Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạch - Ảnh: Trung Nghĩa |
Mẹ Nấm - Danlambao - Chiều ngày 5/5/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng - đã có văn bản trả lời vấn đề cá chết mà báo chí và dư luận quan tâm (1). Trong văn bản trả lời gồm có 9 điểm, đã được báo chí đưa tin hôm ngày 1/5/2016, sau buổi họp tại Hà Tĩnh của ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tưởng Chính phủ.
Vẫn là hướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ ngành và chưa có kết luận chính thức về thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 diễn ra chiều ngày 5/5/2016, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Một sự kiện như Formosa là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, cả nền kinh tế nếu không nói là kể cả chính trị của chúng ta".
"Chúng tôi thực hiện việc kiểm tra định kỳ và nhân chuyện vụ việc, theo đánh giá của Bộ Công Thương là hết sức nghiêm trọng", ông Đỗ Thắng Hải khẳng định. (2)
Bộ Công Thương công bố việc nhập hoá chất tại công ty Formosa là "được phép" và đơn vị quản lý việc sử dụng hoá chất ra sao là do Bộ Tài Nguyên Môi Trường đánh giá và báo cáo chính phủ.
Trước đó đại diện Bộ TNMT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có trả lời báo giới rằng ống xả thải ngầm dưới biển của công ty Formosa là sai quy định pháp luật và sẽ buộc phải thay đổi.
Điều này trái ngược với khẳng định, quy trình xả thải của Formosa đã được Bộ TN&MT cấp phép theo đúng quy định pháp luật Việt Nam của ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TNMT (3).
Như vậy có thể thấy đến thời điểm này hiện tượng thuỷ triều đỏ gần như đã bị loại bỏ khỏi các phát ngôn cấp chính phủ sau buổi họp báo có thời gian kỷ lục là 7 phút của Bộ TNMT chiều 27/4/2016.
Cá nuôi biển tại Huế vẫn tiếp tục chết.
Cá biển vẫn lờ đờ dạt vào biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Sau kỳ nghỉ lễ, chưa thấy lãnh đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rủ nhau ăn cá với quyết tâm chính trị cao độ nữa.
Dân tình vẫn không có câu trả lời chính xác sau đúng 1 tháng cá chết và vẫn tiếp tục chết.
Ngoài phát ngôn của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thì đến nay chính phủ vẫn chưa thừa nhận thảm hoạ môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Ngư dân Quảng Bình biểu tình vì bức xúc do không được đảm bảo quyền sống thì an ninh vào cuộc bắt ngay hai tên "phản động".
Hàng ngàn người xuống đường vì môi trường biển trong lành thì bị ngăn chặn, bị đánh đập.
Cá vẫn tiếp tục chết!
Cho đến tận hôm nay, việc yêu cầu các cơ quan chức năng minh bạch thông tin liên quan đến công ty Formusa và các chỉ số xét nghiệm mẫu vẫn chưa được đáp ứng.
Những người đứng đầu nhà nước không chọn con đường minh bạch để đối thoại với nhân dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn tiếp tục im lặng làm như thảm hoạ môi trường xảy ra tận đâu đâu chứ không phải tại Việt Nam.
"Chôn sâu, ngâm lâu" là phương pháp trước giờ mà nhà nước Việt Nam luôn chọn để đối phó với các vấn đề xã hội, bởi tâm lý người dân nhanh quên và dễ thông cảm.
Thảm hoạ môi trường lần này có lẽ hướng xử lý cũng không là ngoại lệ!
Bạn sẽ im lặng bao lâu nữa trước tương lai của con em mình?!
Hãy lên tiếng để bảo vệ môi trường biển!
***
Chú thích: