Lực lượng vũ trang được chủ tịch huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động
để cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. haiphong.gov.vn
Thanh Phương - RFI - Ngày mai, 02/04/2013, ông Đoàn Văn Vươn, nhân vật chính trong vụ án cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng, sẽ ra tòa cùng với ba người khác trong gia đình,với tội danh “giết người”, chiếu theo Điều 93 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Hai người khác, trong đó có vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương, cũng sẽ bị xử với tội danh "chống người thi hành công vụ". Phiên toà sẽ kéo dài cho đến 05/04.
Chưa biết là tòa sẽ xử như thế nào, nhưng giới luật gia đã tỏ ý không đồng tình với việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị cáo buộc tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Dư luận cả nước đang chờ xem công lý sẽ được thi hành như thế nào qua vụ xử này, bởi vì ông Đoàn Văn Vươn nay đã trở thành một biểu tượng cho sự bất mãn của những nông dân bị cướp đất ở Việt Nam.
Trước hết xin nhắc lại vài nét về vụ Tiên Lãng: Sau khi tòa bác đơn kiện của ông Đoàn Văn Vươn khiếu nại về quyết định của chính quyền huyện Tiên Lãng thu hồi 19,3 hécta đầm, ngày 05/01/2012, chính quyền địa phương này đã huy động một lực lượng hùng hậu, gồm hơn 100 công an, dân phòng và cả bộ đội để thi hành lệnh cưỡng chế, nhưng gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã chống trả kịch liệt, dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn lại lực lượng cưỡng chế, khiến 4 công an và hai bộ đội bị thương.
Công an Hải Phòng sau đó đã khởi tố ông Đoàn Văn Vươn và 5 người khác trong gia đình, với tội danh “giết người, chống người thi hành công vụ”. Nhưng cùng lúc đó, quyết định thu hồi đất của gia đình ông Vươn đã bị hủy bỏ, chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang bị đình chỉ chức vụ. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất, cũng đã bị cách chức. Chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp ngày 10/02/2012 cũng đã kết luận rằng chính quyền địa phương đã sai hoàn toàn trong vụ Tiên Lãng.
Chính vì vậy mà trong những ngày qua, trong giới luật gia Việt Nam, nhiều người đã lên tiếng phản đối vụ xử ông Đoàn Văn Vươn với tội danh “giết người”, cũng như vụ xử những người thân của ông với tội danh “chống người thi hành công vụ”. Trước hết, mời quý vị nghe ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ qua điện thoại ngày 29/03 vừa qua.
Quan điểm của LS Nguyễn Văn Đài không khác gì mấy so với quan điểm của nhiều luật sư khác. Trong bài viết đề ngày 28/03, được đăng trên một số trang mạng, LS Hà Huy Sơn đã đưa ra một vài ý kiến bào chữa cho các bị can trong vụ án Đoàn Văn Vươn. LS Hà Huy Sơn phân tích rằng việc cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãnb là trái pháp luật, cho nên người thực hiện cưỡng chế không phải là người thi hành công vụ.
Cũng theo LS Hà Huy Sơn, việc cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn không phải là nhiệm vụ quốc phòng, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng không được huy động bộ đội để tham gia cưỡng chế. LS Sơn kết luận rằng truy tố anh em ông Đoàn Văn Vươn về tội « giết người » là không có căn cứ pháp lý.
Tờ Sài Gòn Tiếp Thị ngày 09/01 vừa qua cũng đã đăng một bài phỏng vấn luật sư Lê Đức Tiết, phó chủ nhiệm hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật ( Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ) về vụ xử Đoàn Văn Vươn.
LS Tiết nói : « Trong vụ Đoàn Văn Vươn, nếu các cơ quan tư pháp có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định lệnh thu hồi đất của chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là đúng Hiến pháp, đúng luật Đất đai thì mới có thể buộc tội ông Vươn phạm tội chống người thi hành công vụ. Trong khi đó, chính Thủ tướng Chính phủ – người đứng đầu cơ quan hành pháp – cũng từng kết luận rằng quyết định thu hồi đất nói trên là sai. Lệnh cưỡng chế để thi hành quyết định trái luật, do vậy, cũng không thể đúng. Không có quyết định hành chính đúng luật thì không thể có hành vi chống người thi hành công vụ."
Luật sư Lê Đức Tiết khẳng định: "Không thể buộc tội ông Vươn chống lại cái không có trong thực tế. Ông Vươn chỉ chống lại hành vi trái luật của viên chức. Đó là quyền phòng vệ chính đáng của công dân mà luật pháp tất cả các nước trên thế giới và ở nước ta đều công nhận. »
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130401-vu-xu-doan-van-vuon-bi-xem-la-khong-co-co-so-phap-ly