Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để tham nhũng

 
Cảnh sát giao thông là đối tượng tham nhũng số một tại Việt Nam


UCAN - Việt Nam cần áp dụng thể chế minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống tham nhũng

Sáng 20-11, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát xã hội học với chủ đề “Tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức”.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 2-4 năm nay trên 5.460 người gồm 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh, và 1.801 cán bộ công chức ở năm bộ.

Theo khảo sát, đưa tiền và quà biếu cho công chức là cách nhanh nhất mà các doanh nghiệp và người dân áp dụng để công việc của mình được giải quyết nhanh chóng.


Người dân, doanh nghiệp phàn nàn vì cán bộ công chức cố tình gây khó dễ cho họ khi giải quyết công việc nên buộc họ phải móc hầu bao hối lộ để được giải quyết nhanh, hoặc củng cố các mối quan hệ bằng việc biếu xén quà, tiền nhân dịp lễ. Đó là động cơ phổ biến nhất khiến doanh nghiệp, người dân đưa hối lộ cho công chức.

Có 63% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng cán bộ, công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, trong khi 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục và cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết.

29% người dân cho biết lý do đưa hối lộ cũng là vì công việc bị công chức cố tình dây dưa.

Và có đến 59% doanh nghiệp thừa nhận khi gặp khó khăn, họ chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền để giải công việc. Khoảng 19% doanh nghiệp tin nếu không có những khoản chi phí như vậy thì không giải quyết được công việc.

Các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Năm 2005, chỉ có 56% doanh nghiệp cho biết cán bộ công chức cố tình gây khó khăn cho họ thì năm 2012, có tới 67% doanh nghiệp phàn nàn chuyện bị gây ách tắc trong công việc do công chức.

Theo kết quả điều tra, 80% ý kiến cho rằng lĩnh vực tham nhũng phổ biến và cao nhất là cảnh sát giao thông. Tiếp đến là ngành quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

90% còn cho biết nguyên nhân của việc phòng chống tham nhũng không đạt kết quả là do đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng. Hơn nữa, nhà nước chưa chú trọng làm sạch đội ngũ cán bộ tham nhũng.

Nhóm nghiên cứu khẳng định, báo chí đã đóng góp rất lớn trong việc chống tham nhũng, khi có hơn 80% doanh nghiệp và công chức cho rằng báo chí phát hiện tham nhũng trước cả khi cơ quan chức năng phát hiện. Hơn 85% số này khẳng định áp lực từ báo chí đã giúp các vụ tham nhũng khỏi bị "chìm xuồng".

Để chữa trị căn bệnh này, nhóm nghiên cứu khảo sát đã khuyến nghị trước tiên là cần xây dựng một cơ chế minh bạch thông tin thực sự, với chế tài giám sát chặt chẽ. Vì có tới 87% ý kiến cho rằng cần ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, cần trao quyền cho báo chí tiếp cận dễ hàng hơn.

Tại cuộc họp báo, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nói: "Hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu và các khoản chi không chính thức, bị đòi hỏi, chào mời để giải quyết vấn đề. Thông thường, các khoản tiền này bắt nguồn từ phía cung".

"Tuy nhiên, đây không phải là đổ lỗi hoặc buội tội ai mà quan trọng là từ sự thật của vấn đề, chúng ta cần đưa ra giải pháp sáng tạo hơn. Khi tham nhũng bắt đầu ở phía cung thì cần phải thay đổi thái độ của xã hội tốt hơn. Doanh nghiệp và người dân cần hiểu, họ có lựa chọn khác ngoài hối lộ. Thực tế chứng minh, các doanh nghiệp chọn giải pháp thay thế hối lộ đã hoạt động tốt hơn", bà nhấn mạnh.

“Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo” - Bà Kwa kwa khẳng định.

http://vietnam.ucanews.com/

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam