Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Australia mở rộng vòng tay đón người tị nạn...

Australia đồng ý tiếp nhận 12.000 người tị nạn Syria, Iraq 

Australia đồng ý tiếp nhận 12.000 người tị nạn vì những cuộc xung đột ở Syria và Iraq. Thủ tướng Tony Abbott nói rằng những người thuộc “các nhóm thiểu số bị bách hại” sẽ có được nơi nương thân. Theo tường thuật của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA tại Sydney, các chiến đấu cơ của Australia cũng vừa được cho phép tấn công các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria. 

Thủ tướng Tony Abbott nói rằng 12.000 người tị nạn từ Syria và Iraq sẽ đến nước ông để tránh điều mà ông gọi là “một cuộc xung đột đẫm máu”. Các gia đình của những nhóm thiểu số, trong đó có người Cơ đốc giáo, người Yazidi và người Hồi giáo, sẽ được ưu tiên. Chương trình tái định cư này được thực hiện bên cạnh chương trình hiện có để tiếp nhận gần 14.000 người tị nạn mỗi năm. 

Thủ tướng Abbot cho rằng đây là “một sự đáp ứng hào hiệp” đối với một tình huống khẩn cấp về mặt nhân đạo. 

"Trọng tâm của chúng tôi đối với 12.000 người tái định cư vĩnh viễn sẽ là những người cần tới sự bảo vệ vĩnh viễn nhiều nhất; phụ nữ, trẻ em và gia đình thuộc những nhóm thiểu số đang tạm trú ở Jordan, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi xin nhấn mạnh -- phụ nữ, trẻ em và gia đình của những nhóm người dễ bị tổn thương nhất." 

Quyết định vừa kể đã nhận được sự tán thưởng của các đảng đối lập, tuy Đảng Xanh đang hối thúc chính phủ để cho nhiều người Syria hơn nữa được vào nước Úc. 

Canberra cũng sẽ quyên tặng khoảng 28 triệu đô la cho Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc để giúp đỡ những người tị nạn. 

Phụ nữ và trẻ em người Yazidi chạy trốn bạo lực ở Iraq đi bộ trong trại tị nạn ở tỉnh Dohuk, biên giới Syria-Iraq, ngày 14/8/2015.

Mặt khác, chính phủ của thủ tướng Abbott dự định nới rộng những vụ không kích của Australia từ Iraq sang Syria, tuy những người chỉ trích nói rằng hành động đó sẽ làm cho vụ khủng hoảng di dân trở nên nghiêm trọng hơn và “khích động chủ nghĩa cực đoan”. 

Một số người cũng quan tâm về tính chất hợp pháp của những vụ không kích ở Syria vì chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, không giống như chính phủ của lân bang Iraq, chưa yêu cầu Australia can thiệp quân sự. 

Canberra cho rằng những vụ oanh kích nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo sẽ có tính chất hợp pháp vì những phần đất do những phần tử hiếu chiến của người Hồi giáo Sunni chiếm đóng là là những nơi ở trong tình trạng vô pháp luật và không được cai quản. 

Các giới chức cấp cao của chính phủ Australia cho rằng hành động quân sự ở Iraq và Syria là vô cùng quan trọng cho an ninh quốc gia của Australia. Họ ước tính hơn 100 người Australia đã gia nhập các nhóm hiếu chiến ở Trung Đông.

Source: VOA

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam