Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Điện ảnh Việt đã “đốt tiền” vì Điện Biên Phủ như thế nào?

Ảnh: Poster phim Ký ức Điện Biên 

Dân trí - Sử dụng ngân sách nhà nước để làm phim “cúng cụ” từ lâu đã trở thành “sở trường” của phim Việt. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, 1 triệu đô đã từng được “giải ngân” cho phim Ký ức Điện Biên. Kỷ niệm 60 năm, 1 triệu đô nữa vừa được rót xuống.

Số phận những bộ phim “cúng cụ” tiền tỷ 

Mừng kỷ niệm ngàn năm Thăng Long (10/10/2010), UBND thành phố Hà Nội từng không tiếc tiền đầu tư 56 tỷ đồng cho một bộ phim truyền hình hơn 30 tập- Thái Sư Trần Thủ Độ, để rồi đến 3 năm sau, phim mới ra mắt khán giả.

Rót tiền làm phim “cúng cụ” vào các dịp Lễ kỷ niệm (làm xong chủ yếu để chiếu một lần rồi xếp kho) từ lâu đã trở thành “chuyện thường ngày ở… phim Việt ”. Theo thói quen đó, các nhà làm phim ở các hãng “cựu nhà nước” sống vật vờ quanh năm đợi dự án phim “cúng cụ” rót về. Nhà nước sẵn tiền cứ rót, chẳng cần quan tâm đến “số phận” những bộ phim “cúng cụ” sẽ đi đâu, về đâu. Tính đến thời điểm hiện tại, các phim “cúng cụ” hầu hết đều… xếp kho, sau một vài lần chiếu lấy lệ. Về chất lượng phim “cúng cụ”? Khỏi bàn! 

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử, nhà nước từng đưa ra giá “khủng” ở thời điểm đó là 13 tỷ đồng để hãng phim truyện Việt Nam (Công ty TNHH một thành viên phim truyện Việt Nam) gấp rút hoàn thành một bộ phim ra mắt dịp kỷ niệm 7/5. 13 tỷ đồng thời ấy tương ứng khoảng 1 triệu đô và 13 tỷ đồng là con số gây sốc với một phim điện ảnh vào năm 2004. 

Kịch bản được duyệt là Người hàng binh. Kịch bản là câu chuyện hồi tưởng của một cựu binh Pháp và một chiến sỹ Điện Biên về những trận đánh năm xưa, về chuyện tình cảm giữa họ và một cô gái, về quá trình giác ngộ của anh lính Pháp trước lòng quả cảm, nhân hậu của Việt Minh… Kịch bản được giao cho đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. 

Sau khi hoàn thiện, bộ phim được lấy tên là Ký ức Điện Biên. Với 13 tỷ đồng đầu tư, nhưng ngay khi ra mắt, bộ phim Ký ức Điện Biên đã bị chê tơi tả. Trước sự kỳ vĩ, bi tráng của trận Điện Biên huyền thoại, bộ phim Ký ức Điện Biên trở thành câu chuyện hời hợt, nông cạn. Phim gần như không mang lại bất kỳ cảm xúc nào cho người xem. 

Ba diễn viên chính trong Ký ức Điện Biên 

Một cảnh trong phim Ký ức Điện Biên 

Mặc dù đã có những cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa đạo diễn và truyền thông thời ấy, mặc cho những lời thanh minh, bào chữa, khen ngợi của đạo diễn dành cho bộ phim của mình, khán giả vẫn cảm thấy Ký ức Điện Biên là câu chuyện quá nhợt nhạt so với 13 tỷ đồng, và càng nhợt nhạt so với chiến dịch Điện Biên lịch sử. 

Sau 10 năm, những dự án phim “cúng cụ” mới lại tiếp tục được đầu tư triển khai hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Một triệu đô nữa (tương đương khoảng 22 tỷ đồng) tiếp tục được đầu tư cho dự án phim điện ảnh Sống cùng lịch sử. Thêm một lần nữa, khán giả lại được dịp hồi hộp chờ đợi và mòn mỏi hy vọng về một bộ phim xứng tầm trước Điện Biên. 

Sẽ chờ đợi được gì ở những phim “cúng cụ”? 

Phim lịch sử xưa nay luôn là điểm yếu của điện ảnh Việt. Những hình ảnh mô phỏng chiến trận thô sơ, những câu chuyện minh họa sơ sài, những nhân vật lịch sử khô cứng… là những gì người ta vẫn nói về phim lịch sử Việt Nam. 

Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được mở ra để các nhà làm phim tranh cãi xem, lý do vì đâu phim lịch sử lại yếu kém đến thế. Mỗi cuộc hội thảo, tọa đàm đều tìm ra rất nhiều lý do: tại ít tiền, tại ít tư liệu lịch sử, tại công nghệ kỹ thuật yếu kém… và gần đây, người ta cũng có nói đến lý do khác nữa: tại điện ảnh Việt không có tài năng. Bởi thế, bao năm hội thảo, rồi tọa đàm tranh cãi kịch liệt, phim lịch sử “yếu kém vẫn hoàn yếu kém”. 

Cảnh trong phim Hoa ban đỏ 

Trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử, nhà nước (như thường lệ) lại mải miết “giải ngân” cho hàng loạt bộ phim “cúng cụ” ở cả thể loại phim truyền hình và phim điện ảnh. 
Năm 1994, kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên, chúng ta có phim Hoa ban đỏ (đạo diễn Bạch Diệp). Năm 2004, kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên, chúng ta có phim Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn). Những bộ phim đều bị chê chưa xứng tầm, quá nhợt nhạt so với những gì đã từng được lịch sử viết nên ở Điện Biên năm 1954. 

Năm 2014, chúng ta có thể chờ đợi được điều gì? Đó còn là một câu hỏi để ngỏ. 

*** 

Khi Cục Điện Ảnh thất thoát 42 tỷ đồng, dư luận rúng động, giới nghệ sỹ “sốc” (vì không biết Điện ảnh Việt Nam xưa nay vốn quanh năm kêu đói khổ lại có đến 42 tỷ để thất thoát), đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng: “Từ bao lâu nay, điện ảnh Việt vẫn có nhiều cách khác nhau để thất thoát tiền. 42 tỷ đồng chẳng là gì. Hàng loạt những dự án phim được bày ra để sản xuất, sản xuất xong chiếu một lần rồi xếp kho- đó mới là những sự “thất thoát” khủng khiếp”. 

Hào Hoa

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam