Tuankhanh - Hồi đầu năm, trong một cuộc trò chuyện với bà Hoàng Thị Bình Minh, thân mẫu của tù nhân lương tâm Lê Thu Hà, tôi có hỏi bà rằng điều gì khiến một người phụ nữ yếu ớt, kín tiếng như bà lại đột nhiên trở thành một người viết đơn gửi cho Liên Hợp Quốc, xuất hiện trên video để kêu gọi công lý cho con mình? Nói bằng giọng run rẩy, và đôi lúc như muốn chực khóc, bà Bình Minh nói rằng trong sự tuyệt vọng, sức mạnh kỳ lạ nào đó đã bừng lên trong người, khiến bà phải hành động.
Chi tiết ít được kể lại, là trong một chuyến thăm nuôi Lê Thu Hà, bà sửng sờ khi nghe Hà hỏi “sao mẹ không đấu tranh cho con?”. Trên đường về bà Bình Minh khóc và nhận ra rằng bấy lâu nay, bà vẫn ở trong vai của một người mẹ cam chịu, đau đớn im lặng nhìn con mình bị tù đày, chịu bất công mà không biết phải làm gì.
Như hàng triệu bà mẹ khác ở bên kia vĩ tuyến 17, bị truyền đời cuộc sống sợ hãi nhà cầm quyền, luôn thủ phận trong cuộc sống vốn đã quá đỗi khó khăn của mình, bà Bình Minh cũng chỉ biết gói ghém những phần thức ăn hàng tháng cho Hà, gói nỗi niềm của mình và quay về với nước mắt câm lặng.
Nhưng chuyến đi đó là một bước ngoặc. Bà Binh Minh quay về và viết xuống lá đơn kêu cứu gửi đi ra bên ngoài Việt Nam. Bà xuất hiện trên một video và nói rành mạch “con tôi vô tội. Hãy cứu lấy con tôi”. Rồi từ ngày hôm đó, bà ngẩng đầu nhìn sự nghi ngại của hàng xóm, nhìn nhân viên an ninh lạnh lùng đến nhà bằng niềm kiêu hãnh và an nhiên. Tình mẫu tử đã biến bà thành một người mẹ tranh đấu.
Vào ngày Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tự do, rời Việt Nam, tôi chú ý nhìn vào nhiều hình ảnh và tin tức mô tả, gương mặt bà Tuyết Lan, thân mẫu của Như Quỳnh như biểu lộ sự lùi lại, chọn im lặng: Bà đã nói đủ trong giai đoạn của mình. Suốt từ lúc Như Quỳnh bị bắt cho đến khi ở tù, bà là tiếng nói của Quỳnh đến với mọi người, là tiếng gõ cửa mọi trái tim con người. Trên các đài phát thanh, các hình ảnh và kể cả trong bộ phim Mẹ Vắng Nhà, không biết bao nhiêu nước mắt của bà đã rơi xuống với câu hỏi, vang như tiếng chuông báo tử của kẻ ác “con tôi đã làm gì sai?” Chỉ có tình mẫu tử vĩ đại mới có thể khiến người mẹ dấn bước vào chỗ gian truân, xướng tên con mình cho đến khi hoàn thành, người mẹ im lặng lùi về chỗ của mình. Người mẹ như biển lớn, mẹ của mọi con thuyền.
Làm sao có thể đếm hay kể hết được về những bà mẹ như vậy, trên đất nước này, vào những ngày tháng hôm nay chập chùng khổ nạn và công lý bị chà đạp. Chỉ nhắc tên họ thôi, chúng ta – nhân dân – cũng đủ quặn đau và hiểu rõ đất nước này đang ở đâu.
Một trong những người phụ nữ mà tôi sợ phải nói chuyện lại với bà, là mẹ của tử tù Hồ Duy Hải. Bởi câu chuyện, tiếng khóc và lòng kiên nhẫn cuồn cuộn bầm đau của bà khiến người đối diện cảm thấy mình tệ mạt vô cùng, vì đã không đủ sức như Thor, một búa đập nát mọi cái ác và xây dựng lại từ đầu. Hơn 10 năm đứng ở đầu ngõ, ngủ lề đường, bán cả gia sản để đi kêu oan cho con mình, bà Nguyễn Thị Loan đã phải kiên nhẫn từng câu chữ trong cả núi đơn từ của mình. Thậm chí bà phải kiên nhẫn với cả những gương mặt công an nhiều lần đến nhà tra hỏi “ai xúi giục bà đi kiện, ai xúi bà đi kêu oan?”. Trong những lần nói chuyện, bà luôn nấc nghẹn lên với hai chữ “trời ơi”. Tôi cũng thường im lặng – bất lực vào lúc đó. Vì tôi không biết nói sao cho bà hiểu rằng ở đất nước này không còn bầu trời. Đất nước này chỉ có đảng cộng sản. Nhưng có gọi đảng cộng sản thay “trời” khi đau thương thì như chỉ tạo thêm dòng năng lượng hãnh tiến, tiếp sức cho sự thống trị mà thôi.
Làm sao có thể kể hết những câu chuyện như vậy, những con người như vậy mà nỗi đau vẫn chồng chất, như oằn mình theo dáng hình của đất nước này. Có soạn văn tế cho những người còn đang sống, có lẽ chúng ta cũng không đủ thời gian để đọc hết được những cái tên.
Trong lần cuối cùng gặp được chị Trần Thị Nga, tôi hỏi nhỏ rằng bị đánh đập liên tục như vậy, sao chị không tạm ngừng lại. “Đau lắm thầy à”, ánh mắt của chị Nga như lạc đi khi nhớ viêc chị từng bị các công an giả trang dùng gậy sắt đánh đến gãy chân và tay. Tôi còn nhớ rõ là chị đã rùng mình. “Nhưng em không hiểu sao không ngừng được thầy ạ”, Nga nói, ánh mắt lại hồn nhiên như trẻ con. Sau đó, Nga đi tù với án 9 năm.
Thời gian sau đó, tôi vô tình được xem một bộ phim của phương Tây. Phim về những người tiền sử. Các già làng khuyên lớp trẻ rằng không nên đi săn loài mammoth, vì không giết được mà chỉ chọc giận nó. Những người khác thì quyết phải săn mammoth, để vùng đất đó không còn bị hoành hành bởi loài voi dữ khổng lồ này. “Dù sợ hay yếu, chúng ta vẫn không thể để thú dữ trị vì con người”, một thanh niên trong phim nói.
Đột nhiên, lúc ấy tôi nhớ chị Trần Thị Nga vô cùng. Và nhớ đến những người mẹ, người chị, người vợ mà tôi biết lẫn vô danh, họ vẫn đang mãi miết thực hành làm người trên đất nước này. Tôi nhớ gương mặt của họ, dáng hình số phận của họ. Tôi nhớ đến rơi nước mắt.