Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Có đúng đó là “cuộc đánh tráo không thể có”?



Phan Châu Thành - Danlambao - Người Việt đã bị tẩy não và đa số vẫn còn lên đồng tập thể về Hồ Chí Minh

Lâu nay tôi thường đánh giá rất cao những bài viết của các nhà đấu tranh dân chủ phản tỉnh (tức là những cựu cán bộ trung cao cấp của cộng sản VN), trừ những bài viết hay những nội dung họ nói về Hồ Chí Minh (HCM). Tại sao vậy? Vì tôi nhận thấy đại đa số người Việt miền Bắc hoặc cộng sản Việt Nam nói chung không còn tỉnh táo và khách quan nữa khi viết/nói về HCM, dù họ ở cấp nào. Dường như họ đã bị CSVN tẩy não hoàn toàn về HCM vì họ đã bị đảng CSVN cho lên đồng tập thể để sùng bái HCM suốt hơn nửa thế kỷ nay, và vì thế dường như việc nói về HCM đối với họ là nói về thần tượng duy nhất của mình hay của cha ông mình mà nếu phải suy nghĩ khách quan và phê phán hay phủ nhận HCM thì đó sẽ là phê phán hay phủ nhận cả sự nghiệp và ý nghĩa cuộc đời chính họ và cha ông họ, nên đó là điều họ không thể làm, một cách vô thức, trên phạm vi toàn xã hội.

Vì thế, ngay cả khi đã phải trả giá vì cộng sản (như ông Vũ Thư Hiên) hay tự phản tỉnh đối với đảng và chế độ cộng sản này (như ông Bùi Tín), đa số cựu cán bộ cộng sản vẫn tôn thờ ông HCM và đảng CSVN “của HCM”, và chỉ dám phê phán các học trò của HCM và cái “đảng CSVN hiện nay” thôi, mà họ không nhìn thấy sự nhất quán về bản chất của HCM với với những người họ phê phán và với toàn đảng CSVN. Tôi thấy, đó quả thật là một sự tẩy não triệt để và thành công.

Bài viết gần đây, “Cuộc đánh tráo không thể có”, của ông cựu đại tá CS Bùi Tín cũng là một bài viết như thế, nó không khách quan và còn rất hùng hồn ngây ngô nữa. Trong bài trên, đăng trên nhiều trang lề dân, ông Bùi Tín tín khẳng định 100% rằng không thể có cuộc đánh tráo Hồ Tập Chương/Hồ Chí Minh thay cho Nguyễn Ái Quốc (đã chết) như tác giả Đài Loan Hồ Tuấn Hùng khẳng định trong “Hồ Chí Minh bình sinh khảo” của ông.

Tôi chưa có đủ cơ sở để tin 100% HCM và NAQ là hai người khác nhau như tác giả Đài Loan khẳng định, nhưng tôi cũng không tin “khẳng định 100%” của những người như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên hay cả giàn lãnh đạo và bộ máy truyền thông của CSVN rằng NAQ với HCM là một. Đơn giản chỉ vì xung quanh vấn đề đó tế có quá nhiều chi tiết mập mờ khập khiểng và còn quá nhiều điều bí ẩn, còn thái độ của đảng CSVN và các đảng viên CSVN về vấn đề đó càng làm tôi thấy cần phải cân nhắc cả hai khả năng, mà hiện nay khả năng nào cũng đều không ổn.

Bác bỏ năm luận điểm và là 5 câu hỏi của ông Bùi Tín

Ông Bùi Tín đã hùng hồn nêu ra 5 câu hỏi cho học giả Đài Loan để làm 5 luận điểm chứng minh ông HCM với NAQ là một, tức là để khẳng định cuộc đánh tráo là không thể có. Tôi thấy đó là những câu hỏi rất ngây ngô ngộ nhận mà chỉ cần một người bình thường như tôi cũng có thể đưa ra các câu trả lời hay bẻ gãy lập luận của ông Bùi Tín. Và đó là việc tôi sẽ làm ở đây.

Câu hỏi đầu tiên ông Bùi Tín đưa ra là, tại sao trong kho hồ sơ lưu trữ của đảng CSLX không có tài liệu về việc bà Vera Vasilieva theo dõi việc đào tạo Hồ Tập Chương thành Nguyễn Ái Quốc tại Moscow những năm 1933-1938? Cộng sản nói chung trên toàn thế giới - cả đảng CSLX hồi đó và đảng CSVN hiện nay - với bản chất là luôn gian dối, có một “văn hóa” lưu trữ hồ sơ khác mọi chế độ: họ chỉ lưu trữ hồ sơ tự tạo ra theo ý muốn và quyền lực của những người cầm quyền hay ý muốn của đảng, hoặc họ không cần có hồ sơ lưu trữ gì cả, hoặc họ luôn thay đổi các sự kiện sao cho có lợi cho họ và bất chấp lịch sử, để lưu hồ sơ sao cho “có lợi cho cách mạng”. Với họ, không có khái niệm sự thật hay lịch sử khách quan, chỉ có cái gọi là “lịch sử trong con mắt biện chứng của đảng” - tức do họ chế tác ra. Ông Bùi Tín là người làm báo cộng sản hẳn biết rất rõ điều đó. Những năm 30s thế kỷ trước còn là thời đại khủng bố và thanh trừng nội bộ tàn khốc của Stalin-Beria khi họ thường thủ tiêu người không cần bản án, hồ sơ... thì việc gian dối thay người này bằng người khác “vì lợi ích cách mạng quốc tế” là chuyện cỏn con họ càng không cần hồ sơ và không muốn để lại hồ lưu trữ. Và nếu có chút ít hồ gián tiếp nào đó thì khả năng sau đó nước Nga rơi vào đại chiến 2 làm tan hoang cả Châu Âu và khả năng bảo tồn được các hồ sơ đó cũng rất thấp. Thêm nữa, sau chiến tranh Stalin cho giải tán Comintern là bộ phận QTCS của bà Vera Vasilieva người có thể đã phụ trách việc này, thì việc hy vọng vào hồ sơ lưu trữ của đảng CSLX là không tưởng. Xin hỏi ông Bùi Tín, liệu trong lưu trữ của đảng CSLX có tìm thấy hồ sơ về hàng vạn hàng triệu vụ tàn sát các đảng viên cộng sản Nga và Đông Âu để giải oan cho họ không? Hay trong hồ sơ lưu trữ của đảng CSVN có hồ sơ về hàng trăm ngàn vụ giết oan nông dân, địa chủ như vụ bà Cát Hanh Long không?

Câu hỏi thứ hai của ông Bùi Tín là, tại sao năm 1960 khi gặp HCM luật sư Frank Loseby vẫn nhận ra đó là “người cũ” - NAQ? Xin thưa, như đại đa số người châu Âu bình thường ông Loseby khó mà phân biệt chính xác hai người Á châu cùng tuổi cùng giới khi ông còn trẻ và minh mẫn hoàn toàn, và năm 1960 khi đến Hà Nội Ls Loseby đã gần 80 tuổi sau gần 30 năm cứu NAQ ở Hongkong, chắc chắn ông chỉ có một câu trả lời: HCM chính là NAQ mà ông đã gia ơn năm xưa, nhất là nay kẻ chịu ơn ông đó đã là Chủ tịch một đất nước mấy chục triệu dân. Hơn nữa, từ trước đó vài năm, từ 1956, HCM đã liên tục chuẩn bị cho ông Loseby “nhận ra” mình bằng cách viết thư tự giới thiệu lại và thăm hỏi, gửi quà (bức tranh thêu chùa Một Cột) và gửi ảnh của mình (Chủ tịch HCM) cho Loseby, thì làm sao Ls Loseby có thể có nghi ngờ gì nữa? Và khi đã không có nghi ngờ trong lòng thì đôi mắt của ông già 80 đang vinh dự là ân nhân của chủ tịch một nước làm sao có thể nhìn ra gì khác nữa? Thực ra, có thể ông HCM đã cố tình chỉ sử dụng ông già Loseby cho mục đích đó: xác nhận NAQ là HCM. Còn nếu để tỏ lòng biết ơn cứu mạng, tại sao HCM không viết thư cho Ls Loseby từ hơn chục năm trước đó, từ 1945 chả hạn?

Câu hỏi và luận điểm thứ ba của ông Bùi Tín là, tại sao năm 1946 khi sang lại Pháp HCM đã gặp lại các bạn cũ mà không ai nghi ngờ HCM không phải NAQ? Về điều khẳng định này, chỉ xin ông Bùi Tín đưa ra những cái tên và tài liệu chứng minh, ai là những người “bạn cũ” - cả người Việt lẫn người Pháp - mà HCM gặp trong chuyến đi Pháp năm 1946 mà trước đó đã biết rõ NAQ? Câu trả lời đơn giản là không có ai hết, và không có tài liệu nào hết ghi nhận lại những cuộc gặp như thế cả. Năm 1946 những bạn cũ người Việt của NAQ biết rõ NAQ ở Pháp hầu như không còn ai và chắc chắn không ai gặp chủ tịch HCM cả. Trong chuyến đi đó, xung quanh HCM và đến gặp HCM toàn những người của thế hệ sau mới nghe danh chủ tịch mà đến như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Văn Huyên...

Câu hỏi và luận điểm thứ tư của ông Bùi Tín là việc bà Thanh chị NAQ năm 1946 đến phủ chủ tịch và vẫn nhận ra HCM là “thằng Coong có sẹo tai trái khi đi câu cá” và cả ông Cả Khiêm cũng nhận ra em mình? Ông Bùi Tín cũng biết rõ là bà Thanh bất ngờ ra Hà Nội và chỉ được gặp “thằng Coong” vài phút và hai người đã nói gì trong vài phút đó đến nay vẫn không ai biết. Vụ “thằng Coong có sẹo tai trái” là do bà Thanh sau này nhìn ảnh chủ tịch HCM thấy có sẹo tai trái mới nhớ ra hồi đó “thằng Coong” đi câu cá bị lưỡi câu móc vào tai... Nhưng bà Thanh lại quên hay không được xem ảnh “thằng Coong” tức Nguyễn Tất Thành lúc sang Pháp tai không có sẹo và vểnh ra và chọc lên như tai... Hồ chủ tịch.

Vụ cái tai sẹo chắc đã làm “thằng Coong” sợ hú vía nên “Coong” mới phải thiết kế cuộc gặp anh cả Khiêm mấy năm sau đó vào buổi tối nhà quê không điện, nhá nhem, để hai “anh em” hàn huyên chuyện cũ và... cũng chớp nhoáng như gặp chị Thanh, vì “bận việc cách mạng”! Ông cả Khiêm chả kịp nhận ra cái sẹo nào của “thằng Coong” thì đã ra đi ngay năm đó, 1950... Chưa ai được nghe ông cả Khiêm nói bất cứ điều gì về “thằng Coong” sau cuộc hội ngộ trong bóng đếm và không có người thứ ba đó cả? Ông Bùi Tín có thể lấy gì làm chứng để nói ông cả Khiêm đã nhận ra hay không nhận ra “thằng Coong”? Cả “thằng Coong” cũng kín như bưng đến khi vào nằm trong lăng Ba đình...

Luận điểm hay câu hỏi thứ năm của ông Bùi Tín là, tại sao nhiều người quen NAQ trước năm 1933 sau này làm việc với HCM vẫn không ai nghi ngò HCM không phải là NAQ?Đây là câu hỏi hay ho nhất và khó trả lời nhất của ông Bùi Tín, vì lần này ông đưa ra ba cái tên cụ thể: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt và Phùng Chí Kiên.

Người thứ nhất, có lẽ ông Bùi Tín đã nhầm, vì Hoàng Quốc Việt chỉ gặp HCM tại Hội nghị TW đảng lần VIII năm 1941 tại Pắc Bó và không biết NAQ là ai?

Người thứ hai, Nguyễn Lương Bằng năm 1927-1928 được cử đi dự lớp đào tạo của TNCM ĐCH tại Hương cảng do NAQ tổ chức nhưng chưa đến nơi thì lớp học bị cảnh sát HK vây bắt nên phải giải tán và sau đó NAQ sang Thailand, còn Nguyễn Lương Bằng về nước, sau này đến 1941 NLB mới gặp HCM. Sở dĩ có sự ngộ nhận rằng NLB biết cả NAQ và HCM là do danh sách lớp học ở HK rơi vào tay mật vụ Pháp nên NLB bị bắt, và bản thân NLB cũng đã ghi trong lý lịch là mình được đi dự lớp đào tạo do NAQ mở (đúng), nhưng quên không khai là lớp đó không thực hiện được do bị cảnh sát HK bắt bớ phải giải tán...

Người thứ ba, Phùng Chí Kiên, biết rõ NAQ: đã dự lớp đào tạo của NAQ ở HK năm 1926, đã sang học trường Phương Đông ở Moscow rồi về hoạt động ở TQ, VN. Năm 1938-39 đã gặp HCM (Hồ Quang) ở TQ, cùng hoạt động một thời gian rồi đưa HCM về chiến khu Việt Bắc (hang Pắc Bó), rồi dự HN TW 8... Vấn đề là ở chỗ đến 1956-1958 HCM mới chính thức nhận mình là NAQ, còn khi làm việc với PCK ở VN và TQ thì HCM chỉ là HCM thôi. Ngay năm 1941, trung đội Bắc Sơn của PCK đã “vô tình” bị trên 4000 lính Pháp vây đánh và Phùng Chí Kiên cùng người phó Lương Văn Tri (cũng biết rõ NAQ là ai) bị Pháp giết... Như vậy PCK chưa bao giờ phải băn khoăn HCM có phải là NAQ không thì ông Bùi Tín muốn chứng mình điều gì?

Nói hộ Bùi Tín về những người biết rõ cả HCM và NAQ

Tôi vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên khi thấy ông Bùi Tín không đưa ra hai cái tên Trịnh Đình Cửu và Hồ Tùng Mậu là hai người đã cùng NAQ tham gia thành lập đảng CSĐD ở Hương cảng năm 1930 và sau này đã tham gia kháng chiến chống Pháp cùng HCM, để chứng mình HCM là NAQ.

Sau khi nghiên cứu tiểu sử của trên một trăm hai mươi yếu nhân lịch sử dân tộc Việt cùng thời với NAQ, tôi thấy có ba mươi tư người (34) đã biết rõ NAQ trước 1933 như cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong... thì ba mươi người đã “ngẫu nhiên” bị chết/giết chết trước-trong-và sau khi HCM xuất hiện và không gặp được HCM, chỉ còn có 4 người được cho là biết NAQ mà vẫn sống sót để làm việc với cả HCM sau này, đó là: Nguyễn Lương Bằng, Phùng Chí Kiên, Hồ Tùng Mậu và Trịnh Đình Cửu.

Tôi muốn nói thêm về Hồ Tùng Mậu vốn là trợ lý giảng dạy cho NAQ ở Hongkong cho các lớp đào tạo của TNCMĐCH, cùng tham gia thành lập đảng CSĐD năm 1930 với NAQ, và là người đã liên hệ với đảng CSTQ và để nhờ cứu NAQ bị bắt ở HK năm 1931. Đảng CSTQ đã báo cho QTCS nhờ Công hội Đỏ thuê luật sư Loseby cái cho NAQ... Ông Hồ Tùng Mậu là bạn thân, đồng hương xứ Nghệ, là cấp dưới hay đồng cấp của NAQ từ trước 1930, là ân nhân góp phần cứu NAQ ra từ năm 1933. NAQ là bạn thân của cả gia đình họ hàng HTM vì gia đình HTM rất danh giá.

Thế mà năm 1945 khi HCM lên là Chủ tịch nước còn HTM ra tù về Hà Nội thì không được gặp HCM, phân vân không biết HCM có phải NAQ? HTM được HCM cử vào phụ trách liên khu V để rồi bị “máy bay Pháp bắn chết” năm 1951. Đáng ngờ hơn nữa là trước đó, năm 1948, con trai HTM là Hồ Mỹ Xuyên lúc đó 28 tuổi đang là phó bị thư tỉnh ủy Nghệ An được/bị HCM điều ra Đặc ủy đoàn ở Lao Cai và bị “tai nạn” chết ở đó (vì Hồ mỹ Xuyên cũng biết rõ NAQ là ai?). Sau khi Mỹ Xuyên chết, HCM “đánh máy ngay” thư chia buồn cho “bạn thân” HTM... Cả HTM và HMX đều không gặp HCM.

Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ

Tóm lại là, không có một ai thực sự biết rõ cả NAQ và HCM cả, trừ Trịnh Đình Cửu (Tản Anh). Trịnh Đình Cửu cũng là một trong 7 (hay 8?) người tham gia thành lập đảng năm 1930 ở Hongkong và đến 1990 mới chết với chức vụ cuối cùng là giám đốc trường đảng NAQ! Nhưng TĐC có 13 năm lý lịch từ 1936 (sau khi ra tù) đến 1949 “biến mất”, không ai biết đã làm gì ở đâu? Đó cũng là những năm tình báo Hoa Nam đã đào tạo ra các “lãnh tụ” của các đảng CS chấu Á như đồng chí Lai Teck của đảng CS Malaysia. Nếu Trịnh Đình Cửu bị Hoa Nam bắt để khai thác và thay người của mình thì 13 năm đó là quá thừa, làm gì cũng được, và vì thế chắc chắn là TĐC đã không hề nhận ra HCM và NAQ là hai người, như ông Bùi Tín muốn chứng mình. Sao ông Bùi Tín không đưa ra cái tên Trịnh Đình Cửu nhỉ?

Có lẽ đảng CSVN cũng biết rõ Trịnh Đình Cửu cũng là tác phẩm của Hoa Nam đánh tráo, nên chỉ nâng bi một HCM là quá đủ “nặng đô” rồi?

Cuối cùng thì, HCM có phải là NAQ? Theo tôi chắc là không. Nhưng HCM có lẽ cũng không phải là Hồ Tập Chương từ Đài Loan đến. Hồ Chí Minh rất có thể là một người Việt gốc Hoa ở Nghệ An được tình báo Hoa Nam chuẩn bị để thay NAQ sau khi NAQ chết ở HK. Giống như Hoa Nam đã chọn và đào tạo một người Việt gốc Hoa khác từ Nghệ An là Trương Phước Đạt từ năm 1933 đến 1938 thành tổng bí thư đảng CS Malaysia vậy thôi? Và Hồ Chí Minh nếu từ người Hoa ở Vinh thì có thể là họ hàng với người Tàu họ Hồ ở Đài Loan?

Điều quan trọng là, chúng ta hãy để ý, việc cứu NAQ ở HK bắt đầu từ chính đảng CSTQ do Hồ Tùng Mậu báo tin và cậy nhờ... Và có lẽ vì thế mà cha con ông Hồ Tùng Mậu phải chết mà không biết HCM có phải NAQ hay không?

Câu hỏi đó, theo tôi, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức và thuyết phục.



***


Cuộc đánh tráo không thể có

Bùi Tín - 03.04.2014 - Có những điều không có thật, nhưng vẫn có người tin là thật. Như trong lăng ở Quảng trường Ba Đình ngày nay là thi hài ông Hồ Chí Minh, nhưng vẫn có người tin là không phải vậy, đó là thi hài một người Trung Quốc, có tên là Hồ Tập Chương. Không ít người không hẳn tin nhưng vẫn nghi ngờ. Như nhà bình luận Trần Bình Nam viết trên blog Trần Bình Nam (tháng 3/2014):‘’Trong lăng ở Ba Đình là một người Việt Nam hay một người Trung Quốc?‘’.

Nguồn gốc của sự ngộ nhận hay hoài nghi trên đây là do một cuốn sách dày hơn 200 trang, nguyên văn chữ Hán có đầu đề Hồ Chí Minh sinh bình khảo, tác giả là giáo sư chính trị Trường Đại học quốc lập Đài Loan ở Đài Bắc, tên là Hồ Tuấn Hùng, do nhà Xuất bản Bạch Tượng in và phát hành. Cuốn sách ra mắt độc giả tháng 11 năm 2008, ngay sau đó được dịch ra tiếng Việt và các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản.

Bản dịch tiếng Việt do Thái Văn thực hiện, hiện được lưu trên mạng Thông Luận cũng như trên mạngGoogle. Trong cuốn sách tác giả Hồ Tuấn Hùng đưa ra nhận định với khá nhiều dẫn chứng để chứng minh rằng người mang tên Nguyễn Tất Thành sinh ra ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, Việt Nam, sau này mang tên Nguyễn Ái Quốc, đã bị thực dân bắt ở Hồng Kông và đã chết sau đó ở trong tù vào năm 1932; xác ông đã được đưa sang chôn cất ở Moscow, Liên bang Xô viết cũ. Con người ít lâu sau đó đội tên Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam từ những năm 1938 đến năm 1945 mang tên Hồ Chí Minh và trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi chết ngày 3/9/1969 ở Hà Nội thật ra là một người Trung Quốc, sinh năm 1901 ở Đài Loan, tên gốc là Hồ Tập Chương.

Giáo sư Hồ Tuấn Hùng tự nhận là cháu gọi ông Hồ Tập Chương là chú ruột. Tác giả khẳng định rằng cuộc đánh tráo con người trọn vẹn có một không hai trong lịch sử thế giới này bắt nguồn từ chủ trương của Đệ Tam Quốc tế CS thời Stalin - Dimitrov, được tập thể lãnh đạo đảng CS Trung Quốc là Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và Khang Sinh nghiêm chỉnh chấp hành, do tình báo Hoa Nam của đảng CS TQ thực hiện trót lọt theo chủ định của Quốc tế CS. Theo cuốn sách, bà Vera Vasilieva, cán bộ của Quốc tế CS đã theo dõi việc huấn luyện, đào tạo nhà tình báo Hồ Tập Chương về hình dáng, tiếng Việt, giọng nói Nghệ An suốt trong 5 năm để hoàn thành sứ mạng này.

Điều rất kỳ lạ là hơn 5 năm nay, các cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CS VN cũng như của đảng CS TQ đều im hơi lặng tiếng, không xác nhận mà cũng không phủ nhận nội dung cuốn sách quan trọng này.

Thật ra không có khó khăn gì để chứng minh rằng nội dung cuốn sách chỉ là một điều hoang tưởng, theo kiểu tiểu thuyết trinh thám rẻ tiền, có thể là do động cơ vụ lợi kèm theo động cơ chính trị ám muội kiểu nước lớn đang nuôi dưỡng dã tâm thôn tính lâu dài nước ta theo kiểu gặm nhấm dần.

Dù cho lập luận có vẻ chặt chẽ đến đâu đi nữa, dù cho đưa ra những chứng cứ có vẻ chân thực đến đâu chăng nữa thì bịa đặt vẫn hoàn toàn là bịa đặt, cuộc đánh tráo Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương chỉ là trò bịp 100%. Chỉ cần đặt vài câu hỏi.

Xin hỏi tác giả Hồ Tuấn Hùng, đảng CS Liên Xô, Đệ Tam Quốc tế CS để lại ở kho lưu trữ khối tư liệu đồ sộ hàng triệu trang, mở ra cho công luận, đã có dòng nào nói đến sự kiện ‘’đánh tráo người‘’, nói đến bà Vera Vasilieva với sứ mạng huấn luyện cho ông Hồ Tập Chương đội lốt Hồ Chí Minh?

Ông biết chăng, hồi năm 1960 ông Hồ Chí Minh mời vợ chồng luật sư Frank Loseby sang Hà Nội, khách vẫn nhận ra ông bạn cũ của gần 30 năm trước, đâu có phải là ai khác? 

Và khi ông Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946 gặp lại hàng loạt bạn Pháp cũ, có một ai ngỡ ngàng nhận ra là một người Tàu đội lốt ông Hồ Chí Minh đâu?

Rồi năm 1946 khi bà Thanh chị cả ông Hồ Chí Minh ra Hà Nội, bà nhận ra ngay ‘’thằng Coong, có cái sẹo ở tai trái do đi câu cá bị nạn khi còn nhỏ‘’, đâu có ngỡ ngàng gì. Ông Cả Khiêm cũng vậy, ông đã nhận ra ngay em ruột mình không chút băn khoăn.

Và ông Hồ đã có cả một loạt nhà báo, nhà văn, học giả quốc tế viết về ông, như W.J. Duiker, Sophie Quinn Judge, Pierre Brocheux, Bernard Fall, Wilfred Burchett …với mọi chuyện ly kỳ, sao không có một ai nói đến chuyện đánh tráo danh nhân, ‘’thay rồng hóa phượng‘’ trên đây.

Có những người quen biết ông Hồ từ trước năm 1933, như Nguyễn Lương Bằng, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, cho đến cả ông Nguyễn Hải Thần, để đến 1942, 1945, 1946 gặp lại, có ai nghi ngờ là đã gặp một con người khác, một người Tàu giả dạng Việt Nam, đóng vai Hồ Chí Minh một cách trọn vẹn, đánh lừa mọi người quen biết cũ do đã được huấn luyện kỹ càng tỷ mỷ, như tác giả Hồ Tuấn Hùng kể lại.

Không một nhà chuyên khảo nào từng tìm hiểu và viết về cuộc đời ông Hồ Chí Minh cho rằng chính kiến của tác giả Trung Quốc Hồ Tuấn Hùng trong cuốnHồ Chí Minh sinh bình khảo là có giá trị.

Trên mạng Thông Luận, có lưu giữ 12 bài luận văn công phu mang đầu đề ‘’Giặc Hán đốt phá Nhà Nam» của tác giả Huỳnh Tâm, bạn đọc còn có thể vào đọc. Bài cuối cùng, thứ 13, sắp ra mắt độc giả. Rất đáng tiếc là trong suốt 12 bài đã công bố tác giả dựa vào một ý tưởng trung tâm là coi việc đánh tráo thi hài ông Hồ Chí Minh là có thật, tác giả tin rằng bọn bành trướng với mưu ma chước quỷ đã thực hiện trôi chảy việc đánh tráo này, rằng hiện nằm trong lăng ở Hà Nội là một người Tàu 100%, là xác của ông Hồ Tập Chương, chú ruột của nhà học giả Hồ Tuấn Hùng. Nếu quả vậy thì nên làm gì nữa, thưa ông Huỳnh Tâm? Phải tố cáo với toàn dân, với cả nhân dân Trung Quốc và nhân toàn thế giới, trò bỉ ổi phạm luật quốc gia và luật quốc tế này, và trước hết mạng Thông Luận cần phải có thái độ và lập trường rành mạch minh bạch về sự kiện này. Tôi luôn quý trọng mạng Thông Luận, thường có những bài viết có chất lượng, đóng góp quý báu cho công cuộc dân chủ hóa.

Việc bác bỏ một sự kiện không có thật, phê phán một cuốn sách dựng đứng lên về sự đánh tráo thi hài trong lăng Hồ Chí Minh - dù cho sự đánh giá nhân vật lịch sử này khác nhau, trái ngược nhau - là một việc làm cần thiết lúc này, để cho mọi sự được công bằng, minh bạch, lịch sử trở lại đúng như nó có thật, chính là thái độ mọi công dân yêu nước cần có.



Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam