Ngày Cựu Chiến Binh vinh danh các nam nữ quân nhân đã phục vụ trong quân đội Mỹ. |
Ngày Cựu chiến binh ở Hoa Kỳ vinh danh nam nữ quân nhân đã phục vụ trong quân đội và hy sinh vì đất nước. Nhưng không phải tất cả các cựu chiến binh đều là công dân Mỹ. Trong những năm gần đây, một điều kiện về thường trú ở Hoa Kỳ, thường được gọi là “thẻ xanh,” được bao gồm để gia nhập quân đội, chứ không cần phải là công dân Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng, hơn 65.000 di dân không phải là công dân Mỹ đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Thông tín viên VOA Deborah Block đã nói chuyện với 2 cựu chiến binh, một người gốc Somalia và một người gốc Philippines đang sống trong vùng thủ đô Washington. Câu hỏi đặt ra với các cựu chiến binh này là vì sao họ quyết định gia nhập quân đội Mỹ và chấp nhận sự rủi ro về tính mạng.
Abdullahi Mohamud tròn 16 tuổi khi từ Somalia đến Hoa Kỳ vào năm 1986. Anh sống với người thân trong vùng thủ đô Washington. 2 năm sau, khi chiến tranh bùng nổ giữa chính phủ Somalia và các nhóm nổi dây, Mohamud yêu cầu được ở lại Hoa Kỳ và được cho hưởng quy chế tỵ nạn.
“Tôi hết sức vui mừng ở đây vì tôi là một đứa trẻ gốc Phi Châu. Nước Mỹ dành cho tôi một mái nhà.”
Mohamud biết anh muốn làm một cái gì đó để đền đáp. Anh được cấp thẻ xanh, bắt đầu tiến trình xin nhập tịch, và vào năm 24 tuổi, đăng ký vào Thuỷ quân Lục chiến – đúng vào ngày Cựu Chiến Binh. Anh nói mặc dù chưa được nhập tịch, anh muốn phục vụ đất nước đã đem lại cho anh những cơ hội mà anh không thể có được ở quê nhà.
"Nước Mỹ đã dành cho tôi một nơi trú thân an toàn và tôi muốn đền đáp. Mặc dầu tôi chưa được là công dân, tôi muốn là một phần của quốc gia này. Đây là tổ quốc mà tôi đã nhận.”
Mohamud đã phục vụ một tour ở Iraq, nơi anh giúp hạ giảm căng thẳng giữa các cộng đồng Sunni và Shia trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2005. Anh nói vừa là người Somalia, vừa theo đạo Hồi là điểm thuận lợi cho anh bởi vì một số người Iraq không tin lực lượng Hoa Kỳ.
“Tôi biết về văn hoá, tôn giáo và người dân, vì thế tôi có thẻ liên hệ với dân chúng Iraq. Khi tôi nói tôi xuất thân từ Somalia, thì họ chấp nhận tôi ngay và tôi nói được một ít tiếng Ả Rập nên thỉnh thoảng tôi đá vào vài chữ, thế là họ bớt sự nghi kỵ.”
Anh Muhamud ở lại trong Thủy quân Lục chiến trong 13 năm và nhập tịch Mỹ trong thời gian ở quân ngũ. Anh nói điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với anh.
“Nay tôi đã là thành viên đầy đủ của xã hội Mỹ.”
Anh Mohamud trở thành một chuyên gia tình báo. Ngày nay, anh đang tận dụng các quyền lợi về học vấn dành cho quân nhân và đang theo đuổi một cấp bằng về an ninh mạng tại trường Đại học Maryland.
Phục vụ trong quân đội 50 năm đã giúp ông Claudio Pedery, người gốc Philippines, trở thành một công dân Mỹ. Ông theo gót cha anh bằng cách đăng ký vào Hải quân Mỹ, như hàng ngàn người Philippines khác, tận dụng liên minh lâu đời giữa hai nước. Philippines từng là một lãnh thổ của Mỹ trong 48 năm và trở nên độc lập vào năm 1946.
Pedery đã phục vụ 2 tour trong Chiến tranh Việt Nam và cung cấp đồ tiếp liệu cho các tàu của miền nam Việt Nam. Theo ông, là người Philippines có những lợi điểm, vì người Việt Nam cảm thấy thoải mái hơn với các thuỷ thủ Philippines bởi lẽ họ cũng là người Á Châu.
“Chúng tôi dường như được đối xử tốt hơn. Và tôi có cũng nói được một ít tiếng Việt.”
Hơn 65.000 di dân không phải là công dân
Mỹ đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. |
Cơ hội nhập tịch Mỹ đến với ông Pedery vào năm 1965 khi Hoa Kỳ xoá bỏ một hệ thống “cô-ta” về di trú dựa vào nguồn gốc xuất xứ. Những người không phải là di dân phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ - như ông Pedery – có thể được nhập tịch nhanh hơn. Ông nói điều đó mở ra những cánh cửa qua việc anh được phép sống là làm việc ở Hoa Kỳ. Vì thế, khi giải ngũ khỏi Hải quân sau 21 năm, ông tiếp tục sử dụng các kỹ năng về tiếp vận của anh tại các công ty ở Hoa Kỳ.
“Tôi đã có cơ hội vượt qua được cuộc kiểm tra lý lịch đặc biệt bởi vì tất cả những thiết bị chúng tôi làm việc đều mang tính cách bí mật cao và chỉ có một công dân Mỹ mới được quyền làm việc ấy.”
Là người phối ngẫu của một cựu chiến binh, người vợ quá cố của ông Pedery, cũng là người Philippines, đã được phép chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Virginia. Khi đến lượt mình, ông nói ông sẽ được nằm cạnh vợ mình.
“Đó là môt ưu tiên và vinh dự lớn lao. Hãy tưởng tượng gốc gác khiêm nhường từ Philippines mà lại được chôn cất ở đó. Thật là tuyệt vời.”
Ông Pedery sẽ cùng với những người khác không sinh ra ở Hoa Kỳ. Trong số những người này có khoảng 50 người không phải la công dân Hoa Kỳ, kể cả một phi công không lực người Iraq. Ông sẽ được chôn cất cùng với 4 quân nhân trong không lực Hoa Kỳ đã cùng bay với ông trên một phi cơ của Không lực Iraq khi máy bay bị rớt vào năm 2005 trong một phi vụ huấn luyện.