Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Giữa bờ MUỐN và bến LÀM là dòng sông SỢ HÃI








Vũ Đông Hà - Danlambao - Share - Muốn toàn dân nổi dậy, nhưng mười mấy cuộc biểu tình xuống đường chống Tàu cộng xâm lược trong những năm qua trung bình nhìn thấy chỉ có vài trăm người.

Muốn giơ cao biểu ngữ đả đảo cộng sản giữa Ba Đình, nhưng chờ mãi trong nhiều triệu người Việt chán ghét chế độ vẫn không thấy cánh tay nào giơ lên, ngay cả những người lớn tiếng nhất, muốn nhiều nhất, kêu gọi nhiều nhất cũng bặt tăm.

Muốn làm Đặng Ngọc Viết, Đoàn Văn Vươn nhưng 90 triệu người Việt chỉ có mỗi anh Vươn và anh Viết và những người muốn ấy có lẽ chỉ muốn có ai khác trở thành anh Viết, anh Vươn.
Muốn... Có nhiều ước muốn, thật sự muốn, tha thiết muốn của nhiều người đã quá chán ngán với chế độ múa gậy vườn hoang, một mình một chợ. Nhưng thực tế là tấm gương trong suốt nhất, thành thật nhất để chúng ta không thể chối cãi: giữa những con người muốn và con người làm là một khoảng cách còn xa. Giữa bờ Muốn và bến Làm là một dòng sông Sợ Hãi.

Dòng sông ấy trộn lẫn xương tàn cốt nhục của cuộc thảm sát đấu tố kéo dài 3 năm, của ngục tù Nhân Văn Giai Phẩm, của ăn cướp Cải tạo công thương nghiệp, của đày đọa Tập trung cải tạo, Kinh tế mới... Xen lẫn giữa những kinh hoàng ấy là thường xuyên, không ngừng nghỉ, ngày và đêm những con mắt cú vọ, còng số tám loang xoang của guồng máy công an trị (*). Dòng sông sợ hãi đã trở thành dòng máu luân lưu khắp cơ thể, trí não của từng người, đã chạy dọc ngang suốt chiều dài đất nước và triệt tiêu lòng can đảm, ý chí phản kháng của nhiều thế hệ. Trước khi mở miệng, trước khi viết xuống hàng chữ "toàn dân đứng lên...", đừng quên điều này: Toàn dân ta là những con người đã bị chế độ độc tài công an trị biến thành những con người mang căn bệnh di truyền có tên là sợ hãi.

Chúng ta "ước mơ" trong một cộng đồng mackeno.
Chúng ta "chiến đấu" với một đoàn quân sợ hãi.
Chúng ta "tranh đấu" giữa "văn hóa" tôi ủng hộ - bạn cứ làm.
Chúng ta "phục hưng" bên cạnh triết lý "khôn thì sống - dại thì chết".

Tuy nhiên, giữa bến muốn và bờ làm ấy đã có những con người can đảm bơi qua sông. Ngay từ sau 1975 đã có Trần Văn Bá, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Đan Quế... Khi lưỡi bò tàu khựa chưa lộ liễu liếm láp Biển Đông thì đã có Lê Chí Quang Cảnh báo với Bắc Triều. Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, Luật sư Lê Công Định, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã từ bỏ đời sống tiện nghi, sự nghiệp đi lên để bước vào con đường "đất nước phải đổi thay". Từ thế hệ đi trước với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho đến cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên tuổi mới đôi mươi đã kiên cường bất khuất bơi qua dòng sông sợ hãi của chính mình và đặt chân lên bờ Hành Động, tranh đấu để biến ước mơ chung của dân tộc thành hiện thực, cho dù phải đánh đổi tự do của chính mình.

Nhưng, những con người xứng đáng nhất với tên gọi người Việt Nam của đất nước 4000 năm, những vốn liếng quý hiếm của dân tộc ấy quả là quá ít, quá nhỏ trên mảnh đất lắm người nhiều ma đang lẫm lủi cúi đầu lê bước trong gông cùm cộng sản.

Làm thế nào để không còn hình ảnh những thanh niên trai tráng, những "rường cột của quốc gia" không còn ngồi từ xa chứng kiến, vừa hoan hô, vừa tội nghiệp các chị dân oan, vừa miệt thị dân tộc Việt Nam quá hèn khi xem clip 5 người phụ nữ và một bà cụ lẻ loi đơn độc đứng trước Dinh Độc lập giăng biểu ngữ, cất cao tiếng lên án bè lũ độc tài hèn với giặc ác với dân?

Làm thế nào để phiên tòa đồng hành với những Bùi Thị Minh Hằng không còn cảnh công an chỉ cần một, hai trăm tên là đủ chặn đứng hầu hết những người "chủ chốt" "trốn" ra khỏi nhà và để không còn cảnh tất cả những người khác ngồi làm khán giả xem "phim"?

Làm thế nào để những sinh viên muốn đứng lên đòi lại những gì thuộc về đại khối dân tộc mà không chùn bước bởi viễn ảnh bị mất đi những thứ của riêng mình, vốn cũng rất bấp bênh và nhỏ bé so với những mất mát chung?

Nhận thức chăng? Có thể 90 triệu người dân chưa nhận thức được hết nhưng ít ra cũng phải cả triệu người thấy được nỗi cô đơn của đoàn dân oan, của anh chị em No-U trên đường phố đầy côn an áo vàng, áo xanh đang tranh đấu cho quyền lợi chung, để biết rằng mình phải có mặt sánh bước cùng anh chị em. Nhưng cả triệu người vẫn ngồi yên.

Nhận thức là cần nhưng chưa đủ. Có nhiều người nói - chỉ cần dân chúng thấy rõ bộ mặt thật của Hồ Chí Minh là chế độ sẽ sập. Bao nhiêu người ở Hà Nội, Sài Gòn biết rõ chân dung xấu xa, bản chất gian dối, thủ đoạn tàn độc và nhân cách đạo đức giả của Hồ Chí Minh? Nhưng trong số đó, bao nhiêu người đã có mặt ở tượng đài Lý Thái Tổ, công viên Thống Nhất để hô to Quyết tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh - khoan nói đến việc giơ biểu ngữ đả đảo Hồ Chí Minh hay đòi xóa bỏ chế độ độc tài?

Căm phẫn là đủ chăng? Thử hỏi bao nhiêu người đã phẫn nộ đến căm hờn khi nhìn cảnh côn an đối xử với người yêu nước như súc vật, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm chị Trần Thị Nga, Nguyễn Hoàng Vi, ứa nước mắt khi nhìn người phụ nữ dân oan trần truồng bị kéo khiêng ra khỏi mãnh đất sinh tồn của chị... Nhưng những Nga, những Vi, những người đàn bà trần truồng ấy vẫn dư thừa sự cảm thông nhưng thiếu vắng đồng hành.

Tất cả đều xuất phát từ sợ hãi.

Giải quyết nỗi sợ hãi và làm cách nào để thêm một người, thêm hai người, thêm ba người biến phẫn nộ - quan tâm - nhận thức - ước mơ thành hành động là bài toán mà nhiều người hoạt động đối diện và tìm giải đáp. Họ nhận ra rằng họ không thể bơi qua sông một mình. Con đường trước mắt sẽ cứ mãi là con đường lẻ loi, co cụm nếu chung quanh tiếng vỗ tay thì rất lớn nhưng những bước chân thì vắng vẻ quạnh hiu.

Chiến dịch Chúng Ta Muốn Biết là một trong những nỗ lực ấy bên cạnh nhiều nỗ lực khác.

Tại sao chỉ là "Chúng Tôi Muốn Biết - We Want to Know".

We Want to Know là khẩu hiệu quen thuộc, phổ quát của nhân loại. Đối với thế giới văn minh, mọi hành động đàn áp một người cầm biểu ngữ Chúng Tôi Muốn Biết là một hành động tồi tệ. Sức người Việt Nam là chính nhưng có thêm sự đồng tình, hỗ trợ quốc tế là thêm một lá chắn bảo vệ cho người tham dự, từ đó phần nào giảm đi nỗi sợ hãi. Do đó, khởi đầu của chiến dịch mang hình ảnh của một"human rights campaign" đối với cộng đồng quốc tế.

Chúng Tôi Muốn Biết cũng là khẩu hiệu mở ngỏ cho nhiều người có những ưu tiên, quan tâm khác nhau đối với những vấn nạn của đất nước. Mở ngỏ cũng để cho những đoàn thể có thể tranh đấu theo đường hướng hoạt động đặc thù riêng nhưng vẫn nằm trong khung cảnh của một phong trào chung.

