Ảnh: Bà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, tại buổi lễ trao giảiSakharov ở Strasbourg, Pháp, 22/10/13
VOA - 22.10.2013 - Hơn hai thập niên bị trễ, cuối cùng nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã được lãnh giải thưởng nhân quyền Sakharov của Liên Hiệp Châu Âu.
Bà được tặng giải này năm 1990. Nhưng chính phủ quân nhân Miến Điện điều hành việc nước tới năm 2011, đã không cho phép bà rời khỏi đất nước đi nhận lãnh giải thưởng này.
Lên tiếng trước quốc hội Châu Âu ở thành phố Strasbourg, nước Pháp hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo đối lập của Miến Điện nói rằng, đây là một dịp vui mừng cho bà, nhưng việc đem lại dân chủ đầy đủ cho nước bà vẫn còn đang tiếp diễn. Bà nói:
“Ông Andrei Sakharov chắc hẳn đã cầu chúc cho chúng tôi được ở một nơi mà tự do tư tưởng cho mỗi công dân là quyền bẩm sinh của tất cả mọi công dân. Và để đạt được vị trí đó của một xã hội mà sẽ được sự chấp thuận của Giáo sư Sakharov, chúng tôi sẽ phải làm việc tích cực hơn nhiều. Nhân dân nước chúng tôi sẽ phải thực hiện phần lớn các công việc, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng tất cả quý vị sẽ trợ giúp chúng tôi trong mọi cố gắng của chúng tôi.”
Trong chuyến đi Châu Âu của bà, nhân vật được trao tặng giải Nobel Hòa Bình này kêu gọi các quốc gia Châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ bà trong nỗ lực thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp Miến Điện.
Đảng đối lập Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ muốn bãi bỏ một lệnh cấm các công dân có người phối ngẫu hay con cái mang quốc tịch nước ngoài được ra tranh cử Tổng thống. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng của bà Aung San Suu Kyi được ra tranh cử Tổng thống vào năm 2015, bởi vì các con của bà mang quốc tịch Anh.
Phe đối lập cũng muốn bãi bỏ một vị trí đặc biệt trong chính trị mà hiến pháp hiện nay dành cho phe quân đội.
Một phát ngôn nhân của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, ông Nyan Win, đã nói với ban Miến Ngữ đài VOA rằng đảng đối lập đang thực hiện một cuộc thăm dò thái độ của công chúng đối với việc sửa đổi hiến pháp.
Ông Nyan Win nói rằng hầu hết những người trả lời cuộc thăm dò đều đồng ý sửa đổi hiến pháp, đặc biệt là tại một thị trấn ở Khu Pago phía bắc Rangoon, dân chúng thậm chí còn nhấn mạnh tới việc soạn lại toàn bộ hiến pháp. Nhưng đảng của ông còn đang chờ đợi thêm dữ liệu, đang tiếp tục gởi về.
Ông cho biết cuộc thăm dò này sẽ tiếp tục cho tới giữa tháng 11.
Miến Điện đã được ca ngợi về những cải tổ chính trị của họ trong hai năm qua, trong đó có cuộc bầu cử cho phép bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà thắng được con số đáng kể các ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, quân đội và các đồng minh chính trị của họ vẫn còn kiểm soát quốc hội và nắm được quyền hành đáng kể.