Thành thử nếu người anh em “bên thắng cuộc” gọi Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Ngày Giải Phóng thì cũng được đi, nhưng gọi như thế mới chỉ được một vế, làm mất ý nghĩa của “cuộc chiến tranh thần thánh” chấm dứt cách đây 39 năm. Tên đầy đủ phải là “Ngày giải phóng Miền Bắc khỏi khố rách áo ôm Xã hội Chủ nghĩa”.
Còn “bên thua cuộc” thì rành rành, trước sau như một, 30 Tháng Tư 1975 là Ngày Phỏng... Hai Hòn.
Nguyễn Bá Chổi - Danlambao - Cho đến nay, ba mươi chín năm sau, việc đồng bào Miền Nam gọi ngày 30 Tháng Tư năm 1975 là ngày “phỏng...” gì đó vẫn là một sự xúc phạm không thể tha thứ đối với những ai chưa sờn lòng trên đường “Kách Mệnh” quyết “đưa năm châu đến đại đồng” như lời thủ lãnh của họ đã “nổ” dưới chân tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo cách đây hơn nửa thế kỷ (1), cho dù cái “nôi đại đồng” Liên Bang Sô Viết đã tan hàng, các quốc gia mang tên nước đúc khuôn “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết...” đã được ai về nhà nấy, mừng khúm trở lại “con đường xưa em đi”, từ dạo... lâu lắm rồi.
Nhưng những người anh em phe “Đại Thắng Mùa Xuân 1975” lại chẳng nghiêm chỉnh chút nào khi vẫn còn tiếp tục gọi đó là Ngày Giải Phóng Miền Nam. Bởi vì trong thực tế, hôm nay không ai chối cãi được rằng ý nghĩa đích thực của chiến thắng 30 Tháng Tư là, người anh em đã tự giải phóng cho chính người anh em, chứ không phải anh em đã giải phóng cho ai khác.
Người viết tạm mở/đóng ngoặc ở đây để xin bạn đọc thuộc “diện” người anh em phe chiến thắng sau hơn một phần ba thế kỷ, nhìn lại vẫn chưa “sáng mắt sáng lòng” hãy dằn cơn giận dữ, chịu khó đọc tiếp. Bởi khi nâng đầu ngón tay - thay vì “hạ bút” của thời tiền còm piu tơ - để mổ cò lên từng con chữ trên bàn phím (keyboard) lóc cóc ra những hàng này, tiện Chổi cũng chẳng hề có ý bôi bác cuộc “chiến tranh thần thánh” của người anh em mà biết đâu trong số những người đang đọc Chổi có không ít kẻ đã hy sinh một phần thân thể, trong khi tiện Chổi vẫn luôn tôn trọng người khoác áo chiến binh, nhất là đối với những kẻ thiếu may mắn đang mang vĩnh viễn thương tích chiến tranh như mình, dù họ thuộc phía đối nghịch. Tiện Chổi chỉ muốn mạo muội đề cập đến cái “chính danh” của... chữ nghĩa mà thôi.
“Chữ nghĩa” ở đây là “Giải Phóng” và “Tự Giải Phóng”.
Thực ra khi tự cho mình đang “bàn chuyện chữ nghĩa”, tiện Chổi thấy mình đã quá lộng ngôn. Chỉ cần nhìn/đọc cái tên “tiện Chổi” là người anh em đã thừa biết trình độ của Chổi nó... cùn đến mực nào rồi. Lãnh vực thi thố tài ba của thân Chổi chỉ là chốn đầu đường xó chợ; phạm vi “làm nghĩa vụ quốc tế” của Chổi cao xa lắm cũng chỉ quơ quơ quanh quẩn chợ Ba Đình Hà Nội. Do đó tiện Chổi không dám lý luận chung quanh vấn đề “Giải Phóng” hay “Tự Giải Phóng”, tức gọi thế nào cho phải chăng, đúng lẽ công bằng với ý nghĩa của nó, đại khái như lời dạy của Chúa Giê Su, “Của César, trả César”.
Trả “Ngày 30.4.1975” cho “Giải Phóng” hay cho “Tự Giải Phóng”, là tùy ở mức độ “tự giác”, hay trình độ “sáng mắt sáng lòng” của người anh em sau khi nghiền ngẫm lại một số những chuyện xảy ra mà ngôn ngữ người anh em gọi là “sự cố” sau đây, mà có lẽ đối với nhiều người anh em, những chuyện này hay những chuyện na ná, chẳng còn lạ chi, đã “biết rồi, khổ lắm...”.
Ở đây tiện Chổi không muốn nhắc lại những chuyện “Ngoài ấy TV chạy đầy đường; cà rem ăn không hết phải đem phơi khô”, chuyện “cái nồi ngồi trên cái cốc; đồng hồ có người lái, hai ba cửa sổ v.v...”, là những chuyện tuy có thật hoàn toàn nhưng dễ bị hiểu là kể ra nhằm mục đích diễu cợt, miệt thị, bêu rếu “cách mạng”. Những chuyện như thế chỉ là phản ảnh của một xã hội quá nghèo đói và quá lạc hậu; đồng bào Miền Nam vốn giàu lòng nhân hậu nỡ nào lại có ý khinh khi, nhạo báng những người anh em là nạn nhân của cái xã hội ấy, thấp kém, thua xa mình bội phần; ngược lại chỉ thấy đau lòng, xót thương, tội nghiệp. Ở đây tiện Chổi chỉ kể lại cho người anh em phe chiến thắng vài “kinh nghiệm” của bản thân sau ngày “đại thắng” 30 Tháng Tư 1975.
Đầu Tháng 5, tức sau “đại thắng” vài ngày, khi ghé nhà một người bạn ở vùng Tân Định, tiện Chổi may mắn được gặp một người anh em cô cậu với bạn (Đại úy TCG hiện ở Oregon, USA). Khi được chủ nhà giới thiệu anh ta là y sĩ của Bộ Đội Giải Phóng từ Bắc mới vào, tiện Chổi mới ngạc nhiên về ánh mắt đăm chiêu của anh mà Chổi đã ghi nhận ngay lúc vừa gặp. Cũng may là thắc mắc của Chổi được giải đáp chẳng bao lâu sau đó, khi viên sĩ quan giải phóng quân này ôm gói quà do gia đình bạn Chổi biếu đứng lên chào tạm biệt, và nhìn đảo quanh một vòng rồi nói bằng một giọng như sợ người khác nghe được: “Có vào đây rồi mới biết dân ngoài Bắc khổ quá”.
Giữa Tháng 5, trên xe về Miền Trung theo quốc lộ số 1, tiện Chổi chứng kiến từng đoàn xe vận tải nối đuôi nhau liên tục chạy suốt ngược xuôi; xe vào Nam trống không, xe ra Bắc đầy ắp đến quá tải những “chiến lợi phẩm” không phải súng đạn mà là Honda, xe đạp, TV, tủ lạnh, bàn ghế, giường nệm, thực phẩm, và có thể nói là đủ các thứ hằm bà lằng thượng vàng hạ cám.
Cũng giữa Tháng 5, cô bộ đội kiêm nhà văn Dương Thu Hương từng quyết lên đường vào Nam “đánh Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam”, khi vào Sài Gòn, tới đường Lê Lợi, tại khu hàng sách la liệt trên lề đường, đã gục mặt khóc, và thốt lên “Man rợ đã chiến thắng văn minh”.
Sau ngày “Đại Thắng” không bao lâu, nhà người hàng xóm Chổi vốn là chủ nhân của một tiệm vàng, một tiệm bán xe Honda, và một cửa hàng bán vải, có người anh ruột lặn lội từ Bắc sau 20 năm ngăn cách vào thăm biếu cho người em mấy chiếc áo lót với mấy cái chén sành vi “nghe nói đồng bào trong Nam bị Mỹ Ngụy bóc lột, không có áo mặc, không có chén bát phải dùng vỏ dừa để ăn cơm”.
Rồi Chổi “được” đi “học tập để thành người lương thiện, biết lao động để làm ra của cải nuôi sống bản thân và xã hội...” qua nhiều “trại cải tạo”. Từ trại Tù Binh do Quân Đội Nhân Dân quản lý đến “Trại Cải Tạo” của Công An Nhân Dân, ở đâu Chổi cũng thấy cán bộ quản giáo tỏ ra thèm thuồng quà thăm nuôi của “phạm nhân”, và “giao lưu” một cách đỡ... ác ôn với những “tù binh/ trại viên” nào chịu khó “chi đẹp” quà cho cán bộ. Và sau này khi đã “tốt nghiệp” được “nhân dân khoan hồng” cho về, Chổi gặp lại một ông trại trưởng trước kia khét tiếng chửi rủa, hành hạ tù mần mò đến một tỉnh lỵ xa xôi tìm gặp... tù cũ để xin chút quà trước khi về Bắc.
Tiện Chổi là người lính bên phe thua trận, người anh em bắt đi tù thì cũng được đi. Nhưng người dân thường lâu nay đang sống nơi thành thị, ở nhà của họ, sinh sống bằng của cải do họ làm ra một cách lương thiện, khi không bị cách mạng vào giải đi rồi phóng một phát lên rừng ở dưới mỹ từ “đi kinh tế vùng kinh tế”; đã thế, người anh em còn vu khống, gọi người ta là thành phần bất hảo của xã hội.
Thành phần bất hảo của xã hội thì ở chế độ nào cũng chẳng ưa. Nên hồi mới bị giải lên rừng phóng nứa chặt cây cắt tranh làm nhà... tù để nhốt mình, thấy đoàn xe miệt dưới lên đổ xuống giữa đám cỏ tranh dưới chân đồi bên kia một đám đông đàn ông đàn bà thanh niên nam nữ con nít, và được quản giáo cho biết “chúng nó là thành phần bất hảo; toàn là dân trộm cắp, đĩ điếm xì ke ma tuý”, tiện Chổi lúc đó cũng thấy hơi “bị” dửng dưng vì tin lời quản giáo lên lớp về “đạo đức cách mạng luôn trong sáng không bao giờ nói dối như mỹ ngụy”. Nhưng nhờ “trời bất dung gian”: ngay hôm sau Chổi đi cắt tranh gặp được anh bạn trong đám dân mới đến; anh làm nghề giáo cho đến ngày... bất hạnh.
Đó là những chuyện lâu rồi. Giờ Chổi xin kể chuyện này mới tinh; bắt chước nhà văn Bùi Ngọc Tấn,“ chuyện kể năm 2011”, đương nhiên là vẫn chuyện quanh hai chữ Gờ Pờ, hay Pờ Gờ, theo cách đọc thời hiện đại của người anh em, tức Giải hay Phỏng... Xin người anh em đừng nóng ruột, chuyện ngắn thôi:
Dịp Tết Tân Mão vừa rồi, “khúc ruột ngàn dặm” mang tên HTK đi Việt Nam, không phải để ăn “khế ngọt” nhưng để thăm nơi chôn nhau cắt rốn của ông ta, gần nhà ông Tổng Bí Thư Đảng CS đầu tiên Trần Phú, và không xa mấy nhà ông “khai quốc (XHCN) công thần” Cù Huy Cận, thân phụ của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ mà vừa rồi nhà nước bố anh dựng nên đã vận dụng chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng một cách tài tình sáng tạo, chỉ dùng hai bao cao su “đã qua sử dụng” để bắt quả tang anh đang phạm tội “tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN”. Quê cha đất tổ anh đã phải từ giả từ tuổi ấu thơ, xấp xỉ sáu mươi năm về trước... Ra đi là đứa bé lên năm, trở về tóc đã trắng xóa; gặp lại bà con họ hàng làng nước hẳn là nhiêu điều xúc động; nhưng điều làm anh xúc động nhất là khi anh được nhiều người tâm sự, rằng: “May nhờ Giải Phóng mới được thế này!”
Những chuyện trên đây đều là chuyện thật một trăm phần trăm. Nếu dựng chuyện, viết láo, ông Trời đánh Chổi tanh bành, te tua, cháy rát... như thằng bị Phỏng...
Thành thử nếu người anh em “bên thắng cuộc” gọi Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Ngày Giải Phóng thì cũng được đi, nhưng gọi như thế mới chỉ được một vế, làm mất ý nghĩa của “cuộc chiến tranh thần thánh” chấm dứt cách đây 39 năm. Tên đầy đủ phải là “Ngày giải phóng Miền Bắc khỏi khố rách áo ôm Xã hội Chủ nghĩa”.
Còn “bên thua cuộc” thì rành rành, trước sau như một, 30 Tháng Tư 1975 là Ngày Phỏng... Hai Hòn.
____________________________________
Ghi chú:
(1) Năm 1954, HCM viếng Đền Hùng và tự so sánh mình với Đức Trần Hưng Đạo Vương:
Cũng cờ cũng kiếm cũng anh hùng
Tôi bác chung nhau nợ núi sông.
Bác phá quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác mang một nước qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu đến đại đồng
Bác có anh linh cười một tiếng,
Mừng tôi cách mạng đã thành công!