc gì là họ không còn nghĩ đến lương tâm nữa. Muốn làm việc gì thì họ làm cho bằng được, bằng mọi giá. Họ muốn nói thế nào là họ nói. Bây giờ TQ đã chiếm Hòang Sa, nhưng mình lên tiếng thì họ bắt nhốt. Bởi vì, mình nghĩ, chính quyền này quá tàn bạo…
Từ cuối năm 2013, dân oan Cồn Dầu đã 3 lần ra Hà Nội để khiếu kiện, mỗi lần đều được chính quyền trung ương cấp giấy đề nghị chính quyền địa phương “giải quyết thỏa đáng” cho yêu cầu tái định cư của giáo dân. Nhưng các quan chức địa phương cố tình “đổ qua đổ lại”, “đùn đẩy cho nhau” để rồi không bao giờ giải quyết cho nguyện vọng chính đáng của dân oan. Và cho đến hôm nay, giới cầm quyền Đà Nẵng mới chính thức tuyên bố không giải quyết theo yêu cầu của giáo dân Cồn Dầu.
Từ North Carolina, Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Tùng, đại diện Giáo dân Côn Dầu Hải ngọai, cho biết vào đầu tuần tới, dân oan Cồn Dầu sẽ ra Hà Nội để khiếu kiện và cung cấp những giấy tờ văn bản rõ ràng của chính quyền Đà Nẵng, qua đó cho thấy giấy tờ dự án khu sinh thái Hòa Xuân trình lên chính quyền trung ương chỉ có 110 hecta, vậy 300 hecta còn lại là dự án 'chui' để các quan chức địa phương “chia chác nhau”.