Featured image: Pixabay.com |
Dale Carnegie từng viết: “Có một điều rất nguy hiểm là những người mà ta chỉ trích, lên án, chắc chắn đều sẽ tìm lý lẽ biện hộ cho mình và kết án ngược lại chúng ta.” Do đó đấu tranh để đòi công bằng hay lôi sự thật ra ánh sáng là một tiến trình gian nan mà “một khi đã nói điều gì, bạn cảm thấy mình có bổn phận phải bám lấy điều đó và bảo vệ nó bằng được” dù biết rằng “không có một lý luận nào hợp lý đối với một con tim đang bị tổn thương”.
Nhưng khi đạt đến đỉnh cao của cái gọi là “vạch trần” với mọi lý lẽ hùng hồn, dẫn chứng chuẩn xác, chúng ta có lẽ vô tình bỏ quên một giá trị nhân văn dần lẫn lộn khái niệm theo thời gian: lòng nhân đạo. Những tù nhân phạm tội được ân xá trước thời hạn, đó là nhân đạo, những người mua dâm không bị nêu tên cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là nhân đạo, một đứa trẻ bị bạo hành dã man nhận được sự quyên góp vật chất của xã hội tạo nên sự bạo hành ấy, đó là nhân đạo, những quan chức tham nhũng và lạm dụng chức vụ quyền hạn bị thuyên chuyển công tác, đó là nhân đạo…
Vậy giả sử tuổi thật của Công Phượng đúng như những gì VTV “điều tra”, em bị cấm thi đấu trong một thời gian, gia đình khó khăn của em ở quê chịu nhiều điều tiếng và sau này mất đi phần nào thu nhập từ em, thì cái nhân đạo vứt ở đâu rồi? VTV nhân danh nền thể thao nước nhà đòi hỏi sự trong sạch, trung thực và dựa trên quyền lực truyền thông mà khuyên Công Phượng trút bớt gánh nặng tâm lý, áp lực thi đấu bằng cách lên tiếng hệt như bắt phạm nhân ra đầu thú, chúng tôi và người hâm mộ sẽ tha thứ và luôn quý mến em như một lời khoan hồng, đó có phải là cả một sự nhân đạo bao la?
Và phải chẳng các phương tiện truyền thông càng lúc càng bảo thủ. Họ bảo thủ đến mức cứ nhìn thấy người khác quẹt quẹt tablet hay smartphone ở sân bay, bến xe là nhanh chóng khẳng định người ta đang lướt Facebook, chơi game rồi lập tức lên án dân mình sao không chịu cầm sách đọc như người nước ngoài mà hoàn toàn không biết những người này đang xem ebook trong thời gian chờ đợi. Họ bảo thủ đến mức phê phán những người giẫm hoa khi đổ xô đi tham quan trong khi chẳng rõ bản chất của địa điểm du lịch ấy đã dịch chuyển theo mũi tên thời đại: người dân bản địa cố tình gieo hạt giống ở các vùng đất trống rồi khi ra hoa thì bắt đầu thu phí những người đến xem, gia tăng thu nhập vốn dĩ rất ít ỏi trước đây, và loài hoa kia cũng chỉ nở trong thời gian ngắn rồi tàn theo quy luật của cuộc sống.
Quay trở lại sự thật và nhân đạo, chúng ta chọn cái nào trong một bối cảnh kinh tế – xã hội ngập ngụa những bất công, dối trá và lọc lừa? Chúng ta có chấp nhận cho người khác lựa chọn cách mà họ sống tốt nhất không? Vì có người thích phô mặt mộc dưới cái nắng gay gắt, có người lại thích trang điểm lòe loẹt để bước vào đêm tối vô hình, có người tâm hồn yếu đuối nên phải đeo cả chục lớp mặt nạ, có người nham hiểm thích núp sau lưng người khác để không bị kẻ thù chém nhiều nhát, có người vẫn mỉm cười với những đối tượng vừa mới tặng mình vài nhát búa nổ đom đóm, cũng có người không bao giờ khóc trước mặt những người đã luôn tự hào về mình vì giúp họ tìm thấy niềm lạc quan trong cuộc sống…
Trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra là Công Phượng giã từ sân cỏ, những đứa trẻ nghèo khó với tình yêu bóng đá mãnh liệt trên mọi miền đất nước liệu có mất đi động lực để ngày đêm tập luyện, nung nấu ước mơ sau này thi ấu cho màu cờ sắc áo nước nhà, thế hệ người hâm mộ hiện nay liệu có còn được thưởng thức những đường chuyền bóng, những pha ghi bàn đẹp mắt khi mà nguy cơ bán độ luôn trực chờ diễn ra?
VTV về lý thì không sai, nhưng luận về tình thì cũng chẳng đúng. Bản chất của việc Công Phượng bao nhiêu tuổi không nằm ở khái niệm “sự thật”, cái mà chúng ta cần quan tâm sau này là hệ thống quản lý con người, nó không phải dựa trên những văn bản giấy tờ dễ dàng “bị thất lạc” “bị mất”, dễ dàng sửa tới sửa lui, mà ở cách chúng ta tôn trọng một công dân với những số liệu chính xác, bất di bất dịch trong một hệ thống đồng bộ và tin cậy. Khi ấy, một đứa trẻ sinh vào năm bao nhiêu chắc chắn sẽ phải là năm đó, thi đấu thể thao đúng độ tuổi đó, chúng ta sẽ không còn nghe đến cái gọi là “gian lận tuổi”, sẽ không còn chứng kiến những cầu thủ tài năng nước nhà bị những lời công bố ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu, sẽ không còn cân nhắc giữa cái gọi là sự thật và nhân đạo.
Cuối cùng, hãy để cho Công Phượng được lựa chọn cái “sự thật” mà em ấy muốn, đừng khiêng cưỡng, thúc ép họ phải hành xử theo cách mà các vị bày ra, VTV ạ!