Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Người Việt Nam được bổ nhiệm chức toàn quyền Nam Úc

Ông Lê Văn Hiếu, sẽ chính thức trở thành toàn quyền Nam Úc đầu tháng Chín tới đây. Courtesy uc24h

Thanh Trúc - RFA - 18.7.2014 - Một công dân Australia gốc Việt, ông Lê Văn Hiếu, cựu thuyền nhân đang giữ chức phó toàn quyền Nam Úc từ năm 2007, sẽ chính thức trở thành toàn quyền Nam Úc đầu tháng Chín tới đây.

Một biến cố lịch sử

Trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, ông Lê Văn Hiếu trình bày chặng đường hội nhập và phấn đấu của bản thân để trở thành người nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính trường Australia, chia sẻ ý nghĩa việc ông được bổ nhiệm lên chức toàn quyền Nam Úc:

Lê Văn Hiếu: Cách đây hai tuần ông thủ hiến của tiểu bang Nam Úc có một cuộc họp và tuyên bố là nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị chính thức bổ nhiệm tôi trở thành toàn quyền tiểu bang Nam Úc kể từ ngày 1 tháng Chín năm 2014.

Tôi sinh trưởng ở Quảng Trị, lớn lên đi học ở Đà Nẵng, sau đó học tại Viện Đại Học Đà Lạt. Tới năm 1977 tôi là một trong những thuyền nhân đầu tiên đến Úc, định cư tại tiểu bang Nam Úc từ đó tới giờ.

Thanh Trúc: Ông tốt nghiệp cử nhân Kinh Tế Kế Toán Và Luật Công Ty, kế đó là thạc sĩ ngành Quản Trị Kinh Doanh tại đại học Adelaide. Như vậy lẽ ra ông phải là một nhà kinh doanh hơn là một chính khách với chức vụ phó toàn quyền Nam Úc như hiện giờ?

Lê Văn Hiếu: Tôi rất may mắn có nhiều cơ hội thăng tiến, nắm giữ những chức vụ tương đối khá quan trọng, đó là phần chuyên môn. Về mặt sinh hoạt cộng đồng và xã hội thì tôi tích cực tham dự những hoạt động để người bản xứ biết nhiều hơn về văn hóa của mình, những truyền thống tốt đẹp của mình, đồng thời giúp cộng đồng chúng ta duy trì văn hóa truyền thống, không quên cội nguồn, ngôn ngữ, đồng thời lại có thể hội nhập vào xã hội đang định cư một cách nhanh chóng. Chúng tôi lại tham gia hoạt động trong những sinh hoạt đa văn hóa khác tại tiểu bang Nam Úc vì ở đây là một xã hội đa văn hóa với hai trăm sắc tộc khác nhau. Từ những hoạt động trong cộng đồng tôi may mắm được bổ nhiệm làm thành viên của Hội Đồng Đa Văn Hóa Và Sắc Tộc Sự Vụ tiểu bang Nam Úc.

Cách đây bảy năm tôi được bổ nhiệm làm chủ tịch của Hội Đồng Đa Văn Hóa Và Sắc Tội Sự Vụ tại tiểu bang. Cuối năm 2007 tôi lại được bổ nhiệm làm phó toàn quyền tiểu bang Nam Úc.

Ông Lê Văn Hiếu (phải) và Toàn quyền đương nhiệm của bang Nam Úc Kevin Scarce. Courtesy alobacsi.vn

Thanh Trúc: Thưa ông có nghĩ chiếc ghế phó toàn quyền Nam Úc bảy năm qua, mà ông cho là may mắn, cũng là cơ hội rất thuận lợi để ông được chú ý tới và được cất nhắc thành vị toàn quyền tiểu bang này tháng Chín tới đây?

Lê Văn Hiếu: Theo truyền thống thì phó toàn quyền thường là vị chánh án tối cao của Tòa Án Tối Cao tiểu bang. Trong lịch sử của tiểu bang Nam Úc, chưa bao giờ một phó toàn quyền mà lại được bổ nhiệm thành toàn quyền. Cho nên đây được coi như một biến cố lịch sử trong sinh hoạt chính trị của tiểu bang.

Thứ hai, trong bảy năm làm việc với tư cách phó toàn quyền thì có một số cơ hội tôi được xử lý thường vụ như chức vụ toàn quyền nhưng không phải một dấu chỉ là mình có thể được bổ nhiệm thành vị toàn quyền.

Tôi thì thú thật không biết cái tiến trình chọn lọc đề cử người để được bổ nhiệm toàn quyền cho nữ hoàng chấp nhận nó như thế nào, nhưng mà theo tôi nghĩ nó là một tiến trình rất lâu dài và rất khó khăn. Theo như phát biểu của giới chức tiểu bang thì toàn quyền là một chức vụ vô cùng danh dự cho người được bổ nhiệm. Đó không phải là công việc bình thường mình có thể xin hoặc làm việc để đạt tới mà nó qua một quá trình phức tạp. Cho nên khó để mà nói rằng chặng đường từ phó toàn quyền lên tới toàn quyền như thế nào vì họ không coi chuyện một người giữ chức vụ phó toàn quyền là có cơ hội để trở thành toàn quyền, điều đó chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử tại nước Úc này trừ trường hợp ngày hôm nay.

Không quên giòng máu Việt

Thanh Trúc: Nam Úc nói riêng và Australia nói chung, với hơn hai trăm sắc tộc khác nhau trong đó có sắc tộc Việt Nam, cũng là nơi mà nhiều người tị nạn các quốc gia khác tìm đến như một bến đỗ. Trong cương vị hiện nay, thưa ông, điều gì ông nghĩ ông có thể giúp đỡ và giải quyết vấn đề tị nạn bất kể sắc tộc nào?

Lê Văn Hiếu: Đây là câu hỏi rất hay. Mặc dù mình là người có giòng máu Việt, dĩ nhiên trong tâm tư mình thì cộng đồng người Việt luôn có sự gần gũi mật thiết đặc biệt. Nhưng, trong cương vị chủ tịch Ủy Ban Đa Văn Hóa Và Sắc Tộc Sự Vụ cũng như trong cương vị phó toàn quyền hiện nay và toàn quyền tương lai gần đây, mình phải chứng tỏ mình là người lãnh đạo của cả một xạ hội chứ không phải là thiên vị bất kỳ một nhóm nào hoặc một tập thể nào trong xã hội. Đó là điều chúng ta cần lưu ý tại vì cương vị này là đại biểu cho cả một chính phủ, đại biểu cho cả một tiểu bang cho nên cần hết sức thận trọng.

Một trong những đóng góp mà chính phủ có thể mang lại, cho người tị nạn cũng như di dân đến Úc nói chung và tiểu bang Nam Úc nói riêng, là cổ võ, vinh danh sự thành đạt sự đóng góp tích cực của mọi người tị nạn của mọi di dân, chống tình trạng phân biệt kỳ thị chủng tộc, xiển dương tinh thần hòa đồng hội nhập. Nếu thực hiện được như vậy thì mọi người dân, cho dù họ tới đây cả trăm năm về trước hay mới tới đây mấy tuần qua, đều có thể hưởng được một xã hội hài hòa, tương kính và đối xử với nhau một cách công bằng. Đó là điều riêng cá nhân tôi tha thiết đạt được trong cương vị mới của tôi.

Thanh Trúc: Trong môi trường chính trị đa văn hóa và đa sắc tộc của Australia, thưa ông, ông thấy lợi thế hay bất lợi của một di dân khi tham gia chính trường rõ nét nhất ở điểm nào?

Lê Văn Hiếu: Lịch sử nước Úc là lịch sử của những di dân, ai cũng công nhận điều đó. Lịch sử của nước Úc được coi như một lịch sử mà sự đóng góp của di dân từ xưa tới nay đều là sự đóng góp hết sức quí báu, tạo nên một quốc gia hùng mạnh và thanh bình như ngày hôm nay.

Cho nên vài trò của tôi cũng có những điểm rất thuận lợi nhưng cũng có những điểm thách thức khác. Chẳng hạn có một số, đến đây từ mấy đời trước, họ có thể có tinh thần hơi bảo thủ. Nhưng xã hội luôn có sự bất động hoặc có sự đồng ý với nhau, nhưng trên căn bản là tất cả những gì chúng ta làm ngày hôm nay, tất cả những chính sách của xã hội ngày hôm nay, đều mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người không phân biệt từ đâu đến, không phân biệt tôn giáo nào, không phân biệt truyền thống văn hóa nào.

Không sớm thì muộn mọi người đều có thể thấy được sự đóng góp một cách tích cực chẳng những về mặt phát triển kinh tế mà còn phát triển về xã hội, văn hóa, nghệ thuật, làm cho đời sống dồi dào hơn chẳng những về mặt tài chánh, vật chất mà còn về mặt tinh thần mà chúng tôi đang thụ hưởng.

Thanh Trúc: Sau cùng, ông có điều gì nhắn gởi tuổi trẻ gốc Việt ở đất nước Australia đang cưu mang họ?

Lê Văn Hiếu: Tôi cũng xin nhắn nhủ một điều là người trẻ Việt Nam khắp mọi nơi chứ không phải chỉ ở nước Úc, xin hãy nhớ mình đang mang trong mình giòng máu của một dân tộc hết sức kiên cường, một dân tộc có sức sống rất mãnh liệt. Những lúc mình có khó khăn và cần phải phấn đấu hơn thì luôn nhớ rằng ông bà tổ tiên chúng ta phải đổ máu rất nhiều lần để tạo được giòng máu oai hùng như vậy. Đừng bao giờ quên tình tự dân tộc của mình sẽ giúp mình phấn đấu cho dù trong lãnh vực chuyên môn hay trong lãnh vực xã hội.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông và một lần nữa chúc ông thành công trong nhiệm vụ toàn quyền Nam Úc sắp tới.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam