Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Nạn nhân buôn người ở Samoa được vào quốc tịch Mỹ

Thanh Trúc - RFA - 20.09.2014
Share
Cô Mai, cô Quyên cùng các công nhân Việt ở Samoa. Ảnh minh họa chụp trước đây. Courtesy photo

Đối với hơn 200 nữ công nhân may mặc Việt Nam đến đảo American Samoa từ năm 1999, thì tháng Chín năm 2014 này là tháng trọng đại vì họ được phép đi thi vào quốc tịch sau 15 năm chờ đợi trên đất Mỹ.

“Trong cái rủi có cái may”
Hầu hết những công nhân này là phụ nữ miền quê đất Bắc, được Công Ty Du Lịch 12 và công ty IMS đưa sang American Samoa, lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ, làm việc trong công ty Daewoosa của người chủ Nam Hàn tên Kil Soo Lee.
Tên em là Nguyễn Thị Tuyết Mai, quê ngoại ở Bắc Giang, quê nội ở Hà Đông, nhập quốc tịch ngày 13 tháng Chín, thứ Bảy vừa rồi. Đấy là ngày bọn em tuyên thệ để vào quốc tịch. Nói chung tiếng Anh của mình cũng kém nhưng không phải là khó lắm. Thực ra mình cũng là người hợp pháp trên đất Mỹ rồi nhưng mà có quốc tịch cái tự dưng có đem đến cho mình niềm vui vô cùng to lớn.

Được công ty IMS trong nước đưa sang American Samoa đợt thứ tư, chị Tuyết Mai mới nhận thấy vì phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện lao động thiếu thốn, lương hướng chẳng những không được thanh toán sòng phẳng mà còn bị ông chủ Kil Soo Lee ngược đãi, những người đi trước chị đã tổ chức biểu tình và đình công. Hậu quả là nhiều người trong số họ bị chủ bỏ đói, bị đốc công người bản xứ hà hiếp đánh đập. Khi đó, trường hợp đặc biệt gây xúc động cho người Việt ở Hoa Kỳ là chuyện cô Quyên, công nhân trẻ tuổi nhất bị đốc công bản xứ trong hãng may Dawoosa đánh đến hư một con mắt:
Đến năm 2006 thì BPSOS làm đơn lên thượng nghị viện em mới xin được cái giấy ở lại Mỹ hợp pháp. Em làm nhà hàng sau rồi em đổi làm việc bán trái cây trong tiệm bánh, xong rồi em đi học Nails. Em Võ Thị Quang
Em qua Samoa năm 1999, là nhóm cuối cùng của IMS. Cứ làm hoài mà không thấy lương thì việc kiện là công lớn nhất của mấy người của IMS, họ đã biểu tình họ đã nghĩ việc rồi họ nhờ luật sư can thiệp. Bọn em mới sang người ta bảo đi làm thì mình đi làm. Sau đó mấy tháng trời chẳng có lương gì cả nhưng mà em vẫn thấy liên tục Công Ty 12 đưa người sang cấp tập, hàng tháng đưa hai ba đoàn sang. Công sức lớn nhất thực ra là người của IMS mà số người đó hầu như đã về Việt Nam hết. Em thấy đó là những người bị thiệt thòi vô cùng lớn.

Năm 2000 là lúc vụ việc Daewoosa nổ lớn và chị Tuyết Mai cũng là một trong mấy chục người bị công ty IMS đưa trở lại Việt Nam:

Khi tình hình rối loạn như vậy thì IMS ở Việt Nam họ sang vận động cho tụi em về. Thế là em nghe lời mấy ông IMS em đi về.

Về Việt Nam, vỡ lẻ ra sự thiệt thòi của mình, lại nghe chuyện có một số chị em còn ở lại được đưa vào đất liền của Hoa Kỳ, chị Tuyết Mai tìm mọi cách liên lạc với người ở lại Samoa, nhờ họ nói với luật sư can thiệp và hỗ trợ pháp lý. Năm 2004 chị Tuyết Mai được phép trở lại Hoa Kỳ trong tư cách nạn nhân bị bóc lột sức lao động tại một công ty nằm trong lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ. Mười năm sau, chị Tuyết Mai thi đậu vào quốc tịch và tuyên thệ để trở thành công dân Hiệp Chủng Quốc hôm 13 vừa qua:

Người đầu tiên mà em gọi là anh Thắng của Boat People bởi vì anh Thắng là người đã giúp bọn em giấy tờ được qua Mỹ này.

Hai trong nhiều người khác, nằm trong số những công nhân may mắn không bị trả về Việt Nam mà được đưa thẳng từ đảo American Samoa sang Hawai, tiếp đó tỏa đi những tiểu bang khác của nước Mỹ, là chị Thanh Huyền hiện ở New York, chị Võ Thị Quang ở Virginia. Thi đậu quốc tịch hôm 28 tháng trước và sẽ tuyên thệ công dân ngày 24 tháng Chín tới đây, chị Võ Thị Quang từng là một trong các nhân chứng của phiên tòa xử ông Kil Soo Lee và công ty Daewoosa ở Honolulu. Kết quả là ông Kil Soo Lee bị kết án 40 năm tù về tội bóc lột sức lao động cũng như tội buôn người vào đất Mỹ:

Em Võ Thị Quang, Quảng Bình, Việt Nam. Lúc đó Công Ty 12 đông người quá họ chưa có vé để cho về Việt Nam thì Mỹ họ sang họ cho qua từ 2001. Sang Hawai xong thì có người thân ở Virginia mua vé cho em qua năm 2001. Sau này làm giấy tờ tiếp theo thì BPSOS giúp, xử phiên tòa bên Hawai thì em qua lại 10 ngày. Mình qua làm nhân chứng xong rồi thì họ cho mình cái T- Visa, mình xin cái working permit để đi làm.
Em chỉ biết cám ơn Trời Phật run rủi cho gặp người tốt, cảm ơn các nhà tài trợ, các luật sư rồi các cha. Cũng xin cảm ơn cộng đồng người Việt Nam mình đã giang tay giúp thì bọn em mới được đến ngày hôm nay, quá là hạnh phúc chả biết nói gì hơn. Chị Thanh Huyền
Đến năm 2006 thì BPSOS làm đơn lên thượng nghị viện em mới xin được cái giấy ở lại Mỹ hợp pháp. Em làm nhà hàng sau rồi em đổi làm việc bán trái cây trong tiệm bánh, xong rồi em đi học Nails (làm móng tay móng chân)

Được hỏi cảm tưởng khi đã thi đậu quốc tịch, chị Võ Thị Quang cho biết ngoài cuộc sống ổn định bên gia đình mà chị bảo lãnh sang, trở thành công dân Mỹ là niềm vui lớn lao nhất:

Vui mừng mình được chính thức làm người Mỹ, bước đầu mới sang không biết gì hết, chân ướt chân ráo cũng nhờ ơ BPSOS nhiều lắm. Đem chồng con sang cũng nhờ BPSOS giúp từ đầu đến cuối, họ làm thiện nguyện không có lấy tiền.

Con của em cũng được đi học đàng hoàng, nói chung ổn định. Lúc đầu thì khó khăn nhưng giờ mình đứng vững rồi, có gì tiếng Anh không biết thì con nó phụ thêm.

Nhưng bằng cách nào trong thời gian chưa có quốc tịch mà chị Quang đã về thăm nhà hai lần và trở qua Mỹ thì không có vấn đề gì:

Một lần thì xin cái re-entry permit là giấy quay lại cũng nhờ BPSOS xin luôn, rồi lần thứ hai thì có thẻ xanh.

Từ New York, chi Đặng Thị Thanh Huyền, quê ở Gia Lâm, hiện làm nghề sửa móng tay, đang chuẩn bị nộp hồ sơ thi quốc tịch:

Em sẳn sàng rồi, hồi hộp nhiều hơn là lo lắng. Em mới đủ điều kiện, mới có giấy tờ đi lăn tay, em thấy vui chứ đâu có lo.

Đã 15 năm mà mỗi lần nhắc đến chuyện được ở lại Hoa Kỳ hợp pháp cho đến lúc được thi quốc tịch, chị Thanh Huyền nói chị vẫn nghĩ đó là một giấc mộng dài:

Công ty IMS đưa em đi, lúc ấy em đóng 4.000UDS, cóp nhặt để đóng thôi. Em ở lại Samoa tại vì em đi làm ở ngoài, lúc ấy công ty phá sản đồ ăn còn không có, mình không dựa vào đâu được nữa thì phải tự lo. Cũng còn hơn là về Việt Nam chẳng kiếm được đồng nào.

Cũng như mọi người đồng cảnh ngộ, chị Thanh Huyền sang Hawai năm 2001. Tại đây, những người giúp đưa chị về New York rồi Philadelphia rồi New York chính là những người Việt Nam tốt bụng mà chị chưa từng quen biết trước đó:

Em ở Hawai 2 tháng, có nhà thờ giúp đi làm giấy tờ các thứ. Khi đấy em đọc báo rồi liên lạc qua điện thoại với mấy người Việt Nam mà em không quen biết trước. Tháng Ba em tới Hawai thì tháng Sáu em tới New York. Giấy tờ thì bọn em lại xuống dưới Phila làm tất cả hai lần.

Sau đó, chị đi học nghề rồi quyết định cư ngụ lâu dài tại New York. Năm 2009, chị được chính thức cấp thẻ xanh, nhưng trước đó chị đã làm thủ tục bảo lãnh chồng và hai con từ Gia Lâm sang đoàn tụ với mình:

Em bây giờ đi làm nghề Nails. Thật ra vụ này mà không nhờ cộng đồng Việt Nam thì bọn em chịu chết chứ biết cái gì đâu. Mơ đấy chị ạ, mơ không thấy luôn!

Em chỉ biết cám ơn Trời Phật run rủi cho gặp người tốt, cảm ơn các nhà tài trợ, các luật sư rồi các cha. Cũng xin cảm ơn cộng đồng người Việt Nam mình đã giang tay giúp thì bọn em mới được đến ngày hôm nay, quá là hạnh phúc chả biết nói gì hơn.

Vai trò của BPSOS
Ông Christopher Smith biết về tình trạng ở American Samoa thành ra ông cài vào trong đó một câu nói rằng luật này sẽ áp dụng tại đảo American Samoa là lãnh thổ của Hoa Kỳ... cũng nhờ vậy mà ngay khi Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được quốc hội thông qua cuối năm 2000 thì lập tức chúng tôi phối hợp với chính quyền liên bang... đưa họ cấp tốc sang bên Hawai. TS.Nguyễn Đình Thắng
Để hiểu rõ hành trình pháp lý của những người từ Việt Nam đến American Samoa, trở thành nạn nhân của một vụ buôn người đầu tiên trên đất Mỹ mà công quyền Mỹ buộc phải đưa ra ánh sáng, cho đến khi được hợp thức hóa làm người bản xứ, giám đốc điều hành BPSOS là tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng giải thích:

Những người được đưa thẳng vào Hoa Kỳ, hoặc có những người bị hồi hương nhưng sau đó được đưa về lại Hoa Kỳ thì họ chỉ coi như tạm trú thôi, tức được cho phép ở lại Hoa Kỳ để mà phụ với Bộ Tư Pháp điều tra và truy tố thủ phạm là ông Kil Soo Lee. Sau đó chúng tôi mới giúp cho họ xin một cái chiếu khán rất mới gọi là Chiếu Khán T (T-Visa) dành cho những nạn nhân của nạn buôn người.

Khi đã có T-Visa, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói tiếp, phải mất một thời gian nữa mới có thể xin thẻ xanh:

Có thẻ xanh lại phải chờ thêm 5 năm nữa mới được xin nhập tịch. Nếu cộng lại tất cả thời gian thì đó là lý do tại sao từ năm 2001 cho đến giờ này thì một số gia đình của những nạn nhân ở tại American Samoa trước đây mới lục tục được nhập tịch Hoa Kỳ.

Không những vậy, chúng tôi lại còn giúp cho gia đình, chẳng hạn vợ chồng con cái vị thành niên nhập cảnh vào Hoa Kỳ để đoàn tụ gia đình. Những người đó vào sau thành ra lại chờ dài hơn, lâu hơn. Thành ra nó cứ chồng chất thời gian chờ đợi của người đi trước và người đi sau. Có nhiều khi gia đình phải đến cả hai ba năm sau mới đến Hoa Kỳ, mới bắt đầu xin T-Visa rồi lại bắt đầu một quá trình chờ xin thẻ xanh rồi sau 5 năm mới xin được nhập tịch. Đó cũng là lý do tại sao đến giờ này nhiều gia đình mới bắt đầu có một số người được phép trở thành công dân Hoa Kỳ. Nhưng vẫn có nhiều gia đình vẫn còn chờ đến lượt mình để thi nhập tịch Hoa Kỳ.

Tưởng cần biết trong thời gian từ năm 1999 đến 2000, khi vụ Daewoosa ở American Samoa nổ lớn thì Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức có Đạo Luật Chống Buôn Người:

Lúc ấy chưa có luật về phòng chống buôn người, chưa có luật bảo vệ cho những nạn nhân buôn người thành ra chúng tôi không làm được gì nhiều hơn là thu thập thông tin. Chúng tôi đã hợp tác với Cơ Quan Đặc Trách An Toàn Và Sức Khỏe Trong Lao Động, tức OSHA, viện cớ là có những vi phạm về vấn đề tiêu chuẩn nơi làm việc và an toàn sức khỏe để lấy thông tin.

Rất may là cùng thời điểm đó thì dân biểu Christopher Smith đang soạn thảo dự luật bảo vệ nạn nhân buôn người:

Ông Christopher Smith biết về tình trạng ở American Samoa thành ra ông cài vào trong đó một câu nói rằng luật này sẽ áp dụng tại đảo American Samoa là lãnh thổ của Hoa Kỳ. Bình thường các luật của Liên Bang Hoa Kỳ không áp dụng ở những vùng lãnh thổ bảo hộ của Hoa Kỳ, nhưng riêng luật này đã được ghi chú rất rõ ràng và cũng nhờ vậy mà ngay khi Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người được quốc hội thông qua cuối năm 2000 thì lập tức chúng tôi phối hợp với chính quyền liên bang, các cơ quan hữu trách để giải cứu cho nạn nhân, đưa họ cấp tốc sang bên Hawai.

Tại sao BPSOS lại can thiệp? Bởi vì đây là trường hợp đầu tiên Việt Nam xuất cảng lao động sang Hoa Kỳ. Nếu không chặn ngay thì sẽ ồ ạt những vấn đề buôn người từ trong nước sang Hoa Kỳ thì lúc ấy e rằng không ai có khả năng giải cứu được hết tất cả những nạn nhân.

Đáng tiếc là lúc ấy, khoảng 50 người đã bị công ty môi giới đưa về Việt Nam như trường hợp chị Tuyết Mai. Sau này khoảng 30 trong số 50 người trở về đó đã có cơ hội quay lại Hoa Kỳ để đòi công lý.

Số liệu của BPSOS cho thấy trong 280 công nhân bị nạn ở American Samoa năm 1999 mà được giải cứu vào đất liền rồi được cho cư trú hợp pháp, tính đến nay con số lên gần 1.000 người do có sự bảo lãnh từ những người công nhân ấy để thân nhân chồng con từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng nơi đây.

Theo: RFA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam