Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Gia đình 14 thanh niên Công giáo vận động sự can thiệp của nước ngoài

 
14 nhà hoạt động Công giáo trẻ bị cáo buộc 'thực hiện các hành động 
nhằm lật đổ chính quyền' (ảnh: thanhnienconggiao).

Trà Mi-VOA - 14.03.2013 Thân nhân của 14 nhà hoạt động Công giáo trẻ đang bị cầm tù sáng ngày 14/3 có cuộc tiếp xúc với đại diện ngoại giao của các nước Canada, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, và Liên Hiệp Âu Châu tại Việt Nam để yêu cầu can thiệp phóng thích con em họ.

14 thanh niên này bị tuyên án đầu năm nay tổng cộng 83 năm tù về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ luật Hình sự vì các hoạt động ôn hòa cổ xúy cho dân chủ, chống lại bất công xã hội, và phản đối Trung Quốc xâm lược.
Chúng tôi cũng yêu cầu các sứ quán quan tâm đến sự tôn trọng quyền tự do con người tại Việt Nam, những điều mà đảng cộng sản Việt Nam đã ký kết với quốc tế, để 14 thanh niên này được trả tự do...Người nhà anh Hồ Ðức Hòa 
Buổi gặp gỡ diễn ra tại đại sứ quán Canada tại Hà Nội. Đại diện phái đoàn các thân nhân của nhóm thanh niên Công giáo đã trình bày những vi phạm nhân quyền và vi phạm pháp luật trong tiến trình bắt giữ, giam cầm, và xét xử thân nhân của họ.

Anh Hồ Văn Lực, người nhà bị can Hồ Đức Hòa bị lãnh án 13 năm tù vì vi phạm điều 79, cho biết thêm chi tiết về nội dung cuộc trao đổi:

“Đại diện các gia đình đã trình bày việc 14 anh em bị chính quyền bắt giữ trái phép và đặc biệt là về phiên tòa ngày 8 và 9/1/2013 vừa qua. Chúng tôi cũng nhắc tới sự việc những người yêu công lý-sự thật ủng hộ các thanh niên này trong và ngoài nước đã cùng nhau ký tên vào Bản Lên Tiếng yêu cầu trả tự do cho họ. Chúng tôi cũng yêu cầu các sứ quán quan tâm đến sự tôn trọng quyền tự do con người tại Việt Nam, những điều mà đảng cộng sản Việt Nam đã ký kết với quốc tế, để 14 thanh niên này được trả tự do.”

Thân nhân các bị can đã gửi cho đại diện các sứ quán danh sách trên 28.000 chữ ký ủng hộ Bản Lên Tiếng của các gia đình đòi trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động Công giáo.

Người nhà của 14 nhà hoạt động Công giáo cũng đề nghị các đại sứ quán cử đại diện ngoại giao đến tham dự phiên xử phúc thẩm sắp tới, yêu cầu Việt Nam cho phép gia đình và luật sư tiếp xúc với các thanh niên đang bị giam cầm theo đúng luật tố tụng hình sự, và ủng hộ lời kêu gọi xóa bỏ điều 79 Bộ Luật Hình sự về tội “âm mưu lật đổ chính quyền” mà giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới cho rằng Hà Nội đang lạm dụng để vi phạm nhân quyền và bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước.

Bấm vào nghe tường trình Gia đình 14 thanh niên Công giáo vận động sự can thiệp của nước ngoài
 
Thân nhân bị can Nguyễn Đình Cương, cô Nguyễn Thị Phương, cho biết phản hồi của đại diện các sứ quán trước những đề nghị vừa nêu:

“Họ rất nhiệt tình. Họ rất đồng tình và ủng hộ nguyện vọng của chúng tôi. Họ nói sẽ cố gắng hết sức để can thiệp giúp đỡ các anh một phần nào.”
Định nộp đơn cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng tới nơi họ không cho vào. Họ bảo họ không cho nạp đơn cho Chủ tịch nước...Người nhà của anh Ðặng Xuân Diệu. 
Sau buổi gặp đại diện các sứ quán, gia đình các bị can đã tới văn phòng Chủ tịch nước để trao thỉnh nguyện thư cùng với hàng chục ngàn chữ ký. Tuy nhiên, nỗ lực này bất thành.

Anh Đặng Xuân Hà, người nhà của bị can Đặng Xuân Diệu, nói với VOA Việt ngữ:

“Định nộp đơn cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhưng tới nơi họ không cho vào. Họ bảo họ không cho nạp đơn cho Chủ tịch nước.”

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam một lần nữa bị cộng đồng thế giới và giới bảo vệ nhân quyền quốc tế chỉ trích mạnh mẽ sau khi Hà Nội tuyên án 14 nhà hoạt động Công giáo với mức cao nhất lên tới 13 năm tù hồi tháng Giêng năm nay.

Mới hôm 12/3, dân biểu Quốc hội Canada, ông Wayne Marston, vừa gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi phóng thích 14 thanh niên Công giáo cùng những nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam.

Trong thư, dân biểu Marston nhắc nhở Việt Nam trách nhiệm phải thực thi các cam kết tôn trọng nhân quyền với quốc tế và đồng thời khuyến cáo rằng thế giới đang theo dõi thành tích nhân quyền của Hà Nội.

Ông Marston nói với số cư dân mạng ngày càng phát triển trong và ngoài nước, Việt Nam giờ đây không còn có thể che mắt quốc tế về các vi phạm nhân quyền được nữa.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam