Đội chiến thuật đặc biệt truy tìm nghi can thứ nhì trong vụ nổ bom ở Boston vẫn còn tại đào, 19/4/13
Trà Mi-VOA - 19.04.2013 - Cảnh sát hiện diện khắp nơi. Các phương tiện chuyên chở công cộng bị đình chỉ. Công sở và tất cả trường học phải đóng cửa. Một số cơ sở kinh doanh ngưng hoạt động. Dân chúng được yêu cầu khóa chặt cửa, không ra đường. Đó là tình hình an ninh ngày 19/4 tại một số khu vực của thành phố Boston và vùng phụ cận bao gồm Watertown, bang Massachussetts, Hoa Kỳ, sau vụ khủng bố nổ bom hôm 15/4 và cuộc chạm súng giữa cảnh sát với 1 trong 2 nghi can đánh bom tối 18/4.
Một người Mỹ gốc Việt ở Boston tên Kỳ nói với VOA Việt ngữ:
“Thấy rất sợ vì đường tôi đi làm ngang qua Watertown. Nguyên thành phố này họ phong tỏa, không cho ai qua lại và đình chỉ cả các phương tiện công cộng để lùng ra nghi phạm còn lại trong vụ đặt bom ở Boston.”
Vụ việc này khiến anh Kỳ và nhiều người Việt tại Mỹ một lần nữa thảng thốt kinh hoàng và quan ngại:
“Mình rất lo ngại và feel bad. Mấy đứa con của mình tình cờ đi chơi gần chỗ nổ bom đó, nghe sợ muốn chết. Khủng bố xảy ra ở Mỹ làm sao mình vui vẻ được. Mong những thành phần đó mau bị bắt.”
Anh Huy, một cư dân tại bang Texas, chia sẻ:
“Mình đã dọn đi nhiều nơi từ New York. Sau những trận bão và vụ nổ súng ở Connecticut, mình cũng không thấy an toàn. Mình đã dọn xuống San Diego sinh sống và làm việc. Ngay tại San Diego cũng có một vụ bắn chết người cũng dữ dội một thời gian. Bây giờ khi mình qua Houston (Texas) này lại nghe rất nhiều chuyện bắn giết nhau. Rồi vụ đánh bom ở Boston rồi vụ nổ ở Texas. Mình thật sự rất sốc khi nghe những tin này, không nghĩ là có thể xảy ra liên tiếp những chuyện như vậy”.
Một nữ sinh viên từ Việt Nam du học 4 năm nay tại đại học MIT ở Boston, nơi xảy ra vụ chạm súng giữa cảnh sát với 1 trong 2 nghi can đánh bom Marathon Boston, cho biết:
“Ngay lúc này cũng hơi lo vì toàn bộ thành phố đều bị đóng cửa và có lẽ sẽ không mở lại cho đến khi tìm được kẻ tình nghi còn lại. Không những trường MIT mà Havard và tất cả các trường khác ở thành phố Boston đều đóng cửa. Kẻ bị tình nghi nổ bom và bắn cảnh sát đang xuất hiện gần MIT nên mọi người rất cảnh giác.”
Tưởng niệm 3 người bị thiệt mạng trong vụ nổ bom ở Boston
Vì sao nước Mỹ trở thành một trong những mục tiêu của các cuộc tấn công súng ống hay khủng bố nhiều nhất so với các nước khác trên thế giới? Anh Kỳ cho rằng:
“Bởi vì Mỹ là một xứ đa chủng tộc. Ở đây cũng có những người Trung Đông họ nghĩ khác về nước Mỹ. Không thể nói thế giới này hoàn toàn tốt lành được. Có điều người Mỹ thường bị lãnh những hậu quả cũng hơi buồn. Mình nghĩ khi Mỹ có quân đội mạnh và hay nhúng mũi vô các vấn đề như nhân quyền-dân chủ, những điều này đụng chạm tới những đất nước khác. Chẳng hạn nước Việt Nam cộng sản không thích Mỹ nói những chuyện nhân quyền-dân chủ vì đụng tới quyền lợi của người cộng sản muốn giữ quyền lực. Cho nên dù Việt Nam rất muốn Mỹ tới giúp họ chống Trung Quốc, nhưng một mặt lại chỉ muốn duy trì quyền lợi và quyền lực. Vì vậy đôi bên đụng chạm với nhau rất nhiều. Nhưng hầu những tất cả những gì Mỹ làm, mình nghĩ đều tốt lành nhưng nhiều nơi thế giới không nghĩ vậy vì đụng chạm tới quyền lợi riêng của họ. Khi Mỹ kêu gọi dân chủ, tự do, nhân quyền tới các nước đó, họ cảm thấy quyền lợi họ bị đe dọa nên họ chống bác lại mặc dù họ vẫn muốn người Mỹ tới để tạo cho họ đời sống tốt đẹp.”
Anh Kỳ nói không riêng Mỹ mà nước nào cũng có những vấn đề bất ổn riêng phải đối mặt, nhưng sở dĩ người ta nghe thấy nhiều vụ việc xảy ra ở Mỹ hơn các nước khác và an ninh Hoa Kỳ trở thành đề tài bàn tán, bị chú ý nhiều hơn là do môi trường báo chí tự do, không bưng bít. Tại Mỹ, mọi chuyện được phơi bày và mổ xẻ công khai ra dư luận trong khi ở một số nước không có tự do báo chí-tự do ngôn luận như Việt Nam hoặc Trung Quốc, các vấn đề bất ổn xã hội thường được che dấu:
2 nghi can trong vụ nổ bom ở Boston, một nghi can đã thiệt mạng, một đang bị truy lùng
“Ví dụ như ở Việt Nam, các vấn đề khác nguy hiểm hơn gấp trăm lần và đời sống dễ bất mãn hơn. Còn ở Mỹ, chỉ cần một chuyện nhỏ xảy ra là truyền thông bắt đầu phản ứng cho nên thấy nó quá lớn. Mình đi nhiều nơi, mình thấy rằng coi vậy chứ ở Mỹ rất là an toàn, không lo lắng gì hết. Còn ở những nước như Trung Quốc, thật ra đời sống của họ còn nguy hiểm gấp trăm lần so với ở Mỹ nhưng họ họ đâu có lên tiếng vì truyền thông của họ không được phép tự do.”
Tuy sửng sốt trước các vụ bạo động liên tiếp, nhưng nhiều người Việt tại Mỹ vẫn không cảm thấy lo ngại về vấn đề an ninh-an toàn cá nhân trên đất Mỹ, như bộc bạch của anh Huy từ Texas:
“Mình nghĩ dù sao ở Mỹ sự an ninh vẫn chặt chẽ và tốt hơn, với hệ thống chặt chẽ của FBI và CIA. Mình tin rằng sau vụ này, chính phủ Mỹ sẽ đưa ra những điều luật nhiều hơn để bảo vệ cho người dân.”
Điều này cũng được nữ du học sinh Việt Nam ở Boston, cô Quyên, tán đồng:
“Em chỉ hơi lo thôi chứ thật ra không cảm thấy sợ vì từ đó giờ an ninh của MIT rất là tốt.”
Vụ nổ bom ở cuộc đua Marathon Boston khiến ít nhất 3 người chết và hàng trăm người bị thương xảy ra khi dân chúng Mỹ chưa vơi nỗi đau sau vụ thảm sát ở trường tiểu học tại Connecticut hồi cuối năm rồi, giết chết hàng chục nạn nhân, đa số là trẻ em.
Trước đó, hồi tháng 7/2012, một vụ xả súng tại rạp chiếu phim ở bang Colorado khiến trên chục người thiệt mạng. Những vụ bạo động súng ống này đã gây rúng động nước Mỹ và dẫn tới nhiều tranh cãi trong chính quyền lẫn trong công luận về các quy luật kiểm soát quyền sở hữu võ khí và vấn đề nhân quyền.
Từng định cư tại nhiều tiểu bang trước khi dọn về Texas, có dịp chứng kiến các bi kịch từ bạo lực súng ống ở Mỹ, anh Huy cho rằng biện pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu tình trạng này là phải siết chặt quản lý và hạn chế việc sử dụng súng nghiêm ngặt hơn nữa:
“Mình có súng chỉ càng tạo ra bạo lực nhiều hơn. Người ta sẽ ỷ lại vào súng ống nhiều hơn. Đụng chuyện gì người ta lại móc súng ra xử lý. Đó là một điều rất tai hại.”
Hai vụ nổ bom cùng lúc hôm 15/4 gần đích đến của cuộc chạy đua Marathon ở Boston khiến 3 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương.
http://www.voatiengviet.com/content/phan-ung-cua-nguoi-viet-o-my-ve-vu-no-bom-o-boston/1645181.html