Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Nhà nước Chí Phèo

  Nhóm hacker Anonymous đăng hình biếm họa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Nguyễn Hưng Quốc - Theo Diễn Đàn Thế Kỷ - Tình hình chính trị giữa Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên trong mấy tuần vừa qua có cái gì thật lạ lùng. Nó có khả năng gây nên một thảm kịch nhưng lại có vẻ như một hài kịch. Nó khiến người ta vừa lo sợ vừa thấy buồn cười. Chính quyền của cả Mỹ lẫn Nam Triều Tiên cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực vừa ráo riết chuẩn bị đối phó một cách rất tốn kém lại vừa âm thầm cho là sẽ không có chuyện gì quan trọng xảy ra cả.

Dường như trong lịch sử hiếm có hiện tượng nào quái đản đến vậy. Chính quyền Bắc Triều Tiên tuyên bố đặt nước họ trong “tình trạng chiến tranh”, đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào cả Nam Triều Tiên lẫn Mỹ, gửi thư yêu cầu các tòa đại sứ cũng như tất cả các nhân viên Liên Hiệp Quốc và người ngoại quốc nói chung nên về nước để tránh tai họa, cấm nhân công Nam Triều Tiên sang làm việc ở khu kỹ nghệ Kaesong - nơi có 124 công ty do người Nam Triều Tiên làm chủ - nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, tung tin là họ đã di chuyển các hỏa tiễn đến nơi này nơi nọ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, và kêu gọi nhân dân nước họ sẵn sàng cho một trận thư hùng một mất một còn với đế quốc Mỹ và các anh em của họ ở biên giới phía Nam. Mấy chục năm nay, quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên trải qua khá nhiều căng thẳng, tuy nhiên, hiếm có lúc nào giới cầm quyền Bắc Triều Tiên lại sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh bạo đến như vậy. Nghe, dễ ngỡ như chiến tranh sắp bùng nổ gần như ngay tức khắc.

Mỹ, một mặt, phản ứng khá quyết liệt: tăng cường máy bay ném bom đến Nam Triều Tiên, điều tàu chiến đến bán đảo Triều Tiên, nâng cao hệ thống phòng thủ chống tên lửa không những ở các căn cứ quân sự đóng tại Nam Triều Tiên mà còn cả ở Guam, cách Bắc Triều Tiên hơn 3000 cây số. Một số người, phần lớn là các cựu quan chức, lên tiếng cảnh cáo Bắc Triều Tiên: Việc họ tấn công Mỹ không khác gì một hành động tự sát! Nhưng mặt khác, thái độ của các giới chức đương quyền cũng như ngay của báo giới thì có vẻ như chả có gì ghê gớm sắp xảy ra cả. Phía Nam Triều Tiên cũng vậy. Tổng thống Park Geun-hye tuyên bố cứng rắn: Bà đã ra lệnh cho quân đội Nam Triều Tiên đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên; tuy nhiên, quân đội Nam Triều Tiên vẫn bình tĩnh, dường như không có một cuộc tái bố trí ào ạt nào để chuẩn bị cho chiến tranh.

Tại sao?

Robert E. Kelly, trong một bài báo đăng trên The Diplomat ngày 10 tháng Tư năm 2013, ví Bắc Triều Tiên như một thằng bé bị bệnh hoang tưởng, lúc nào cũng tưởng sắp bị chó sói ăn thịt (the boy who cried wolf). Với người Việt Nam, có thể xem Bắc Triều Tiên như một gã Chí Phèo trên sân khấu chính trị thế giới.

Nhớ, trong truyện Chí Phèo, Nam Cao phác họa nhân vật Chí Phèo như một tên vô lại, tối ngày say sưa, chỉ làm được một việc duy nhất là chửi khống và ăn vạ. Về tài chửi của hắn, Nam Cao tả: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai cũng nhủ, "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.”

Chí Phèo hận Bá Kiến, kẻ làm cho hắn bị bắt và bị ở tù mấy năm, nhưng hắn chẳng dám làm gì Bá Kiến cả. Hắn chỉ biết đập chai rượu rồi cào vào mặt cho máu me chảy ra bê bết rồi nằm lăn ra đường, thoạt đầu, giãy đành đạch rồi sau giả vờ nằm im, thở phều phào như sắp chết. Cuối cùng, Bá Kiến chỉ dỗ dành vài ba tiếng, hắn lại vui vẻ làm tay sai cho Bá Kiến. Bá Kiến cần đòi nợ ai ư? Thì hắn lại tu mấy hớp rượu vào lấy can đảm rồi đến nhà người ấy nằm lăn ra ăn vạ. Cứ như thế. Cho đến lúc chết.

Thái độ của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ nhiều thập niên gần đây không có gì khác Chí Phèo cả. Khi nào dân chúng đói quá hoặc khi có nguy cơ phản kháng trong nội bộ, họ lại đem súng đạn ra dọa. Mỹ, Nam Triều Tiên và quốc tế, để cho yên chuyện, lại rót cho họ ít tiền hoặc ít lương thực, họ lại yên. Cứ thế. Hết lần này đến lần khác.

Lần này, Nam Triều Tiên, Mỹ cũng như quốc tế đã quá chán ngán nên không ai dỗ dành và hứa hẹn gì cả. Người ta mặc kệ. Mặc dù Bắc Triều Tiên đe dọa bắn tên lửa có đầu đạn hạt nhân đến tận nội địa nước Mỹ (chủ yếu là vùng California), Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn im lặng. Các phóng viên báo chí nằng nặc hỏi, ông vẫn im lặng.

Tại sao?

Thứ nhất, không ai tin Bắc Triều Tiên có thể tấn công Mỹ. Bắc Triều Tiên có cả tên lửa lẫn bom nguyên tử. Nhưng họ lại chưa đủ kỹ thuật để chế tạo tên lửa liên lục địa có khả năng chở đầu đạn hạt nhân bắn đến tận nước Mỹ.

Thứ hai, dù ai cũng biết giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên có chút máu khùng, nhưng không ai tin là họ lại khùng đến độ nhảy vào một cuộc chiến tranh mà chính họ cũng biết là họ không thể thắng, hơn nữa, còn bị hủy diệt. Mấy quả bom nguyên tử của Bắc Triều Tiên có thể giết chết cả mấy trăm ngàn, thậm chí, hàng triệu người dân Nam Triều Tiên, nhưng cuối cùng, chắc chắn là họ sẽ bị xóa sạch. Bởi tương quan lực lượng giữa hai miền cách nhau quá lớn. Bắc Triều Tiên chỉ có hai thế mạnh: một là ở quân số (khoảng trên sáu triệu người, nếu tính cả quân dự bị) và hai là vũ khí hạt nhân. Nhưng thế mạnh thứ hai chủ yếu là để dọa chứ không phải để sử dụng. Sử dụng, chỉ có nghĩa là tự mình tiêu diệt mình. Còn lực lượng bộ binh của Bắc Triều Tiên, tuy đông, nhưng lại được trang bị vũ khí rất kém, lại ít luyện tập, nên, từ góc độ chiến tranh hiện đại, chúng rất vô nghĩa. Càng đông càng dễ bị giết nhiều. Vậy thôi. Ngoài thế mạnh tương đối ấy, mọi mặt còn lại, Bắc Triều Tiên đều rất yếu. Yếu về kinh tế. Yếu về đồng minh: Họ chỉ có một đồng minh duy nhất: Trung Quốc; nhưng Trung Quốc càng ngày càng nhìn họ như một gánh nặng, thậm chí là một tai họa, nên chắc chắn cũng sẽ không thể giúp đỡ được gì họ như vào những năm 1950-53.

Điều hầu hết giới bình luận chính trị quốc tế đồng ý là Bắc Triều Tiên chỉ lên gân dọa dẫm với hai mục tiêu chính: Một, dùng chiến tranh để vận động quần chúng tập hợp chung quanh Kim Chính Ân, nói theo chữ của Robert E. Kelly, một “thằng bé bị bệnh hoang tưởng” (the boy cried wolf). Và hai, để mè nheo với thế giới, đặc biệt, với Mỹ để, thứ nhất, có ít tiền viện trợ; và thứ hai, được hợp thức hóa kho nguyên tử của mình.

Người ta tin là không ai thực sự muốn chiến tranh. Bắc Triều Tiên có thể muốn nhưng vì biết chắc chắn không thể thắng nên sẽ không dám. Nam Triều Tiên thì vừa không muốn chiến tranh lại vừa không muốn thắng. Không muốn chiến tranh? Rất dễ hiểu. Nhưng còn không muốn thắng? Đó là sự thật. Một nước Triều Tiên thống nhất, như sự thống nhất giữa Đông Đức và Tây Đức vào tháng 10 năm 1990 sẽ là một gánh nặng đầy tai họa về mọi phương diện, từ kinh tế đến xã hội và chính trị, cho Nam Triều Tiên. Mỹ và cả Trung Quốc nữa cũng đều không muốn chiến tranh và cũng không muốn ai thắng ai trong cuộc chiến tranh giữa Nam và Bắc Triều Tiên: Trung Quốc cần Bắc Triều Tiên làm vùng trái độn để bảo vệ biên giới nước họ và họ cũng không muốn Bắc Triều Tiên chiếm hẳn Nam Triều Tiên để trở thành mạnh mẽ đủ để thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của họ. Mỹ cần sự tồn tại của cả hai nước Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên để có lý do đóng quân ở Nam Triều Tiên hầu kiềm chế Trung Quốc.

Không ai muốn chiến tranh xảy ra, tuy nhiên, ai cũng thấy cách hành xử của Bắc Triều Tiên trong mấy tuần qua là một trò chơi nguy hiểm. Giống như đùa với lửa. Thoạt đầu, đùa. Sau, cháy nhà thật.

Ở đây, có hai nguy cơ chính.

Thứ nhất, sau khi đã ăn nói hung hăng như những anh hùng sẵn sàng xả thân “diệt Mỹ cứu nước” với dân chúng suốt mấy tuần lễ vừa qua, giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thể lẳng lặng xếp trống xếp dùi. Một việc làm như thế sẽ khiến dân chúng chưng hửng, cụt hứng, từ đó, thất vọng, bất mãn, làm mất uy tín và ảnh hưởng của nhà lãnh đạo mới và trẻ như Kim Chính Ân. Bởi vậy, người ta tiên đoán thế nào Bắc Triều Tiên cũng làm một cái gì đó.

“Cái gì đó” sẽ dẫn đến nguy cơ thứ hai: từ xung đột nhỏ sẽ bùng nổ thành xung đột lớn. Ví dụ, Bắc Triều Tiên sẽ lại mở một cuộc tấn công nhỏ nhắm vào Nam Triều Tiên, giết chết vài chục lính hoặc dân Nam Triều Tiên, như năm 2010. Lần ấy, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak quyết định tự kiềm chế tối đa trước cả ba lần khiêu khích của Bắc Triều Tiên (vào ngày 26/3 khi một chiếc tàu Nam Triều Tiên bị thủy lôi Bắc Triều Tiên đánh chìm khiến gần 50 thủy thủ bị chết; ngày 29/10 khi hai bên giao tranh nhỏ với nhau ở biên giới; và ngày 23/11 khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa vào một hải đảo nhỏ thuộc Nam Triều Tiên). Nhưng sau lần ấy, Tổng thống Lee Myung-bak lại bị dân chúng chê là yếu đuối. Lần này, Tổng thống Park Geun-hye không có lựa chọn nào khác ngoài sự cứng rắn. Lý do là bà mới thắng cử và mới lên làm Tổng thống, bà cần một hình ảnh của một lãnh tụ cương quyết và quả cảm, dám đương đầu với thử thách. Bởi vậy, bà nhất định sẽ có phản ứng. Người ta hy vọng đó là những phản ứng vừa đủ.

Nhưng vấn đề là: Thế nào là vừa đủ? Ranh giới giữa cái gọi là đủ và không đủ rất mong manh. Chiến tranh lớn có thể bùng nổ từ sợi chỉ mong manh ấy.
 

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam