Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Suy nghiệm tháng Tư, trò chuyện với nhà văn Thùy Linh

Kính Hòa, phóng viên RFA - 2013-04-23 - Nhà văn Thùy Linh vốn không bắt đầu sự nghiệp của mình bằng ý định trở thành nhà văn, nhưng Văn đã thành nghiệp và Chị đã đoạt các giải thưởng lớn về văn học như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ (1985) với truyện "Mặt trời bé con của tôi"; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2001-2002) với truyện "Gió mưa gửi lại"; giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập truyện ngắn "Gió mưa gửi lại" (2004). Chị cũng viết trang blog buudoan.com mà trong đó chị viết nhiều về chính trị xã hội. Là một người trưởng thành sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc, chị hầu như không có kỷ niệm về chiến tranh,

Ảnh: Những người lính VNCH sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. RFA files

“Chiến tranh với Linh là những nỗi nhớ về mẹ, và về không gian yên bình ở thôn quê khi đi sơ tán để tránh bom Mỹ. Linh hầu như không có kỷ niệm gì về chiến tranh.”

Dù vậy hình ảnh người lính vẫn có mặt trong các truyện ngắn của nhà văn Thùy Linh.

“Người lính không thóat khỏi tâm lý hậu chiến. Nhân vật trong câu chuyện Những người còn lại là người lính bị điên lên sau chiến tranh. Linh biết những chuyện đó khi tiếp xúc với những bạn nhà văn đã từng là lính. Khi nói chuyện, dù bắt đầu với đề tài gì họ cũng lại quay về với chiến tranh, họ bị ám ảnh bởi chiến tranh. Những người bạn văn của Linh đã từng là lính cứ mỗi dịp 30/4 là họ lại tập trung lại, kể về những người đồng đội đã hy sinh, rồi họ khóc.”

Nhà văn Thùy Linh nói về ngày 30/4 như sau,

“Ngày càng đậm nét trong Linh là cuộc chiến tranh đó dường như chưa chấm dứt, mà nó còn tiếp diễn giữa những người Việt với nhau. Đến cái ngày này, những người tạm gọi là bên thua cuộc vẫn còn nhìn cuộc chiến đó với đầy hận thù, những người bên thắng cuộc thì vẫn tuyên truyền nó theo lối cũ, hãnh tiến và hãnh diện. Như thế làm cuộc chiến tranh tiếp diễn, huynh đệ tương tàn giữa những người Việt với nhau. Đó là một ngày rất là buồn vì bao nhiêu sinh mạng con người đã ngã xuống trên mảnh đất này mà chưa đem lại một nền hòa bình thực sự bởi vì vẫn còn cuộc chiến trong ý thức, trong cách hành xử của cả bên thắng lẫn bên thua. Niềm vui chiến thắng của một bộ phận người Việt không thể che lấp nỗi buồn của nhiều ngườ. i”

Nhà văn nói về nỗi buồn và sự mất mát của những người bên phía Việt nam cộng hòa,

“Trong ngày 30/4 ấy, ngay tại Việt nam này thôi, cũng có những gia đình tưởng nhớ người thân của họ bỏ mình trong cuộc chiến.”

Vì thế, chị nói ý nghĩ của mình về cái cách mà nhà nước Việt nam tuyên truyền về ngày 30/4 như sau,

“Đó là cái cách nói bất nhẫn, mà đối với Linh là không thể chấp nhận được.”
Chị Thùy Linh cũng đồng ý với nhà văn Andrew Lâm về cách mà người Việt Nam trẻ tuổi hành xử với ngày 30/4,

“Gần như thế, những người ở độ tuổi từ Linh trở xuống hầu như không còn ai nghĩ đến cái mà người ta gọi là thắng lợi của cuộc chiến. Cái cách nói của nhà cầm quyền không thu hút sự chú ý của phần đông dân chúng. Giới trẻ thì không quan tâm, còn giới công chức thì chỉ đơn thuần nghĩ đó là ngày nghỉ để đi chơi. Có rất ít người còn chiêm nghiệm lại cuộc chiến, chắc chỉ trừ những người lính”
Nhà văn Thùy Linh chú tâm vào các số phận con người, các số phận éo le trong cuộc sống đương đại, nhưng chị lại cho rằng ngòi bút của chi bây giờ đã bất lực

“Linh hầu như bỏ bút vì cảm thấy bút của mình bất lực trước cuộc sống”

Chúng ta nhớ lại trong lần nói chuyện với nhà văn Andrew Lam, anh cho rằng các văn nghệ sĩ Vịệt nam cần một không gian để bày tỏ, và văn học thực sự cần có sự đụng chạm, cọ xát mạnh mẽ để dấy lên những tranh luận, những ý tưởng mới. Sự bất lực của nhà văn Thùy Linh phải chăng là một dấu lặng trước một va chạm , để làm tung trào một không gian mở cho văn học nghệ thuật và ý tưởng Việt nam?

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam