Một phụ nữ Ukraine tưởng nhiệm người bạn bị thiệt mạng trong các cuộc xô xát với cảnh sát hồi tháng 2 tại Quảng trường Độc lập ở Kiev.
Nguyễn Hưng Quốc - 31.03.2014 - Cho đến nay, phần lớn các bài tường thuật hoặc phân tích về việc Nga cưỡng đoạt bán đảo Crimea từ trong tay của Ukraine đều tập trung vào hai đối tượng chính: Nga và các phản ứng của Mỹ và Liên Hiệp Âu châu.
Về phía Nga, người ta tập trung nhiều nhất vào các tham vọng quyền lực của Vladimir Putin, người xem sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Nga vào đầu thập niên 1990 như một tai họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 thay vì là một may mắn vì thoát khỏi ách chuyên chế và sự bần cùng; và cũng là người, theo cách nói rất hình tượng của một nhà báo nào đó, “tối nằm mơ mình là Đại đế, sáng thức dậy, hành xử như Stalin”.
Người ta cũng phân tích các mặt mạnh và mặt yếu của Nga trong tham vọng biến thành một đế quốc, trong đó hai mặt mạnh nhất là, một, nguồn tài nguyên dồi dào đủ để gây sức ép lên châu Âu, nếu cần; và hai, quyền lực tập trung hẳn vào một người: Putin (trên nguyên tắc, có thể tại vị cho đến 2024!). Nhưng hai mặt yếu lớn nhất của Nga là: Một, kinh tế yếu và khá què quặt, chủ yếu chỉ dựa vào nguồn dầu khí; và hai, qua cách hành xử của Nga tại Ukraine vừa qua, bộ mặt đế quốc của Nga hiện lên rất rõ nên một mặt, gây sợ hãi đối với các nước láng giềng, và vì sự sợ hãi ấy, họ sẽ ngả theo Tây phương; mặt khác, khiến Tây phương phải cảnh giác, đoàn kết và cứng rắn hơn: Nếu việc lấn chiếm Crimea của Nga là một bất ngờ đối với Tây phương thì, thật ra, nó cũng là một “bất ngờ” đối với chính Nga lúc họ chưa sẵn sàng đủ để hiện thực hóa tham vọng đế quốc của mình.
Về phía Mỹ và Tây phương, người ta tập trung nhiều nhất vào các phản ứng và những hạn chế trong các phản ứng chống lại Nga. Nói chung, cả Mỹ lẫn châu Âu đều đồng ý với nhau ở một điểm: tất cả đều xem việc Nga cưỡng chiếm Crimea của Ukraine là một điều phi pháp, hơn nữa, một hiểm họa. Hiểm họa ấy không nằm ở bản thân Crimea, thậm chí, ngay cả nước Ukraine. Hiểm họa ấy nằm ở hai điểm chính: Một, việc chiếm Crimea chỉ là bước đầu trong âm mưu xâm lược các nước láng giềng của Nga; và hai, nó tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế: nhân danh một lý do vu vơ nào đó, một nước lớn sử dụng bạo lực để lấn chiếm lãnh thổ của một nước khác nhỏ hơn. Xin lưu ý là từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tuy ở Âu châu có nhiều cuộc chiến tranh, nhưng đây là lần đầu tiên có cuộc chiến xâm lược và cưỡng đoạt lãnh thổ của nhau.
Biết đó là hiểm họa, tuy nhiên, phản ứng của Mỹ và châu Âu lại bị hai giới hạn lớn: Một, tất cả đều đang gặp nhiều khó khăn cả về chính trị, quân sự lẫn về kinh tế và nhân tâm, không có ai có thể cứng rắn đủ để đối đầu với Nga một cách quyết liệt; và hai, do xu hướng toàn cầu hóa, hầu như tất cả đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga trên rất nhiều lãnh vực, do đó, ngay biện pháp cấm vận cũng chỉ được thi hành một cách dè dặt.
Có điều, hầu hết các nhà bình luận chính trị đều né tránh một khía cạnh khác của cuộc xâm chiếm Crimea của Nga: các phản ứng của chính quyền Ukraine.
Điều dễ nhận thấy nhất là hầu như chính phủ Ukraine hoàn toàn chấp nhận số phận. Lính Nga tràn ngập vào Crimea, lính Ukraine vẫn án binh bất động. Một số khá lớn không đầu hàng nhưng cũng không kháng cự. Đến lúc Nga tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập Crimea vào Nga, họ vẫn không kháng cự. Ở các nơi đóng quân, lính Ukraine nếu không rút về nước (?) thì cũng tự động giải tán. Ở Tây phương, hầu như mọi người cũng đều chấp nhận việc Ukraine mất Crimea là một việc đã rồi. Không cách gì chống lại hay đòi lại được. Ở Ukraine, chính phủ mới có lẽ cũng nghĩ như vậy. Họ cũng xem như đã mất hẳn Crimea. Tất cả những nỗ lực của họ là lo giữ những phần đất còn lại.
Nhưng vấn đề là: tại sao họ lại chấp nhận một cách dễ dàng như vậy?
Lý do đầu tiên là tương quan lực lượng.
Nước Nga, về ngân sách dành cho quốc phòng lớn gần 50 lần Ukraine (78 tỉ so với 1.6 tỉ); về quân số, nhiều gấp bốn lần; về xe tăng, gấp hai lần; về chiến đấu cơ, gấp sáu lần. Dĩ nhiên, Nga không thể kéo hết số quân và vũ khí này vào Ukraine. Họ còn phải để quân phòng hờ ở biên giới vùng Bắc Caucasus, vùng biên giới với Trung Quốc và vùng Thái Bình Dương. Nhiều nhất Nga chỉ có thể huy động một quân số gấp đôi Ukraine. Nhưng ở đây lại có vấn đề: Không những quân số đông hơn, lính Nga còn tinh nhuệ hơn và vũ khí cũng tối tân hơn hẳn. Sau cuộc chiến với Georgia, Nga tăng ngân sách quốc phòng lên 30%, chủ yếu để hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, suốt cả mấy chục năm qua, đặc biệt trong mấy năm gần đây, các chính phủ thối nát ở Ukraine chỉ làm mục ruỗng không những quân đội mà còn cả đất nước của họ. Lính đã ít, vũ khí vừa ít vừa lạc hậu, cả quân trang quân dụng cũng thiếu thốn. Nhiều chiếc xe tăng không chạy được vì hết bình điện nên đề máy không nổ. Lính, ngay cả đồng phục, cũng không có. Trong số 41.000 đơn vị quân đội của họ, chỉ có khoảng 6000 là có khả năng chiến đấu.
Dưới đây là bảng so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên:
Nguồn: Theatlantic.com
Đó là chưa kể một yếu tố khác: Trong số quân lính của Ukraine, có nhiều người gốc Nga; hầu hết tướng lãnh cao cấp lại được Nga đào tạo thời còn chế độ Xô viết. Liệu những người ấy có sẵn sàng cầm súng đánh nhau với Nga? Sự nghi ngờ này có thể thấy rõ khi quân Nga tràn vào Crimea, một vị tướng hải quân của Ukraine đã nhanh nhảu đầu hàng Nga ngay tức khắc.
Bởi vậy, không có gì lạ khi Ukraine thua và chấp nhận thua một cách dễ dàng ở Crimea. Điều duy nhất nhiều người làm được là giữ được tinh thần: ngay cả khi lính Nga đến chiếm đồn trại của họ, dù không phản công, họ vẫn nghiêm trang cầm quốc kỳ và hát quốc gia.
Lý do thứ hai là vì chính trị. Quốc Hội Ukraine thông qua nghị quyết truất phế Tổng thống Viktor Yanukovych ngày 22 tháng 2. Hơn một tuần sau, quân Nga tràn qua biên giới vào lấn chiếm Crimea. Ukraine, lúc ấy chỉ có chính phủ tạm thời, lại mới cầm quyền, còn ngơ ngác và bối rối đủ chuyện, không thể đề ra một chiến lược hay chiến thuật nào có thể thực hiện được.
Lý do thứ ba, quan trọng nhất, vì giới cầm quyền Ukraine thiển cận và bất cẩn. Khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, trên đất Ukraine có hơn 1200 đầu đạn hạt nhân và trên 2500 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Năm 1994, Mỹ, Anh và Nga thuyết phục Ukraine bỏ hết các thứ vũ khí ấy, bù lại, họ hứa hẹn sẽ hạn chế việc sử dụng vũ lực hoặc kinh tế để đe dọa Ukraine. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn ấy, Ukraine rất ỷ y: Họ cắt giảm quân số, ngưng việc mua sắm vũ khí và hoàn toàn chễnh mãng trong việc tập luyện binh sĩ.
Đó là chưa kể phần lớn những người cầm quyền đều chỉ chăm chăm lo vơ vét tài sản quốc gia hầu làm giàu cho bản thân. Thấy rõ nhất điều này là qua số tài sản của Yanukovych sau khi ông chạy trốn: nhà ông ở không khác gì cung điện của vua chúa ngày xưa. Cũng sơn son thếp vàng. Cũng có cả sở thú riêng. Trong một đất nước còn khá nghèo mà đời sống của giới lãnh đạo vương giả đến độ như vậy thì còn tiền bạc đâu lo chuyện quốc phòng?
Tất cả những sự ích kỷ và bất cẩn như vậy đều xuất phát từ tầm nhìn thiển cận về địa chính trị.
Một số học giả về chính trị học nhấn mạnh: Một, tất cả chính trị đều là địa chính trị (geopolitics); và hai, tất cả các chiến lược đều là địa chiến lược (geostrategy). Không có quốc gia nào có thể thoát được các điều kiện tự nhiên vốn là điều kiện cho sự tồn tại của mình trên mặt đất. Mỗi địa lý có những ưu và khuyết điểm riêng. Nhưng dù ưu hay là khuyết, các yếu tố căn bản liên quan đến địa lý cần phải được lưu tâm trong mọi hoạch định chiến lược lâu dài của quốc gia.
Giới lãnh đạo Ukraine dường như quên hẳn những bài học căn bản ấy.
Với diện tích trên 600.000 cây số vuông (gần gấp đôi Việt Nam), Ukraine giáp giới, về phía nam, với Hắc Hải; phía đông nam, với Biển Azov; về phía tây nam, với Romania và Maldova; về phía tây, với Ba Lan, Slovakia và Hungary; về phía tây bắc, với Belarus; và đặc biệt, về phía đông và đông bắc, với Nga.
Hiện nay, cả Ba Lan, Skovalia, Hungary và Romania đều thuộc khối Liên Hiệp Âu châu cho nên có thể nói, Ukraine là vùng trái độn giữa châu Âu và Nga. Bất cứ âm mưu phát triển của bên nào cũng đều trở thành một đe dọa cho Ukraine: đó sẽ là bãi chiến trường để hai bên đối đầu nhau.
Mà chuyện ấy đã xảy ra từ lâu. Trong thế chiến thứ nhất, Ukraine từng bị xâu xé giữa hai thế lực: phe trục (chủ yếu là Áo) và phe đồng minh (gồm Anh, Pháp và Nga). Khi cuộc cách mạng vô sản bùng nổ ở Nga, Ukraine cũng bị xâu xé làm hai: một bên theo Nga và một bên theo Áo-Hung. Năm 1919, chấm dứt nội chiến, Ukraine lại bị xẻ làm hai: phía tây theo Ba Lan và phía đông theo Nga. Khi Liên bang Xô viết được thành lập vào năm 1922, Ukraine cũng bị xẻ làm hai: phía đông Galicia thuộc Ba Lan, còn lại thuộc về Liên Xô. Trong đệ nhị thế chiến, Ukraine cũng trở thành bãi chiến trường chính của Liên Xô và Đức quốc xã: chỉ riêng tại trận địa Kiev (thủ đô của Ukraine) đã có 600.000 lính Nga bị giết chết hoặc bị bắt (chiếm một phần tư quân số của Liên Xô ở mặt trận phía tây). Trong cả hai cuộc thế chiến, lần nào dân Ukraine cũng chết nhiều. Riêng trong đệ nhị thế chiến, người ta ước tính có khoảng từ 5 đến 8 triệu người Ukraine bị giết chết. Chỉ giới hạn trong quân đội, trong số khoảng 8.7 triệu người lính Xô viết bị tử vong, có khoảng 1.4 triệu là người Ukraine.
Không có gì lạ khi sau thời chiến tranh lạnh, Ukraine lại trở thành nơi tranh chấp giữa Tây phương và Nga. Nhằm mục đích phát triển sức mạnh, nhân tiện, bao vây Nga, Liên hiệp Âu châu phát triển mạnh mẽ về hướng đông. Ukraine trở thành địa điểm cuối cùng của đà phát triển ấy. Trước viễn cảnh ấy, dĩ nhiên Nga không thể không lo lắng. Để tránh bị bao vây, Nga chỉ còn một cách duy nhất: hoặc chiếm hoặc ngăn chận Ukraine lọt vào tay Liên hiệp Âu châu.
Việc Putin xua lính Nga qua chiếm Crimea và không chừng, một số vùng phía đông Ukraine, là một một chuyện dường như tất yếu. Không sớm thì muộn nó cũng sẽ xảy ra. Lý do dễ hiểu: vì vị trí của Ukraine. Nghĩa là vì địa chính trị. Trong cái vị trí trái độn ấy, điều bất hạnh khác của Ukraine: Nga cần Ukraine hơn là Mỹ và Tây phương cần Ukraine.
Cả bài này, tôi viết về Ukraine, nhưng thật ra, trong đầu, tôi chỉ nghĩ đến Việt Nam. Về phương diện địa chính trị, giữa hai nước có rất nhiều điểm giống nhau, phải không?
http://www.voatiengviet.com/author/9828.html