Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa) tại lễ đón Thủ tướng Lào tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 15/5/2016.
|
Phạm Chí Dũng - Chỉ “nghỉ xả hơi” khoảng 5 tháng sau Đại hội XII và giữa hai lần bầu bán cùng tuyên thệ không mệt mỏi của “tam trụ”, nhóm lợi ích Bộ Công Thương lại quẫy đạp đùng đùng khiến dư luận xã hội phải liên tưởng đến hình ảnh hàm răng sắc nhọn đặc biệt của loài cá mập trắng ăn thịt người ở vùng biển Caribê.
Ngay sau khi Bộ Công Thương có bộ trưởng mới là ông Trần Tuấn Anh, một nhân vật “đặc biệt” vì là con ruột ông Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước, cơ quan này đã gây nhiều bất ngờ khiến dư luận phẫn nộ.
‘Đi đêm’ và ‘bế vào quy hoạch’
Bất ngờ đầu tiên là có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công Thương “đi đêm” với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và cố ý làm trái để dự án thép Hoa Sen - Cà Ná của doanh nghiệp này được “bế” vào quy hoạch, trong lúc trước đó dự án này không hề nằm trong danh sách quy hoạch đó. Cú “đi đêm” này lại diễn ra trong bối cảnh việc xử lý hậu quả của vụ Formosa Hà Tĩnh vẫn cực kỳ tắc trách và dư luận kịch liệt lên án những hậu quả nặng nề không tránh khỏi về môi trường và môi sinh của dự án thép Hoa Sen - Cà Ná.
Không chỉ là con ruột của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh còn là anh em cột chèo với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ - người đã đi vào lịch sử với câu nói “Ngu gì không làm thép!”.
Việt Nam đang đứng trước khúc quanh lịch sử với câu nói cửa miệng bi thiết của dân gian “Cả nhà làm quan, cả họ làm cướp”, trước tình trạng từ Bắc chí Nam đầy rẫy cảnh con ông cháu cha được bổ nhiệm vì “hót hay nhảy giỏi”.
Cảnh hoàng hôn chế độ lại đang bị nhuộm thêm màu tối Formosa. Nếu có thêm một “biển chết” nữa ở Nam Trung bộ là Ninh Thuận do nhà máy thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen gây ra, thì sẽ là quá đủ để người dân đào mồ chôn quan chức. Khi đó sẽ không một quan chức nào, từ Thủ tướng Phúc đến Chủ tịch Quang và cả Tổng Bí thư Trọng, có thể cứu được Trần Tuấn Anh và “danh gia họ Trần”.
Giá điện ăn cướp
Bất ngờ thứ hai liên tiếp là Bộ Công Thương vừa tung ra một dự thảo mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện, từ chỗ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được quyết định (theo Quyết định 69 của Chính phủ) đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; đồng thời thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm.
Cần nhắc lại, trước đây giá điện bình quân tăng từ 3% đến 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm thuộc “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”, EVN và Bộ Công Thương đã liên tục tung ra những chiến dịch tăng giá điện để “bù lỗ vào dân”. Nguồn cơn của những chiến dịch bù lỗ này là EVN đã đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm mà đã tạo nên núi lỗ đến hơn 30.000 tỷ đồng vào những năm 2007-2008.
Từ nhiều năm qua, EVN lại là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi “thú tính” tăng giá điện bất chấp dân sinh. Chỉ riêng năm 2015, giá điện bình quân đã tăng gần 13%, giúp doanh thu của tập đoàn tăng đến 18,5% so với năm 2014, giúp cho doanh nghiệp này giảm được một phần số lỗ của mình.
Nhưng giảm lỗ và bù lỗ chưa đủ. Từ hàng chục năm qua, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá gấp ba lần giá điện sản xuất trong nước, bất chấp công suất sản xuất điện trong nước bị thừa thãi.
Được “bảo kê” bởi cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương với bộ trưởng trước Trần Tuấn Anh là Vũ Huy Hoàng, hồ sơ “tội ác” của EVN đã dày quá khổ, không chỉ bởi quá nhiều lần tăng giá điện vô tội vạ, vét sạch túi tiền vốn đã cạn kiệt của người dân, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn diễn ra vào mùa mưa bão cuối năm 2013: tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… gây ra cái chết cho hơn 50 mạng người. Tuy nhiên, toàn bộ vụ thảm sát này đã bị đẩy vào bóng tối, còn giới truyền thông đã bị cơ quan tuyên giáo bóp nghẹt, y hệt việc gần đây Ban Tuyên giáo trung ương đã áp dụng “tự do báo chí” đến mức thẳng tay cấm đoán các tờ báo nhà nước không được đề cập đến dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.
Vào năm 2014, một cuộc thanh tra của Tổng thanh tra chính phủ đã phát hiện không ít khuất tất trong hạch toán giá thành của EVN, trong đó tập đoàn này đưa cả việc xây dựng khách sạn và hồ bơi vào giá để “thanh toán” với nhân dân. Những tưởng vụ việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của hai bộ Tài chính và Công thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Cuối cùng, vụ việc này đã hoàn toàn chìm xuồng.
Tàn hại dân sinh
Giờ đây năm cùng tháng tận, mối câu kết giữa các nhóm cá mập thuộc Bộ Công Thương đang một lần nữa ngóc đầu để tàn hại dân sinh.
Cùng với EVN, Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) thuộc quyền chủ quản của Bộ Công Thương lại đang vô cớ tăng giá vào những ngày này. Sau EVN, Petrolimex cũng là một “sát thủ” với việc quăng lên đầu dân chúng món lỗ 10.000 tỷ đồng từ chiến dịch đầu tư vào bất động sản và chứng khoán trước đây.
Trong lúc đó, một phép tính đơn giản của “chiến lược ngành điện” đã cho thấy để thu hồi được toàn bộ thất thoát do đầu tư trái ngành, EVN có thể sẽ phải tăng giá liên tục trong… 10 năm nữa!
EVN nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất tác động đến dân sinh có thể làm dân chúng nổi loạn ở Việt Nam. Nhưng cho đến nay, cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn đang ung dung “chữa bệnh” mà chưa thấy có dấu hiệu nào sẽ phải ra trước tòa án pháp luật và tòa án của những oan hồn.
Không có gì bảo đảm là dân chúng Việt Nam sẽ đủ sức chịu đựng sự hành hạ của EVN trong 10 năm tới. Không có gì chắc chắn là xã hội Việt Nam sẽ không “biến chứng” như đất nước Bungaria vào đầu năm 2013 khi hàng chục ngàn người dân ùa xuống đường, rốt cuộc đã làm cho toàn bộ chính phủ phải từ chức.
“Chính phủ kiến tạo” lại đang tiếp tục phạm hàng loạt sai lầm. Sau sai lầm khủng khiếp cố ý đơn phương thỏa thuận với Tập đoàn Formosa để đền bù 500 triệu USD cho ngư dân, hình như chính phủ này đang để mặc cho các “nhóm cá mập” trong Bộ Công Thương hoành hành dữ dội. Bằng chứng mới nhất và vô nhân đạo nhất là vụ xả lũ đột ngột của Thủy điện Hố Hô vừa xảy ra, giết chết đến hai chục mạng dân nghèo ở Hương Khê, Hà Tĩnh, còn đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã “làm việc” với đơn vị thủy điện này và kết luận lập lờ rằng “đáng lẽ Thủy điện Hố Hô có thể làm tốt hơn”!