Trọng - Danlambao - Ngày bị bắt, Đỗ Thị Minh Hạnh chưa đầy 25 tuổi. Đến hôm nay, sau 4 năm 4 tháng tù đày, Hạnh đã bước sang tuổi 29. Tuổi xuân tươi đẹp nhất của Hạnh bị dày xéo nơi ngục tù cộng sản. Trong hoàn cảnh tối tăm xiềng xích, cô vẫn tiếp tục đấu tranh bằng một tinh thần kiên cường và bất khuất.
Hậu quả là Hạnh liên tục gánh chịu sự trả thù của công an trại giam qua các thủ đoạn tra tấn và hành hạ nghiệt ngã. Có lần, Hạnh bị đánh bằng còng số 8 trong tình trạng lõa thể tại trại giam Z30A, Đồng Nai.
Có tin nói rằng Hạnh đã ra tù và xe trại giam đang áp giải Hạnh về nhà ba mẹ ở Di Linh. Không rõ thực hư thế nào, nhưng nếu thật thì vừa đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo.
Chế độ lao tù cộng sản có chủ trương hủy hoại cả về sức khỏe lẫn tinh thần đối với những tù nhân lương tâm. Sau hơn 4 năm trải qua nhiều trại giam từ Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai cho đến Hà Nội, sức khỏe Đỗ Thị Minh Hạnh trở nên suy kiệt, ngực trái teo cứng và có dấu hiệu ung thư.
Mừng cho Đỗ Thị Minh Hạnh vì cô được về với gia đình, nhưng không nên quá vui mà quên đi sự thật: Hành động thả tù nhân chính trị chỉ được mang ra áp dụng khi sức khỏe người tù đó đã hết sức nguy kịch.
Cái chết đầy thương tâm của thầy giáo Đinh Đăng Định vì ung thư giai đoạn cuối là bằng chứng cho thấy những thủ đoạn tàn ác của chế độ lao tù cộng sản.
Thả tù chính trị tức là trả về cho gia đình, nhà tù không chịu trách nhiệm. Thế nhưng, cái chết của người tù thế kỷ Trương Văn Sương thì cay đắng và nghiệt ngã hơn. Khi ông Sương vừa hồi phục được một phần sức khỏe thì lập tức bị công an bắt quay về lại trại giam với lý do hết thời hạn hoãn thì hành án 12 tháng. Tại trại giam Nam Hà, người chiến sĩ phục quốc Trương Văn Sương qua đời 25 ngày sau đó.
Những sự kiện trên khiến bà Trần Ngọc Minh rơi vào một tâm trạng nhiều cảm xúc hỗn độn và ngổn ngang: vui mừng, lo lắng, bồn chồn và hoảng sợ... Bà mẹ thương con nói trong nghẹn ngào: "Chỉ dám vui khi thấy Hạnh bằng sương bằng thịt bước chân vào nhà. Sau đó gia đình sẽ cố gắng đưa em đi khám trong thời gian sớm nhất".
Đối với Hạnh, những ngày sắp tới sẽ vẫn là những cuộc đấu tranh đầy chông gai và thử thách. Nhưng trước hết, chống chọi với bệnh tật là cuộc đấu tranh quan trọng nhất.
Những việc làm của Đỗ Thị Minh Hạnh dứt khoát không thể bị cọi là 'tội'. Chế độ cộng sản Việt Nam chính là thủ phạm chịu trách nhiệm cho thời gian 4 năm 4 tháng tù đày nghiệt ngã cùng những tổn thương về tinh thần và sức khỏe mà Hạnh đang phải gánh chịu.
Hơn nữa, những người bạn của Hạnh là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và các tù nhân lương tâm khác vẫn đang còn bị cầm tù, cuộc đấu tranh của Hạnh sẽ vẫn luôn tiếp tục.
Và chắc chắn, cuộc đấu tranh của Hạnh cũng chính là cuộc đấu tranh của Chúng Ta!
danlambaovn.blogspot.com
*****
*****
Tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do
Chân dung tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh qua nét vẽ của hoạ sĩ Trần Lân - Paris. Courtesy Hoạ sĩ Trần Lân
Gia Minh - RFA - 27-06-2014 - Đỗ Thị Minh Hạnh, người bị kết án 7 năm tù vì hoạt động đấu tranh cho quyền lợi công nhân và dân oan, được trả tự do và đang trên đường từ trại giam Thanh Xuân Hà Nội về nhà.
Từ Di Linh, Lâm Đồng, ông Đỗ Ty cha của Đỗ Thị Minh Hạnh cho biết tin vui này:
“Hôm qua Hạnh báo về là công an đang đưa về nhà. Báo buổi tối nên có thể ngày mai mới đến nhà. Cháu vui lắm.
Tôi đi thăm cháu cách đây 20 ngày thì cháu cũng có báo sẽ được trả tự do. Sức khỏe có đỡ hơn, và về nhà nghỉ ngơi rồi sẽ đi khám để chữa bệnh.”
Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt hồi tháng hai năm 2010 với cáo buộc cùng với hai người khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương xúi giục cả chục ngàn công nhân Công ty giày Mỹ Phong tại Trà Vinh tiến hành đình công.
Phiên tòa diễn ra vào ngày 27 tháng 10 năm 2010 tuyên án Đỗ Thị Minh Hạnh 7 năm tù giam về tội danh ‘phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo điều 89 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Trong vụ án này Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị tuyên án 9 năm tù, Đoàn Huy Chương 7 năm tù. Tòa phúc thẩm vào ngày 18 tháng 3 năm 2011, y án với cả ba người.
Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển qua các trại giam ở Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai và trại cuối cùng là Thanh Xuân, Hà Nội.
Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh đã đến các nước như Hoa Kỳ, Đức, Australia để kêu cứu cho con bà suốt thời gian gần đây.