Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Thế nào là 'vì dân'?

Trung Ngôn - TuanVietnam.net - Trong khoảng 10 ngày qua, đã có một số đề xuất từ các cơ quan nhà nước và ngay cả từ cơ quan dân cử được đưa ra khiến người ta phải đặt câu hỏi: Đâu là quan điểm "vì dân" trong những chủ trương, chính sách này?

undefined

Đầu tiên là chủ trương xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia với vốn đầu tư dự kiến 11.277 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Trong thời điểm này, khi dòng vốn chưa đưa được vào sản xuất, kinh doanh do lãi suất còn rất cao; khi ngân sách tiếp tục đang bội chi lớn, lạm phát có dấu hiệu quay trở lại... thì việc đề xuất xây dựng một công trình không thực sự cấp thiết đã gây nên những phản ứng gay gắt từ phía người dân, doanh nghiệp, giới chuyên gia kinh tế... Bởi người ta đã biết, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện có đã là một công trình kiến trúc rất đẹp, một địa chỉ đi lại thuận tiện và đang phục vụ nhân dân đến xem rất tốt. Một dự án mới với dự kiến được đầu tư với qui mô lớn như vậy, trong khi "cái ruột" không được phát triển, bổ sung tương ứng...được chính nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho rằng đó là sự lãng phí rất lớn vào thời điểm này.

Hơn nữa, chính lúc này, có nhiều vấn đề cấp bách phải chi hơn: đó là tình trạng mưa lũ làm vỡ đê ở Thanh Hóa, vỡ đập ở Nghệ An...làm hàng ngàn người dân mất nhà ở, tổn thất về tài sản, mùa vụ không biết bao nhiều mà kể đang cần được cứu trợ; đó là tình trạng nhiều bệnh viện lớn từ Trung ương xuống địa phương vẫn đang quá tải, có nơi 3-4 bệnh nhân trên một giường bệnh; nhiều địa phương trường học xuống cấp... Việc các Bộ không đề xuất để tăng chi, đầu tư giải quyết vấn đề trên lại đi lo cho một công trình có nhiều khả năng xây xong, vắng người đến...giống như Bảo tàng Hà Nội hiện nay thì đó thực sự là một chủ trương không hợp lý, chưa đáp ứng đúng mong mỏi, nhu cầu cấp thiết nhất của người dân vào lúc này.

Một câu chuyện đáng nói trong tuần qua là việc Chính phủ có tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Chính phủ đề xuất mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Nhưng, đáng ngạc nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội lại không đồng tình và đưa ra đề nghị mức khởi điểm chịu thuế là 7 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc là 2,8 triệu đồng/tháng (tối đa cho 2 người).

Thông thường, cơ quan Quốc hội thường có xu hướng kiểm soát, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để bảo vệ lợi ích của số đông cử tri. Mức thu nhập khởi điểm phải chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng theo đề xuất của Chính phủ, như chính lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "chưa phải là cao" và người có thu nhập đó cũng chỉ tạm đủ sống, ăn ở, tái tạo sức lao động...và nuôi người phụ thuộc. Nhưng ngay cả ở phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội vẫn bảo lưu quan điểm. Những lập luận được dẫn ra như: làm hụt thu ngân sách (theo bộ Tài chính nếu lấy mức khởi điểm thu nhập chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng thì hụt thu là 5000 tỷ đồng nhưng Ủy ban Tài chính và ngân sách lại cho rằng làm hụt thu 10.000 tỷ đồng)...Ống còn lấy lý do: "Năm 1946 hoàn cảnh như thế nhưng người dân vẫn phải bỏ hũ gạo một nắm trước khi nấu cơm". Ông khẳng định : "Đề nghị của chúng tôi cũng là đề nghị vì nhân dân"(!).

Cho dù, ở các ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Tài chính và ngân sách không được ủng hộ nhưng cử tri đương nhiên sẽ rất lo ngại bởi những đề nghị "vì nhân dân" như thế. Bởi một khi quan điểm lạc hậu, bảo thủ, không vì lợi ích của đa số người dân được quyết định sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực.

Hy vọng là đây chỉ là một quan điểm mang tính nhất thời và sẽ được điều chỉnh để các đề xuất về chủ trương, chính sách thực sự mang quan điểm "vì dân".

Cũng cần nói thêm là trước đó, trong một báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kinh tế vĩ mô năm 2012, Ủy ban này đã cảnh báo tỷ lệ huy động vốn từ tiền thuế và phí/GDP đối với hiện nay là rất cao. Không chỉ "thuế lạm phát" (lạm phát cao, bào mòn sức dân như một thứ thuế), theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ chịu thuế, phí/GDP cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực. Thu thuế cao nhưng lại đổ tiền vào cho những công trình, dự án như trên và nếu như lại tiếp tục phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở ngưỡng thu nhập chịu thuế như mức 7 triệu đồng/người/tháng như Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội thì chỉ càng làm yếu sức dân, doanh nghiệp, nhất là trong hoàn cảnh như thế này.

Tuy nhiên, điều may mắn là đến nay, các chủ trương trên vẫn đang dừng lại ở giai đoạn đề xuất, xem xét...còn phải qua nhiều khâu thẩm định, quyết định nên hy vọng, cơ quan có quyền quyết định ở cấp cao nhất sẽ ra những quyết định đúng đắn: tạm dừng không xem xét, triển khai dự án đầu tư Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và xác định mức khởi điểm chịu thuế thu nhập, số người được xét giảm trừ gia cảnh....cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Trung Ngôn - TuanVietnam.net

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam