Nhiếp ảnh gia Robert Dodge |
Gần 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều tác phẩm in ấn đã được tung ra trong thời gian dẫn tới ngày kỷ niệm có tính dấu mốc này. Trong số những tác phẩm mới xuất bản, có một tuyển tập ghi lại hình ảnh của những địa danh, cảnh sinh hoạt hàng ngày và con người Việt Nam. Sách mang tựa đề: Vietnam, 40 Years Later. Tác giả là Robert Dodge, một nhiếp ảnh gia và cũng là một phóng viên kỳ cựu người Mỹ hiện cư ngụ tại thủ đô Washington.
VOA: Ông đã đầu tư rất nhiều thời gian để thực hiện tác phẩm này, tôi được biết ông đã bỏ ra chín năm dài để hoàn tất bộ ảnh và xuất bản sách, vậy xin hỏi ông, tại sao ông chọn Việt Nam để thực hiện bộ ảnh này?
Robert Dodge: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của thế hệ của tôi, tôi học trung học rồi lên đại học trong thời chiến tranh Việt Nam, và như cô đã biết, khắp nước Mỹ lúc bấy giờ nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Báo chí, truyền thanh truyền hình tràn ngập những tin tức về cuộc chiến, được đưa tới tận phòng khách của mỗi gia đình hàng ngày. Chính đó là một yếu tố đã dẫn đưa tôi tới quyết định theo đuổi ngành báo chí, thế cho nên từ lúc còn nhỏ, tôi đã chú ý tới Việt Nam.
VOA: Thưa ông, tấm ảnh trên bìa cuốn sách chụp một phụ nữ ngồi bất động bên lề đường bán bánh mì, hậu cảnh là những chiếc xe mô tô chạy thật nhanh sau lưng, vì sao ông chọn tấm ảnh đó? Cá nhân ông chọn hay là nhà xuất bản hay người thiết kế bìa sách ?
Bìa cuốn sách 'Việt Nam, 40 Năm Sau' |
Robert Dodge: Tôi chọn bức ảnh này. Lý do là bởi vì tôi cho rằng nó nói lên nhiều điều về lịch sử của Việt Nam. Chúng ta thấy đây là một phụ nữ bán thực phẩm ở ngoài đường, cảnh đã diễn ra trong nhiều thế kỷ ở Việt Nam. Bà đội một chiếc nón lá truyền thống, nhưng mặc áo vét theo mốt Tây phương, chân mang dép và vai đeo ví cũng theo mốt phương Tây. Tấm ảnh cho thấy là dù đã đứng tuổi, người phụ nữ cũng có cố gắng vươn ra thế giới bên ngoài để nối kết với nền kinh tế toàn cầu. Những ổ bánh mì baguette nhắc nhở thời kỳ Pháp thuộc, thế rồi chúng ta thấy phía sau bà là những người trẻ tuổi lái xe mô tô chạy qua thật nhanh. Theo tôi, họ tượng trưng cho sự hối hả hướng tới tương lai. Một trong những người trẻ ngoảnh lại nhìn người phụ nữ, và điều đó khiến chúng ta tự hỏi liệu bà có muốn chạy theo họ, hay là sự tiến bộ của Việt Nam sẽ bỏ lại bà và thế hệ của bà phía sau lưng.
VOA: Ông nói Việt Nam không còn là một cuộc chiến nữa, mà là một đất nước. Vậy ông mô tả nước Việt Nam hiện đại như thế nào sau chín chuyến đi thăm Việt Nam trong từng ấy năm?
Robert Dodge: Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là một nước với một chân còn vùi sâu ở Châu Á thời cổ - cảnh ta sẽ chứng kiến một khi rời xa các thành phố lớn, với những ruộng đồng, nơi người dân vẫn lao động khó nhọc để sản xuất nông phẩm, nhưng mặt khác, Việt Nam cũng là một đất nước đang giang tay ra với thế giới rộng lớn bên ngoài. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó mỗi ngày ở các thành phố lớn như Sài Gòn và một phần nào, ở Hà Nội. Sài Gòn đã trở thành một trung tâm thời trang, cũng là trung tâm thương mại, nơi đặt trụ sở các doanh nghiệp lớn, các văn phòng luật, đây là một trung tâm của óc sáng tạo. Như tôi đã nói Việt Nam hiện giờ là một quốc gia mang hai bộ mặt.
VOA: Thưa ông, như mọi người đều biết, Việt Nam vẫn là một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, nơi mà có lẽ chúng ta không hoàn toàn tự do đi tới bất cứ nơi nào mình muốn, hay làm bất cứ điều gì ta muốn làm. Vậy cá nhân ông có gặp khó khăn vào lúc bắt đầu dự án và trong thời gian thực hiện dự án của mình trong nhiều năm dài, ông có gặp khó khăn rắc rồi nào với chính quyền địa phương chăng?
Robert Dodge: Không, tôi không gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần về, tôi đều mang theo những máy ảnh của tôi, Có một hai nhà nhiếp ảnh Việt Nam phụ giúp tôi trong dự án này. Tôi chưa thực sự gặp khó khăn rắc rối gì, tôi được tự do và không gặp trở ngại trong việc thực hiện những gì tôi muốn làm.
VOA: Vậy không có ai hỏi ông vì sao ông mang theo những dụng cụ nhiếp ảnh nặng nề như thế để chụp ảnh?
Robert Dodge: Không có ai từ chính quyền hỏi tôi điều đó. Chúng tôi đi vào các làng mạc và những địa điểm bên ngoài các thành phố lớn, có người tò mò về tôi, nhưng họ đều đã gặp các du khách, tôi nghĩ đó là một trong những lý do tôi được tự do hoạt động, vì có thể trà trộn trong nhóm các du khách nước ngoài.
VOA: Andrew Lâm là người viết tựa giới thiệu tuyển tập ảnh của ông, nhà văn Mỹ gốc Việt này có đi cùng với ông về Việt Nam?
Robert Dodge: Không, ông ấy không đi với tôi. Tôi chỉ gặp Andrew một năm trước khi hoàn tất quyển sách. Tôi đã được đọc một số tác phẩm của Andrew, tôi đọc tới 1/3 quyển sách đầu tiên của anh mới ngộ ra rằng tôi muốn Andrew viết lời tựa cho quyển sách của tôi, bởi vì anh là một văn sĩ có tài.
VOA: Là một phóng viên, lại được trang bị nhãn quan sắc bén của một nhà nhiếp ảnh, xin ông chia sẻ quan điểm của ông về đất nước và con người Việt Nam?
Robert Dodge: Việt Nam là một đất nước đẹp tuyệt vời, từ cảnh núi rừng trên vùng cao nguyên Bắc phần, tới những bãi biển chạy dọc theo vùng duyên hải, và cuộc sống đầy thi vị của những ngư dân và nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi cho rằng ngươi Việt Nam rất thân thiện, cởi mở, và trong tư cách một nhiếp ảnh gia, tôi vô cùng thích thú bởi vì bất cứ nơi nào đi qua, tôi đều gặp những người sẵn sàng cho phép tôi chụp ảnh, họ không giận dữ với tôi khi tôi chụp mà không báo trước cho tự nhiên, rồi cho họ xem. Điều đó không luôn luôn xảy ra ở Hoa Kỳ hay ở Châu Âu. Ở đó, người ta thường tỏ ra nghi ngờ hơn và thường tránh các nhiếp ảnh gia.
VOA: Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn. Nhưng dường như tiềm năng đó khó có thể khai thác và phát huy đầy đủ bởi vì Việt Nam vấp phải một số thách thức lớn. Trong tư cách là một nhà báo, ông có nhận xét gì về những tiềm năng và những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt?
Robert Dodge: Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã vượt qua được một chặng đường dài, và đã đạt tiến bộ vượt bậc từ đợt tư hữu hóa đầu tiên và những bước kế tiếp mà họ đã thực hiện, mức sống của dân đã tăng, Việt Nam giờ đã có khu vực chế tạo sản xuất rất năng động. Sài Gòn giờ đây là một trung tâm thời trang. Thế cho nên có rất nhiều điều tích cực đã diễn ra. Tôi nghĩ điều đang kiềm hãm Việt Nam lại, cản trở Việt Nam khai thác tiềm năng của mình là gọng kềm tiếp tục khóa chặt của một hệ thống cai trị áp bức của một đảng độc nhất. Đây là một hệ thống tham nhũng, đã có những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của quốc gia, hệ thống này sẽ còn cản trở, không cho Việt Nam thực hiện đầy đủ tiềm năng để trở thành một thành viên thực thụ trong nền kinh tế toàn cầu.
VOA: Thế theo ông chế độ chính trị là một trong những chướng ngại cản trở đà phát triển của Việt Nam?
Robert Dodge: Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn nhiều với một chế độ đa đảng, với các cuộc bầu cử tự do, cởi mở và minh bạch.
VOA: Ông tin rằng đó là điều mà người dân Việt Nam mong muốn, hay ít ra là mong muốn của những người ông đã được gặp ở Việt Nam?
Robert Dodge: Chắc chắn tôi không thể nói đây là một cuộc thăm dò có tính khoa học, nhưng tôi có thể khẳng định rằng vâng, đó là điều mà người dân muốn, những người tôi đã tiếp xúc trò chuyện bày tỏ nỗi bực bội của họ về những hành động tham nhũng mà họ đã chứng kiến trong hệ thống chính quyền, họ nghĩ rằng các quan chức cấp cao chỉ hành động vì quyền lợi của chính họ, để bỏ đầy túi tham, chứ không chăm lo gì cho người dân trung bình ngoài kia.
VOA: Trở lại với bộ ảnh và nghệ thuật của ông, khía cạnh nào đã khiến ông cảm thấy hài lòng nhất về quyển “Việt Nam, 40 năm sau”, là một người kể truyện, một phóng viên, hay một nhà nhiếp ảnh?
Robert Dodge: Tôi chủ yếu chỉ chụp phong cảnh, thường là trắng đen. Khi sang Việt Nam, lần đầu tiên tôi mang theo một máy ảnh kỹ thuật số. Tới Hà Nội, trong khi chờ xe lửa để đi Sapa, tôi đi loanh quanh Hà Nội chụp hình. Nhìn những màu sắc trong ảnh hiện lên trên máy, tôi tự nhủ tôi không thể nào chỉ chụp ảnh trắng đen mà thôi, bởi vì đất nước này có quá nhiều màu sắc. Đa số những tấm ảnh mà tôi chụp trong chuyến đi đầu tiên ấy là ảnh chụp phong cảnh. Sau này tôi cảm thấy mình cần chụp nhiều ảnh hơn và tôi bắt đầu chụp người. Đây là một bước ngoặt trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi, trong tư cách một nghệ sĩ, ngày càng đi sâu hơn vào lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí. Tôi cho rằng điều thú vị nhất là tìm hiểu về cuộc sống của người dân, những việc họ làm, những tập tục và văn hóa của họ để thu hình qua ống kính, và ghi lại những hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.
VOA: Thế là ông đã trả lời một phần câu hỏi kế tiếp của tôi, là dự án này đã thay đổi ông như thế nào?
Robert Dodge: Dự án này có ảnh hưởng rất lớn trong sự phát triển của tôi trong tư cách một nhiếp ảnh gia.
VOA: Cuối cùng, ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về Việt Nam?
Robert Dodge: Tôi nghĩ rằng điều đáng nhớ nhất là những người tôi đã được gặp và tìm hiểu về người Việt Nam, tôi đã nói là người Việt Nam rất thân thiện, cởi mở. Tôi cũng thấy họ rất cần cù siêng năng và có óc mạo hiểm kinh doanh, họ rất chịu khó làm việc. Thế cho nên họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp nơi tôi, khiến tôi nghĩ Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn, có khả năng trở thành một nước hùng mạnh ở Đông Nam Á cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị.
VOA: Điều gì làm ông ray rứt suy nghĩ?
Robert Dodge: Tôi phải nói đó là những bước thụt lùi mới đây về vấn đề nhân quyền, khi chính phủ bắt giữ nhiều nhà báo và blogger, đó là điều làm tôi rất là thất vọng. Và hoàn cảnh của những người sống trong cảnh nghèo đói ở các thôn quê. Dĩ nhiên, chúng ta hy vọng là sự thịnh vượng mới của Việt Nam dần dà sẽ nhỏ giọt xuống các tầng lớp dưới và cũng sẽ nâng cao mức sống của họ.
VOA: Câu hỏi cuối: dự án kế tiếp của ông. Liệu ông có trở về Việt Nam?
Robert Dodge: Sau cuộc phỏng vấn này, tôi không chắc là họ có cho phép tôi trở lại Việt Nam hay không. Những tôi rất muốn quay lại. Tôi tự cho mình là một người bạn của Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Việt Nam là một đất nước tuyệt vời, tôi có nhiều bạn ở đó. Tôi muốn trở lại để chụp ảnh thêm. Còn rất nhiều cảnh về thiên nhiên và con người Việt Nam mà tôi muốn thu vào ống kính.
Muốn biết thêm chi tiết, qúy vị có thể truy cập trang web: http://vietnam40yearslater.com/