SÀI GÒN (NV) - Trong 30 năm vừa qua, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam yếu như hiện nay. Ðó là nhận định của ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam. Ông này cảnh báo những tuyên bố về việc kinh tế Việt Nam đang hồi phục có thể gây ra ảo tưởng.
Tại hội thảo “Cơ cấu kinh tế: Những rủi ro phát triển,” vừa diễn ra tại Sài Gòn, hôm 8 tháng 1, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam cho rằng, nếu chỉ dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP và tuyên bố kinh tế Việt Nam đang hồi phục thì chưa đúng và chưa đủ về tình trạng thật sự của kinh tế Việt Nam. Phải sòng phẳng khi dùng hai chữ “hồi phục.” “Hồi phục” chỉ đồng nghĩa là tốt hơn trước một chút chứ không phải như mong đợi.
Suy thoái đã kéo dài suốt bảy năm và trong vòng 30 năm vừa qua, kinh tế Việt Nam chưa bao giờ yếu như hiện nay. Kết quả tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong năm năm, từ 2011 đến 2015 còn rất hạn chế. Cũng vì vậy, ông Thiên khuyến cáo, phải rất thận trọng khi ban hành chính sách. Mặt khác phải dự báo chính xác về các rủi ro thay vì đưa ra những tuyên bố lạc quan.
Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam dẫn chứng, chính quyền Việt Nam từng tỏ ra rất hoan hỉ khi năm ngoái, kim ngạch xuất cảng đạt mức 150 tỉ Mỹ kim, xuất siêu gần hai tỉ Mỹ kim trong khi trên thực tế nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng đáng ngại và điều đó đồng nghĩa với việc, dẫu cho Việt Nam xuất siêu với cả thế giới nhưng cán cân thương mại vẫn mất cân đối. Việc nhập siêu những sản phẩm giá trị thấp từ Trung Quốc đã và đang “đè” kinh tế Việt Nam không thể “ngóc” lên được.
Ông Thiên chỉ trích, trong bối cảnh như thế mà Việt Nam vẫn tuyên bố, thậm chí cam kết sẽ hội nhập với kinh tế thế giới ở mức cao nhất là quá “liều mạng.”
Không riêng ông Thiên mà nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng từng công khai bày tỏ sự lo ngại về tương lai của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nội lực quá kém mà vẫn muốn hội nhập sâu. Nhiều chuyên gia từng khẳng định, nội lực của kinh tế Việt Nam chỉ có thể tăng nếu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên việc tái cơ cấu kinh tế lại diễn ra rất chậm chạp.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014, do Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư và Ban Kinh Tế Trung Ương Ðảng CSVN phối hợp tổ chức hồi hạ tuần tháng 10 năm ngoái, ông Võ Ðại Lược làm việc tại Trung Tâm Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam chậm chạp vì: não trạng (chỉ chú trọng doanh nghiệp nhà nước), đổi mới thể chế quá chậm, các nhóm lợi ích vẫn chi phối được chính sách và sự phân bổ các nguồn lực,... Trong khi chỉ có thể gia tăng nội lực khi có chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Nguyễn Ðại Lai, một chuyên gia tài chính-ngân hàng, cho rằng, kinh tế Việt Nam lao đao vì chính quyền không chú trọng đến việc tiếp nhận công nghệ mới và phát triển thị trường trong nước mà chỉ chú trọng đến việc khai thác sức lao động giá rẻ để gia công cho ngoại quốc. Ðiều này khiến nền kinh tế càng ngày càng trở thành lệ thuộc, thậm chí là lệ thuộc sâu.
Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Ðức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội Việt Nam từng thừa nhận, tuy Việt Nam đạt được tốc độ tăng GDP và GDP bình quân trên đầu người vào loại cao trong nhóm các nước đang phát triển nhưng theo sau “thành tích” đó là một trong năm quốc gia có lạm phát cao nhất trên thế giới.
Chưa kể tốc độ tăng nợ công cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, thường xuyên bội chi, hiệu quả đầu tư thấp, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, xu hướng phân chia giai tầng trong xã hội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. (G.Ð)