Bài học quá khứ có vai trò then chốt trong chiến lược của ông Kim Jong-un
Charles Scanlon - BBC News - Bắc Hàn có lịch sử đối đầu lâu dài với thế giới bên ngoài bằng chương trình vũ khí của mình. Trong quá khứ họ từng tuyên bố giành các chiến thắng ngoại giao lịch sử trước Hoa Kỳ và những nước khác. Charles Scanlon đặt câu hỏi liệu lịch sử lặp lại, hoặc Bắc Hàn có tính nhầm lần này hay không?
Bắc Hàn là một bậc thầy được công nhận về ngoại giao thời Chiến tranh Lạnh – từng tận dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc trước Liên Xô để đạt được tối đa sự ủng hộ của các phe cộng sản tranh cãi.
Từ thập niên 1990, Bắc Hàn cố gắng làm chủ một trò chơi khác - một chiến lược sống còn sử dụng các mối đe dọa và hành động quân sự có giới hạn để chia rẽ các nước láng giềng và kẻ thù để tận dụng các nhượng bộ từ đối phương.
Ngay cả một số quan chức Hoa Kỳ phải thừa nhận rằng Kim Jong-il đã chơi rất giỏi trò này.
Nỗi sợ rằng con trai của ông ta, Kim Jong-un, không cùng cấp độ như cha hoặc không làm chủ được trò chơi này, có thể làm nổ ra một cuộc xung đột mà không ai muốn.
Tuy nhiên, lãnh đạo mới đang sử dụng sách lược quen thuộc và nhắc nhở thế giới rằng Bắc Hàn trở nên nguy hiểm nhất khi rơi vào thế đối đầu.
Mục tiêu chiến lược của Bình Nhưỡng là một kho vũ khí hạt nhân có thể triển khai mà họ tin rằng sẽ đảm bảo sự sống còn cho chế độ trong một thế giới thù địch. Họ muốn buộc Hoa Kỳ phải thừa nhận họ như là một thế lực hạt nhân bình đẳng.
Việc Washington theo đuổi các biện pháp trừng phạt - đặc biệt nhắm vào tài chính và lập trường thách thức quân sự của chế độ ở Bắc Hàn, dường như đã cột Kim Jong-un và các cố vấn của ông ta rơi vào vòng xoáy của sự leo thang.
Đối đầu trong quá khứ
Ông Kim Jong-il được cho là một "bậc thầy" trong trò chơi đe dọa và đổi lấy nhượng bộ của 'kẻ thù'
Cuộc đối đầu hạt nhân bắt đầu từ hai thập niên trước.
Năm 1994, Bắc Hàn từng đưa bán đảo nhỏ, đông dân cư và đô thị hoá dày đặc tới gần bờ vực một cuộc chiến với tiềm năng hủy diệt lớn.
Mùa xuân năm đó, chính quyền Clinton xem xét nghiêm túc các cuộc không kích vào lò phản ứng hạt nhân nhỏ của Bắc Hàn tại Yongbyon.
Các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ lên kế hoạch củng cố mạnh các lực lượng quân đội của họ tại Hàn Quốc - một quá trình có nguy cơ dẫn tới hành động liều lĩnh động thủ của Bắc Hàn, mà Hoa Kỳ đã chuẩn bị trước để ngăn chặn.
Sau nhiều tháng của cuộc khủng hoảng, Washington cuối cùng đã đồng ý chỉ đạo các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng – một mục tiêu dài hạn của Bắc Hàn - và một thỏa thuận đã đạt được đổi việc đóng băng chương trình hạt nhân lấy các nhượng bộ ngoại giao về viện trợ kinh tế.
Nhưng hai thập niên sau đó, Bắc Hàn đã có một kho vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ nhưng không ngừng tăng trưởng - và Hoa Kỳ không dự định vận dụng chiến tranh để ngăn chặn nó.
Kim Jong-il đã được xưng tụng ở Bắc Hàn như một thiên tài quân sự đánh bại một siêu cường.
Ông cũng tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc đối đầu quan trọng với Hoa Kỳ vào năm 2002.
Tổng thống George W Bush cáo buộc ông Kim công khai gian lận về đóng băng hạt nhân - bằng cách phát triển một chương trình làm giàu uranium riêng biệt - và nói về Bắc Hàn như một phần của "trục ma quỷ" khi cuộc bàn thảo về thay đổi chế độ này đang lên cao trong bầu không khí ở Washington.
"Trò lừa phỉnh này bao gồm hai thành tố: mối đe dọa của Bắc Hàn phải là đáng tin cậy. Lãnh đạo ở Bình Nhưỡng phải có vẻ điên rồ và đủ phi lý để tạo ra rủi ro của một cuộc chiến tranh tự sát"Bắc Hàn hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân và đe dọa trả thù cùng chiến tranh.
Nhưng một lần nữa, cuộc khủng hoảng đã kết thúc bằng đàm phán – lần này còn có sự hiện diện của các nước láng giềng của Bắc Hàn tại bàn hòa đàm - bao gồm Nga và quốc gia hậu thuẫn chính, Trung Quốc.
Trong khi các cuộc đàm phán kéo dài không có kết luận, Bắc Hàn đã xây dựng kho vũ khí hạt nhân và công nghệ hỏa tiễn.
Các nhà lãnh đạo Bắc Hàn dường như đã rút ra một bài học quan trọng từ những kinh nghiệm này.
Họ kết luận rằng các đe dọa hỗn loạn và chiến tranh – tại một trong các một khu vực công nghiệp năng động nhất thế giới - sẽ luôn buộc đối thủ phải lùi bước và họ thì đạt được các nhượng bộ.
Trò lừa phỉnh này bao gồm hai thành tố: mối đe dọa của Bắc Hàn phải là đáng tin cậy. Lãnh đạo ở Bình Nhưỡng phải có vẻ điên rồ và đủ phi lý để tạo ra rủi ro của một cuộc chiến tranh tự sát.
Và, đối thủ của Bắc Hàn – đương nhiên là Hoa Kỳ - phải loại trừ các mối đe dọa của chiến tranh như một thành phần trong ngoại giao cưỡng chế.
Điều này đã tỏ ra hữu hiệu vào năm 1994, khi Lầu Năm Góc xem xét khả năng một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và kết luận rằng nó sẽ dẫn đến hàng trăm ngàn thương vong trong một vài ngày, và phá hủy một trong những thành phố lớn nhất thế giới.
Tân lãnh đạo
Kim Jong-un liệu có kiểm soát được trò chơi "hù dọa" kẻ thù như cha của ông từng làm với Hoa Kỳ và các đối thủ?
Kim Jong-un có vẻ vội vàng chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo quân sự và người chơi bài theo khuôn mẫu của cha và ông nội.
Ông không hề được công chúng Bắc Hàn biết đến vào hai năm trước khi ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo tối cao cai trị đất nước và quân đội với một triệu binh lính.
Bây giờ, ông tự tỏ ra phong cách của một vị tướng vĩ đại, xuất hiện ở tiền tuyến và đưa ra các đe dọa quân sự rất cụ thể - một sự tương phản quan trọng so với người cha bí ẩn của ông, người không bao giờ phát biểu công khai trong suốt 17 năm cầm quyền.
Trong quá khứ, Bắc Hàn đã dựa vào việc các chủ thể khác trong ván bài ở khu vực bị mất tinh thần rồi can thiệp vào Hoa Kỳ, thuyết phục rằng chiến tranh là một rủi ro quá lớn và rằng Bắc Hàn sẽ đáp ứng tốt trước các khuyến khích, ưu đãi (nhượng bộ).
"Kim Jong-un và các cố vấn của ông đang dựa trên một kịch bản cũ để củng cố vị trí của họ trong và ngoài nước. Nhưng vẫn còn xa mới làm rõ rằng liệu lần này Bình Nhưỡng sẽ thành công hay không"Và điều này có thể lại xảy ra. Hàn Quốc có vẻ sẽ mất mát nhiều nhất từ một cuộc xung đột, Nhật Bản nằm trong phạm vi của hỏa tiễn của Bắc Hàn và Trung Quốc muốn tránh hỗn loạn cùng sự hủy diệt có thể có của một quốc gia vùng đệm trên một đường biên giới quan trọng.
Tuy nhiên, Kim Jong-un sẽ lần đầu tiên phải thuyết phục họ rằng mối đe dọa của ông có một số thực chất nào đó.
Phong cách hiếu chiến và các đe dọa chiến tranh đưa ra hầu như hàng ngày của ông đã vượt ra ngoài những ngôn từ "chiến tranh miệng" mà người cha Kim Jong-il và ông nội Kim Il-sung từng sử dụng.
Bất kỳ hành động quân sự nào cũng chắc chắn gặp phải sự đáp ứng một cách quả quyết từ Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Trung Quốc vẫn có thể can thiệp bằng cách cắt đường ống dẫn dầu quan trọng và viện trợ kinh tế , thương mại khác, nếu Bắc Kinh kết luận rằng lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng đã ra khỏi vòng kiểm soát và có thể tự hủy diệt.
Kim Jong-un và các cố vấn của ông đang dựa trên một kịch bản cũ để củng cố vị trí của họ trong và ngoài nước. Nhưng vẫn còn xa mới làm rõ rằng liệu lần này Bình Nhưỡng sẽ thành công hay không.