Mẹ Nấm - Mặc dù dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận đang ở bước đầu thẩm định nhưng trong buổi họp cổ đông bất thường sáng ngày 6/9/2016, ông Lưu Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã khẳng định khẳng định “cuối năm 2017 sẽ có thép bán.” Cơ sở nào để ông Vũ tuyên bố như vậy? Và dự án thép Hoa Sen (Cà Ná) liệu có phải là một “chủ trương lớn” nhận được sự đồng thuận từ Bộ Chính trị hay không?
Phát biểu trước các cổ đông của tập đoàn HSG, ông Lê Phước Vũ nói về dự án như sau: “khi nào Chính phủ cho làm, tỉnh Ninh Thuận cho làm thì chúng ta làm”. Tuy nhiên, vị chủ tịch tập đoàn này còn khẳng định sau đó: “Chúng tôi đang yêu cầu tỉnh Ninh Thuận khẩn trương đền bù, giải tỏa mặt bằng” (1)
Trong hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 tại Ninh Thuận đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự và chỉ đạo hội nghị và công khai "hoan nghênh cam kết của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ khi đầu tư vào Ninh Thuận là nếu để xảy ra vi phạm môi trường thì sẽ đóng cửa nhà máy, nộp toàn bộ tài sản cho Nhà nước" (2).
Phải chăng đây là lý do khiến ông Vũ có thể mạnh miệng sai khiến cả quan chức lãnh đạo địa phương tại tỉnh Ninh Thuận: "yêu cầu địa phương" trước khi chính phủ chính thức "cho làm"?
Bên lề hội nghị, một số nhà báo có mặt đã chứng kiến cảnh vị Chủ tịch Tập đoàn HSP, Lê Phước Vũ điều khiển truyền thông, sắp xếp phân vai cho báo chí lề đảng, điển hình là đài VTV. Công tác tuyên truyền cho dự án thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận được điều hành như là bởi một cán bộ cao cấp rất đúng quy trình.
Ngay trong buổi họp cổ đông bất thường sang ngày 6/9/2016, ông Lê Phước Vũ không ngại ngần tuyên bố: “Đừng thấy Formosa mà sợ. HSG sử dụng công nghệ luyện cốc nhưng không thu hồi hóa chất, mà thu hồi nhiệt để làm phát điện, chắc chắn không xảy ra sự cố như Formosa”.
Ông Vũ dựa trên cơ sở nào để khẳng định mức độ an toàn của dự án khi chính ông đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu khi chọn công nghệ Trung Quốc với phát ngôn: “80-90% dự án thép đều như thế cả, trong khi Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. Nếu muốn thiết bị phải chế tạo từ châu Âu thì thôi, đừng làm khỏe hơn. Làm lỗ chết! Làm gì có lời để cạnh tranh.”
Và để xem với công nghệ "quá rẻ" của Trung Quốc làm thế nào để ông Vũ có thể đáp ứng yêu cầu của Nguyễn Xuân Phúc: “Không được xả nước thải ra biển, phải sử dụng công nghệ mới và cá phải bơi được trong nước thải...”!? (3)
Dự án thép Hoa Sen Cà Ná dù đang ở giai đoạn khảo sát, nhưng hiện đang nhận được khá nhiều ưu đãi từ UBND tỉnh Ninh Thuận như: cam kết sớm bàn giao toàn bộ 1.400 ha đất sạch, vận động xây dựng tuyến đường sắt nối từ dự án đến ga Cà Ná, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...
Một vấn đề không kém phần quan trọng mà ông Lê Phước Vũ trả lời trước báo chí liên quan đến nguồn vốn để xây dựng dự án. Với hạn mức đầu tư 500 triệu đô la cho phân kỳ 1, ông Vũ cho biết đã được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ký thỏa thuận cam kết tài trợ vốn. Có mấy ai có đủ khả năng để xác minh thông tin về nguồn vốn thực sự của dự án thép Hoa Sen Cà Ná lần này?
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường tổ chức ngày 24/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân.” (4) Tuy nhiên động thái sau đó của ông Phúc dường như lại trái ngược với những gì ông đã phát biểu trước đó.
Một Lê Phước Vũ không thể bạo miệng với những tuyên bố liên quan đến dự án thép Hoa Sen Cà Ná nếu không có sự bảo bọc, chống lưng bởi “chủ trương lớn” đã được phê duyệt.
Chọn cá hay chọn thép - có lẽ một lần nữa đảng đã có câu trả lời của mình rồi.
***