Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

“Rửa vàng” từ chính sách của Ngân hàng nhà nước

 Mạc Lâm - RFA - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn yêu cầu Tổng cục 2 thuộc Bộ Công an điều tra những sai phạm của một bài báo trên tờ Thanh Niên cho rằng đang có dấu hiệu “rửa vàng” trong các chính sách tạm nhập tái suất vàng. Tại sao lại xảy ra một sự việc có thể nói là rất nghiêm trọng đối với một tờ báo như vậy?

“Rửa” vàng bằng cơ chế?

Bài báo của Thanh Niên có tựa: “Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: “Rửa” vàng bằng cơ chế?” đăng ngày 24 tháng Tư đã làm công luận thật sự hốt hoảng. Dựa trên những thông tin từ Hiệp hội Vàng thế giới, bài báo đưa ra cái nhìn hết sức logic về những diễn biến điều hành vàng của Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khiến giá vàng không thể liên thông với giá vàng thế giới do chính sách xuất nhập và chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC và có dấu hiệu ai đó đang trục lợi và không thể không bỏ qua yếu tố “rửa vàng” trong các động thái này.

Bài báo nhấn mạnh nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD.

Tuy nhiên bài báo giữ sự chừng mực cần thiết là không đưa ra nhận xét nào về những đối tượng hưởng lợi quá lớn này.

Bài báo phân tích sự cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập ra vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước đã tạo kẻ hở cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào một lần nữa nhằm hợp thức hóa thành vàng chính ngạch. Hay nói cách khác là “rửa vàng” kiếm lợi.

Đúng như nhiều người nhận xét bài báo này không thể không bị rút xuống vì những con số và lập luận logic của nó sẽ khiến cho thị trường vàng phải nhìn lại cuộc chơi của mình, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nơi ban hành và chỉ đạo các chính sách kỳ lạ được gọi là quản lý thị trường vàng mà không một nước tư bản nào thực hiện.

Ngay sau khi bài báo lưu hành, Ngân hàng Nhà nước ra công văn gửi Tổng cục An ninh II – Bộ Công an cho rằng bài báo đã “cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông điệp sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tạo ra sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng và các nỗ lực phối hợp phòng, chống buôn lậu của các cơ quan Nhà nước”.

Bài báo đã đụng đến tử huyệt của chính sách quản lý vàng 


Ảnh: Một cửa hàng mua bán vàng ở TPHCM. AFP 

Câu hỏi đặt ra tại sao Ngân hàng Nhà nước vốn có truyền thống chậm chạp khi đối phó với giá vàng nhảy múa nay lại tỏ ra căng thẳng với một bài báo như vậy? Phải chăng vấn đề mà bài báo đưa ra đã đụng đến tử huyệt của chính sách quản lý vàng hiện nay của Ngân hàng Nhà nước hay không? Nhà báo Phạm Chí Dũng, cũng là một Tiến sĩ kinh tế cho biết nhận xét của ông:

Có thể nói là phản ứng của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân ông Nguyễn Văn Bình đối với vấn đề biến động thị trường vàng là rất chậm và rất ít. Thí dụ trong lần biến động giá vàng vào tháng Tám năm 2011 chênh lệch với giá thế giới tới 5 triệu đồng. Sau cơn điên đó khoảng 5 ngày sau Ngân hàng Nhà nước mới có một văn bản và từ đó tới giờ phải nói là rất ít văn bản nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi của giới buôn bán vàng cũng như người dân trữ vàng. Cho nên việc NHNN có văn bản có thể nói phản bác đối với báo Thanh Niên thì tôi cho là một động thái rất là nhanh, nhanh một cách kỳ cục và có thề nói đầy nghi ngờ.

Người ta có thể đặt câu hỏi là số vàng nhập lậu này được nhập theo cách nào? Câu hỏi này phải được chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là người phải trả trả lời vì trong phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 13 tháng 11 năm ngoái ông đã cho rằng trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, lượng vàng buôn lậu mỗi năm lên tới từ 10 tấn tới 30 tấn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chia sẻ kinh nghiệm của ông về việc vàng nhập lậu và câu hỏi đặt ra với bài báo của Thanh Niên là không thề chứng minh được sự nhập lậu ấy từ đâu:

Trước đây thì ông Nguyễn Văn Bình khi còn làm phó Thống đốc NHNN đã viết trên tạp chí Cộng sản thừa nhận rằng là hàng năm có đến 20, có năm đến 40 tấn vàng lậu chảy vào Việt Nam. Thế nhưng cái khó của bài báo trên báo Thanh Niên là chứng cứ ở đâu, mà đã là hàng lậu thì làm gì có chứng cứ? Đây cũng là một câu hỏi rất lớn. Trước đây Hội đồng Vàng Thế giới mà tôi có gặp trong một cuộc hội thảo thì họ cũng nói rằng họ có các căn cứ đáng tin cậy cho biết họ biết các chỗ bán vàng ra tại Bangkok hay Hongkong và họ cũng biết rõ đường dây từ Bangkok hay Hongkong chuyền về Việt Nam. Nói thế thôi chứ bây giờ đòi hỏi chứng cứ thì không có cho nên cái chỗ sơ hở hay khó chứng minh của bài báo này là cái điểm ấy.

Ảnh: Vàng SJC Rồng Vàng bán ngoài thị trường. RFA

Trong công văn ghi rõ chính Ngân hàng Nhà nước đã liên hệ với Hội đồng Vàng thế giới và biết đây chỉ là con số dự báo nhu cầu vàng của Việt Nam chứ không phải là con số thật số lượng nhập khẩu vàng của Việt Nam hàng năm. TS Phạm Chí Dũng phân tích điều này:

Những số liệu báo Thanh Niên đưa ra tôi cho là chỉ để tham khảo. Mà báo Thanh Niên cũng nói là số liệu tham khảo từ Hiệp hội Vàng Thế giới. Trong suốt bài báo của Thanh Niên có thể nói là dựa trên những số liệu tham khảo như vậy thì báo Thanh Niên chỉ đặt ra những giả thiết chứ không phải là tiết lộ. Rửa vàng cũng không phải là sự tiết lộ.

Báo Thanh Niên đặt ra một thực trạng là vàng thỏi chỉ có thể vào thị trường nội địa theo hai con đường: Con đường thứ nhất là NHNN cho phép các ngân hàng thương mại mua trạng thái nước ngoài và con đường thứ hai là nhập lậu. Từ đó báo Thanh Niên nêu ra giả thiết là vàng lậu đã đang và sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam và đây là một thực tế và đây cũng chính là nguyên nhân gây biến động tỷ giá suốt trong thời gian qua. Báo Thanh Niên cũng đặt ra ngay thời điểm này khi khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bị đẩy cao lên mức kỷ lục trên 6 triệu đồng một lượng thì tỷ giá ngoài thị trường tự do bị hun nóng lên một cách đáng ngờ. Điều đó là đúng. Giả thiết và nghi ngờ của báo Thanh Niên đặt ra là đúng. Trong thực tế giá vàng trong nước có thời điểm lên cao hơn 7 triệu một lượng so với giá vàng thế giới nhưng vẫn không có một lời nhắc nhở không có mọt động tác nào của NHNN.

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đưa ra nhận xét về thái độ của Ngân hàng Nhà nước đối với điều mà ông cho là dẫm chân lên Bộ Công an, ông nói:

Đặt lại vấn đề NHNN có văn bản phản bác có thể nói là cáo buộc đối với báo Thanh Niên một số câu từ giống như trong một bản cáo trạng và hình sự hóa vấn đề. Những câu từ như vậy nó làm cho người đọc nảy sinh câu hỏi tại sao NHNN lại có thái độ cực đoan và có vẻ cáo buộc báo Thanh Niên. Tôi có cảm giác NHNN trong văn bản này dường như đóng thế vai của Bộ Công an và đang dường như muốn đưa cho báo Thanh Niên đội cái mũ đó là điều 88 tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trong công văn gửi Tổng Cục II Bộ Công an. Ngân hàng Nhà nước phân trần rằng Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC như bài báo viết.

Như vậy là Ngân hàng Nhà nước đã bác bỏ chính quyết định độc quyền vàng của mình trong nghị định 24. Thật ra nghị định này đã được báo chí phân tích rất nhiều trong đó dẫn lại tuyên bố của ông Bình cho rằng sự độc quyền vàng của Ngân hàng Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tiến hành kinh doanh vàng với vai trò người kiến tạo thị trường, mua bán cuối cùng.

Thực tế cho thấy từ 8 thương hiệu vàng miếng đang sản xuất, lưu thông trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố chỉ duy nhất SJC là thương hiệu vàng quốc gia”.

Một Ngân hàng Nhà nước lại không thể thống nhất ý nghĩa của một nghị định quan trọng và lái nội dung của nó sang hướng khác nhằm chống lại một tờ báo đăng bài phân tích những bất cập của chính mình thì được phải xem là điều không đơn giản trong tình hình phức tạp dễ dẫn tới đổ vỡ hiện nay.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam