Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Hiện tượng “Lệ rơi”

Mặc Lâm - RFA - 05.07.2014 - Trong vài tuần lễ vừa qua một video clip của một chàng trai có tên Lệ Rơi tự thu bài hát của mình và đưa lên mạng, sau đó được chia sẻ hàng ngàn lượt trên Facebook và người bấm nút xem nó lên tới con số hàng triệu lần đã là một hiện tượng khó thể bỏ qua cho những người quan tâm tới sức mạnh lan tỏa của Internet, nơi mà chỉ một cái bấm đơn giản của cư dân mạng có thể thay đổi số phận của một con người.

Facebook: nạn nhân người xem hay người “post”?

Theo ông Huỳnh Kim Tước đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết thì mỗi ngày có ba triệu người dùng Facebook. Trong ba triệu người mà đại đa số là thanh niên ấy không ít người đã biết tới Lệ Rơi theo nhiều cách mà cách nhanh nhất là chia sẻ với nhau trên mạng.

Tuy nhiên khi tò mò vào đấy để xem chàng ca sĩ nghiệp dư này hát hò ra sao không ít người sẽ nhanh chóng thất vọng từ những phút đầu tiên. Bắt đầu là khuôn mặt, kế đến giọng nói và cuối cùng là cách mà Lệ Rơi trình bày bài hát.

Khuôn mặt chất phác được đắp lên những góc cạnh rất quê mùa trên mỗi cái nhếch môi, nhíu mắt. Không cần xem chứng minh nhân dân người ta cũng biết anh không phải là người thành phố. Khi Lệ Rơi lên tiếng cũng là lúc câu chuyện nói ngọng của người không thể phát âm chữ lờ và nờ trở nên sống động trước mặt mọi người. Cho tới khi anh cất lên giọng hát thì mọi người không cách gì nén được ngạc nhiên vì trước mặt họ là một anh hề có khuôn mặt không chịu cười đang giả giọng ngây ngô để chế diễu một hành vi của xã hội, chứ không phải đang hát một bài hát bình thường, ò e từ một sinh viên kinh tế đã học xong năm thứ ba như anh tự giới thiệu.
Sau cảm giác vui vui, buồn cười và được cười sảng khoái khi nghe chàng hát, đọc những gì người ta viết, tôi chỉ thấy thương hơn chàng Lệ Rơi chân đất...Internet để làm gì khi không mang lại cho con người quyền tự do tối thiểu là bày tỏ chia sẻ với đồng loại? TS Nguyễn Thị Hậu
Hàng triệu người mở xem cái video clip ấy có lẽ vì hiện tượng vượt qua cái xấu, cái dở một cách bất thường của một thanh niên, bỏ học nửa chừng để về quê trồng ổi hơn là tìm xem một tài năng mới. Giải thích cách nào cũng khó suôn sẻ bởi trong xã hội hôm nay người xấu xí quê mùa có những hành động mất bình thường không hề ít. Thành ngữ “tốt khoe xấu che” hình như ngày càng ít được người quan tâm và đôi khi lắm người áp dụng nó ngược lại với hy vọng được nổi tiếng.

Những câu chuyện ngược đời nhưng lại thuận chiều với các phong trào của thanh niên ngày nay trở thành bình thường trong bàn tiệc lớn nhỏ. Hình ảnh thô lậu của các chàng trai cô gái cố làm vẻ khác người là miếng trầu cho mọi câu chuyện râm ran không hồi kết thúc không còn khó kiếm như xưa.

"Sắp đến mùa thi rồi, sắp đến ngày sinh viên thi đại học. Mình cũng là sinh viên nghèo, lên Hà Nội ăn học ba năm. Sau đây mình xin gửi đến các bạn vẫn đang còn là sinh viên hoặc chuẩn bị bước vào cuộc sống sinh viên bài hát Sinh viên nghèo mong các bạn học tập tốt, sau này trở ra làm người công dân có ích giúp cho tổ quốc mai sau của chúng mình tươi đẹp hơn".

Lệ Rơi nói nghe chưa kịp rõ thì tiếng nhạc nổi lên và anh hát....tiếng hát ấy đi vào nhiều trang mạng và rất nhiều trái tim người nghe. Ngôn ngữ hiện đại diễn tả giọng hát của anh là thảm họa nhưng lại lắm người thổn thức. Có người khen anh can đảm dám biểu hiện mình. Có người yêu cầu anh làm một Live Show cho họ tham gia, thậm chí có cô gái phát cuồng đòi yêu anh ngay lập tức!

Không ít người nói thẳng đây là tâm lý bầy đàn của một đám đông ô hợp. Có người bỉu môi, có người tắt máy như một cử chỉ khước từ.. nhưng trong những người ấy thì giới làm showbiz chú ý tới anh nhất. Chú ý vì thấy mùi tiền phảng phất trong chất giọng đậm mùi rơm cháy, trong khuôn mặt đầy sình lầy như từ dưới ruộng mới bước lên. Anh còn đáng chú ý hơn nữa vì số lượng truy cập ngày một nhiều đến chóng mặt...

TS Nguyễn Thị Hậu người có nhiều bài viết về nếp sống văn hóa đã buột miệng kêu lên qua những điều mà bà cho là bất công cho chàng trai này trước búa rìu trên dư luận mạng. Tại sao Lệ Rơi không được hát và được nghe người khác khen hay chê mình?

"Sau cảm giác vui vui, buồn cười và được cười sảng khoái khi nghe chàng hát, đọc những gì người ta viết, tôi chỉ thấy thương hơn chàng Lệ Rơi chân đất. Ừ thì hát không hay nhưng hay hát, đã sao? Ừ thì “tự tin giai đoạn cuối” khi post hàng loạt bài lên Youtube, nhưng Internet để làm gì khi không mang lại cho con người quyền tự do tối thiểu là bày tỏ chia sẻ với đồng loại? Ừ thì hát lăng nhăng lít nhít, nhưng toàn là những bài “hít” của “hót” đấy chứ? Ừ thì “nông dân mà bày đặt làm ca sĩ”, có sao đâu, còn hơn chán vạn người làm “nghề khác” chỉ qua một đêm bỗng dưng trở thành “sao” trên những tờ báo mạng! Ừ thì “giọng hát thảm họa”, nhưng khối thảm họa sờ sờ trước mắt kia kìa, sao không mấy ai lên tiếng?!
Chàng nông dân chất phác chắc chắn không thể ngờ “hiệu ứng” mà mình gây ra lại ghê gớm đến thế! Chỉ để cho vui theo yêu cầu của bạn bè như chàng tự giới thiệu trước mỗi bài hát vậy nên ai không thấy vui, không muốn vui thì đừng xem nữa, xem rồi thì đừng ném vào Lệ Rơi những lời miệt thị nặng nề. TS Nguyễn Thị Hậu
Chàng nông dân chất phác chắc chắn không thể ngờ “hiệu ứng” mà mình gây ra lại ghê gớm đến thế! Chỉ để cho vui theo yêu cầu của bạn bè – như chàng tự giới thiệu trước mỗi bài hát – vậy nên ai không thấy vui, không muốn vui thì đừng xem nữa, xem rồi thì đừng ném vào Lệ Rơi những lời miệt thị nặng nề và xin cũng đừng tò mò đổ về nhà chàng và tiện tay, tàn sát vườn ổi là nguồn sống của gia đình chàng."

Xã hội bị khuấy động từ các nhóm cư dân mạng có chung tâm lý tôn sùng sự khác biệt, bất kể sự khác biệt ấy hình dạng méo mó ra sao. Vết cắt lan ra nhanh chóng từ giọng hát một Lệ Rơi khốn khổ hình như thỏa mãn tâm trạng vô công rỗi việc vì đã có cái để mà làm. Tâm lý hả hê ấy của một số đông thanh niên mới lớn có thể nói là đáng suy nghĩ.

Nếu Bà Tưng là biểu tượng lấy sự khác người làm mồi câu view và truyền thông, cùng những chàng trai rỗi rảnh không biết làm gì ngoài những buổi cafe kéo dài bất tận, thì chàng trai ngô nghê Lệ Rơi sẽ là một Icon cho những gì bất toàn, thô thiển lẫn sù sì của mọi hư hỏng tổng hợp lại. Với giới Showbiz thì Lệ Rơi đã sẵn sàng thay thế làm vật mua vui cho những con người cũng bất toàn về tâm trí.

Đúng như dự đoán của nhiều người, giới showbiz đã vào cuộc khi mời chàng trai về Hà Nội để xuất hiện trong một chương trình được gọi là Live show Mini. Chàng trai chân đất đã từng tuyên bố bỏ cuộc vì quá nhiều tranh cãi ấy cuối cùng cũng bị sức hút của một loại hào quang chạy bằng pin kéo ra khỏi vườn ổi 1 mẫu 6 của gia đình tại Hải Dương để dò dẫm bước vào mảnh đất của những người lùn to tiếng.

Ở đời, khi người ta chán nhìn cái đẹp vô duyên thì sự bất toàn không còn vô ích nữa.

Một cành hoa rực rỡ nhưng quá nhiều lần tỉa tót chưa chắc đã đẹp bằng một cành khô gai góc nếu nó được đặt trên một chiếc bàn con hiện đại đắt tiền. Giá trị nghệ thuật của chiếc cành khô ấy tự nhiên được nhân lên gấp bội vì nó bật ra một sức mạnh khác giữa nơi nó được đặt và được chú ý.

Khi những cành hoa silicon không hương sắc như nhiều người mẫu tai tiếng đã đến lúc ném vào sọt rác thì một cành khô sống động như Lệ Rơi có khả năng thay đổi tầm nhìn cạn cợt của xã hội do giới showbiz tạo ra không phải là điều bất hợp lý.

Tuy nhiên, một con người khác với một cành khô. Khác rất nhiều vì đã là con người thì nó biết cảm xúc.

Có thể chàng trai Lệ Rơi chưa thấm thía cái cảm xúc bị người khác khai thác sự bất toàn của mình. Có chăng tới khi nào tiêu hết những lời khen cửa miệng của nơi này nơi khác, trở về cái góc phòng tại Hải Dương ấy để nghiền ngẫm sự thờ ơ, thêm giọng cười cợt của những kẻ hiếu kỳ, lúc ấy lệ mới thật sự rơi trong lòng chàng chứ không hẳn chỉ một cái tên.

Mà thật ra chàng đâu phải là người bị hại. Ít nhất chàng đã có cơ hội nói với những người ngóng nghe chàng hát rằng họ mới chính là nạn nhân. Những nạn nhân của một giai đoạn mà mọi trái tim đều được nặn ra từ thời đồ đá.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam