Featured image: Transparency International |
Ở nước ta, để thông hành và xuôi chèo mát mái mọi việc thì mọi công dân đều phải “làm luật”. Đó là luật “bôi trơn” dù không chính thống nhưng sự thật đã được ngầm định như vậy. Bất cứ ai khi đụng đến các vấn đề pháp lý và quyền lợi, nếu không có quan hệ hoặc ông bà nào đó chống lưng thì phải làm luật tất. Đó là lý do vì sao tổ chức Minh bạch quốc tế Trace International, (một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ) chấm điểm Việt Nam đứng hạng 188/197 với 82/100 điểm, thuộc nhóm 10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Văn hoá “lại quả” và quan liêu đã ăn sâu vào từng cơ quan cũng như cá nhân con người Việt Nam. Kể cả cơ quan phòng chống tham nhũng. Nói cách khác là chúng ta nuôi “mèo” để bắt “chuột” nhưng chính Chuột lại mở đường cho Mèo chạy và quay trở lại ăn vụng.
Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân và tác nhân của tham nhũng. Thỉnh thoảng được dự các bữa tiệc đi tết các sếp hoặc phải mất phí bôi trơn khi muốn làm giấy tờ thủ tục hay ký một hợp đồng kinh tế nào đó hoặc nhiều khi chỉ là để “bảo kê” cho công việc làm ăn, sinh sống.
Trong những hôm trà dư tửu hậu thỉnh thoảng tôi lại được nghe các bác mèo kể về những vụ bắt chuột và các món hời được Chuột cống nạp rất hấp dẫn. Khi đã thân với Mèo thì những thông tin ấy không còn phải là thứ cần phải dấu diếm nữa mà nó đã trở thành “thành tích” để khoe. Những người kín tiếng hơn hay còn gọi là những “đồng chí chưa bị lộ” còn lại, không phải là chưa lộ, mà hầu hết đã lộ giữa ban ngày, thể hiện qua khối tài sản không thể biện minh, là thực tế trên cả nước. Vấn đề là không ai dám đứng lên nói ra thôi.
Theo ông Soren Davidsen – chuyên gia ngân hàng thế giời (WB) thì “tham nhũng ở Việt Nam đang nằm trong vòng luẩn quẩn”. Vòng luẩn quẩn đó, là hành vi công chức nhà nước gây khó dễ khiến doanh nghiệp và người dân phát sinh động cơ đưa hối lộ, sau đó khó khăn được giải quyết khiến công chức có động cơ để tiếp tục chu trình gây khó dễ. Một vòng tuần hoàn đã được ngầm định thành thói quen và thông lệ.
Ông Davidsen cho biết 63% doanh nghiệp phải trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% doanh nghiệp nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng… Đặc biệt, 75% doanh nghiệp hối lộ dù không bị gợi ý.
Tham nhũng ở nước ta hiện nay đã trở thành thói quen, là văn hóa, tập quán của người Việt trưởng thành khi bước vào ngưỡng cửa công chức. Nó đã làm cho xã hội bị đình trệ phát triển, một nguồn nhân lực lớn của đất nước chỉ mong xây dựng cuộc sống của mình gắn liền với quan niệm phải ổn định, được nhàn hạ, ít động não, làm ra thật nhiều tiền từ những trạng thái làm việc mơ hồ, hơn là tạo ra sản phẩm vật chất lẫn sản phẩm tinh thần có cạnh tranh, có ích cho xã hội. Bởi vậy chúng ta mới có câu tục ngữ “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa.”
Nguyên nhân cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta ngày càng đi vào bế tắc là vì người thực thi pháp luật chống tham nhũng cũng chính là người dung dưỡng tham nhũng, đã từng phụng sự tham nhũng, đã tham nhũng hoặc vẫn đang trong nhóm lợi ích, đang là hậu duệ, có ân huệ, có quan hệ…với tổ chức, cá nhân tham nhũng.
Trong một Đảng độc quyền với một cơ chế xin cho, công cuộc chống tham nhũng chẳng khác gì cuộc chiến tương tàn giữa các tầng lớp đồng chí, dòng họ, ơn nghĩa thừa kế, có quan hệ chằng chịt về kinh tế, đã hoặc đang hoạt động chung lợi ích. Ở đất nước Việt Nam này, chỉ có duy nhất nhà nước là có súng (một đảng) và tất nhiên họ không thể tự bắn vào chân mình được. Trong lúc không một ai có đủ sức để buộc họ phải làm việc đau đớn đó.
Do đó hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng cũng chỉ dừng lại ở số ít cá nhân đại diện cho một bộ máy tham nhũng có hệ thống khổng lồ bị lộ qua phản ánh từ nước ngoài, qua doanh nghiệp phá sản, qua đấu đá nội bộ mà thôi.
Tục ngữ có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, để đưa được ba từ “chống tham nhũng” về đúng nghĩa và có hiệu quả thì phải thực hiện một cuộc cách mạng đồng bộ từ trên xuống dưới. Xoá bỏ cơ chế xin cho, độc quyền, “tuốt” lại đạo đức và trách nhiệm của những người thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng. Còn không, những khẩu hiệu hô hào sáo rỗng, những giải pháp vụn vặt, chắp vá chỉ là thứ phấn son tô trét lên khuôn mặt những tên trộm đội lốt chính nghĩa mà thôi.
Tóm lại là các bác ấy vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa ăn cắp vừa la làng. Kinh tế đất nước ngày càng tụt hậu, ì ạch, èo uột. Ngân sách ngày càng thâm hụt, thủng đáy (nợ công hơn 60% GDP). Mạnh ai người ấy bòn, người ấy rút. Coi thường luân lý, pháp luật, không ai sợ bị trừng trị nữa. Mỗi ngày người ta “ăn” từng tí của dân, từ liều vacxin cỏn con đến tiền chữa bệnh bảo hiểm. Ăn cầu, ăn đường, ăn bê tông cốt thép, ăn tài nguyên khoáng sản, đến rác thải và nhà vệ sinh công cộng cũng ăn nốt. Ăn kín, ăn hở, ăn nằm, ăn đứng, ăn công khai lộ liễu. Nhiều ông bụng to như cái trống vẫn còn thèm ăn. Ăn không chừa thứ gì, nhưng vẫn hàng ngày lanh lảnh, hảo sảng là phòng chống tham nhũng, bài trừ tham nhũng.