Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che tội ác? Phần III

Nguyễn Hữu VinhShare - Ngay từ khi kết thúc, cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đã ẩn chứa nhiều vấn đề mà đảng CSVN gọi là “sai lầm”. Điển hình là hình ảnh ông Hồ Chí Minh rút khăn lau mắt. Thế rồi, cái “sai lầm” đó ra sao, tầm mức nào, ai chịu trách nhiệm… tất cả cũng rút lui dần vào bí mật đi kèm những nỗi sợ hãi mơ hồ như chính khi nó đang được thực hiện. Nỗi sợ hãi đến từ bạo lực, từ không luật pháp, từ đám đông cuồng nộ cướp bóc đã ám ảnh, dai dẳng 60 năm nay. 

Và đến cuộc Triển Lãm này chỉ là màn đấu tố được dựng lên chỉ nhằm giấu nhẹm và làm biến tướng đi cái “sai lầm” đó.

Đâu rồi tiếng thét gào? 

Cuộc CCRĐ được tiến hành ở VN hơn 10 năm, để lại hậu quả đau đớn, tang tóc và tàn phá đất nước như trên đã nói. 

Nông thôn Việt Nam vốn hàng ngàn năm nay xây dựng nên một nền văn hóa cần cù, chịu khó, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau chống lại thiên tai, địch họa và cùng tồn tại. 

Bỗng nhiên một ngày có Đảng về “ba cùng” để “bắt rễ, xâu chuỗi trong quần chúng”. Và họ nhanh chóng trở thành kẻ thù của nhau, một thứ kẻ thù ‘không đội trời chung”. Những câu chuyện rùng rợn mà thế hệ chúng tôi được nghe, chắc không có nơi nào trên thế giới này có thể lặp lại. 

Ở đó không chỉ có những tiếng cười của nông dân được chia “của thực” sau khi theo Đảng đấu tố, tra tấn, đánh đập giết chóc rồi cướp phá. Những của cướp được đem chia lại là của những người bà con, láng giềng, họ hàng làng xóm mới hôm qua, còn đi chung một con đường, uống chung một giếng nước, khi đói kém, ốm đau ngặt nghèo còn vá rá sang vay đấu thóc, bơ gạo, khi chết chóc còn đến phúng điếu, chia sẻ. 

Nhưng, ở đó còn có những dòng sông nước mắt và máu của những người đã vắt xương, nặn óc để làm nên của cải, xây dựng cơ đồ. Bỗng một ngày buộc phải ngồi im nhìn những người mình đã nuôi nấng, chăm sóc, đã chung sống yêu thương xông đến đánh đập, phá phách và cướp đi. 

Ở đó không chỉ có những thắng lợi của những người hàng xóm vốn dễ bị đảng kích động để trở thành kẻ thù của nhau trong cuộc đấu tố tranh cướp, mà ở đó thậm chí, giữa họ là huyết thống, máu mủ, là cha con, vợ chồng. 


Trong cuốn Hồi ký “Chứng từ của một Giám mục”, vị Giám mục Phụ tá Phaolo Lê Đắc Trọng (1917- 2009) đã viết khá chi tiết về giai đoạn đau thương này, xin trích: “Đến nỗi mà một người phụ nữ đứng tuổi, rất thương người cha già chị săn sóc hằng ngày. Chị nói với bố: “Ông có biết tôi là ai không?” Người cha ngậm ngùi nhìn đứa con dứt ruột của mình và nói: “Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ”. Lời thưa não nùng thảm thương, nhưng phải hỏi cái sức ma quỉ nào đó đã thúc đẩy người con chất vấn người bố như thế? Cứ đó mà luận ra những người khởi xướng!” (Trang 382) 

Kết cục là một Việt Nam đau thương, với một nền kinh tế bị hủy hoại do những thành phần ưu tú đã bị tiêu diệt, cả xã hội tôn thờ lý thuyết căm thù sự giàu có, căm thù những người có trí tuệ. Nhưng, nguy hại hơn, là nền văn hóa nhân bản, yêu thương đùm bọc lẫn nhau được xây dựng từ lâu đời đã bị hủy hoại của cuộc CCRĐ kinh hoàng này. Đặc biệt, tư duy cướp bóc là vô tội, là chính nghĩa đã đeo đẳng, ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam cho đến tận ngày nay. 

Những vụ hôi của của người bị nạn trên đường, những kẻ lợi dụng hoạn nạn, chiến tranh, thiên tai để trục lợi… đó hẳn có nguồn gốc từ những cuộc “Cách mạng” này. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà mẹ của tội phạm chặt tay người đi đường cướp của đã nói ráo hoảnh trước tòa: “Ai bảo mang nhiều vàng, hột xoàn, chạy xe tay ga chi cho nó chém” cũng chỉ là một phần nhỏ thực hiện tư duy đó. 

Nhưng, trong cuộc Triển lãm hôm nay, những điều đó đã không hề được đề cập đến. Một sự lấp liếm sặc mùi… lưu manh. 

Những điều được làm sáng tỏ 

Không phải ngay từ khi CCRĐ mới kết thúc mà mãi cho đến sau này, đảng CS và nhà nước VN đã không hề dám tổng kết lại con số nạn nhân dưới bàn tay của họ. Bao nhiêu người đã bị giết, bao nhiêu con người bị ảnh hưởng cuộc sống, bao nhiêu gia đình đã tan nát từ khi đảng về “ba cùng”… Những con số đó đã được giấu kín. 


Nhưng không chỉ có thế. 

Vai trò của người tổ chức tội ác này là ai? Cho đến gần đây, vẫn còn là một ẩn số trước người dân. Hầu như, tất cả những điều liên quan đến tội ác này, đảng đã giấu nhẹm. Thế nhưng, đến Triển lãm này, một phần sự thật đã được hé lộ. 

Thói thường của người cộng sản xưa nay, tội ác thì hoặc là trốn chạy, lấp liếm, che đậy thật kỹ. Nhưng, trong tội ác của mình, họ sẽ cố tìm được những “thắng lợi, thành công”. Và hiển nhiên, thắng lợi và thành công phải được đưa ra tuyên truyền, học tập. Ở “Triển lãm” này, người ta hiểu rõ hơn về nhiều vấn đề. 

Sau CCRĐ, cùng với sự thần thánh hóa Hồ Chí Minh, nhiều tin truyền miệng, nhiều buổi nói chuyện thời sự, chuyện rỉ tai rằng ở CCRĐ này, sai lầm là do cấp ở dưới, chủ trương là do Trung Quốc ép phải làm. Còn người đứng đầu Đảng và Chính phủ là “Bác” thì bận nhiều việc nên không chú ý… Cuối cùng là “Bác” không có trách nhiệm gì. Thậm chí khi kỷ luật cũng chỉ Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, còn “Bác” thì mất mấy giọt nước mắt không rõ có thật hay không. Thế là đủ. 


Ở Triển lãm này, vai trò của Hồ Chí Minh được làm rõ: Ông ta là người được đảng cho là có công lớn trong cuộc CCRĐ này. Từ Sắc Lệnh ngày 19/12/1953 ban bố Luật Cải cách ruộng đất cho đến các chỉ thị, các Báo cáo của Hồ Chí Minh trước Quốc Hội họp tháng 12/1953. Rồi những hình ảnh Hồ Chí Minh đến thăm chỗ nọ, họp hành với Bí thư đoàn ủy CCRĐ… Tất cả đều chứng minh một điều: Đừng có ai cướp công của Hồ Chí Minh trong CCRĐ, bởi ông ta không chỉ có là Chủ tịch Đảng, mà còn là Chủ tịch nước. 

Và hẳn nhiên ông ta phải là người chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc về những tội ác mà đất nước này, dân tộc này phải chịu. Trong cuốn Bác Hồ với quê hương Nghệ An, NXB Nghệ An 1977 có in bài thơ “Cụ già 120 tuổi”, trong đó có đoạn:
Phát động quần chúng
Nông dân tố khổ
Tham gia tiểu tố
Cụ tố rất hăng
Công tác đấu tranh
Cả nhà tích cực
Dân làng mến phục
Nông hội hoan nghênh
Hồ chủ tịch thương
Viết thư cho cụ
Và tặng áo lụa
với chiếc huy chương… 

(Hồ Chí Minh) 

Đọc bài thơ này, không ai có thể nói Hồ Chí Minh không hề hay biết về những tội ác của CCRĐ gây ra dưới tay ông ta. 

Trong Cuốn sách “Chứng từ của một Giám mục”, vị Giám mục Phụ tá Phaolo Lê Đắc Trọng viết như sau: “Tuy là Tổng bí thư Đảng, là lý thuyết gia của Đảng, nhưng ít người biết đến tên tuổi ông, đến mặt mũi ông. Ông được trao cho là người thừa hành kế hoạch cải cách ruộng đất, còn ông Hồ Chí Minh ‘giả cách đứng ngoài… 

Kế hoạch đó cũng đạt mục đích phần nào, vì sau này tai tiếng đều trút trên đầu ông Trường Chinh, mà ‘Bác Hồ’ là ‘nhân từ’ chỉ bị liên hệ chút ít. Nhưng làm sao mà che mắt được dư luận nhân dân. Ông Hồ là lãnh tụ tối cao, mà ông Trường Chinh chỉ là tay chân, làm sao công việc long trời lở đất đó lại qua mắt được lãnh tụ tối cao?…” (Trang 375-376) 

Ở cuộc Triển lãm này, những nhận định trên được sáng tỏ. 





“Sai lầm”! Hay là tội ác? 


Theo ngôn ngữ Việt Nam, sai lầm là sự việc được tiến hành trái với yêu cầu khách quan hoặc với lẽ phải, dẫn đến hậu quả không hay. Thông thường, người ta sẽ phạm sai lầm khi không nắm bắt được vấn đề thấu đáo mà mình tiến hành, hoặc không có kinh nghiệm, thực tế và lý thuyết để hướng dẫn hành động dẫn đến sai lầm. Những hành động sai lầm, thường hay xảy ra đối với những cá nhân, tổ chức thiếu nhận thức và dốt nát mà thôi. 

Vậy ở đây, Đảng Lao Động Việt Nam (Đảng CSVN hiện nay) tiến hành Cải cách ruộng đất có phải là sai lầm không? 

Trước hết, cần phải vạch ra rằng: Về lý thuyết thì xưa nay, chưa bao giờ Đảng CS không vỗ ngực tự nhận họ “Đỉnh cao trí tuệ nhân loại”. Vậy trí tuệ nhân loại mà để sai lầm giết chết cả hàng ngàn người dân mình, thì đó là thứ trí tuệ gì? Sẽ không bao giờ được gọi là sai lầm, nếu đảng này vẫn dương dương tự đắc là “Đỉnh cao trí tuệ nhân loại”. 

Về thực tế, người ta chỉ có thể sai lầm, khi chưa có một thực tế nào để rút ra bài học cho công việc họ làm. Còn ở đây thì sao? 

Trong cuốn sách đã dẫn ở trên, Đức Giám mục Phaolo Lê Đắc Trọng viết: “… Người Cộng sản Việt Nam học được kinh nghiệm của các anh Liên Xô, Trung Quốc, nên công cuộc được tổ chức rất chu đáo cặn kẽ, từ lúc phát động đến hoàn thành”. 


“Thiết nghĩ làm gì có thể sai lầm được? Giả sử chỉ có mình Việt Nam làm cải cách ruộng đất, chưa có đâu làm, thì còn có thể nói đến sai lầm. Đàng này các bậc thày, các bậc đàn anh đã làm, đã rút kinh nghiệm. Việt Nam chỉ việc lặp lại. Người ta đã tính từ trước sẽ có những sai sót. Có thể nói, những sai sót cố ý! Thà có giết nhầm mười người còn hơn để sót một thằng. Hoặc kinh nghiệm cho thấy là việc cải cách gây đau khổ nhức nhối chừng nào! Nên giả cách, có vài sửa sai chẳng vào đâu cả, để phần nào làm nguôi lòng dân.” (Trang 408). 

Thực chất, cuộc CCRĐ thời kỳ đó, là một bước tiến trong cái gọi là Cuộc cách mạng vô sản trong đời sống nhân dân, Mục đích là nhằm xây dựng một xã hội Cộng sản, ở đó họ trục xuất Chúa Trời, thần thánh ra khỏi vũ trụ, trục xuất tư hữu ra khỏi xã hội, trục xuất linh hồn ra khỏi con người. 

Trong Cuốn sách “Chứng từ của một Giám mục”, vị Giám mục Phụ tá Phaolo Lê Đắc Trọng viết:“Lấy lại ruộng đất để chia cho những người cầy, không phải là mục tiêu chính của việc cải cách và chính việc cải cách cũng không phải là mục tiêu của cách mạng. Lấy lại ruộng đất chỉ là phương tiện để cải cách, chính việc cải cách cũng chỉ là phương tiện cho sự thống trị của giai cấp vô sản. Nói đúng ra cho sự thống trị của Đảng chuyên chính được thiết lập vững chắc. 

… Cải cách ruộng đất là một cách quét sạch những địa chủ, những cường hào ác ôn, ác bá, những người có uy tín, những người có mầm mống để vươn lên. Tất cả những gì mà cách mạng cho là đối nghịch, là nguy hiểm trong hiện tại và trong tương lai. Quét sạch, để cho xã hội trở nên một tờ giấy trơn, để Đảng muốn vẽ gì thì vẽ, theo ý mình.” (409-410-411) 

(Còn nữa) 

Hà Nội, Ngày 15/9/2014 
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam