Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Trẻ em phải lao động vất vả kiếm sống


Trẻ em làm việc ở đống rác khoảng 18 giờ mỗi ngày để mưu sinh


Ucanews - Hàng ngàn trẻ em phải làm đủ mọi nghề để phụ giúp gia đình và nuôi sống bản thân.

Dù trời nắng hay mưa, đều đặn mỗi ngày Nguyễn Đăng Hiệp rời khỏi nhà từ sáng sớm với xấp vé số trên tay.

Dáng người nhỏ nhắn, đen nhẻm, tay chân bám đầy bụi đất, Hiệp rong ruổi khắp các con đường của quận Gò Vấp để bán vé số. Có hôm trở về nhà lúc 9-10 giờ tối, bụng đói lả.

“Chưa bán hết 100 tờ vé số, con không dám ăn gì cô ạ” – Cậu bé 10 tuổi nói trong lúc đưa tay xoa cái bụng xẹp lép.

Nói rồi cậu bé chìa ra tám tờ vé số còn lại và mời khách. Một vị khách nghe cậu nói thế, liền đề nghị mua cho cậu đĩa cơm ăn, nhưng Hiệp mau mắn từ chối: “Cô thương con thì mua dùm con vé số đi, bán hết mấy tờ này con sẽ lấy 10.000 đồng đi ăn hủ tiếu gõ”.


“Con học đến lớp 3 thì nghỉ học và đi bán vé số được hai năm nay. Ba mẹ không có tiền mua sách vở và đóng tiền trường cho con”.

Em ngập ngừng rồi tiếp: “Con thích đi học lắm nhưng đi học thì lấy tiền đâu trả nhà trọ, tiền đâu mua gạo ăn?”

Cậu cho biết quê ở Đà Lạt. Gia đình cậu làm rẫy, làm thuê để kiếm sống nhưng nhà chỉ có hai sào ruộng không tài nào nuôi đủ năm miệng ăn. Vậy là năm 2009, cả nhà dắt díu nhau xuống Sài Gòn tìm kế sinh nhai bằng nghề bán vé số.

Mỗi ngày, cậu bán 100 tờ vé số và kiếm được 100.000 đồng.

Tính riêng tại TP.HCM, hiện có khoảng 300.000 trẻ em từ các nơi đến sinh sống tại đây như Hiệp. Các em đi cùng với bố mẹ hoặc lang thang tự kiếm sống.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết không ít trẻ phải mưu sinh bằng những việc nặng nhọc trong những cơ sở may tư nhân hay bằng những nghề nguy hiểm như biểu diễn nuốt lửa, nuốt than tại các quán ăn, ăn xin, lượm rác.

Tuần trước, báo chí trong nước đưa tin cảnh sát đã giải cứu 21 trẻ em người dân tộc thiểu số lao động nặng nhọc tại một xưởng may ở TP.HCM. Các em đều ở độ tuổi từ 12-16 nhưng phải làm việc từ 12-14 tiếng/ngày, với mức tiền công vô cùng rẻ mạt là 2.000 đồng/giờ. Trong hai năm qua, các em phải làm việc trong một môi trường ô nhiễm vì cơ sở may này chỉ rộng 20m2 vừa là nơi làm việc, ăn ở sinh hoạt của các em.

Em Nguyễn Quang Hoàng ở Vĩnh Long nghỉ học từ hai năm trước và đi nhặt ve chai với mẹ kiếm sống từ khi ba em bị tai nạn giao thông và liệt cả người.

Tuy đã 14 tuổi nhưng thân hình gầy còm chưa đầy 21 ký, đầu đội chiếc nón lưỡi trai màu đỏ, thoăn thoắt nhặt ve chai từ các đống rác bằng tay không. Em làm việc 18 giờ mỗi ngày và kiếm khoảng 100.000 đồng.

Số tiền kiếm được, Hoàng đưa cho mẹ mua thức ăn nuôi gia đình bốn miệng ăn, còn tiền của mẹ làm được thì mua thuốc cho ba và lo cho em của em đi học.

“Em ước mơ ba mau khỏi bệnh và em được đi học lại. Sau này em muốn làm kỹ sư để xử lý rác bảo vệ môi trường sạch đẹp” - Hoàng nói thêm.

Đường phố về khuya vắng dần người qua lại nhưng em Lê Phụ, 10 tuổi vẫn đảo mắt nhìn quanh, cố mời gọi người qua đường mua ốc với hy vọng bán xong mớ ốc sẽ mang tiền về cho mẹ mua gạo.

Cả buổi sáng em cùng với hai chị gái ngụp lặn dưới dòng nước lạnh buốt suốt hai giờ liền, áo quần ướt đẫm, thành quả mà ba chị em Phụ có được là rổ ốc nặng chừng năm ký.

“Nhà cháu nghèo lắm, mỗi ngày từ sáng sớm ba chị em cháu phải lặn dưới sông để mò ốc sau đó đãi cho sạch cát khoảng một tiếng nữa. Tối bọn cháu mang đi bán cho khách họ phóng sinh” - Phụ vừa nói vừa ngó nghiêng xem có ai ghé mua ốc không.

Hàng đêm, ba chị em đều ngồi bán ốc tại cầu Gia Hội ở Huế từ 7 giờ đến tận 11 giờ.

“Cháu kiếm được 15.000-25.000 đồng mỗi ngày” – Phụ nói.

Ngoài chị em Phụ còn có khoảng 10 em nhỏ từ 8-14 tuổi bán ốc cho khách qua đường để thả xuống sông làm lễ phóng sinh hằng đêm tại Huế.

Cậu bé cho biết nhà có năm anh chị em. Hai người chị đã vào Đà Lạt làm thuê, còn Phụ và hai người chị mò ốc bán kiếm tiền mua gạo và trả tiền nhà. Cả gia đình sống trong căn nhà rộng 60 mét vuông do nhà nước cấp và hàng tháng phải trả góp hai triệu tiền nhà.

Ba của Phụ làm nghề bủa lưới còn mẹ em làm nghề bán cá ở chợ Đông Ba, Huế.

“Bố mẹ cháu không biết chữ và cũng không làm giấy khai sinh cho cháu đi học. Cháu phải học lớp một tình thương do các nữ tu dòng thánh PhaoLô thành Chartres dạy vào các chiều thứ Hai, Tư, Sáu” – em cho biết thêm.

Theo thống kê của Bộ Lao động -Thương binh và xã hội, cả nước có 26.027 trẻ em phải tham gia vào các loại hình lao động nặng nhọc trong đó có 5.166 em trong độ tuổi từ 5-11.

Ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo trợ và chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐTBXH – nhận xét nguyên nhân trẻ lao động sớm là do gia đình nghèo khó buộc trẻ phải tham gia lao động sớm. Bằng chứng là theo kết quả điều tra của bộ, có tới 53,2% trẻ em lao động sớm do hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, 23,6% muốn có tiền để tự tiêu dùng riêng, chỉ 9,7% trẻ em bị gia đình bắt phải đi làm.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam