Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Jessica Cox - Người phụ nữ lái máy bay bằng chân đầu tiên của thế giới


Hồng Hoa - 19.10.2013 - Vào năm 1983 tại Sierra Vista, bang Arizona, một bé gái ra đời không có cánh tay. Cô bé có thể sống lây lất, trong tình huống không ai đặt nhiều kỳ vọng nơi cô. Nhưng 14 năm sau, bé gái ấy không chỉ sống khỏe mạnh mà còn giành được đai đen Taekwondo của Liên hiệp Taekwondo Quốc tế. Sau đó trong thời gian theo học ngành tâm lý tại trường đại học Arizona, cô trở thành người không tay đầu tiên giành được đai đen Taewkondo của Hiệp hội Taekwondo Hoa Kỳ. Vào ngày 10 tháng 10 năm 2008, cô gái đặc biệt này đã có được bằng lái máy bay và vào năm 2011, tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận cô là người đầu tiên lái máy bay bằng chân. Hiện nay, bé gái sơ sinh không tay năm nào nay đã trở thành một diễn giả quốc tế đã đặt chân tới 20 quốc gia xuyên suốt sáu châu lục với hy vọng chia sẻ những thông điệp truyền cảm hứng sống cho mọi người trên khắp thế giới. Cô gái ấy là Jessica Cox. VOA Tiếng Việt đã may mắn có cơ hội được trò chuyện với cô gái phi thường này qua Skype. Xin mời quý vị cùng theo dõi bài phỏng vấn với cô Jessica Cox do Hồng Hoa thực hiện.

VOA: Xin chào chị Jessica. Chân thành cảm ơn chị một lần nữa đã nhận lời phỏng vấn với đài VOA. Được biết, hiện chị là một diễn giả quốc tế có những bài diễn thuyết truyền thông điệp cảm hứng trên khắp thế giới và chị cũng có một tổ chức hoạt động mang tên chị nhằm đem lại động lực sống cho mọi người. Vậy khi còn nhỏ, điều gì hay ai là nguồn cảm hứng, động lực sống của chị?

Chị Jessica Cox: Cha mẹ tôi ủng hộ tôi rất nhiều trong mọi việc. Mẹ tôi thường nói với tôi rằng Thượng đế dành cho con một kế hoạch riêng và con có thể làm bất cứ điều gì con muốn. Bà nói với tôi điều đó mỗi khi tôi nổi giận hay không chắc chắn về bản thân mình. Bà đã khích lệ tôi, và phần nào giúp tôi trở thành con người tôi ngày hôm nay. Bà là nguồn động lực, nguồn cảm hứng cho tôi như thế. 

Còn cha của tôi là người đã tạo ra cho tôi một nền tảng cơ bản là hãy biết chấp nhận. Bạn sẽ không bao giờ thấy tôi là một nạn nhân. Ông là người truyền cho tôi sức mạnh để tin tưởng một điều rằng tôi không phải là nạn nhân của một tật nguyền nào đó, mà đơn giản đó là con người thật của tôi. Vì thế mà cha tôi đã cho tôi sự tự tin mạnh mẽ này, còn mẹ tôi luôn nói với tôi là tôi có thể làm bất cứ điều gì.

VOA: Vậy việc trở thành một phi công cũng do cha mẹ chị khuyến khích chị hay đó là ước mơ của riêng chị?

Chị Jessica Cox: Thực tế thì cha mẹ tôi không có khuyến khích tôi trở thành một phi công, mà đó là điều mà tôi tự mình quyết định. Thực ra trong gia đình tôi, không có ai làm phi công cả. Tôi chưa bao giờ ngồi trong một chiếc máy bay động cơ đơn trong đời cho tới khi tôi có trải nghiệm ngồi trong đó, và chỉ tới lúc đó tôi mới có quyết định trở thành một phi công. Lúc đó tôi lên 21 tuổi. Tôi đã sống suốt 21 năm mà không hề biết cảm giác ngồi trong một chiếc máy bay cỡ nhỏ nó như thế nào cho tới giây phút đó. 

VOA: Trong cuộc sống hàng ngày, khi đó chị đã phải đối mặt với những khó khăn gì?


Chị Jessica Cox: Điều khó khăn rõ ràng nhất là tôi khác biệt với những người còn lại và phải đối phó với những bạn nhỏ khác, những người luôn đặt ra cho tôi những câu hỏi không phải lúc nào cũng lịch sự, đôi khi rất xấu. Những thử thách mang tính tinh thần cũng là những điều tôi phải đối mặt. Một vài thách thức bên ngoài như tự mình mặc quần áo, thật không đơn giản cho nhiều người nếu phải tự mặc quần áo bằng chân. Đó đã trở thành một hành trình của riêng tôi xuyên suốt 10 năm, tự mình tìm cách trở thành một con người độc lập. 

Khi còn nhỏ, tôi sống gần trường tiểu học nên có lúc tôi đi bộ, có lúc cha mẹ đưa tôi tới trường. Đến năm tôi lên lớp 8, tôi bắt đầu đi xe buýt đi học cho tới hết năm lớp 9. Sau đó khi học cấp 3 thì tôi đi học cùng anh trai nên chúng tôi cùng lái xe tới trường. 

Bạn biết không, điều ngạc nhiên là có rất nhiều bạn nhỏ đã rất tò mò, một cách bản năng thôi, là tại sao tôi bị mất tay, trong khi thực ra tôi chưa bao giờ có tay từ khi tôi chào đời cả. Vì thế mà có nhiều lúc mà chúng tò mò và muốn hỏi tôi. Một số người thì cũng không lịch sự cho lắm. Có những đứa nhỏ khá ồn ào và cũng không lễ phép. Chúng có chọc ghẹo tôi. Nhưng ngoài những điều đó thì phần lớn, tôi phải nói là tôi rất may mắn vì có được những người bạn tốt dám đứng lên bảo vệ tôi. Khi tôi đi học bằng xe buýt, tôi có gặp được nhiều người bạn tốt mà tôi nghĩ là khi bạn có ít nhất một người bạn, chuyện gì cũng có thể trở nên dễ dàng hơn.

VOA: Được biết là chị đã đi nhiều quốc gia để diễn thuyết, vậy chị có thể kể tên một vài quốc gia chị đã từng tới được không? 

Chị Jessica Cox: Tôi đã từng đến Sri Lanka, Malaysia, Italy, Hy Lạp, Vatican, El Savador, Guatamala, Canada, Mexico. Tôi vừa đến Hàn Quốc năm nay. Ngoài ra còn có Ethiopia, Kenya, Ghana. Như vậy tôi đến châu Phi ba lần rồi. 

VOA: Đã đi diễn thuyết nhiều như vậy nên có lẽ chị cũng đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong mỗi lần diễn thuyết. Vậy câu chuyện nào khiến chị ấn tượng nhất?

Chị Jessica Cox: Một trong những bài diễn thuyết mà tôi sẽ không bao giờ quên đó là lần tôi diễn thuyết ở Ghana, Châu Phi. Lý do mà tôi sẽ không bao giờ quên lần đó là vì có một người phụ nữ đã tới gặp tôi trên sân khấu. Cô ấy cũng là một người sinh ra mà không có tay. Khi cô ấy kể cho tôi nghe câu chuyện của cô ấy và đó là một câu chuyện buồn. Khi cô ấy sinh ra, cộng đồng nơi cô ấy sống nghĩ rằng cha mẹ cô ấy nên bỏ rơi cô ấy. Lúc còn là một đứa trẻ sơ sinh, người ta khuyến khích mẹ cô đem cô vào rừng và bỏ cô ấy ở đó vì họ không nghĩ là cô ấy có cơ hội sống sót. Quả thực rất khó khăn khi nghe chuyện của cô ấy. Nhưng mẹ của cô đã quyết định không nghe theo mọi người mà bỏ rơi cô. Bởi vì có một người qua đường nói với mẹ cô rằng bà không nên bỏ rơi mà nên tiếp tục nuôi dưỡng con, nên cho cô ấy một cơ hội sống. Và bà đã làm như vậy. Bà ấy lén lút nuôi cô con gái Louise của mình, và Louise giờ đã đã trở thành một cô giáo mầm non. Cô ấy thường dạy những đứa trẻ rằng khác biệt không có vấn đề gì cả. Cho dù không có tay, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục sống và tạo ra sự khác biệt cho thế hệ kế tiếp, và hy vọng rằng chúng có thể thay đổi suy nghĩ về những người khuyết tật. 

Câu chuyện này đã truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi và cũng tác động rất lớn đến tôi vì tôi đã may mắn sinh ra ở đây, được tiếp tục sống cho dù không có tay. Nhưng ở những nước khác, không phải ai cũng may mắn có được cơ hội này. Nếu có người bị tật nguyền ở một bộ phận nào đó, đôi khi họ sẽ bị bỏ rơi cho đến chết hay bị đem đến một trại mồ côi hay một viện chăm sóc nào đó. Đây quả là một trải nghiệm giúp tôi mở mang được thêm nhiều điều. 

VOA: Nếu có ai một ai đó sống ở một nước kém phát triển hoặc đang phát triển nói với chị rằng bởi vì chị vốn đã được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, một quốc gia phát triển, nên chị có nhiều cơ hội tốt hơn họ như việc được đi học, được thực hiện những giấc mơ của mình, hay làm bất cứ điều mà chị muốn. Vậy chị sẽ nói với họ điều gì? 

Chị Jessica Cox: Tôi cho rằng câu nói đó là đúng khi tôi nhận được nhiều cơ hội tốt. Nhưng bây giờ, tôi sẽ là người tận dụng cơ hội của mình, là được sống trong một nền dân chủ, góp tiếng nói của mình để một công ước về người tàn tật sẽ được thông qua. Công ước này về cơ bản sẽ giúp tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới, dĩ nhiên từng nước cũng sẽ phải thông qua công ước đó, nhưng về cơ bản công ước này sẽ bảo vệ quyền lợi và tạo ra cơ hội đồng đều cho tất cả những người tật nguyền ở khắp mọi nơi. Vì thế tôi đang tiếp tay vận động để công ước này được thông qua, để nếu có ai sinh ra cũng như tôi, nếu họ không sống ở Mỹ mà ở một nơi khác, thì họ cũng sẽ được hưởng những quyền lợi mà tôi có khi ở nước Mỹ này. 

Khi tôi tới nhiều nước diễn thuyết, tôi không chỉ muốn đem lại hy vọng, cảm hứng cho những người như tôi, mà còn hy vọng thay đổi suy nghĩ của bản thân những người khuyết tật rằng họ có thể thay đổi được thái độ của những người khác về họ, và còn cho cả thế giới thấy rằng nếu ai đó bị khuyết tật, không có nghĩa là không thể làm được những gì mà họ muốn. 

VOA: Ước mơ khi chị còn nhỏ là được trở thành một phi công và bây giờ chị đã làm được điều đó. Vậy ước mơ, nguyện vọng tiếp theo của chị là gì? 

Chị Jessica Cox: Chúng tôi đang thực hiện một bộ phim tài liệu với hy vọng là có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn nữa, ngoài những người mà tôi đã có cơ hội được gặp. Với bộ phim tài liệu này, chúng tôi hy vọng sẽ được tiếp cận hàng triệu người khác, sẽ truyền cảm hứng cho họ theo cách mà tôi đã làm khi diễn thuyết trên sân khấu. Bộ phim này được thực hiện để giúp tôi đến với những người ở những nơi mà tôi không bao giờ có cơ hội tới thăm, bởi vì dù sao tôi cũng chỉ là một người thôi và tôi không thể đến gặp mọi người ở khắp nơi trên thế giới được. Chúng tôi đang thực hiện bộ phim tài liệu này và đang hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều sự ủng hộ về tài chính, dù ít dù nhiều, để có thể biến ước mơ đưa bộ phim tới mọi người trên khắp nơi trở thành hiện thực. Chúng tôi đã thực hiện hết các cảnh quay và đang trong giai đoạn hậu kỳ để có thể hoàn thành bộ phim trọn vẹn và đem bộ phim đó tới thế giới. Vì vậy, nếu có ai quan tâm muốn tìm hiểu thêm về bộ phim này thì có thể ghé thăm website của tôi ở địa chỉ Rightfooted.com

VOA: Trong số rất nhiều điều mà chị đã chia sẻ với những khán giả của mình, điều gì là quan trọng nhất mà chị muốn họ ghi nhớ? 

Chị Jessica Cox: Có nhiều người thấy những gì mà tôi đã làm được, và họ nhận ra rằng không có gì là không thể. Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ, thông điệp quan trọng tôi muốn gửi tới mọi người là sự chấp nhận. Tất cả mọi người, cho dù là có khuyết tật hay không, đều cần phải chấp nhận con người thật của chính họ. Đó là điều mà tôi hy vọng mọi người có thể hiểu là họ cần phải chấp nhận những thử thách riêng mà cuộc sống dành cho họ và bản thân họ. Và đó cũng chính là điều mà tôi cũng phải học cách chấp nhận, đương đầu với nó trong suốt cuộc đời. Không phải lúc nào tôi cũng là một con người tràn đầy tự tin, nhưng tôi phải chấp nhận con người của tôi và phát triển sự tự tin của mình. Và đó là điều mà tôi hy vọng có thể chia sẻ với mọi người. Thông điệp của tôi đó là không có giới hạn nào cho chúng ta cả mà chỉ có chúng ta giới hạn khả năng của chính chúng ta thôi. Một thông điệp quan trọng khác đó là phải chấp nhận con người thật của chúng ta và hãy luôn yêu thương chính mình. 

VOA: Một lần nữa xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị Jessica đã dành cho VOA. Xin chúc chị những điều tốt đẹp nhất trong sự nghiệp bao gồm việc phát hành bộ phim tài liệu và những chuyến đi diễn thuyết khắp thế giới, và trong cuộc sống.

Nguồn: Phỏng vấn qua Skype với VOA; RIGHTFOOTED.COM


Tuyên Cáo của Tuổi Trẻ Việt Nam