Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Lãng phí cây cầu trị giá bạc tỷ thực sự chỉ để phục vụ gia đình ông chủ tịch!

Cầu xây xong đã lâu, không thấy dân nào đi qua 

Cây cầu trị giá 3,5 tỷ đồng nhưng chỉ có 2 hộ dân đi qua. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Người Việt - Cây cầu treo 3,5 tỷ ở Hà Tĩnh xây xong chỉ phục vụ được nhõn 2 hộ dân, thật xứng đáng là cây cầu đắt nhất thế giới. 

Nếu theo dõi tin tức báo chí mấy ngày nay, hẳn quý bạn đọc không thể không biết đến vụ cây cầu treo trị giá 3,5 tỷ đồng ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). 

Cây cầu này quá đắt đỏ, vì xây xong từ hồi tháng 6/2015 đến giờ, chỉ có nhõn 2 hộ dân có thể sử dụng. Còn lại mấy chục hộ dân khác trong vùng, họ không thể trèo đèo lội suối băng qua một đoạn đường đầy khó khăn để đến với cây cầu này.

Tất nhiên cây cầu treo dân sinh trị giá 3,5 tỷ đồng so với các cây cầu hoành tráng khác thì giá trị không hề lớn. Nhưng nó vẫn có thể được xếp vào hạng đắt kỷ lục trên thế giới vì đến lúc xây xong, chỉ có 2 hộ gia đình sử dụng được mà thôi. 

Điều đáng chú ý là 1 trong 2 hộ dân có thể sử dụng được cây cầu đắt giá kỷ lục tầm cỡ thế giới, thật tình cờ và bất ngờ, có tên gia đình ông chủ tịch UBND xã Sơn Thọ.

Để chứng minh rằng cây cầu không phải chỉ phục vụ 2 hộ dân, Tổng cục Đường bộ- chủ đầu tư chiếc cầu đưa ra con số 500 người qua lại chiếc cầu này hàng ngày. Tuy nhiên, báo Tiền phong dẫn lời ông Nguyễn Trí Lạc, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh nói rằng “lấy đâu ra, báo cáo láo thế!”. 

Ông Lạc cũng nói thêm: “Lãnh đạo xã Sơn Thọ và huyện Vũ Quang nói vốn Trung ương cho cứ làm là thiếu trách nhiệm với nhân dân, tiền ở đâu cũng là tiền thuế của nhân dân. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư”.

Trong cuộc làm việc với người dân địa phương về cây cầu vào ngày 13/8, báo Thanh niên cho biết, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ ) thừa nhận trên thực tế mới chỉ có vài hộ dân được hưởng lợi, còn hàng chục hộ khác chưa thể đi trên cầu là do địa phương chưa làm đường kết nối. 

“Nhưng Tổng cục Đường bộ chỉ lo việc xây cầu, còn việc làm đường là của địa phương”, ông Sỹ nói. Địa phương thì cho biết, con đường nối lên cầu đã được phê duyệt với kinh phí 6 tỷ đồng, nhưng hiện nay chưa có tiền nên hãy cứ chờ đấy đã. 

Đọc những thông tin trao qua đổi lại về vụ cây cầu này mà thấy buồn cho những vị công bộc của dân. Vị ở địa phương thì bảo trên cho tiền thì cứ làm, kể cả làm xong không có đường dẫn lên cũng mặc kệ. Vị ở cao hơn thì bảo cầu cần xây thì cứ xây, xây xong là hoàn thành trách nhiệm, đường thì địa phương lo.

Còn dân thì biết làm sao? Dân đành chống mắt lên mà xem các vị đẩy qua đẩy lại quả bóng trách nhiệm. Dân vẫn không có cầu mà đi. Biết bao nhiêu nơi dân phải đu dây qua sông như làm xiếc, còn tiền tỷ làm cầu thì các chủ đầu tư vẫn phung phí ở những nơi chưa cấp thiết như vậy đấy. 

Chuyện cây cầu 3,5 tỷ đồng này chỉ là một ví dụ nhỏ cho sự đầu tư lãng phí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cũng là lãng phí đồng tiền thuế của dân. Tất nhiên, tới đây cùng lắm là các cơ quan chức năng sẽ ngồi lại với nhau mà rút kinh nghiệm sâu sắc như thường lệ. 

Nước ta nghèo nhưng xài sang thì chớ kể. Xây hẳn một cây cầu 3,5 tỷ đồng lên cho 2 hộ dân đi. 

Lại nhớ nhạc sĩ Trần Tiến có câu ca về một chiếc cầu trong bài hát “Chị tôi”, rằng: “Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu”. Nay với cây cầu treo ở xã Sơn Thọ, xin phép được sửa thành “Cầu xây xong đã lâu không thấy dân nào đi qua”. 

Chuyện cây cầu treo 3,5 tỷ đồng xây không đúng chỗ, dân dù muốn cũng chẳng thể dùng, thật chẳng khác nào một câu chuyện tình buồn vì người tình thay lòng đổi dạ.

Mi An

Source: baodatviet

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam