Nguyễn Hưng Quốc - VOA - Sống ở Úc nhưng tôi lại thích theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Có ba lý do chính.
Thứ nhất, khác với tất cả các quốc gia khác, chính trị của Mỹ không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ. Mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu. Do đó, sẽ ngây thơ vô cùng nếu những người sống ngoài nước Mỹ có thể tự tin cho rằng bất kể ai lên làm tổng thống Mỹ, thế giới cũng chẳng có gì thay đổi cả.
Thứ hai, xem tranh cử ở Mỹ có cảm giác hồi hộp, căng thẳng, gay cấn như xem một trận đấu trong thể thao, thậm chí, trong võ thuật, ở đó, có hai đối thủ cùng so găng. Có đánh qua đánh lại. Cũng nhứ. Cũng lừa. Cũng phòng thủ. Cũng phản công.
Và cuối cùng, bao giờ cũng có một người ngã gục. Kẻ chiến thắng nhận vòng hoa, giữa những tiếng hoan hô vang dội. Và thứ ba, qua những sự quan sát ấy, chúng ta có thể học được một số bài học về dân chủ.
Trong bài này, tôi xin tập trung vào điểm thứ ba.
Cần nói ngay: Thứ nhất, không phải điều gì chúng ta học được cũng có thể ứng dụng được; thứ hai, không phải điều gì có thể ứng dụng được cũng nên ứng dụng ngay. Lý do là mỗi nước có những hoàn cảnh khác nhau. Cũng là dân chủ, nhưng dân chủ ở Úc khác ở châu Âu (nhất là châu Âu lục địa, nghĩa là trừ một số quốc đảo, đặc biệt là Anh); và dân chủ ở châu Âu cũng khác dân chủ ở Mỹ. Ở đây, chúng ta chỉ chú ý đến những vấn đề có tính nguyên tắc chung. Trong các vấn đề ấy, tôi quan tâm đến một điểm: tính công khai trong cạnh tranh.
Có lẽ không ở đâu cuộc tranh cử tổng thống lại kéo dài như ở Mỹ: cả hàng năm trời. Bắt đầu bao giờ cũng là cuộc lựa chọn ứng cử viên của đảng. Với đảng đang cầm quyền, công việc này tương đối dễ: thường, tổng thống đang ở nhiệm kỳ thứ nhất sẽ được đảng đề nghị ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai (như trường hợp Tổng thống Barack Obama hiện nay); nếu đương kim tổng thống đang ở nhiệm kỳ thứ hai và không được quyền tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba thì phó tổng thống, nếu muốn, sẽ được đề cử (như trường hợp Al Gore năm 2000); chỉ trong trường hợp đương kim phó tổng thống, vì lý do nào đó, không ra tranh cử tổng thống, đảng cầm quyền mới tổ chức vòng lựa chọn ứng cử viên lâu dài, đầy nhọc nhằn và tốn kém (như trường hợp đảng Cộng Hòa năm 2008, khi Phó tổng thống Dick Cheney quyết định nghỉ hưu). Với đảng đối lập thì bao giờ cũng có một vòng lựa chọn gắt gao: Từ hàng chục người có tham vọng nắm giữ chiếc chìa khóa Nhà Trắng, cuối cùng, chỉ có một người được lựa chọn đại diện cho đảng để ra tranh cử.
Trong quá trình lựa chọn, các ứng cử viên phải cạnh tranh nhau dữ dội. Cạnh tranh ở ba khía cạnh:
Thứ nhất, về tài chính, phải cố gắng quyên góp thật nhiều tiền từ những người ủng hộ để có đủ khả năng trang trải các phí tổn trong cuộc tranh cử. Khả năng quyên góp này cũng được xem như một khả năng chính trị: Nó chứng tỏ ứng cử viên ấy biết cách tổ chức và nhất là, cách vận động quần chúng.
Thứ hai, về tranh luận. Các ứng cử viên phải thường xuyên tranh luận công khai với nhau. Những người ăn nói kém, thiếu nhanh nhạy, không thuyết phục sẽ dần dần bị loại trừ. Cuối cùng, người còn lại sẽ là người có khả năng đối đáp sắc sảo nhất.
Thứ ba, về chính sách. Sự lựa chọn ứng cử viên cho đảng thực chất là sự lựa chọn giữa các chính sách: Người thắng cuộc thường là người có chính sách được đa số thành viên trong đảng đồng ý và ủng hộ.
Khoảng ba tháng trước ngày bầu cử chính thức, đảng đối lập phải hoàn tất quá trình chọn lựa này. Từ đó về sau, trên võ đài chính trị chỉ còn hai đối thủ chính đại diện cho hai đảng tỉ thí với nhau.
Cuộc tỉ thí vẫn diễn ra trên lãnh vực quen thuộc: khả năng vận động tài chính, khả năng tranh biện và khả năng hoạch định chính sách cũng như rao bán chính sách. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, nổi bật lên nhất vẫn là khả năng thuyết phục, vận động và tổ chức quần chúng. Ở khía cạnh này, giới nghiên cứu chính trị đánh giá rất cao Obama, đặc biệt trong cuộc tranh cử vào năm 2008, lúc ông sử dụng hầu như tất cả các phương tiện truyền thông hiện đại nhất, từ email đến facebook, để tiếp cận quần chúng và biến quần chúng thành một lực lượng ủng hộ viên đầy hiệu quả cho mình. Lúc ấy, có hơn 2 triệu người đăng ký vào trang MyBarackObama của ông và hơn 13 triệu địa chỉ email thường xuyên nhận được tin nhắn từ Ủy ban vận động tranh cử của ông.
Điều thú vị là tất cả các cuộc tỉ thí ấy đều diễn ra một cách minh bạch, công khai, giữa thanh thiên bạch nhật. Đối thủ cũng như giới truyền thông tha hồ phanh phui mọi bí mật của họ. Một lời phát biểu đâu đó, trong các buổi tiệc được xem là bí mật, cũng có thể được bạch hóa để dư luận đánh giá. Còn các cuộc tranh luận giữa họ với nhau thì được truyền hình trực tiếp để cả hàng chục triệu người theo dõi. Ai nói năng mạch lạc và ai ấm ớ; ai thắng và ai thua... mọi người đều biết rõ.
Trong các cuộc tỉ thí ấy, trọng tài quan trọng nhất là quần chúng. Quần chúng được cung cấp thông tin. Quần chúng so đo cân nhắc. Cuối cùng, quần chúng sẽ là người quyết định.
Bởi vậy, cuộc tranh tài giữa hai ứng cử viên không nằm ở chỗ ai hạ gục được ai mà chủ yếu ở chỗ: ai tranh thủ được quần chúng nhiều nhất. Để có nhiều phiếu nhất.
Và cũng bởi vậy, chiến thắng cuối cùng không phải chỉ thuộc về một người, cái người được bầu làm tổng thống. Mà còn thuộc về cái khối đa số đã ủng hộ những chính sách chính của người ấy.