Chúng ta muốn biết nhưng đảng và nhà cầm quyền phớt lờ thì sao? Freedom is not free. Tự do không miễn phí. Muốn có tự do thì phải đấu tranh. Tương tự như dân chủ, không khác đối với nhân quyền. Chúng ta muốn biết thì phải đấu tranh. Và đó là một cuộc tranh đấu gian nan, trường kỳ cần có đông người tham dự mới có thể tạo được sức ép dẫn đến những đổi thay. Muốn có đông người thì cần bắt đầu bằng hành động nhỏ nhất, đơn giản nhất: một cá nhân công khai xuất hiện với thông điệp Tôi Muốn Biết / Chúng Tôi Muốn Biết. 

Xuất hiện đó là một hành động.

Đối với nhiều người, đó là một hành động mang nhiều ý nghĩa, sau nhiều suy tư, lưỡng lự; Nó là quyết định bước ra ánh sáng và đặt bước chân đầu tiên cho một hành trình tranh đấu công khai.

Đối với những người đã từng trải qua lao tù cộng sản như Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Kim Thu... việc cầm tấm bảng Chúng tôi muốn biết - We Want to Know là một chuyện đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, thử thách của họ không nằm ở đó. Thử thách của họ là làm thế nào có thể thuyết phục, huy động nhiều người khác đi đến một quyết định không đơn giản chút nào cho cá nhân: nhập dòng với đoàn người tranh đấu.

Cuối năm 2013, Mạng Lưới Blogger Việt Nam thực hiện chiến dịch 0258. Mục tiêu là để cho Liên Hiệp Quốc và thế giới thấy rõ những vi phạm của "thành viên sắp sửa" Việt Nam trong Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Mục tiêu khác là mở không gian hoạt động của người Việt Nam ra khỏi biên giới và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của chính phủ các nước qua các ĐSQ tại Hà Nội. Nhưng mục tiêu sâu xa nhất là để gửi thông điệp đến nhiều người rằng: bất kỳ ai cũng có thể đóng góp được cho đất nước, qua hình ảnh của những blogger còn rất trẻ như Hư Vô, Gió Lang Thang đường đường chính chính đến tiếp xúc với những nhân viên cao cấp đại diện cho chính phủ của họ tại Hà Nội. Tất cả đều được thực hiện công khai, bởi những con người rất bình thường tại Việt Nam. Tất cả đều nằm trong ý hướng và thông điệp muốn gửi đến bạn bè: bạn ơi, đừng sợ!

Chiến dịch 0258 đòi hỏi các thành viên MLBVN tự thực hiện mọi chuyện vốn là những lãnh vực rất mới và nhiều khó khăn. Nhưng nó vẫn tương đối dễ vì yếu tố thành công / thất bại nằm trong tay của các thành viên.

Chiến dịch "Chúng Tôi Muốn Biết" khó khăn bội phần. Kết quả thành công phần lớn không nằm trong tay các thành viên MLBVN mà tùy thuộc vào quyết định của những người Việt Nam có quan tâm đến vận mạng của đất nước.

Chiến dịch "Chúng Tôi Muốn Biết" có trở thành một phong trào lan tỏa hay không tùy thuộc vào sự tham gia của nhiều người. Cho đến nay, sau hơn 2 tuần chuyển động đã xuất hiện nhiều khuôn mặt mới, đã có sự đồng hành của 10 đoàn thể, mà mới nhất là Phong Trào Liên Đới Dân Oan Tranh Đấu Việt Nam.

"Chúng Tôi Muốn Biết" đã trở thành một nỗ lực chung. Niềm mơ ước của chúng ta là sẽ có thêm rất nhiều người mà bước chân đầu tiên chỉ là một tấm ảnh Tôi Muốn Biết để bước chân thứ 2, thứ 3 sẽ là những bước chân xuống đường đồng hành với Dân Oan, với Lao Động Việt cho quyền lợi công nhân, với No-U Sài Gòn, Hà Nội cho chủ quyền biển đảo, với Hội Nhà Báo Độc Lập, Mạng Lưới Blogger Việt Nam cho tự do báo chí và ngôn luận, với 8406, Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo, Cựu Tù Nhân Lương Tâm, Anh Em Dân Chủ, Bầu Bí Tương Thân cho Nhân Quyền, Tự Do, Dân Chủ.

"Chúng Tôi Muốn Biết" là tấm ván nhỏ góp phần vào việc xây dựng một chiếc cầu nối liền giữa Bờ Muốn và Bến Làm để tất cả chúng ta - những con người can đảm và những con người sợ hãi có thể nắm tay nhau song hành tiến bước trên con đường phục hưng đất nước.


____________________________

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam