Vàng miếng được bày bán tại một cửa hảng ở Zurich, Thụy Sĩ. Rất nhiều vàng đã được nhập vào Việt Nam do chênh lệch giá trong thời gian qua. Reuters
Thanh Phương - Chuyện các tờ báo chính thức ở Việt Nam lỡ đăng thông tin « nhạy cảm », sau đó buộc phải gỡ xuống, là chuyện chẳng có gì mới mẻ. Thế nhưng, sự kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản ứng rất mạnh đối với bài báo « Rửa » vàng bằng cơ chế của tờ Thanh Niên, đăng trên mạng ngày 24/4, khiến tờ báo này phải vội vã rút bài xuống và hôm sau đăng đính chính trên báo in, đã khiến mọi người chú ý, bởi vì sự kiện này đặt nhiều dấu hỏi về chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bài báo nói trên của tờ Thanh Niên trích dẫn các số liệu của Hiệp hội Vàng thế giới về tổng nhu cầu vàng của Việt Nam trong hai năm 2011 và 2012 để phân tích và đi đến kết luận rằng các chính sách xuất nhập và chuyển đổi vàng khác sang vàng thương hiệu độc quyền của Ngân hàng Nhà nước, tức vàng SJC, trong thời gian qua cho thấy có khả năng « trục lợi chính sách để « rửa » số tiền nhập lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam »
Tuy tờ Thanh Niên không nêu đích danh Ngân hàng Nhà nước, nhưng ngay sau khi bài báo được đăng trên mạng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mở họp báo trong ngày 24/4, bác bỏ hoàn toàn nội dung bài báo của tờ Thanh Niên. Theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, thông tin cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập vàng là nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là « hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước ». Ngân hàng Nhà nước nói thêm là số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo thường niên của Hiệp hội Vàng thế giới chỉ là con số dự tính, chứ không phải số liệu về lượng vàng nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Trước phản ứng của Ngân hàng Nhà nước, tờ Thanh Niên ngay trong ngày hôm đó đã gỡ bài báo nói trên khỏi mạng và ngày hôm sau, 25/04, đã phải đăng đính chính trên báo in. Tờ báo này thanh minh rằng tác giả bài báo "hiểu chưa đúng về các thuật ngữ nên đã nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước." Cụ thể, theo Hiệp hội Vàng thế giới thì nhu cầu giao dịch vàng nữ trang của Việt Nam trong năm 2011- 2012 là 25,5 tấn, trị giá 1,3 tỷ đô la, nhưng tác giả bài viết đã "hiểu không chính xác", nên cho rằng đây là số vàng nhập khẩu, để kết luận sau đó rằng đã có nhập lậu 25,5 tấn vàng nữ trang vào thị trường nội địa trong 2 năm 2011- 2012.
Nhưng dù có lời đính chính của Thanh Niên, Ngân hàng Nhà nước vẫn có một hành động bất thường, đó là gởi công văn yêu cầu Tổng cục an ninh 2 của Bộ Công an điều tra về vụ « Báo Thanh Niên đăng tin sai lệch về chính sách quản lý thị trường vàng », như thể là tờ báo này đã đe dọa đến an ninh quốc gia !
Những lời phản bác, cũng như hành động nói trên của Ngân hàng Nhà nước càng khiến người ta phải đặt nghi vấn về chính sách quản lý vàng của ngân hàng này, trong bối cảnh mà giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá của thế giới và quy luật cung cầu tất yếu dẫn đến việc vàng được nhập nhiều vào thị trường Việt Nam và dĩ nhiên trong số đó không thể loại trừ có vàng nhập lậu.
Trên thực tế đã bắt đầu có những thông tin xác nhận việc nhập lậu vàng. Theo báo chí trong nước ngày 26/04, Công an tỉnh Điện Biên ngày 19/4 vừa qua đã bắt giữ hai người vận chuyển 15kg vàng lậu từ Lào về Việt Nam. Rất có thể đây chỉ là một trong vô số vụ buôn lậu vàng, bởi vì Việt Nam có chung đường biên giới cả ngàn km với các nước láng giềng như Lào và Cam Bốt, làm sao công an có thể ngăn chận hết được.
Báo chí trong nước những ngày qua đã có nhiều bài gián tiếp hoặc trực tiếp chỉ trích chính sách quản lý thi trường vàng, cho nên phải chăng thông qua chuyện bài báo bị xem là "cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước" của tờ Thanh Niên, chính quyền Việt Nam muốn răn đe các báo khác rằng đừng tiếp tục đụng vào đề tài nhạy cảm này?
Chính sách "tạm xuất tái nhập", cũng như những phiên đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tới nay vẫn chưa đạt được tác dụng mong muốn, đó là kéo giá vàng trong nước xuống ngang bằng với giá vàng thế giới. Trên báo Pháp luật TP HCM (25/4), tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã nhận định : “Có thể nói tất cả các chính sách điều hành về thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước áp dụng đến nay đã thất bại hoàn toàn”. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thị trường vàng "đã rơi vào giai đoạn nguy cấp, bởi hễ một mặt hàng nào có chênh lệch giá từ 5 triệu đồng trở lên, thì không có lực lượng hải quan nào quản nổi."
Về phần chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, cũng được tờ Pháp luật TP HCM trích dẫn, thì chỉ trích phản ứng quá mạnh của Ngân hàng Nhà nước đối với tờ Thanh Niên. Bà cho rằng: “Sự phê phán về tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trả lại vàng cho thị trường đều có cơ sở, có căn cứ và cần được lắng nghe thấu đáo”,
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có sức bào chữa, chính sách quản lý thị trường vàng của ngân hàng này đã có quá nhiều điểm bất cập, phi lý, đến mức mà chính phủ Hà Nội đã phải lập một đoàn thanh tra, để thanh tra Ngân hàng Nhà nước về các hoạt động trên thị trường vàng trong khoảng thời gian từ 01/2009 đến 03/2013.
Với một nền kinh tế bị "vàng hóa" như Việt Nam, tức là nền kinh tế mà vàng gần như là một thứ ngoại tệ để trao đổi, thanh toán, sự bất ổn định của thị trường vàng ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung.
Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Quang A về đề tài này:
Chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước bị chỉ trích