Minh Diện - Chính tên gọi của nhà lãnh đạo Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, đã gợi ra những suy luận, lý giải theo kiểu tu từ học: “minh triết là gì?”. Theo Wikipedia tiếng Việt: “Minh triết là khả năng đạt đến sự tối ưu, áp dụng nhận thức và sự hiểu biết bằng diễn đạt khi nói và viết để đạt được kết quả mong đợi. Không bảo thủ, không kiêu ngạo, không miệt thị, không mơ hồ, không độc đoán; đồng nghĩa với thông thái, sáng suốt, thông tuệ, bậc minh quân. Minh triết là khả năng nhận thức được đâu là sai hay đúng đi đôi với đánh giá về hành động. Minh triết thường đòi hỏi ở khả năng kiểm soát phản ứng và cảm xúc (niềm đam mê) vì thế một nguyên tắc là lý lẽ và sự hiểu biết sẽ xác định hành động. Minh triết là một khái niệm triết học khá mới và được kỳ vọng có thể đem lại sự thay đổi mới mẻ ở nhận thức của con người trong bối cảnh xung đột giữa các nền văn minh trên thế giới ngày càng tăng, cùng với tốc lực phát triển của văn minh nhân loại. Minh triết là cách sống đoàng hoàng, hẳn hoi mà chẳng hề giẫm đạp lên bất cứ một giá trị nào khác, minh triết đơn giản là sống tốt cho mình và tốt cho mọi người, là sống tốt không chỉ cho hôm nay mà cho cả tương lai, là xây dựng cuộc sống của con người dựa trên tư duy khách quan và không bị chi phối bởi tàn dư lịch sử để lại. Sống như chúng ta đáng phải sống ấy chính là cách sống minh triết”.
Trong phát ngôn, ứng xử, trung ngôn và trí tuệ là sự thể hiện rõ nhất bản chất của minh triết, những lời dối trá không bao giờ được coi là minh triết. Nhà lãnh đạo thực sự minh triết phải chuẩn mực, chính xác cả trong lời nói và việc làm ở bất kỳ nơi đâu, với bất cứ cảnh huống, vụ việc nào. Cũng từ những ý nghĩa đó toát lên sự minh triết của con người, tôi thấy những người khi đã có cương vị lãnh đạo, là chính khách, trong phát biểu, viết lách, giải quyết công việc phải thật sự minh triết. Minh triết chính là sự tự khẳng định uy tín của một chính khách. Đó cũng chính là chủ đích của tôi khi viết bài này, chỉ nêu để tham khảo, hoàn toàn không có ý định bêu riếu, nói xấu ai, mà cốt để rộng đường dư luận và xây dựng chung cho mỗi ngày thêm bền vững uy tín nước Việt.
Tôi biết nguyên CTN Nguyễn Minh Triết từ năm 1976 khi cùng sinh hoạt ở bộ phận phía Nam của Trung ương Đoàn. Ngày ấy Nguyễn Minh Triết đã được coi là một người hùng biện, có khả năng ‘nói vo”, ít khi phát biểu phải dựa vào các văn bản đã được viết sẵn. Nhưng, phải ba chục năm sau, khi ông trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì biệt tài ấy mới thể hiện rõ, không chỉ trong nước mà cả thế giới. Cũng phải, vì là nguyên thủ quốc gia, mỗi lời nói của ông đều được có sức lan tỏa, là sự ghi dấu ấn cho mọi người.
Có điều, trong một số phát biểu nơi này, nơi kia ông Nguyễn Minh Triết cũng có lúc không tự chủ được, còn bị mang tiếng là “buột miệng”.
Ví dụ như trong một chuyến thăm Cu Ba (29-9-2009) với cương vị Chủ tịch nước nói về mối quan hệ Việt Nam – Cu Ba tại Lahabana, ông nói: “Có người ví von Việt Nam – Cu Ba như trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông một anh ở phía Tây chúng ta thay nhau canh giữ cho hòa bình thế giới. Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cu Ba nghỉ ” (?!).
Có lẽ Nguyễn Minh Triết lấy ý câu nói của Hồ Chủ tịch khi Người nói về mối quan hệ Việt Nam - Cu Ba từ năm 1965, khi phe xã hội chủ nghĩa còn hùng cường và Việt Nam, Cu Ba được Liên Xô chọn là “Tiền đồn” chống đế quốc Mỹ. Vận dụng một câu nói, dù của một lãnh tụ, mà không đúng lúc, không đúng chỗ, không hợp thời hợp thế, không đúng đối tượng, nó vừa ngô nghê như một sự thiếu hiểu biết, không thực tế, thiếu nhạy cảm, dễ sa vào chủ quân, bảo thủ, áp đặt, dẫn đến phản tác dụng.
Còn đây là lời nguyên CTN Nguyễn Minh Triết cũng “nói vo” trong buổi họp mặt Việt Kiều ở bang Caliphonia (Hoa Kỳ): “Tôi lên tiếng phê phán việc cấm vận Cu Ba, và trong cái cuộc họp đó, ngoài ý kiến chung thì tôi có một cái ý kiến, tôi hoan nghênh ông Obama, ông ấy tuyên bố rằng ông ấy sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo, nhưng mà tôi nói rằng này ông Obama ơi, vấn đề này là khó lắm đó tôi chúc ông phải nỗ lực để thực hiện cho bằng được cái này. Tôi nói mà tôi nhìn ông Obama tôi thấy ông ấy cũng chăm chú, cũng lắng nghe lắm đó, như thế là mình vừa động viên ông Obama nhưng mà mình vừa phân hóa cái nội bộ của ông ấy !”. Thôi chết, đối ngoại mà như thế thì bị vạ miệng rồi còn gì?
Thực tình nếu không có băng ghi hình và quen giọng nói của ông Nguyễn Minh Triết, thì tôi không tin đó là tiếng nói của ông, lúc đó đương kim Chủ tịch nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến, đang được dẫn dắt bởi “đỉnh cao trí tuệ”. Ông Nguyễn Minh Triết nói chuyện với Việt Kiều ở một đất nước còn rất nhiều khác biệt, mà cứ như nói chuyện với bạn bè đồng chí của ông khi trà dư tửu hậu. Sự dễ dãi đến mức buông thả, tùy hứng thật không xứng với một người bình thường chứ đừng nói đến cái tầm của một nguyên thủ quốc gia. Tôi không biết ông Nguyễn Minh Triết có nhớ, có nhìn lại, nghe lại những lời hùng biện của mình không, và nếu có thì liệu rằng nhận ra “chân giá trị” được bao nhiêu?
Trong giới quan chức cấp cao Việt Nam có một người được coi là nói năng, phát biểu có chừng mực, đó là ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vừa qua, khi nghe ông tuyên bố trong ngành ngoại giao không có “Hậu sinh khả úy”, tôi mới lật lại thì, ông Khoan cũng bị “lỡ miệng” khi nói vo, bị nhiều người nghe cho là nói dối. Khi trả lời nhà báo nước ngoài, ông Vũ Khoan nói: “Các bạn nghĩ rằng lương của tôi được bao nhiêu? Mới đây tôi có đi thăm công ty sữa Việt Nam, mới hay là lương của mình còn thua lương anh em công nhân. Dẫu sao tôi cũng thấy mừng về chuyện này”. Rồi ông Vũ Khoan phân trần: “Quan điểm của chính phủ chúng tôi là, một nhân viên nhà nước không thể hưởng lương quá cao so với những người đã hy xương máu của mình vì sự độc lập thống nhất Tổ quốc”. À, nhưng mà, không biết ông cựu Phó THủ tướng nghĩ thế nào chứ người hy sinh rồi thì làm gì có lương?
Cảm động quá ! Nhưng, sự thật thế nào, thưa Vũ Khoan tiên sinh? Với mức lương thua anh công nhân vắt sữa, với mức lương không được cao hơn những người đã hy sinh xương máu vì sự độc lập thống nhất Tổ Quốc, mà các quan chức Việt Nam sống như đế vương !? Tiền đâu ra ? Tham những ? Móc ngoặc ? Nhóm lợi ích ? Xin ông hãy lên tiếng giải thích giùm, vì tôi biết, ngoài nghề làm quan ông còn là một nhà báo vừa lĩnh giải thưởng của Hội nhà báo Việt Nam.
Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố tại Cu Ba: “Việt Nam là hình mẫu về kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa !”.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cao hứng: “Nền dân chủ Việt Nam vạn lần hơn chế độ tư bản chủ nghia” (!?). Trong thực tế, đánh giá như vậy đã chính xác, đã chuẩn mực hay chưa? Có quá nặng chủ quan, tự mãn hay không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chắc như đinh đóng cột: “Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay !”, và còn “sẵn sàng chịu trách nhiệm về mặt chính trị với sự đổ nợ, làm ăn kém hiệu quả cau Vinashin, Vinalines.
Và mới đây Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ tuyên bố mát lòng dân: “Tôi vì quyền lợi của 90 triệu dân chứ không ví quyền lợi của mấy công ty xăng dầu!”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: "Do ở nước ta dân trí thấp, nên phải nuôi mấy ngân hàng xấu, không dám bỏ ngân hàng nào" (?!). Lại ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói: "Dân biểu tình (chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh hải) là vì bị thế lực thù địch xúi giục"...
Còn nhiều, còn rất nhiều những lời mà các vị “chính khách” ở nước ta đã nói vo đến mức “buột miệng” như vậy. Cuối cùng người nghe chỉ thấy một sự sáo rỗng.
Người xưa nói “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, nghĩa là một lời nói ra bốn ngựa không đuổi kịp. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Lời hứa là là úy tín, danh dự, thể diện của bản thân, rộng ra là của một chính thể, một đất nước. Suy nghĩ thế nào thì mặc, khi đã phát ra lời thì đó là sản phẩm của một trí tuệ và mặc nhiên sản phẩm đó phải được kiểm định về mặt giá trị và chân lý.
Trong Kinh thánh có ghi: “Không gì mạnh bằng lời hay lẽ phải!”. Vua Sôlomon cho rằng: “Lời khinh suất đâm chém như gươm bén, lời khôn ngoan chữa trị như thuốc hay!”.
Cái hay của lời nói không phải do ba hoa mà, như nhà triết học Phierer: “Hãy kiềm chế cái lưỡi và môi miệng đừng nói lời dối trá”. Hạnh phúc và niềm vui mỗi ngày trong đời phụ thuộc vào những gì chúng ta nói ra. Lời nói có thể làm sự việc tốt hơn hay làm cho tệ hơn; lời nói có thể nâng lên hay nhận chìm một đời người, lời nói có thể chữa lành hay phá hủy. Lời nói thậm chí quyết định cái sống và cái chết như lời Kinh Thánh có ghi: Quyền sống chết nằm trong cái lưỡi; Ai nuông chiều, lãnh hậu quả tày đình.
Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, Thoát Hoan ra lệnh cho Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch Đằng rút chạy, có bộ binh yểm trợ. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho tướng quân Nguyễn Khoái đem quân lên thượng nguồn, lấy gỗ đẽo nhọn đầu bịt sắt cắm xuống lòng sông, chờ nước lên cho mấy chiếc thuyền ra khiêu chiến, giả thua nhử địch vào thế trận, chờ thủy triều xuống tấn công. Bày trận xong, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cầm gươm chỉ xuống dòng sông thề rằng: “Trận này mà không pha xong giặc Nguyên thì không về đến sông này nữa !”.
Bạch Đằng giang đại thắng vang mãi lời bậc tiền nhân! Chính khách khi nói trước bàn dân thiên hạ, khi đi đối ngoại với các nước là tầm quốc tế thể hiện chính thể quốc gia, đại diện cho quốc gia dân tộc, chịu trách nhiệm và nâng vinh quang cho quốc thể, với dân thì cần có trách nhiệm với lời nói, nói đi đôi với làm. Minh triết của nhà lãnh đạo, của quan quyền mang trọng trách cần được thể hiện "nói đi đôi với làm", khi đã hứa thì phải có trách nhiệm với lời hứa, nhớ mà thực hiện cho kỳ được, nếu không thì coi như tự mình dí chữ "tín" nát dưới chân để thiên hạ khinh miệt, coi thường. Thể nên, từng câu, từng chữ nếu không vàng ngọc thì cũng thuận xuôi, thấu đáo, không nên để bị sơ suất.
Xin hãy bớt khách sáo, ba hoa, đừng nói lời dối trá, đừng nuông chiều cái lưỡi, mà hãy: “Nói một thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê !”.