Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

HRW: Việt Nam muốn chứng tỏ cải thiện nhân quyền, hãy thả Điếu Cày

Ảnh: Blogger Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải. 

Trà Mi-VOA - Một cơ quan bảo vệ nhân quyền hàng đầu trên thế giới kêu gọi Việt Nam chứng tỏ thiện chí cải thiện nhân quyền cụ thể qua việc phóng thích blogger Ðiếu Cày.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights tố cáo Việt Nam leo thang việc chà đạp nhân quyền và coi thường các Công ước quốc tế về bảo vệ nhân quyền biểu hiện cụ thể qua cuộc tuyệt thực của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải nay đã bước sang ngày thứ 30 tại trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An.

Người nhà của blogger Ðiếu Cày cho hay lý do cuộc tuyệt thực nhằm phản đối việc trại giam ra quyết định biệt giam ông 3 tháng để yêu sách ông ký vào giấy nhận tội.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch:

“Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế hết sức quan ngại về tình trạng của blogger Điếu Cày, người chịu án tù nặng nề chỉ vì đã thực thi quyền tự do căn bản của công dân. Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải cam kết công khai với Điếu Cày và gia đình của ông ta rằng họ sẽ chấm dứt các hành vi ngược đãi và điều tra toàn diện truy cứu trách nhiệm những người liên quan tại trại giam số 6.”

Human Rights Watch thúc giục Hà Nội nhân chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang hãy phóng thích nhà báo tự do Điếu Cày, một trường hợp tiêu biểu được quốc tế đặc biệt quan tâm, mà đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu lên.

Ông Robertson:

“Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ sẵn sàng cải thiện nhân quyền, họ phải phóng thích Điếu Cày ngay lập tức vì ông là một trong những blogger nổi bật nhất tại Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, kể từ khi thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, blogger này đã phải chịu sự đàn áp hết sức nghiêm trọng.”

Ông Robertson nhấn mạnh:

“Phóng thích Điếu Cày là một tín hiệu mà Việt Nam nên gửi tới Hoa Kỳ để chứng tỏ rằng Hà Nội sẵn sàng xem xét các vấn đề nhân quyền của họ một cách nghiêm túc để cải tổ. Không phóng thích Điếu Cày hoặc không có hành động gì đối với trường hợp này sẽ là một thông điệp cho thấy Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục chà đạp nhân quyền cho dù Washington có nói gì hay làm gì đi nữa.”
Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ sẵn sàng cải thiện nhân quyền, họ phải phóng thích Điếu Cày ngay lập tức...Trong suốt nhiều năm qua, kể từ khi thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, blogger này đã phải chịu sự đàn áp hết sức nghiêm trọng... Ông Phil Robertson, Human Rights Watch. 
Thân nhân blogger Điếu Cày cho biết trong cuộc gặp chưa đầy 5 phút hôm 20/7 vừa qua, tình trạng của ông hết sức nguy kịch.

Anh Nguyễn Trí Dũng, con trai Điếu Cày:

“Bố em thậm chí nói còn không rõ nữa. Khi em bước vào, bố em nằm bẹp ở trên bàn. Sắc mặt ông đã tái xanh, em không thể nào nhận ra được. Mặt ông móp vào, rất là gầy. Khi nói chuyện, ông không đủ sức để đưa câu chuyện ra một cách mạch lạc. Ông rất là yếu rồi. Bố em nói với em ông đã tuyệt thực qua 27 ngày rồi. Bố em xác định như vậy. Cho tới ngày hôm nay đã là 30 ngày (ông tuyệt thực).”

Cũng như trường hợp tuyệt thực mới đây của nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, giám thị trại giam nói blogger Điếu Cày không tuyệt thực mà chỉ từ chối xuất ăn của trại.

Theo lời anh Dũng, blogger Điếu Cày nói ông chỉ còn cách duy nhất để thư tố cáo-khiếu nại của ông được xem xét là đấu tranh bằng cách tuyệt thực vì tất cả đơn từ trước nay của ông đều không được chuyển đi.

Về nội dung thư khiếu nại lần này của blogger Điếu Cày, con trai ông cho biết thêm:

“Ông khiếu nại việc trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An, ra quyết định trái pháp luật biệt giam ông 3 tháng với lý do theo điều 27, khoản 2 theo các mục biệt giam dành cho người bị bệnh tâm thần, người bị bệnh truyền nhiễm, và người tái phạm nhiều lần nội quy trại giam. Cả ba khoản mục này bố em đều không rơi vào.”

Thư khiếu nại của blogger Điếu Cày gửi ra cách nay gần 1 tháng, nhưng vẫn chưa tới tay Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An, theo thông báo của Viện trong cuộc tiếp xúc với thân nhân của ông sáng ngày 22/7.

Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam