Bìa cuốn sách màu đỏ thiết kế một anh hề mặc quần lót đứng trên một quả cầu lửa giang tay cầm hai cán cân nhằm minh họa cho Thần công lý. Tên cuốn sách là "Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014" do nhà xuất bản Lao Động - Xã hội in ấn và phát hành.
Đừng tưởng đây là trò đùa Photoshop của cư dân mạng, nó có thật 100% và đang khiến ít nhất ba người mất ngủ.
Người thứ nhất là anh diễn viên hài Công Lý.
Cái tên Công Lý do anh chọn làm nghệ danh bỗng chốc nổi tiếng nhờ vào cái bìa sách này. Mặc dù anh không được thông báo hay hỏi han một lời nhưng cái thân hình trần truồng của ai đó được ghép vào khuôn mặt anh đã làm người xem vỗ tay rần rần. Không vỗ tay sao được khi danh hài được hân hạnh làm biểu tượng cho công lý của xứ sở vốn mang tiếng là nơi chà đạp công lý nhất nhì thế giới.
Nhưng anh danh hài này lại nhảy choi choi lên và la làng rằng cái nhà xuất bản kia đã tự tiện làm một việc xâm phạm đến pháp luật: bôi bẩn tên tuổi anh trên hình bìa một cuốn sách nói về công lý. Cách chơi khăm của nhà xuất bản đã làm anh nổi tiếng... xấu và anh đòi... công lý.
Công lý của danh hài có lẽ không làm cho nhà xuất bản Lao Động - Xã hội nao núng. Điều mà công nhân tại đây lo là sắp phải đối diện với tình trạng ... "thất nghiệp treo" trong thời gian tới. Ông giám đốc thì lo nặn óc xem ai là người quen trong hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát. Ông biên tập viên thì chuẩn bị một tờ giấy xác nhận trong thời gian sách được in ra ông đang nằm nhà thương hay công tác đâu đó, chỉ có anh họa sĩ thiết kế cái hình bìa này là chuẩn bị khăn gói quả mướp vào nhà giam...đếm lịch.
Nhưng khổ nỗi đây không phải là một vụ án hình sự, không có người bị hại, không có ai đứng ra tố cáo và nhất là không định nghĩa được sự nguy hại của trang bìa cuốn sách này nguy hiểm tới đâu.
Diễn viên Công Lý có thể sẽ đưa vụ này ra tòa nhưng phần thắng chưa chắc gì cầm trong tay. Anh chàng có thể nói khuôn mặt là khuôn mặt của anh, đã bị họa sĩ Photoshop và lắp ráp với ý đồ bất minh. Tòa sẽ hỏi làm sao chứng minh được cái mặt ấy là của diễn viên hài Công Lý chứ không phải là khuôn mặt của công lý Việt Nam?
Công Lý là một danh hài, là người của công chúng nên nếu có lấy hình của anh thì cũng được tòa cho phép huống chi đây là ý tưởng rất sáng tạo, lấy Công Lý để minh họa một nền công lý hài hước không phải là điều nên làm hay sao?
Việc thần công lý mặc quần lót thì có gì mà ầm ỉ? Chẳng qua họa sĩ muốn đồng hành cùng thời đại Ngọc Trinh, vốn đang được hàng chục triệu thanh niên Việt Nam rất ngưỡng mộ những cái quần lót của nàng, vậy thì Công lý mặc quần lót để hấp dẫn thanh nữ cả nước không phải là điều tốt hay sao?
Công Lý nói với báo chí rằng anh không hiểu ban biên tập cuốn sách, nhà xuất bản nghĩ gì mà lựa chọn hình ảnh như vậy để làm bìa, nó giống như một sự hài hước và phỉ báng vào nền tư pháp Việt Nam.
Hình như anh quá lời khi khước từ hiệu quả mà người dân đang mừng hộ cho anh. Nếu không có cái bìa sách thì anh chỉ là danh hài trên sân khấu giải trí, nay nhờ cái bìa mà anh đạt tới sự nổi tiếng trên sân khấu chính trị, chẳng những trong nước mà còn lây lan ra nước ngoài.
Ở phạm vi luật pháp, có thể hình ảnh chiếc quần lót của anh sẽ được các đại học Luật nổi tiếng quốc tế mua bản quyền để thay thế cho bà đầm bịt mắt, đã đứng quá lâu trong các trường luật. Sinh viên sẽ thư giãn và thoải mái tranh luận về các khía cạnh của công lý mà các giáo sư khả kính của họ chưa từng biết trước đây. Quan trọng hơn nữa, nếu sách vở, báo chí dám đưa hình ảnh minh họa cho một nền công lý ở truồng thì mọi cáo buộc tự do ngôn luận của Việt Nam đều bị xô ngã.
Cuốn sách xuất hiện trong lúc Quốc hội đang họp là một ý niệm cần soi sáng. Phát biểu của các ông bà trong cái nghị trường hàng ngàn tỷ ấy có vượt qua giới hạn của chiếc quần lót mà Công Lý mặc hay không? Sự hài hước từ các phát biểu ấy nào thua kém danh hài Công Lý khi người xem vai diễn của anh thuộc lòng những câu chữ ngây ngô, gây cười và đôi khi đần độn đã khiến anh nổi tiếng là một danh hài của tầng lớp nông dân.
Người ta nói nhiều đến việc viết lách, nhưng hình bìa cuốn sách này không cần lách. Người họa sĩ đã lựa chọn cho mình một chỗ nằm để mỉm cười trong bóng tối khi bị bắt, bị gán tội xuyên tạc chống phá nền tư pháp chí công vô tư của Việt Nam. Anh sẽ có một quãng thời gian nhất định để tận hưởng sự nổi tiếng của mình vì không chóng thì chày thuật ngữ "Công lý trần truồng" sẽ vào tự điển luật Việt Nam.
Ông thẩm phán Phạm Công Hùng thuộc TAND tối cao nói với báo chí: Liệu đây có phải NXB muốn nói đến hình ảnh mới của công lý, công bằng và tư pháp Việt Nam? Rằng cả nền tư pháp, tố tụng của Việt Nam chỉ là nụ cười hài hước trên một thân hình được lắp ghép?
Ông này lại tiếp tay với NXB gợi ý cho người hiểu chuyện một cách ẩn dụ chỉ cần nhìn cái hình bìa mà không cần phải mua sách.
Vì không đọc người ta cũng biết sự trần truồng đáng thương của công lý Việt Nam như thế nào.