WASHINGTON, D.C. – Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, một tiếng nói đối lập quen thuộc từ trên hai thập niên qua và hiện đang sống ở Sài Gòn, đã được các nhà lập pháp Hoa Kỳ, Canada, và các tổ chức phi chính phủ đề cử nhận giải Nobel Hoà Bình, và Giải Gwangju năm 2014.
Trước hết, qua một văn thư vào tháng Giêng năm 2014 gửi Chủ Tịch Giải Nobel Hoà Bình ở Na Uy, hai Dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ là các ông Gerald E. Connolly và James P. Moran, đã cùng đề cử Bác Sĩ Quế là người xứng đáng nhận Giải Nobel Hoà Bình năm 2014.
Cùng mục đích với các nhà lập pháp Hoa Kỳ, Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, thành viên gốc Việt đầu tiên và duy nhất cho tới nay trong Thượng Nghị Viện Canada, cũng đã gửi văn thư vào tháng Giêng vừa qua cho Tiến Sĩ Jagland, Chủ Tịch Uỷ Ban Giải Nobel Hoà Bình, đề nghị Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế là người xứng đáng nhận giải cao quý này cho năm 2014.
Ngoài các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Canada nêu trên, ông Albert Santoli, Chủ Tịch tổ chức Sáng Kiến Á Mỹ (Asia America Initiative – AAI), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, D.C., nhằm mục tiệu thực hiện hoà bình qua giáo dục, xây dựng cộng đồng và phát triển kinh tế tại các nước đang mở mang ở châu Á, cũng đã gửi văn thư tới Uỷ Ban Giải Nobel Hoà Bình ở Na Uy, đề nghị trao giải này của năm 2014 cho Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Canada, cũng như tổ chức AAI, tuy hoạt động thuộc các lãnh vực khác nhau, nhưng có chung nhận định rằng Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế là một người can đảm, tranh đấu kiên trì trong nhiều thập niên theo đuổi mục tiêu hoà bình, công lý, dân chủ và nhân quyền. Bởi đó, ông xứng đáng là người được trao giải Nobel Hoà Bình.
Ngoài ra, năm nay, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế còn được Uỷ Ban Nhân Quyền các Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ (Committee on Human Rights of the National Academies) và Mạng Lưới Nhân Quyền VN đề cử nhận Giải Nhân Quyền Gwangju. Đây là một giải nhân quyền cao quý của Đại Hàn, do Quỹ Tưởng Niệm biến cố 18 tháng Năm thành lập, để tưởng niệm các nạn nhân, phần đông là sinh viên, bị nhà độc tài Chun Doo-hwan ra lệnh sát hại trong cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ năm 1980. Một nhân vật nổi tiếng quốc tế đã được tặng giải này mười năm trước (2004), là Bà Aung San Suu Kyi.