Nguyễn Văn Thạnh -
1. Trên đời có 3 điều không thể chống được: tuổi già, cái chết và sự thật. Cải cách ruộng đất dù đã lùi xa hơn 60 năm nhưng nó là một sự thật hiển nhiên. Quyền lực có thể bẻ cong, che giấu sự thật nhưng quyền lực có lúc thịnh lúc suy còn sự thật mãi là sự thật. Đảng CSVN dù có quyền khuynh đảo thế gian (trong nước VN) nhưng không thể che dấu được sự thật. Họ (ĐCS) còn món nợ với ít nhất hàng ngàn oan hồn.
2. Cải cách ruộng đất-có hai cách làm: Nhiều ý kiến cho rằng, phê phán sai lầm CCRĐ phải nhìn vào hoàn cảnh lịch sử. Họ viễn dẫn nước ta khi đó là một nước nông nghiệp nhưng ruộng đất tập trung phần lớn vào tay địa chủ, người cày không có ruộng. Họ lấy nạn đói năm Ất Dậu -1945- để chứng minh rằng cải cách ruộng đất là điều phải làm để người dân có ruộng cày, không bị bóc lột, không bị chết đói. Từ lý lẽ này họ cho rằng CCRĐ là một thành quả của cách mạng, còn sai lầm thì khó tránh khỏi. Tính ra công vẫn nhiều hơn tội.
Đây là một lý luận bao biện cho tội ác. Không chỉ ở miền Bắc VN mà nhiều nơi trên thế giới cũng có cải cách ruộng đất. Điển hình như ở Miền Nam, sau hai lần CCRĐ chính quyền vẫn bảo đảm người cày có ruộng nhưng không có đổ máu, đấu tố. Chính quyền ở đây tôn trọng quyền sở hữu đất đai của người dân. Chính quyền chỉ đặt ra mức hạn điền, còn phần dư phải bán lại cho nhà nước. Nhà nước dùng phần ruộng này cấp phát cho người không có ruộng. Người nhận ruộng có nghĩa vụ trả góp trong nhiều năm. Đây là cách làm tôn trọng quyền con người-quyền sống, quyền sở hữu, nhân phẩm,... đồng thời giải quyết được mâu thuẫn xã hội.
Rõ ràng để đạt mục tiêu tái phân phối lại ruộng đất, ở Miền Nam có cách làm văn minh, tình người hơn, vai trò chính quyền ở đây như bà đỡ, người điều phối để điều hòa mâu thuẫn, chống bất công; khác xa vai trò một chính quyền khơi gợi thù hằn-chia rẽ dân tộc, dùng bạo lực khủng bố, giết chóc.
3. Cải cách ruộng đất: nơi thú tính được phát huy. Con người thoát thân từ con vật (con vượn) nên bên cạnh nhân tính luôn tồn tại thú tính. Chính vì trong con người có thú tính nên suốt hàng ngàn năm lịch sử con người đã chém giết nhau không biết bao nhiêu mà kể. Cũng chính vì điều này mà loài người tôn vinh những vĩ nhân đã giáo hóa con người về tình thương, đạo lý. Xa xưa có Đức Phật, Chúa Giesu, Khổng Tử,… ngày nay có Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela,… đều thuộc hàng vĩ nhân vì giúp con người sống nhân tính hơn; yêu thương và bác ái hơn.
Cuộc cải cách ruộng đất đã phát huy hết phần thú tính có trong con người, phát huy cao độ động cơ lòng lam, lòng thù hận, tính ganh ghét; đảo điên luân thường đạo lý-con tố cha mẹ, vợ tố chồng, thầy tố trò,… Một lãnh tụ mà xui chính con dân trong một nước giết nhau vì miếng ăn thì không thể là lãnh tụ sáng suốt, vĩ đại được.
4. Cải cách ruộng đất-sửa sai không thành thực. Nhiều người cảm thông cho lãnh tụ HCM, với lý lẽ là Bác đã nhận ra sai lầm, đã sửa sai, nhất là những giọt nước mắt của Bác trước quốc hội. Tuy nhiên, những ai chịu khó tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy việc sửa sai là không thành thực. Bởi lẽ: những người dũng cảm chỉ ra sai lầm không được coi trọng mà bị đàn áp tàn bạo (số phận Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là điển hình), những người từ chối tham gia trò chơi đấu tố như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng không được trọng dụng, trong khi đó những kẻ nhẫn tâm đấu tố cha mẹ mình, giết người không ghê tay như Chu Biên thì thăng tiến, những cán bộ chịu trách nhiệm chính vẫn không bị mất chức, Đảng chỉ luân chuyển và họ vẫn ở hàng cán bộ cao cấp; đặc biệt số phận địa chủ và con cái họ rất thê thảm, ko có cải thiện gì.
5. Cải cách ruộng đất-một chấn thương rất khó lành: Dân tộc Việt Nam có hàng ngàn năm sống trong tình yêu thương đùm bọc nhau. Nho giáo, Phật giáo cũng du nhập vào Việt Nam từ lâu giúp tạo lập một xã hội có tôn ti trật tự, tình làng nghĩa xóm. Cuộc cải cách ruộng đất đã phá hủy tận gốc những điều tốt đẹp trên. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc có hiện tượng người yêu nước như bà Nguyễn Thị Năm bị mang ra bắn, có hiện tượng con tố cha mẹ, hàng xóm tố nhau, đền chùa, miếu mạo bị đập phá, thiêu hủy,… Hiện nay xã hội VN, người dân mất niềm tin nhau trầm trọng, nhiều hiện tượng lừa lọc, thủ đoạn tàn độc hại nhau để thăng tiến (hiện tượng cho chất độc vào thực phẩm),… có lẽ là dư âm của những cuộc đấu tố kinh hoàng năm xưa.
6. Cải cách ruộng đất: di họa rất lớn cho nền dân chủ. Để vận hành nền dân chủ đòi hỏi người dân phải tích cực tham gia vào việc nước. Hiện nay người dân quá sợ hãi và bàng quan việc nước. Người dân không tin vào những lời nói tích cực cải thiện xã hội.
Thường tình, kẻ gây ra tội ác thường sợ bị trừng phạt nên sẽ cố giữ quyền lực bằng mọi giá. Có một thực tế nhiều kẻ tay dính máu nhiều nhất lại lên cao, hiện con cháu họ vẫn còn đang nắm quyền. Đây là một cản trở to lớn cho việc chuyển giao chính quyền từ độc tài sang dân chủ.
Cải cách ruộng đất là một sai lầm để lại nhiều di họa ghê gớm cho dân tộc.
Nguyễn Văn Thạnh