Giáo Sư Carlyle Thayer. Photo: RFA
Việt Nam vừa công bố sách trắng đối với kinh phí quốc phòng cũng như chiến lược sắp tới của Bộ quốc phòng Việt Nam đối với việc trang bị vũ khí, hiện đại hóa quân đội cũng như chiến lược bảo vệ quốc gia.
Mặc Lâm - RFA - Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với Giáo Sư Carlyle Thayer, cố vấn học viện Quốc phòng Úc, người có nhiều nghiên cứu về Việt Nam, để ghi nhận thêm những ý kiến của ông về vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa GS, Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam trong buổi họp báo chí công bố sách trắng nói là Việt Nam rất chú ý đến việc các thế lực thù địch vẫn đang tìm cách sử dụng vấn đề nhân quyền và dân chủ để chống lại Việt Nam, tuyên bố này nói lên điều gì, thưa ông?
Với việc đưa ra sách trắng này, quan điểm của nhóm người hết sức bảo thủ đã được phản ánh trong đó. GS Carlyle A. Thayer.
Carl Thayer: Điều này cho chúng ta biết là ngay trong đội ngũ lãnh đạo của Việt Nam vẫn có một nhóm người tin rằng chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm trong việc khuyến khích các nhóm ở hải ngoại và các nước để theo đuổi vấn đề nhân quyền. Và đó là cách để đánh đổ một chính thể cộng sản. Đại sứ Hoa Kỳ đã phàn nàn về vấn đề này trên báo chí Việt Nam. Vẫn có một nhóm chống đế quốc coi Hoa Kỳ là một kẻ thù lâu năm của Việt Nam hay ít nhất thì cũng không phải là một người bạn và đối tác tin cậy. Nói đến điều đó để cho thấy là với việc đưa ra sách trắng này, quan điểm của nhóm người hết sức bảo thủ đã được phản ánh trong đó.
Chạy đua vũ trang
Mặc Lâm: Sách trắng cũng cho thấy những tranh chấp trên biển Đông đã khiến Việt Nam lo lắng và dự kiến những thách thức mới vẫn ở phía trước và vì vậy Việt Nam cần trang bị và hiện đại hóa quốc phòng hơn nữa. Ông có cho rằng những nỗ lực này có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực trong tương lai?
Carl Thayer: Kể từ năm 2006 thì trong các bản tóm tắt tình hình của Bộ quốc phòng Mỹ đã xác định việc Trung quốc chế tạo tàu ngầm tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, ngay trong khu vực lãnh hải gây nhiều quan ngại này. Điều này đã khiến Hoa Kỳ bắt đầu chuyển dịch và phối trí những tàu chiến tấn công của họ sang Guam và Trân Châu cảng. Các nước khác trong khu vực cũng có phản ứng. Vì thề sự kiện ở biển Nam Trung Hoa tất nhiên đã là mối lo ngại cho phía Việt Nam.
Rõ ràng là đang có một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. GS Carlyle A. Thayer.
Đi cùng với đó là thông tin từ phía Nga là họ đang tiến gần đến một thỏa thuận bán cho Việt Nam 6 tàu ngầm loại Ki lô. Đây là một loại vũ khí rất phổ biến. Sau đó thì ông Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam công bố sách trắng nói rằng còn lâu lắm mới kết thúc thỏa thuận mua bán này. Đó là một cuộc mua bán rất tốn kém . Vì thế chúng ta cần phải chờ xem thế nào. Nhưng rõ ràng là đang có một sự chạy đua vũ trang trong khu vực . Phía Hoa Kỳ thì đang phản ứng lại hành động Trung quốc chế tạo tàu ngầm. Singapore cũng đã nhận được hàng, cả Malaysia cũng vậy. Indonesia thì đã hoãn lại một đơn đặt hàng tàu ngầm vài năm trước trong một khoảng thời gian ngắn. Rõ ràng là đang có một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Mặc Lâm: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ đi thăm Mỹ. Theo ông thì mục đích chuyến đi này là gì? Và liệu Ông ta sẽ yêu cầu một thỏa thuận mua bán vũ khí với Hoa Kỳ hay không?
Carl Thayer: Chính phủ Việt Nam đã cho thấy là từ hồi cuối thời ông Bush khi mà một số hạn chế nhất định trong việc bán các loại vũ khí giết người được gỡ bỏ thì Việt Nam sẽ hội đủ điều kiện. Và Việt Nam cũng muốn có những nới rộng hơn trong các hạn chế mua bán này để họ có thể tiếp cận với các công nghệ quân sự và các thiết bị không cụ thể khác. Vì thế tôi cho rằng ông Bộ trưởng sẽ thúc đẩy để đạt được những điều đó. Tôi nghĩ là chúng ta cũng sẽ thấy những vấn đề liên quan đến hậu quả của chiến tranh. Việt Nam sẽ tìm cách để làm tăng sự cam kết của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hóa chất màu da cam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư.