ACB, một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu của Việt Nam
Thanh Phương - RFI - Hôm qua, 19/09/2012, Ngân hàng Thương mại Á châu ACB thông báo là ông Trần Xuân Giá, chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này, cùng với hai phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang đã từ chức «vì lý do cá nhân». ACB cũng xác nhận các lãnh đạo từ nhiệm này đều có liên quan đến vụ bê bối tài chính tại ngân hàng này.
Theo thông báo của ngân hàng ACB, ba thành viên nói trên có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB, ủy thác nhân viên của ông rút 34 triệu đôla từ ACB để gửi trái phép vào Ngân hàng Công thương Việt Nam.Hiện chưa rõ là ông Trần Xuân Giá, nguyên là Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, cùng hai lãnh đạo kia của ngân hàng ACB có sẽ bị truy tố hay không.
Cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải và ông Nguyễn Đức Kiên, người sáng lập ACB và nhân vật được coi là thân cận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã bị bắt vào tháng trước. Ngày 18/09, cơ quan điều tra công an Việt Nam vừa thông báo đã khởi tố ông Nguyễn Đức Kiên về hai tội « cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng » và « lừa đảo chiếm đoạt tài sản ». Với các tội danh này, ông Kiên có thể lãnh án tù chung thân.
Vì có liên quan đến ngân hàng ACB, ông Phạm Trung Cang, phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank cũng đã từ chức « vì lý do cá nhân », theo như thông báo của ngân hàng này hôm qua. Nhưng theo chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, việc từ chức của ông Phạm Trung Cang chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của ông Cang khi còn là phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB từ năm 1994 đến 2011, tức là trong thời gian xảy ra bê bối tài chính của ngân hàng này.
Vụ tai tiếng của ngân hàng ACB đã khiến chỉ số các sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam sụt giảm mạnh và khiến người ta lo ngại về nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng Việt Nam, hiện đang có tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ tái cơ cấu khu vực này, nhưng có vẻ không quyết tâm thực hiện.
Các vụ bắt giữ và vụ từ chức của các lãnh đạo ngân hàng ACB một lần nữa khơi dậy những lời đồn đoán về đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam, cụ thể là giữa phe thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với phe của chủ tịch nước Trương Tấn Sang.